Kỳ vọng vào sự thay đổi và điều chỉnh đối với các môn tích hợp

18/08/2023 06:42
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiếp tục, dừng lại hay điều chỉnh các môn tích hợp trong thời điểm hiện nay là điều cần cân nhắc cụ thể, hợp lý để không xảy ra những xáo trộn quá lớn.

Hai năm học vừa qua, việc Bộ đưa một số môn học tích hợp vào cấp trung học cơ sở đã có rất nhiều ý kiến lên tiếng về tính hiệu quả và bất cập khi thực hiện, triển khai ở các nhà trường. Trường học mỗi tuần phải sắp xếp thời khóa biểu 1 lần, mỗi môn học tích hợp đang phải bố trí từ 2-6 giáo viên giảng dạy ở nhiều thời điểm khác nhau khiến cho tính chất “tích hợp” trở nên khiên cưỡng, rời rạc. Từ đó, dẫn đến hiệu quả của môn học không được như kỳ vọng.

Trước thềm năm học thứ 3 ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học cơ sở, lãnh đạo Bộ đã có một số lần chia sẻ về các môn học tích hợp và mới đây nhất, tại sự kiện “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết rằng sẽ xem xét, quyết định điều chỉnh môn tích hợp sớm.

Thông tin điều chỉnh các môn tích hợp được thầy Nguyễn Kim Sơn chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà giáo đang dạy các môn học tích hợp và họ luôn hy vọng vào sự điều chỉnh phù hợp từ bộ phận chuyên môn của Bộ trong thời gian tới đây.

Môn Khoa học tự nhiên đang khiến giáo viên gặp khó khăn nhiều nhất. Ảnh minh họa: Hương Mai

Môn Khoa học tự nhiên đang khiến giáo viên gặp khó khăn nhiều nhất. Ảnh minh họa: Hương Mai

Những thách thức đối với các môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở

Chương trình 2018 có một số môn học tích hợp hoặc yếu tố tích hợp như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương. Trong quá trình giảng dạy 2 năm học vừa qua, có nhiều khó khăn, bất cập nảy sinh và được giáo viên phản ánh trên các phương tiện đại chúng, trong quá trình họp hành, sinh hoạt chuyên môn của nhà trường, hội đồng bộ môn.

Trước những bất cập này, tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27/7/2023, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là “một thách thức lớn đang đặt ra”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “Môn tích hợp là câu chuyện “quả trứng và con gà”, trước mắt sẽ có hai con đường: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất.

Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này”. [1]

Tiếp tục về các môn tích hợp, tại chương trình “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” ngày 15/8 vừa qua, nhiều giáo viên cũng đã có nhiều chia sẻ, tâm tư với Bộ trưởng về các môn học tích hợp.

Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng…

Trong thời gian tới, Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục”. [2]

Từ những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho thấy lãnh đạo Bộ cũng đã nhìn thấy được những khó khăn khi triển khai, thực hiện các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở.

Tuy nhiên, tiếp tục, dừng lại hay điều chỉnh các môn tích hợp trong thời điểm hiện nay là điều cần cân nhắc cụ thể, hợp lý để không xảy ra những xáo trộn quá lớn đối với cấp học này.

Nếu tiếp tục thì giải pháp phải thực hiện ra sao? Dừng lại, Bộ phải giải trình như thế nào? Điều chỉnh nội dung thì cần điều chỉnh như thế nào để giáo viên yên tâm giảng dạy mà không gây ra những ý kiến trái chiều trong vòng đời của chương trình 2018?

Giải pháp nào cho các môn tích hợp trong thời gian tới đây?

Từ những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho thấy các môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở sẽ có những thay đổi trong thời gian tới đây bởi không thể để tình trạng một môn học mà có nhiều giáo viên cùng dạy, cùng thực hiện chung 1 đề kiểm tra, chung điểm số với nhau mãi được.

Hơn nữa, có những môn học đang liên quan đến nhiều tổ chuyên môn nên giáo viên dưới cơ sở phải đối diện với nhiều thách thức khi thực hiện. Tuy nhiên, tiếp tục, dừng lại hay điều chỉnh nội dung, cách thực hiện là cả một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều thế hệ học trò trong tương lai.

Nếu dừng lại để “lối cũ ta về” cũng đồng nghĩa sẽ không còn môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở. Vậy, hàng ngàn sinh viên sư phạm đã và đang học các chuyên ngành sư phạm tích hợp tương lai sẽ giải quyết ra sao?

Bên cạnh đó, dù chưa phải là tất cả nhưng hai năm học vừa qua các địa phương cũng đã cử một bộ phận giáo viên ở các trường trung học cơ sở đi học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý nên kinh phí đã chi ra tương đối lớn.

Nếu tiếp tục theo cách triển khai, thực hiện trong bối cảnh hiện nay thì giáo viên chưa được bồi dưỡng cẩn thận, hoặc có đi bồi dưỡng cũng rất khó lĩnh hội được những phân môn khác trong môn tích hợp, nhất là những thầy cô đã dạy lâu năm, dẫn đến hiệu quả không được như mong muốn.

Vì vậy, để giáo viên dạy được tất cả các phân môn trong từng môn tích hợp hiện nay rất khó khăn. Những thầy cô làm chủ được kiến thức cả các phân môn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ.

Hơn nữa, tỉ lệ tích hợp trong sách giáo khoa chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ. Theo Chương trình môn học, môn Lịch sử và Địa lý cả 4 năm học chỉ có 4 chủ đề chung, còn lại đang được trình bày riêng lẻ theo từng phần. Bên cạnh đó, giáo viên đi học bồi dưỡng cũng đang được học từng phân môn riêng biệt.

Vì thế, trong rất nhiều khó khăn, bất cập bủa vây đối với các môn học tích hợp thì việc điều chỉnh nội dung, cách thức thực hiện có lẽ sẽ hài hòa và phù hợp hơn cả.

Việc điều chỉnh nội dung, cách thức thực hiện các môn tích hợp như thế nào thì bộ phận chuyên môn của Bộ cần nghiên cứu, tham khảo ý kiến của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo các môn học liên quan một cách cầu thị để khi điều chỉnh lần này không còn những bất cập cho các nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/bo-truong-bo-gd-dt-hai-con-duong-cho-mon-tich-hop-185230728012841408.htm

[2]https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-se-xem-xet-de-co-the-dieu-chinh-day-hoc-tich-hop-cap-thcs-post237337.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG