Ngày 10 tháng 10 năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở.
Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH. Ảnh chụp màn hình |
Công văn nêu “Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục phổ thông đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cho thấy việc phân công và sắp xếp giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục còn khó khăn, vướng mắc”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc.
Môn tích hợp từ dạy song song đến bắt buộc dạy cuốn chiếu
Năm học 2021-2022, về thực hiện môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn 3699/BGDĐT-GDTrH.
Theo đó hướng dẫn, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kỳ, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
Tức là các cơ sở giáo dục có thể phân môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đồng thời (dạy song song mỗi đơn môn với số tiết theo tỷ lệ nhất định).
Khi phân công song song gặp phải khó khăn khi 2,3 thầy dạy 1 môn học, thiếu sự logic, thiếu tính tích hợp, khó khăn trong việc ra đề kiểm tra, đánh giá, nhận xét người học,…
Tuy nhiên, năm học 2022-2023, ngày 19/4/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 1496 hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục dạy cuốn chiếu đối với môn Khoa học tự nhiên. Có nghĩa, môn học này dạy nối tiếp, theo tính liên tục của các chủ đề trong sách giáo khoa chứ không phân chia ra từng mảng để dạy song song như năm học 2021-2022 nữa.
Việc bắt buộc dạy cuốn chiếu, khiến giáo viên quá tải có tuần dạy trên 30 tiết, đa số thiết kế môn Khoa học tự nhiên thiết kế phần đầu phân môn Hóa học đến phân môn Vật lý, cuối cùng là Sinh học nên giáo viên dạy cuốn chiếu sẽ quá tải, ban giám hiệu phân công thời khóa biểu vô cùng khó khăn, đổi liên tục, vẫn gặp khó khăn trong việc 2, 3 giáo viên dạy 1 môn, đánh giá, cho điểm,..
Công văn 5636, Bộ Giáo dục cho phép dạy các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đồng thời (song song)
Tại mục 1 Công văn 5636 đối với môn Khoa học tự nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn:
Về phân công giáo viên: Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung được phân công. Việc phân công giáo viên dạy học từ 02 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn Khoa học tự nhiên phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Về xây dựng kế hoạch dạy học, công văn 5636 hướng dẫn trong trường hợp gặp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, địa điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình để xếp thời khóa biểu phù hợp với việc phân công giáo viên, đáp ứng yêu cầu về tính sư phạm (bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau) và khả năng thực hiện của giáo viên (tham khảo khung Phụ lục 1).
Về nội dung này không còn quy định bắt buộc giáo viên dạy theo logic sắp xếp tuyến tính, không bắt buộc dạy học cuốn chiếu, tùy điều kiện có thể dạy đồng thời các mạch nội dung của 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (theo quy định tại Phụ lục 1 công văn này).
Với môn Khoa học tự nhiên 7, trước đây phần Nguyên tử, Nguyên tố hóa học (8 tiết), Sơ lược về bảng tuần hoàn Nguyên tố hóa học (7 tiết), Phân tử (13 tiết) (thuộc phân môn Hóa học) được sắp xếp ở đầu học kỳ I.
Với Công văn 5636, Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí Nguyên tử, Nguyên tố hóa học (8 tiết), Sơ lược về bảng tuần hoàn Nguyên tố hóa học (7 tiết) ở học kỳ I, phần Phân tử (13 tiết) được bố trí ở học kỳ II.
Có thể bố trí dạy đồng thời (song song) các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Đối với môn Khoa học tự nhiên 6,7,9 cũng có hướng dẫn tương tự. Giáo viên có thể tham khảo Phụ lục 1 của Công văn 5636 để thực hiện.
Về tổ chức kiểm tra, đánh giá: Do dạy theo hình thức song song hay cuốn chiếu thì việc vẫn có 2,3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên. Công văn 5636 hướng dẫn đối với kiểm tra thường xuyên, giáo viên dạy nội dung nào kiểm tra, đánh giá nội dung đó.
Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp cùng với giáo viên môn học ở lớp đó thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh, học bạ. Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kỳ được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra. Hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp điểm.
Đối với môn Lịch sử và Địa lý, Công văn 5636 cũng có hướng dẫn tương tự.
Vẫn còn nhiều băn khoăn, vướng mắc về môn tích hợp sau Công văn 5636
Sau Công văn 5636 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng khiến các trường cũng bớt được phần nào khó khăn, quá tải của giáo viên, khó khăn trong sắp thời khóa biểu trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, với tư cách là giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học này, cá nhân người viết nhận thấy vẫn còn nhiều vướng mắc lớn trong quá trình triển khai thực hiện ở các năm tiếp theo vì các nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, kế hoạch năm học 2023-2024 khó thay đổi kịp
Công văn 5636 được ký ngày 10/10/2023, tuy nhiên hiện nay các cơ sở giáo dục mới tiếp cận nên sẽ không kịp thay đổi, điều chỉnh trong năm học này và cả học kỳ II vì các phân môn đã triển khai theo hình thức cuốn chiếu hoặc giao 1 giáo viên phụ trách cả môn từ đầu năm học.
Thứ hai, vẫn 2,3 giáo viên dạy 1 môn
Dù cho phép dạy theo hình thức song song, thực tế đây là cách làm trước đây đã có thực hiện, vẫn 2-3 giáo viên dạy một môn học, thiếu sự liên thông, tích hợp.
Một quyển sách Khoa học tự nhiên sẽ chia làm 3 phần cho 3 giáo viên giảng dạy, sẽ vô cùng phức tạp cho việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh. Tức chỉ có bìa sách là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, nội dung còn lại vẫn là đơn môn.
Thứ ba, 2,3 giáo viên đánh giá 1 học sinh
Nếu 2,3 giáo viên dạy một môn học theo hình thức logic tuyến tính hay song song thì vẫn 2,3 giáo viên đánh giá 1 học sinh.
Mỗi học sinh có năng lực khác nhau, có em có năng lực vật lý (năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời), có em có năng lực hóa học (chất và sự biến đổi), có em có năng lực sinh học (vật sống) nhưng khi dạy cả 3 giáo viên phải đánh giá học sinh là khiên cưỡng.
Thứ tư, sổ điểm cá nhân, học bạ sẽ không phù hợp
Theo Công văn 5636, ví dụ môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên giảng dạy, hiệu trưởng sẽ phân công 1 người chủ trì để tổng hợp điểm, vào điểm phần mềm, học bạ,…
Tuy nhiên, điều đó là không phù hợp vì cả 3 giáo viên giảng dạy nhưng lại chỉ có 1 giáo viên tổng hợp điểm, nhận xét, đánh giá, ký tên vào sổ điểm, học bạ,…là khó phù hợp.
Như vậy ai sẽ chịu trách nhiệm, không thể yêu cầu người chủ trì tổng hợp điểm, chịu trách nhiệm.
Ví dụ, nếu giao giáo viên phân môn Sinh học chủ trì nhận xét, đánh giá học sinh, thì giáo viên trên nhận xét ra sao với môn Hóa học, Vật lý.
Cách ghi sổ điểm cá nhân cũng sẽ vô cùng phức tạp vì 2,3 giáo viên dạy 1 môn học.
Thứ năm, học sinh sẽ thi lại ra sao
Nếu học sinh học trung bình, khá 2 phân môn Vật lý, Sinh học nhưng học kém phân môn Hóa học, tuy nhiên vì nó là môn học nên học sinh nếu thi lại sẽ phải thi lại cả 3 phân môn, rất thiệt thòi cho các em
Thực tế, giáo viên và học sinh cả nước rất mong được điều chỉnh môn tích hợp một cách cụ thể hơn. Thực trạng 1 giáo viên dạy 2,3 phân môn là không thể, 2,3 giáo viên dạy 1 môn học thì lại quá rắc rối, phức tạp.
Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp tục xem xét, điều chỉnh môn tích hợp ở bậc trung học để giáo viên an lòng, chuyên tâm vào dạy học.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/bo-truong-gd-dt-se-xem-xet-quyet-dinh-dieu-chinh-mon-tich-hop-som-185230815112115976.htm
[2] Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.