Giáo viên dạy phân môn Vật lý nhận xét phân môn Hóa học, Sinh học ra sao?

19/01/2024 06:42
Minh Khôi
GDVN- Theo hướng dẫn tại Công văn 5636/BGDĐT, cơ bản giáo viên được đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó, việc dạy được cả 2,3 phân môn phải có lộ trình.

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai năm thứ 4 ở các cấp học, bậc học nhưng điểm nghẽn khó tháo gỡ nhất vẫn là các môn gọi là tích hợp ở bậc trung học cơ sở như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm,…

Đến nay sau nhiều công văn hướng dẫn, bản thân người viết là giáo viên dạy phân môn Vật lý trong môn Khoa học tự nhiên thấy vẫn chưa có lối ra phù hợp cho việc thực hiện các bộ môn trên nhất là khó khăn ở 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hướng dẫn mới nhất, môn tích hợp, giáo viên đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó

Ngay từ những năm đầu triển khai các môn tích hợp, với mục tiêu lý tưởng là giáo viên đơn môn sẽ được bồi dưỡng, đào tạo thêm 20-36 tín chỉ để giảng dạy được các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Tuy nhiên, một số giáo viên được cử đào tạo, bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được cấp chứng chỉ không thể nắm vững kiến thức 2,3 phân môn, không thể dạy được tốt cả 2,3 phân môn.

Theo hướng dẫn mới nhất tại Công văn 5636/BGDĐT, cơ bản giáo viên được đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó, việc dạy được cả 2,3 phân môn phải có lộ trình và giáo viên phải đảm bảo năng lực, không tạo quá tải lên giáo viên,…có thể bố trí sắp xếp dạy song song các bộ môn.

Cụ thể hướng dẫn về phân công dạy môn Khoa học tự nhiên như sau: Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời). Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 02 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Đối với môn Lịch sử và Địa lí: “Phân công giáo viên: Phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lí và các chủ đề liên môn). Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.”

Lưu ý quan trọng là đảm bảo chất lượng dạy học. Thực tế, giáo viên đơn môn hiện nay sau đào tạo, bồi dưỡng rất khó để nắm vững kiến thức để dạy 2,3 phân môn. Vì thế, phương án có thể coi là tối ưu, khả dĩ nhất là giáo viên chưa được cấp chứng chỉ tích hợp và cả giáo viên đã được cấp chứng chỉ vẫn được đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó.

Về kiểm tra định kỳ, đối với môn Lịch sử và Địa lý có thể ra 2 đề khác nhau, mỗi đề có số điểm theo tỷ lệ % số tiết của phân môn, phân công 1 giáo viên tổng hợp và vào điểm phần mềm, nhận xét,… Đối với môn Khoa học tự nhiên, sắp xếp mỗi học kỳ 2 chủ đề thuộc 2 trong 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, các bài kiểm tra định kỳ bố trí số điểm phù hợp và phân công 1 giáo viên chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo,…

Đối với môn Khoa học tự nhiên, trong tài liệu tập huấn trực tuyến toàn quốc ngày 10/12 Bộ Giáo dục và Đào tạo có gợi ý phương án cho các cơ sở giáo dục thực hiện như sau:

Với hướng dẫn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm những phương án tháo gỡ các vướng mắc về các môn tích hợp, giáo viên môn nào dạy môn đó, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, tuy nhiên, cũng không có gì mới nhiều so với các hướng dẫn trước đây, chưa tháo gỡ vướng mắc lớn về môn tích hợp.

Tuy nhiên, với hướng dẫn mới nhất này thì tính tích hợp gần như còn rất ít, giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó, ra đề kiểm tra, chấm điểm môn đó,…

Giáo viên dạy phân môn Vật lý nhận xét phân môn Hóa học, Sinh học ra sao?

Đổi mới phải đi kèm khó khăn, thách thức nhưng việc tích hợp 2, 3 phân môn vào một quyển sách thành một môn trong khi giáo viên chỉ đào tạo đơn môn, giảng dạy hàng chục năm đơn môn sẽ không thể nắm vững để giảng dạy toàn bộ chương trình môn học.

Đối với Công văn 5636 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý được hướng dẫn cách tổ chức dạy học, kiểm tra và đánh giá như sau: “Hiệu trưởng phân công giáo viên phụ trách môn học ở mỗi lớp tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.”

Có thể phân công giáo viên được đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó, 2,3 giáo viên cùng dạy 1 môn nhưng vì nó chỉ có 1 cột điểm kiểm tra định kỳ, nhận xét nên bài kiểm tra có thể gồm 2,3 phần, phải phân công 1 giáo viên chịu trách nhiệm tổng hợp điểm và nhận xét học sinh.

Điều nghịch lý là việc nhận xét học sinh cũng chỉ do 1 giáo viên thực hiện theo sự phân công của Hiệu trưởng, ví dụ giáo viên dạy phân môn Vật lý sau khi tổng hợp cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; giáo viên dạy phân môn Địa lý tổng hợp phần Lịch sử và Địa lý và phải tiến hành nhận xét cả những phân môn mình không được dạy về năng lực đạt được, phẩm chất,…

Việc đó khó hợp lý, giáo viên dạy phân môn Vật lý không thể biết học sinh học phân môn Hóa học, Sinh học như thế nào để nhận xét, không thể chỉ dựa vào điểm số để nhận xét năng lực của các em, rất dễ nhận xét sai học sinh.

Phương án khả dĩ nhất mà người viết đề xuất là vẫn giữ các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Tuy nhiên, môn Khoa học tự nhiên có 3 phân môn gồm Vật lý, hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý có 2 phân môn Lịch sử, Địa lý với điểm số riêng, phần tích hợp sẽ được thiết kế trong từng phân môn.

Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, người viết đề xuất thiết kế số cột điểm kiểm tra, đánh giá như sau:

Môn

Phân môn

KTTX

KTĐK

KTCK

ĐTB

Tổng hợp

Khoa học tự nhiên

Vật lý

2

2

1

Hóa học

2

1

1

Sinh học

2

1

1

Lịch sử và Địa lý

Lịch sử

2 hoặc 3

1

1

Địa lý

2 hoặc 3

1

1

Ký hiệu viết tắt: KTTX: Kiểm tra thường xuyên, KTGK: kiểm tra định kỳ, KTCK: Kiểm tra cuối kỳ, ĐTB: Điểm trung bình.

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu tập huấn môn tích hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi