Nhìn thẳng tồn tại của 2 môn tích hợp cấp trung học cơ sở để tìm giải pháp

08/08/2023 06:48
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bồi dưỡng kiến thức để có chứng chỉ thì không khó, cái khó là làm sao giáo viên có thể đảm nhận được 1-2 phân môn còn lại đối với những môn học tích hợp.

Hơn 6 năm về trước, khi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Chương trình tổng thể (Chương trình giáo dục phổ thông 2018) thì trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) đã có nhiều bài viết phân tích về những bất cập của 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử Địa lý ở cấp cấp trung học cơ sở.

Bên cạnh đó là những bài phỏng vấn thầy Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018; thầy Mai Sỹ Tuấn- Tổng chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên cùng với rất nhiều bài phản biện về 2 môn học tích hợp.

Hai năm qua, khi Bộ triển khai chương trình mới đối với lớp 6 và lớp 7 cũng thường xuyên có những bài viết phản ánh về những khó khăn trong việc bố trí nhân sự; sắp xếp thời khóa biểu; nội dung các chủ đề trong sách giáo khoa…ở các trường học.

Những khó khăn và bất cập ở các môn học tích hợp là điều mà nhiều giáo viên, những người trong cuộc đang nhìn thấy, đang đối diện hàng ngày. Đặc biệt, lãnh đạo Bộ cũng đã nhìn ra những khó khăn mà các nhà trường, đội ngũ nhà giáo dạy tích hợp đang phải trải qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đào tạo 1 giáo viên dạy đúng chuyên ngành mất 3-4 năm, bồi dưỡng vài tháng có thể dạy được cả môn tích hợp?

Hàng chục năm qua, khi đào tạo sinh viên sư phạm cho cấp trung học cơ sở nếu ở trình độ cao đẳng, sinh viên sẽ học 2 chuyên ngành, một chuyên ngành chính và một chuyên ngành phụ theo tỉ lệ 7-3 (70% cho môn chính và 30% cho môn phụ). Ra trường, chủ yếu giáo viên được phân công giảng dạy theo ngành đào tạo chính.

Đối với những sinh viên sư phạm đại học thì chỉ đào tạo 1 chuyên ngành chính và ra trường sẽ được địa phương tuyển dụng, nhà trường phân công môn học đã được đào tạo.

Thế nhưng, thực tế ở nhiều trường học, có những giáo viên mỗi khi được phân công dạy khối mới vẫn cảm thấy khó khăn. Thậm chí, trong tổ có giáo viên bệnh mà bố trí giáo viên đang dạy khối khác dạy thay thì họ vẫn tìm cách thoái thác.

Điều đó cho thấy ngay cả khi giáo viên dạy đúng môn học của mình, cấp học của mình nhưng chỉ phân công dạy sang khối khác đã có những giáo viên gặp khó khăn.

Chính vì vậy, khi Bộ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở, các môn học độc lập: Hóa học, Sinh học, Vật lí, Lịch sử, Địa lý được “tích hợp” thành 2 môn học: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cơ sở.

Trước những thực tế và khó khăn hiện nay khi dạy các môn học tích hợp, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27/7 vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là một thách thức lớn đang đặt ra và cho rằng môn tích hợp là câu chuyện “quả trứng và con gà”.

Nghị quyết 88 của Quốc hội yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp trung học cơ sở. Nếu chương trình không thiết kế môn tích hợp thì các trường sư phạm không có căn cứ để đào tạo giáo viên dạy tích hợp. Khi bắt đầu thực hiện thì phải dùng đội ngũ giáo viên cũ, tập huấn dần để chuyển đổi chứ không thể đợi đến 4 năm đào tạo giáo viên dạy tích hợp ra trường rồi mới thực hiện chương trình này”. [1]

Tuy nhiên, kể cả khi Bộ ban hành 2 quyết định, đó là Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý thì những băn khoăn của giáo viên cũng không hết.

Bồi dưỡng kiến thức để có chứng chỉ thì không khó, cái khó là làm sao giáo viên có thể đảm nhận được 1-2 phân môn còn lại đối với những môn học tích hợp.

Phần nhiều giáo viên được biên chế hàng chục năm qua ở các trường trung học cơ sở đang dạy 5 môn học: Hóa học, Sinh học, Vật lí, Lịch sử, Địa lý cũng đồng nghĩa họ đã bỏ kiến thức phổ thông quá lâu.

Học cao đẳng hay đại học cũng chỉ tập trung dạy 1-2 chuyên ngành, ra trường cũng chỉ được phân công dạy 1 môn học hàng chục năm như vậy rất khó để giáo viên có thể làm chủ kiến thức các phân môn còn lại của môn tích hợp, nhất là đối với môn Khoa học tự nhiên có rất nhiều công thức, khái niệm, kí hiệu, khối lượng nguyên tử và các dạng toán khác nhau.

Chủ trương tích hợp nhưng chương trình, sách giáo khoa đang viết riêng lẻ

Hai năm học vừa qua, ngành giáo dục đã triển khai giảng dạy chương trình mới ở lớp 6 và lớp 7, năm học tới đây tiếp tục triển khai ở lớp 8.

Tuy nhiên, cho dù Bộ chủ trương “tích hợp” các môn học độc lập của chương trình 2006, gồm: Hóa học, Sinh học, Vật lí, Lịch sử, Địa lý thành 2 môn học mới, đó là: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý nhưng thực chất chỉ là ghép môn và mang tính khiên cưỡng, gò ép mà thôi.

Sách giáo khoa tích hợp nhưng lại được viết riêng biệt theo từng chủ đề của từng phân môn. Ngay cả tác giả chương trình, tác giả biên soạn sách giáo khoa cũng không thể biên soạn được cả kiến thức của môn tích hợp. Điều này thể hiện rõ ở ngay các trang bìa sách giáo khoa các môn tích hợp khi để tên tác giả từng phân môn cụ thể.

Nội dung kiến thức trong sách giáo khoa các môn tích hợp hiện nay cũng không phải là tích hợp. Bởi lẽ, một khi đã gọi là môn học tích hợp thì kiến thức có liên quan sẽ trong 1 bài học chứ không phải là các đơn vị kiến thức đứng độc lập với nhau.

Chương trình vẫn thiết kế riêng, biên soạn sách giáo khoa như hiện nay đang được thực hiện riêng biệt. Lịch sử riêng, Địa lý riêng thành 2 phần; các chủ đề của môn Khoa học tự nhiên cũng được bố trí riêng từng phân môn thì chẳng qua là gom 2-3 phân môn vào 1 cuốn sách rồi gọi đó là môn học tích hợp.

Việc tích hợp bây giờ chỉ là giảm được số điểm thường xuyên và định kỳ vì ghép 2-3 môn độc lập vào 1 môn tích hợp, còn mọi thứ gần như vẫn không có gì thay đổi. Học sinh vẫn phải học các môn độc lập như trước đây.

Vì thế, việc giảng dạy đại trà cho học sinh phổ thông đối với môn học tích hợp đã khó, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng cho học sinh thi vào các trường trung học phổ thông chuyên còn khó hơn nhiều. Một giáo viên thì chưa thể dạy được 2-3 phân môn nhưng chẳng lẽ 1 môn học mà học sinh phải học với 2-3 thầy cô mãi?

Học như hiện nay, làm sao học sinh nắm được kiến thức đủ đầy để thi thố sau này. Một khi mọi thứ còn mơ hồ thì dẫn đến hiệu quả giáo dục thực sự của các môn học bị kéo xuống. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập, mục tiêu, ước mơ của học sinh sau này.

Việc chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ trương tích hợp 5 môn học độc lập ở chương trình 2006 thành 2 môn học tích hợp rõ ràng còn khá nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Hiện nay, sách giáo khoa đang viết độc lập từng phân môn; các tác giả sách giáo khoa riêng từng phần; nội dung bồi dưỡng theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT cũng thiết kế theo từng chủ đề; giáo viên đi bồi dưỡng cũng học theo từng phân môn với các giảng viên khác nhau.

Thế nhưng, việc triển khai lại chủ trương cho 1 giáo viên dạy cả môn học tích hợp đang gây khó cho các trường. Vì thế, Bộ cần có những giải pháp, những chỉ đạo tháo gỡ, chứ không thể “giao quyền tự chủ cho nhà trường” mãi được. Hiệu quả của 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở rồi sẽ ra sao nếu như vẫn nảy sinh bất cập như 2 năm học vừa qua?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/bo-truong-bo-gd-dt-hai-con-duong-cho-mon-tich-hop-185230728012841408.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI