Tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1146/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) thành đại học - đánh dấu cột mốc quan trọng UEH chính thức nâng cấp mô hình quản trị. Đây là đại học thứ 2 được thành lập theo Luật Giáo dục đại học 2028 (sau Đại học Bách khoa Hà Nội).
UEH phát triển theo mô hình quản trị gồm 3 cấp độ: cấp Đại học (University), cấp trường thành viên (College), phân hiệu (Branch) và cấp Khoa/Viện (School/Institute).
Hiện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh gồm 1 phân hiệu tại Vĩnh Long, và 03 Trường thành viên thuộc UEH gồm: Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.
Lãnh đạo UEH gồm: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng đại học; Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành - Giám đốc. Các Phó Giám đốc gồm: Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Tiến sĩ Đinh Công Khải.
Cơ sở Đại học Kinh tế thành phố tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH |
Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 là 5.850 hay 7.230?
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thông tin Đề án tuyển sinh và Báo cáo 3 công khai của UEH thực hiện tương đối đầy đủ.
Tìm hiểu Đề án tuyển sinh của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm gần đây, nhìn chung chỉ tiêu tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh (mã trường KSA) có xu hướng tăng, trong đó tăng mạnh nhất vào năm 2022. Bên cạnh đó, cơ cấu các nhóm ngành nghề/chương trình đào tạo có sự tổ chức lại.
Cụ thể, năm 2021, cơ sở thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 5.850 sinh viên cho 34 ngành/chương trình.
Năm 2022, chỉ tiêu tăng so với năm 2021. Cụ thể, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 7.230 sinh viên cho 33 ngành/chương trình tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, tăng 1.380 chỉ tiêu so với năm 2021, tức khoảng 23,59%.
Năm 2023, UEH tuyển 7.650 chỉ tiêu cho cơ sở thành phố Hồ Chí Minh, tăng 420 chỉ tiêu so với năm 2022, tức khoảng 5,81%.
Tuy nhiên, đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2023, thông tin chỉ tiêu năm 2021 lại có sự không thống nhất. Cụ thể, tại bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất theo Đề án tuyển sinh năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 lại tăng lên 7.230 sinh viên; trong khi đó, nếu cộng chỉ tiêu cơ sở thành phố Hồ Chí Minh và phân hiệu tại Vĩnh Long theo công bố tại Đề án tuyển sinh năm 2021, số chỉ tiêu cũng chỉ mới đạt 6.350, như vậy vẫn lệch 880 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 do Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh công bố trước đó. Ảnh chụp màn hình |
Số liệu về chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2021 được thống kê tại Đề án tuyển sinh năm 2023. Ảnh chụp màn hình |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, đại diện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân của sự khác nhau về chỉ tiêu là do Trường đã tăng thêm 3% chỉ tiêu so với đề án đã công bố trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, đại diện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2021 là giai đoạn tuyển sinh khó khăn đối với các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc, vì đây là giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, ngày 30/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn 3190/BGDĐT-GDĐH quy định công tác tuyển sinh 2021 trong tình hình dịch COVID-19.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh thuộc diện đặc cách xét công nhận tốt nghiệp do không thể tham dự 2 đợt thi của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 (gọi là thí sinh đặc cách) được tham gia xét tuyển đại học và cao đẳng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non thực hiện điều chỉnh, bổ sung phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh dành riêng cho đối tượng thí sinh đặc cách.
Căn cứ công văn 3190/BGDĐT-GDĐH 2021, kết hợp với Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động bổ sung thêm phương thức tuyển sinh thứ 7 - tuyển sinh theo phương thức xét tuyển cho đối tượng thí sinh đặc cách năm 2021, với khoảng 3% chỉ tiêu cho phương thức này.
Do vậy, sau khi bổ sung thêm phương thức thứ 7, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của UEH thực tế là 7.230 sinh viên, số sinh viên nhập học là 7.585 sinh viên, đạt tỷ lệ 104,9%.
Chia sẻ thêm, đại diện UEH cho biết, dưới tác động của dịch bệnh, các trường đại học và thí sinh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, việc dự đoán chính xác số thí sinh trúng tuyển và nhập học thực tế dựa trên cơ sở dữ liệu từ các năm học trước đó là điều khó khăn.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc đảm bảo chất lượng dạy và học khi số lượng sinh viên nhập học so với chỉ tiêu đề ra, đại diện UEH khẳng định, cơ sở vật chất, đội ngũ của UEH vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy theo quy định.
Căn cứ Báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2020 và xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 (cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, không bao gồm Phân hiệu tại Vĩnh Long), các số liệu liên quan tại thời điểm 31/12/2020 như sau:
a) Quy mô đào tạo đại học chính quy của UEH: 22.967 sinh viên;
b) Dự kiến tốt nghiệp/thôi học năm 2021: 6.804 sinh viên;
c) Tuyển sinh năm 2021: 7.585 sinh viên;
d) Quy mô đào tạo năm 2021: 23.748 sinh viên;
e) Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo: 77.130 m2.
Căn cứ các số liệu trên và văn bản pháp quy về xác định chỉ tiêu tuyển sinh hiện hành, để đáp ứng quy mô đào tạo đại học chính quy năm 2021 (23.748 sinh viên), tổng diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo phải đạt tối thiểu 66.494,4 m2. Trên thực tế, UEH còn dự phòng đến 10.635,6 m2 sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo.
Quy mô đào tạo đại học chính quy tăng mạnh
Về tình hình tuyển sinh, theo số liệu chỉ tiêu và số nhập học của 2 năm gần đây (năm 2021, 2022, từ Đề án tuyển sinh năm 2023), nhìn chung tỷ lệ tuyển sinh đạt so với chỉ tiêu khá tốt.
Năm 2021, UEH tuyển vượt 355 sinh viên, vượt 4,9% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu 7.230, số nhập học là 7.585). Năm 2022, chỉ tiêu 7.230, có 6.615 sinh viên nhập học, đạt 91,49% so với chỉ tiêu.
Về quy mô đào tạo, theo số liệu tại Đề án tuyển sinh, so với năm 2020, quy mô 2 năm gần đây có sự sụt giảm hơn, trong đó chủ yếu đến từ sự thu hẹp của quy mô đào tạo bậc đại học vừa học vừa làm (giảm 48,49%) và bậc tiến sĩ (giảm 20,74%).
Quy mô đào tạo đại học chính quy có sự biến động qua từng năm, nhưng nhìn chung có xu hướng tăng: So với năm 2020, quy mô đào tạo bậc đại học chính quy năm 2022 tăng thêm 3.092 sinh viên, tức khoảng 13,84%.
Tương tự, quy mô đào tạo thạc sĩ cũng có xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh vào năm 2022 (tăng 1.605 học viên cao học so với năm 2021, tức khoảng 35,79%).
Lý giải về sự thay đổi về quy mô, đặc biệt quy mô bậc đại học vừa học vừa làm giảm đến 48,94% so với năm 2020, đại diện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết thực tế này là xu hướng chung của xã hội.
"Thực tế, nhu cầu hệ vừa làm vừa học đã có xu hướng giảm từ nhiều năm trước đây với tỉ lệ từ 40-50%. Đây cũng là xu hướng chung của xã hội ngày nay, không chỉ riêng UEH. Cùng với sự sụt giảm của nhu cầu hệ vừa làm vừa học là xu hướng tăng dần nhu cầu hệ đại học chính quy", vị đại diện cho biết.
Trước những thay đổi này, đại diện UEH cho biết từ năm 2021, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp điều chỉnh nhằm tăng chất lượng hệ vừa làm vừa học như tăng cường chương trình đào tạo, tiến tới đồng nhất hệ vừa làm vừa học với hệ đại học chính quy.
Do đó, nhìn chung, nhà trường đã dần khắc phục được vấn đề sụt giảm, giữ tương đối ổn định về mặt quy mô tuyển sinh hệ vừa làm vừa học từ năm 2021 đến nay.
Trường thừa nhận có sai sót trong quá trình lập báo cáo
Theo số liệu tại bảng thông tin về sinh viên chính quy tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm (từ Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm dao động từ khoảng 93% đến 100%, trong đó một số ngành đạt tỷ lệ có việc làm 100% như Thống kê kinh tế, Toán kinh tế, Marketing, Kinh doanh thương mại, Kế toán, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn,...
Số liệu thống kê không có thông tin về phân loại kết quả tốt nghiệp của sinh viên. Ảnh chụp từ Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, UEH |
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, một số khối ngành số liệu thống kê số sinh viên tốt nghiệp khá thấp (dưới 10 sinh viên/khối ngành) như: Thống kê kinh tế - 9 sinh viên tốt nghiệp, Toán kinh tế - 4 sinh viên tốt nghiệp, Quản lý công - 5 sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra, bảng thống kê này cũng chưa có chi tiết số liệu phân loại tốt nghiệp của các sinh viên theo đúng quy định tại Thông tư 36.
Về vấn đề này, đại diện UEH chia sẻ, đây là sai sót trong quá trình lập báo cáo của UEH.
"Đã có sự nhầm lẫn trong khâu tổng hợp số liệu sinh viên tốt nghiệp và sinh viên tốt nghiệp được khảo sát. Sau khi rà soát lại, số liệu sinh viên tốt nghiệp một số ngành như sau: ngành Kinh doanh quốc tế (506 sinh viên), Thống kê kinh tế (52 sinh viên), Toán kinh tế (38 sinh viên), Quản lý công (30 sinh viên), Kinh tế (417 sinh viên). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm dao động từ 95% - 100%", vị đại diện thông tin lại với phóng viên.
Khối ngành | Số liệu tại Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 |
Số liệu thực tế sau khi Trường rà soát lại |
Ngành Kinh doanh quốc tế | 277 | 506 |
Ngành Thống kê kinh tế | 9 | 52 |
Ngành Toán kinh tế | 4 | 38 |
Ngành Quản lý công | 5 | 30 |
Ngành Kinh tế | 261 | 417 |
Trong khi đó, theo dõi cùng thông tin này tại Báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020, thông tin phân loại tốt nghiệp của sinh viên lại được kê khai đầy đủ, chi tiết.
Công khai thông tin về sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tại báo cáo 3 công khai năm 2019-2020. |
Theo bảng số liệu này, tỷ lệ tốt nghiệp một số ngành thấp hơn so với “mặt bằng chung” các ngành khác trong trường như: Luật kinh doanh 75%, Kế toán công 78%, Quản trị chất lượng 67%,...
Theo Báo cáo 3 công khai năm 2019-2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc gần như không có, chỉ duy nhất ngành Kiểm toán (trong tổng số 30 ngành được thống kê) có 1 sinh viên. So với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, tỷ lệ sinh viên xếp loại giỏi, khá phổ biến hơn. Theo đó, trong tổng số 3.121 sinh viên K41/2019 tốt nghiệp, có 712 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chiếm 22,81%), 2.163 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 69,30%). Năm học 2020-2021, năm học 2021-2022 không có dữ liệu báo cáo 3 công khai trên website. Năm học 2022-2023, nhà trường không thống kê phân loại sinh viên tốt nghiệp.