3 công khai của Trường ĐH CMC bỏ trống kinh phí thực hiện nghiên cứu khoa học

27/12/2023 06:20
Nhật Lệ
GDVN- Hiện tại trên website nhà trường cập nhật báo cáo công khai 4 năm học từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024. Tuy nhiên, còn một số nội dung chưa đầy đủ.

Trường Đại học CMC tiền thân là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu được thành lập năm 2011 theo Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu chính thức đổi tên thành Trường Đại học CMC kể từ ngày 26/07/2022.

Ngày 17/11/2022, Trường Đại học CMC - mô hình đại học số đầu tiên của Việt Nam chính thức ra mắt và khai giảng khóa 1 năm học 2022-2023 với thông điệp “tương lai số từ con người số”.

Hiện tại trường đang đào tạo các lĩnh vực: Máy tính và công nghệ thông tin (ngành Công nghệ thông tin), Kinh doanh và quản lý (ngành Quản trị kinh doanh), Nghệ thuật (ngành Thiết kế đồ họa), Nhân văn (ngành Ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Hàn Quốc).

Trường Đại học CMC hiện do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan là Chủ tịch danh dự hội đồng trường; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ CMC là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bình là Hiệu trưởng.

Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Nhiều nội dung không được báo cáo trong 3 công khai

Hiện tại trên website nhà trường cập nhật báo cáo công khai 4 năm học từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024. Trong đó, năm học 2020-2021, 2021-2022 là báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Á Châu.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 18/12, báo cáo 3 công khai của Trường Đại học CMC ở năm học 2022-2023 và 2023-2024 không đầy đủ thông tin theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.

Căn cứ theo Điều 7, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT quy định Công khai đối với cơ sở giáo dục đại học bao gồm các nội dung:

1, Công khai cam kết chất lượng giáo dục (Theo Biểu mẫu 17)

2, Công khai chất lượng giáo dục thực tế (Theo Biểu mẫu 18)

3, Công khai thông tin về cơ sở vật chất (Theo biểu mẫu 19)

4, Công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý và nhân viên (Theo Biểu mẫu 20)

5, Công khai thu chi tài chính (Theo Biểu mẫu 21)

Cụ thể, tại báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 có 2 nội dung chưa được nhà trường công khai bao gồm: Thông tin cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Còn báo cáo 3 công khai của 2023-2024, nhà trường cũng không công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu.

Mặc dù có được liệt kê nhưng hai nội dung này không có thông tin ở phần "xem chi tiết" (Ảnh chụp màn hình ngày 18/12/2023)

Mặc dù có được liệt kê nhưng hai nội dung này không có thông tin ở phần "xem chi tiết" (Ảnh chụp màn hình ngày 18/12/2023)

Năm học 2023-2024, nhà trường không công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu. (Ảnh chụp màn hình ngày 18/12/2023)

Năm học 2023-2024, nhà trường không công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu. (Ảnh chụp màn hình ngày 18/12/2023)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC thừa nhận việc nhà trường chưa đăng tải đầy đủ báo cáo 3 công khai các năm học. Tuy nhiên, nhà trường đã tiến hành cập nhật sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí.

“Sau khi nhận phản ánh của Tạp chí chúng tôi đã kiểm tra và hoàn thiện báo cáo 3 công khai cũng như đăng tải toàn bộ báo cáo lên website theo quy định.

Việc đăng tải muộn một số báo cáo là do nhu cầu cập nhật đầy đủ thông tin theo thực tế. Trường đã đi vào hoạt động dưới tên Trường Đại học CMC được hai năm và đang trong giai đoạn phát triển nhanh bên cạnh đảm bảo chất lượng đào tạo theo triết lý giáo dục và mô hình đào tạo đặt ra”, thầy Hải thông tin.

Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 25/12/2023, nhà trường đã tiến hành cập nhật các nội dung để trống sau khi Tạp chí phản ánh. Theo đó, số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học CMC có xu hướng tăng qua các năm.

