Sau hướng dẫn Công văn 5636, nỗi lo về môn tích hợp vẫn còn

21/11/2023 09:23
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ hiện nay mà cả trong tương lai, môn tích hợp vẫn chưa có lối ra nào phù hợp cho nhà trường, giáo viên.

Hiện nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tích cực triển khai ở cấp học phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông và đến năm 2024-2025 sẽ hoàn thành ở tất cả các cấp học.

Với rất nhiều điểm đổi mới tiến bộ, theo xu thế của thế giới, nhưng có thể nói từ khi ban hành chương trình đến nay đã hơn 5 năm nhưng điểm nghẽn, vướng mắc lớn nhất và chưa có lối ra phù hợp chính là các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật; nội dung Giáo dục địa phương; hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp cách vận hành, triển khai vẫn nhiều vướng mắc.

Trong đó khó khăn nhất có lẽ là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý bởi vì tích hợp 2, 3 phân môn thành 1 môn nhưng lại rất nhiều kiến thức chuyên sâu, chuyên ngành và kỳ vọng một giáo viên sau bồi dưỡng nắm vững, tự tin để dạy cả 2,3 phân môn là khó khả thi.

Ảnh minh họa - Vtv.vn

Ảnh minh họa - Vtv.vn

Phương án 1 giáo viên dạy tốt cả 2,3 phân môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý dần đi vào "ngõ cụt"?

Định hướng Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là một môn học thay thế 5 đơn môn trước đây là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Và trong nhiều văn bản, Quyết định 2454, 2455 về chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều hướng tới 1 giáo viên dạy được cả môn học trên, tức là giảng dạy được cả 2-3 phân môn.

Về lý tưởng, nếu 1 giáo viên giảng dạy được 2,3 phân môn sẽ giảm số môn học từ 5 đơn môn trước đây còn 2 môn (giảm 3 môn học), sẽ giảm được một phần biên chế giáo viên 5 đơn môn trên, học sinh sẽ tích hợp được nhiều vấn đề vào giải quyết các tình huống thực tiễn khi nắm vững kiến thức cả 2, 3 phân môn, giảm áp lực cho học sinh khi phải học nhiều kiến thức trùng nhau,…

Nhưng, khi triển khai đến nay là năm thứ 3 triển khai ở bậc trung học cơ sở nhưng phương án 1 giáo viên dạy được tốt cả 2-3 phân môn vẫn khó để triển khai, khi nhiều giáo viên sau khi học xong chứng chỉ vẫn không tự tin đáp ứng được kiến thức, năng lực để dạy tốt cho học sinh.

Giáo viên muốn dạy tốt, phải đủ kiến thức, nắm tường tận sự kiện, sự vật, hiện tượng để có thể làm chủ kiến thức trước học sinh, giảng dạy cho học sinh hiểu vấn đề.

Những giáo viên đơn môn ở cấp trung học cơ sở hiện nay vẫn còn vừa dạy vừa bồi dưỡng thêm kiến thức, vẫn còn hạn chế về chuyên môn của 1 môn mà mình đang phụ trách.

Những giáo viên đã dạy tại trường học 10 - 30 năm chỉ dạy đơn môn như môn Sinh học gần như không thể tiếp thu thêm môn Vật lý, Hóa học để giảng dạy tốt môn Khoa học tự nhiên.

Đến giai đoạn hiện nay, nhiều địa phương, giáo viên sau khi có chứng chỉ tích hợp không đủ tự tin, bản lĩnh, kiến thức để dạy được 2, 3 phân môn nên vẫn chuyên môn nào dạy môn đó.

Gọi là tích hợp nhưng thực tế lại là ghép 2, 3 phân môn vào 1 quyển sách, môn Khoa học tự nhiên thì chia thành các phân môn rạch ròi, tích hợp rất ít, môn Lịch sử và Địa lý thì chia sách thành 2 phần riêng biệt.

Việc giáo viên đảm nhận cả 2-3 phân môn là vấn đề rất khó. Nhiều giáo viên đang giảng dạy cảm thấy áp lực, khi dạy mong học sinh đừng hỏi những câu hỏi khó thuộc phân môn khác vì có thể sẽ lúng túng và không trả lời được những kiến thức mình không nắm vững.

