Tại Điểm d, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành ngày 28/12/2012 quy định về điều kiện thành lập và giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đã quy định:
"Giấy phép hoạt động có giá trị sử dụng trong 5 năm kể từ ngày cấp và được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trong số 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thì hiện chỉ có 3 trung tâm đang tuân thủ đúng quy định được nêu ra trong Thông tư 61/2012/TT-BGDĐT.
Cụ thể, theo khảo sát của phóng viên, hiện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đã có giấy phép gia hạn hoạt động kiểm định giáo dục số 428/QĐ-BGDĐT kể từ ngày 8/1/2021 đến hết ngày 8/1/2026.
Ngoài ra, có hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục khác là: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn hiện giấy phép hoạt động vẫn còn hiệu lực.
Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn được ký ngày 19/11/2021, hiệu lực đến 19/11/2026. Ảnh chụp màn hình |
Bốn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục còn lại là: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội ; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh theo ghi nhận của phóng viên, hiện giấy phép hoạt động đã quá thời hạn 5 năm theo quy định.
Theo đó, khảo sát tại website có địa chỉ cea.vnu.edu.vn của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, tại mục "giới thiệu chung" trang thông tin này gắn link văn bản "quyết định thành lập" và "quyết định cấp phép hoạt động" của trung tâm.
Khi truy cập vào link chứa văn bản "quyết định thành lập" phóng viên tiếp cận được với Quyết định số 5128/QĐ-BGDĐT về cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tuy nhiên, ngày ký của quyết định nói trên thể hiện là ngày 4/11/2014. Tại điều 2 của quyết định này ghi "hiệu lực có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký".
Như vậy, đối chiếu theo quy định, văn bản này đã hết hiệu lực vào ngày 4/11/2019.
Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội được công khai trên website của trung tâm có ngày ký vào 4/11/2014, đã hết hiệu lực theo quy định. Ảnh chụp màn hình |
Tìm hiểu thêm, ngày 11/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 5364/BGDĐT-QLCL gửi cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội về việc sắp xếp lại tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Trong đó, nội dung văn bản này nêu: "Trong thời gian thực hiện rà soát sắp xếp lại quy mô hình thức tổ chức của trung tâm, để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không bị gián đoạn, tạo điều kiện thúc đẩy tự chủ đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại tổ chức của trung tâm theo quy định của pháp luật".
Điều đáng nói, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho để Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục, tuy nhiên trong văn bản không nêu rõ thời điểm cuối cùng Trung tâm này phải sắp xếp lại quy mô, hình thức tổ chức là bao giờ và cũng không có nội dung nào nêu về việc gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với trung tâm này.
Cũng theo tìm hiểu tiếp của phóng viên tại website có địa chỉ kdclgd.vinhuni.edu.vn của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh, tại mục "giấy phép hoạt động" phóng viên tiếp cận được với Quyết định số 1474/QĐ-BGDĐT về việc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh.
Quyết định này được Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ký ngày 17/4/2018. Tại Điều 2 của quyết định này ghi rõ "có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký". Như vậy đối chiếu theo quy định thì quyết định này đã hết hiệu lực từ ngày 17/4/2023.
Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh được công khai trên website của trung tâm có ngày ký vào 17/4/2018, đã hết hiệu lực theo quy định. Ảnh chụp màn hình |
Đáng chú ý, cũng tại trang web của đơn vị này, có mục "công văn cho phép tiếp tục hoạt động" phóng viên tiếp cận được văn bản số 5466/BGDĐT-QLCL do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ngày 17/12/2020.
Tuy nhiên nội dung của văn bản này đề cập việc "sắp xếp lại tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục", hoàn toàn không có nội dung nói về việc gia hạn giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với trung tâm này.
"Trong thời gian thực hiện rà soát sắp xếp lại quy mô hình thức tổ chức của trung tâm, để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục không bị gián đoạn, tạo điều kiện thúc đẩy tự chủ đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại tổ chức của trung tâm theo quy định của pháp luật", nội dung văn bản nói trên nêu.
Nội dung văn bản được gửi cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh khá giống với nội dung trong văn bản gửi cho Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội khi không thể hiện mốc thời gian giới hạn cho phép được hoạt động kiểm chất lượng giáo dục theo quy định.
Đồng thời, trong văn bản cũng không đề cập đến việc gia hạn thời gian đối giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã hết trước đó.
Đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng khi truy cập vào mục "giới thiệu" trên website có địa chỉ cea.udn.vn của trung tâm này, phóng viên thấy được Quyết định số 382/QĐ-BGDĐT do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ký về việc cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng.
Tại Điều 2 của quyết định này nêu rõ hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký 2/12/2016. Như vậy, đối chiếu theo quy định thì quyết định này đã hết hiệu lực từ ngày 2/12/2021.
Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Đà Nẵng được công khai trên website của trung tâm có ngày ký vào 2/12/2016, đã hết hiệu lực theo quy định. Ảnh chụp màn hình |
Trong khi đó, đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, khi phóng viên truy cập website của trung tâm này theo địa chỉ cea.vnuhcm.edu.vn, tại trang chủ của mục "giới thiệu" ghi rõ: "Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được thành lập tại Quyết định số 5570/QĐ-BGDĐT ngày 22/11/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm hoạt động theo Quy chế về tổ chức và hoạt động do Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh ban hành tại Quyết định số 124/QĐ-ĐHQG-TCCB ngày 24/2/2014 và giấy phép hoạt động tại Quyết định số 5129/QĐ-BGDĐT ngày 4/11/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh được công khai trên website của trung tâm có ngày ký vào 4/11/2014, đã hết hiệu lực theo quy định. Ảnh chụp màn hình |
Tiếp đó, theo văn bản đính kèm phía dưới, phóng viên tiếp cận được với Quyết định số 5129/QĐ-BGDĐT về cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga ký.
Theo đó, quyết định này được ký vào ngày 4/11/2014 và hết hiệu lực sau 5 năm kể từ ngày ký. Như vậy quyết định này đã hết hiệu lực vào ngày 4/11/2019 theo quy định.
Như vậy, hiện 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục dù giấy phép hoạt động công khai trên website đã hết hiệu lực nhưng mọi công tác kiểm định vẫn đang diễn ra vì Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý để trung tâm tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, các văn bản "gia hạn" này không phải là các quyết định gia hạn thời gian hoạt động.
Trước thực tế này, nhiều người đặt lo ngại rằng là đơn vị đi kiểm định các cơ sở giáo dục đào tạo nhưng chính bản thân các trung tâm này không nghiêm túc tuân thủ các quy định. Và tính pháp lý của giấy kiểm định chất lượng do các trung tâm đã hết hạn giấy phép hoạt động này sẽ như thế nào?