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học CMC qua các năm học

Số lượng giảng viên cơ hữu của Trường Đại học CMC qua các năm học

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy, nếu như năm học 2021-2022 nhà trường không có giảng viên nào chức danh giáo sư, phó giáo sư thì đến năm học 2023-2024, nhà trường đã có 1 giáo sư, 10 phó giáo sư.

Tổng số giảng viên cũng tăng từ 43 giảng viên lên 53 giảng viên (tăng 10 giảng viên, tương đương tăng 23,2%).

100% nguồn thu đến từ học phí

Theo báo cáo 3 công khai từ năm học 2022-2023 đến năm học 2023-2024, nguồn thu của nhà trường chủ yếu đến từ học phí. Đáng chú ý có năm học 100% nguồn thu của trường đều đến từ học phí.

Cơ cấu nguồn thu 2 năm gần nhất của Trường Đại học CMC. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Cơ cấu nguồn thu 2 năm gần nhất của Trường Đại học CMC. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Cụ thể, năm học 2022-2023, tổng thu của nhà trường là 7,532 tỷ đồng. Toàn bộ con số này đều đến từ học phí. Năm học này nhà trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024, nhà trường có 48 đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn. Cụ thể, có 28 đề tài thực hiện trong năm 2022; 20 đề tài thực hiện trong năm 2023.

Lý giải về vấn đề này, thầy Hồ Như Hải bày tỏ: Ngay từ khi thành lập Trường Đại học CMC đã chú trọng đến việc xây dựng môi trường nghiên cứu khoa học cho giảng viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ giảng viên có thể tiếp cận nguồn tài liệu tham khảo, tự do học thuật, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng việc thực hiện nghiên cứu khoa học và người nghiên cứu khoa học được sắp xếp vào các nhóm nghiên cứu phù hợp.

Toàn bộ 48 bài báo nghiên cứu khoa học mà nhà trường đã công bố đều do giảng viên của trường tự nghiên cứu và triển khai, chưa thực hiện chuyển giao công nghệ hay sản xuất thử và tư vấn... Cho nên chưa có doanh thu từ nghiên cứu khoa học.

Vì đây là các bài báo nghiên cứu khoa học cho nên quy trình xuất bản là giảng viên sẽ gửi bản thảo cho tạp chí để kiểm tra chất lượng ban đầu của bản thảo, lựa chọn người phản biện, phản biện, ra quyết định, phản hồi của tác giả, phản biện lần 2 (nếu có), chỉnh sửa văn phong, diễn đạt, đọc rà soát, hiệu đính và xuất bản.

Toàn bộ các bài báo nghiên cứu khoa học của Trường Đại học CMC đều phải trải qua các bước bắt buộc trước khi được xuất bản.

Đáng chú ý, tất cả 48 đề tài nghiên cứu khoa học này đều không báo cáo kinh phí thực hiện.

Trong khi chiếu theo quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 7 Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục quốc dân: Công khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn: tên các dự án hoặc tên nhiệm vụ khoa học công nghệ, người chủ trì và các thành viên tham gia, đối tác trong nước và quốc tế, thời gian và kinh phí thực hiện, tóm tắt sản phẩm của dự án hoặc nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho hay: Trường Đại học CMC luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nghiên cứu khoa học tại trường. Ngay trong quá trình tuyển dụng nhà trường đã đưa nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc đối với giảng viên.

"Trong chi phí lương mà nhà trường chi trả đã bao gồm chi phí cho số giờ nghiên cứu khoa học của từng giảng viên được yêu cầu. Nhà trường cũng có quy định chặt chẽ cho mức giờ dành cho hoạt động nghiên cứu của từng giảng viên bậc thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư,… Chẳng hạn như Thạc sĩ sẽ giảng dạy 345 giờ và nghiên cứu 195 giờ, bậc Tiến sĩ sẽ có 330 giờ giảng dạy và 210 giờ nghiên cứu, còn đối với Phó Giáo sư và Giáo sư sẽ tăng lên 225 giờ nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những quy định về đầu ra của các nghiên cứu trong một năm. Như vậy chi phí cho việc nghiên cứu khoa học đã được hạch toán trong chi phí lương của trường khi chi trả cho giảng viên. Theo đó, kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường tính từ tháng 10/2022 - 9/2023 là 2 tỷ 148 triệu đồng.