Học sinh bây giờ khá thông minh, tiếp cận nhiều kiến thức qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh đó phụ huynh nhiều em cũng là những giáo viên, những người nghiên cứu khoa học,..rất giỏi, nếu giáo viên môn Vật lý dạy môn Khoa học tự nhiên dạy đến phần Hóa học, Sinh học được học sinh giỏi những câu hỏi khó, không giải đáp được tường tận sẽ mất uy tín của giáo viên, làm cho học sinh chán nản, mất đam mê khoa học, giáo viên thì mất tự tin, mất bản lĩnh, xấu hổ,…

Thực tế, đến giai đoạn hiện nay, người viết cũng là giáo viên đơn môn đã được học chứng chỉ Khoa học tự nhiên nhận thấy, phương án 1 giáo viên sau khi bồi dưỡng chứng chỉ “ôm” được cả 2,3 phân môn quả thực không hiệu quả.

Nhiều khó khăn hiện hữu khi 2,3 giáo viên dạy một môn

Nhận thấy điều khó khăn khi 1 giáo viên khó có thể dạy được 2,3 phân môn, khó khăn khi sắp xếp thời khóa biểu,…ngày 10/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở trong đó sự “điều chỉnh” chủ yếu từ phương án bắt buộc dạy tuyến tính sang “có thể dạy đồng thời, giáo viên phân môn nào dạy phân môn đó”.

Rõ ràng, đây chưa thể xem là “điều chỉnh” lớn khi quay lại 2,3 giáo viên phải dạy 1 môn học, phương án trước đây đã triển khai ở năm 2021-2022 không hiệu quả.

Quay lại phương án giáo viên đào tạo phân môn nào dạy phân môn đó, tức 2,3 giáo viên sẽ dạy 1 môn học thì sẽ còn khó khăn rất nhiều như:

Nhiều giáo viên dạy một môn sẽ không biết ai chịu trách nhiệm chính

Đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6 sẽ dạy theo hình thức 2, 3 thầy cô cùng dạy một môn học, mỗi giáo viên dạy một phân môn theo đào tạo.

2,3 giáo viên dạy một môn sẽ không có giáo viên chịu trách nhiệm chính về chất lượng của môn học tích hợp này khi học sinh học không đạt, thi lại,….

Học sinh học môn Lịch sử và Địa lý, học khá phân môn Lịch sử do giáo viên A dạy, học kém môn Lịch sử do giáo viên B dạy, nhưng do phân công giáo viên B là người tổng hợp, nhận xét học sinh, không thể yêu cầu giáo viên B chịu trách nhiệm về sự học kém phân môn Lịch sử cũng không thể yêu cầu học sinh kiểm tra lại môn Lịch sử. Tuy nhiên, vì nó là một môn học nên không thể kiểm tra lại chỉ một phần Địa lý mà phải kiểm tra lại cả 2 phần đã học là Lịch sử và Địa lý.

Giáo viên đào tạo phân môn nào dạy môn đó dạy song song hay theo mạch nội dung đều tồn tại nhiều bất cập. Kiểu gì cũng 2,3 giáo viên dạy một môn học đều khó khăn trong các vấn đề sắp xếp thời khóa biểu, kiểm tra đánh giá, nhận xét học sinh,..

Nếu 2,3 giáo viên cùng dạy một môn thì cũng khó khăn trong việc ghi sổ điểm, soạn kế hoạch bài dạy, học sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng sách giáo khoa, tiếp thu kiến thức,…

Trong tương lai, môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý sẽ phân công ra sao?

Với 2 môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở và các văn bản hiện hành, nếu sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo không có sự “điều chỉnh” lớn thì khó khăn sẽ vẫn còn đó.

Số lượng sinh viên sư phạm môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trong vài năm tới được bố trí dạy là không nhiều do chỉ tiêu tuyển dụng môn này ít. Bởi 5 đơn môn nhập thành 2 môn nên sẽ không thiếu giáo viên.

Với lực lượng giáo viên hiện tại sau khi bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì sẽ có số rất ít giáo viên còn đủ trí tuệ, sức khỏe tiếp thu để giảng dạy được 2,3 phân môn, còn lại gần như cũng sẽ phân công theo chuyên môn đào tạo.

Thực tế, thời gian qua tại nhiều địa phương đã cử giáo viên tham gia bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ tích hợp nhưng do nhiều lý do chủ quan, khách quan nên giáo viên không thể đảm nhận cả 2,3 phân môn, vẫn phân công giáo viên được đào tạo phân môn nào nào dạy phân môn đó.

Theo những gì người viết nhận thấy, không chỉ hiện nay mà cả trong tương lai, môn tích hợp vẫn chưa có lối ra nào phù hợp. Đây vẫn là vấn đề lớn cho nhà trường, giáo viên khi thực hiện chương trình mới nếu không có sự điều chỉnh phù hợp.

Người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghiên cứu thấu đáo và điều chỉnh hợp lý hơn ở 2 môn tích hợp này trong thời gian tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên