Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Nhiều trung tâm kiểm định đang công khai giấy phép hoạt động đã hết hiệu lực" đăng tải ngày 14/12 trong đó nêu thông tin, hiện có 4/7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước dù giấy phép hoạt động hết hiệu lực, chưa được gia hạn nhưng công tác kiểm định của những trung tâm này vẫn đang diễn ra.
Sau bài viết, nhiều độc giả, chuyên gia đã bày tỏ băn khoăn về giá trị pháp lý của giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục do các trung tâm cấp kể từ khi họ hết hạn giấy phép sẽ như thế nào?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng, khi trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục chưa được cơ quan quản lý gia hạn giấy phép hoạt động thì cần phải tuân thủ đúng quy định, thể hiện sự thượng tôn pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: Đỗ Thơm |
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh rằng, kiểm định chất lượng đối với giáo dục là việc làm rất quan trọng nên cơ sở giáo dục đại học muốn kiểm định cần thận trọng và tìm hiểu kỹ để chọn được những trung tâm đầy đủ pháp lý và đủ điều kiện thực hiện.
Vị này nêu dẫn chứng: "Chẳng hạn như khi đi kiểm định cho một chiếc xe ô tô. Nếu chủ nhân của xe ô tô đó biết phương tiện của mình được kiểm định bởi một đơn vị có giấy phép hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực, chưa được gia hạn thì liệu họ có tự tin để sử dụng phương tiện đó ra đường hay không?
Chưa kể, khi người đó sử dụng giấy tờ kiểm định phương tiện được cấp bởi một đơn vị kiểm định giấy phép hoạt động không hợp lệ, đặt trường hợp nếu cảnh sát giao thông kiểm tra và phát hiện ra thì họ phải lý giải như thế nào....
Ngoài ra, việc sử dụng phương tiện được thực hiện bởi một trung tâm kiểm định như vậy thì liệu họ có an tâm với chất lượng của các linh kiện, máy móc trên phương tiện đó là đảm bảo an toàn hay không? Quá trình lưu thông liệu có xảy ra sự cố gì hay không? Nếu khi xảy ra tai nạn thì quy trách nhiệm cho ai?...."
Qua những dẫn chứng cụ thể như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc kiểm định chất lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục cần được các trung tâm nghiêm túc thực hiện và phải tuân thủ tuyệt đối các quy định đã đề ra để tránh gây phiền hà cho những đơn vị mà các trung tâm này thực hiện kiểm định.
Thông qua đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu quan điểm, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ đối với các trung tâm này để có hướng giải quyết.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Giáo sư Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi bày tỏ, việc kiểm định chất lượng đối với giáo dục là cực kỳ quan trọng, nên nếu để trung tâm chưa hội đủ các điều kiện pháp lý thực hiện sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
"Từ trước tới nay, không thể phủ nhận vai trò của công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Nó là điều cần thiết và quan trọng giúp các cơ sở giáo dục giữ vững được chất lượng và hoạt động tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu không lựa chọn đúng trung tâm đảm bảo điều kiện hoạt động, giấy phép hết hiệu lực mà chưa được gia hạn thì tính pháp lý của những chứng nhận kiểm định do các trung tâm này cấp cũng không thể đảm bảo.
Cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại các giấy chứng nhận đã được cấp xem đã làm đúng trình tự và hợp lệ hay chưa?
Kiểm định chất lượng giáo dục là một quá trình đánh giá, thẩm tra về chất lượng đào tạo đối với một cơ sở giáo dục/chương trình đào tạo nên cần phải được thực hiện bởi một đơn vị có đầy đủ tính pháp lý".
Ngoài ra, theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, tình trạng trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dù giấy phép hết hiệu lực, chưa được gia hạn nhưng vẫn hoạt động kiểm định một phần đến từ việc thiếu thận trọng, cẩu thả trong lựa chọn đơn vị kiểm định của các đơn vị có nhu cầu kiểm định.
"Đây cũng là điều mà các đơn vị được kiểm định đang ngầm công nhận một trung tâm "chưa hợp pháp" trở thành "hợp pháp". Hơn nữa, trong nước có nhiều trung tâm đủ khả năng kiểm định nên các đơn vị nên chọn những trung tâm có pháp lý chuẩn chỉ để tránh những phiền toái thời kỳ hậu kiểm định", Giáo sư Lê Kim Truyền cho hay.
Qua đó, Giáo sư Lê Kim Truyền cho rằng: "Đối trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nếu giấy phép hoạt động hết hiệu lực, chưa được gia hạn thì nên tạm dừng công tác kiểm định, khi có đầy đủ điều kiện mới hoạt động trở lại".
Giáo sư Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Cơ quan quản lý đề ra thời hạn khi cấp giấy phép hoạt động chính là để thẩm định lại năng lực của những trung tâm làm công tác kiểm định sau một thời gian làm việc và chấn chỉnh tránh trường hợp như trên.
"Sau 5 năm nếu trung tâm đó chưa được gia hạn giấy phép hoạt động mà vẫn duy trì hoạt động kiểm định thì cơ quan quản lý cần rà soát và giám sát chặt chẽ hơn", Giáo sư Lê Kim Truyền nhấn mạnh.