Đặc biệt, về mảng nghiên cứu công nghệ, Trường Đại học CMC và Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (CMC ATI - một đơn vị thành viên trong Khối nghiên cứu giáo dục của Tập đoàn CMC) phối hợp cùng triển khai các hoạt động nghiên cứu công nghệ. Viện CMC ATI là môi trường để các giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của nhà trường nghiên cứu khoa học. Ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ của Viện nghiên cứu ứng dụng CMC ATI lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm", thầy Hải thông tin.

Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học đều không được công khai kinh phí thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)

Tất cả các đề tài nghiên cứu khoa học đều không được công khai kinh phí thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)

Học phí chính quy chương trình đại trà của Trường Đại học CMC dao động từ 66-78 triệu đồng/ năm. Trong đó, ngành có học phí cao nhất là ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nhà trường cũng có nhiều chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên với sự hỗ trợ của Tập đoàn công nghệ CMC. Theo đó, sinh viên nhà trường đang được giảm 30% học phí, nên mức học phí mà người học thực tế phải chi trả dao động từ 46-54 triệu đồng/ năm.

Cũng theo thầy Hồ Như Hải, hiện nay, Trường Đại học CMC đang mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhà trường đang có kế hoạch ký kết MOU với các đối tác trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp. Các hoạt động này không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên được nghiên cứu, học tập trong môi trường quốc tế, mà còn được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho nhà trường.

Trong năm 2024 Trường Đại học CMC sẽ bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn về thiết kế vi mạch (IC Design) theo chuẩn toàn cầu tại phòng lab hiện đại giúp sinh viên năm cuối, mới tốt nghiệp các ngành Công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông, vật lý kỹ thuật,…có thể chuyển dịch công việc sang lĩnh vực thiết kế vi mạch là lĩnh vực có nhu cầu nhân lực lớn, cơ hội toàn cầu và mức lương cao hơn lĩnh vực phần mềm.

Thầy Hồ Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Thầy Hồ Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC. (Ảnh: website nhà trường)

Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học CMC cũng cho biết thêm với mô hình đại học trong lòng doanh nghiệp, Trường Đại học CMC có nhiều lợi thế để cung cấp cho người học chương trình đào tạo tiên tiến, thực tiễn, chất lượng.

Trước hết, nội dung chương trình đào tạo của Trường Đại học CMC không chỉ có tính cập nhật và tiên tiến, mà còn được đảm bảo rằng gắn liền với thực tiễn. Hội đồng khoa học và đào tạo của nhà trường ngoài các giáo sư, nhà giáo đầu ngành còn có sự góp mặt của các lãnh đạo là chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp. Các môn học, vì vậy có sự cùng tham gia thiết kế nội dung từ phía doanh nghiệp, mục tiêu đảm bảo rằng chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ hai, các môn học có sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia, quản lý cấp cao của Tập đoàn công nghệ CMC, Samsung và các doanh nghiệp đối tác hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Cơ hội tham quan, thực hành, thực tập thực tiễn và cơ hội việc làm dành cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng là một lợi thế lớn, nổi bật của nhà trường khi có sự hậu thuẫn của Tập đoàn công nghệ CMC.

Bên cạnh đó, nhận được sự đầu tư lớn của tập đoàn cho khối nghiên cứu và giáo dục, Trường Đại học CMC và Viện nghiên cứu ứng dụng CMC ATI còn sở hữu cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ cho hoạt động học tập, thực hành và nghiên cứu của sinh viên.

Nhật Lệ