Trong cuộc họp chuyên môn đầu năm ở bậc trung học cơ sở, một hiệu trưởng (có chuyên môn Vật lý) tại một tỉnh phía Nam đã chia sẻ một cách khá thẳng thắn: “Trong ngành giáo dục huyện mình, thầy cô giáo nào dạy tốt cả ba phân môn (Lý, Hóa, Sinh), tôi sẽ xách dép theo học”.
Cô giáo M. giáo viên có chuyên môn Hóa, hiện là tổ trưởng chuyên môn tổ Khoa học tự nhiên cũng bày tỏ: “Điều thầy hiệu trưởng chia sẻ là hoàn toàn đúng trong thực tế hiện nay. Tuy nhiên, ít người dám lên tiếng vì sợ”.
Ảnh minh họa vtv.vn |
Khi được hỏi: Những giáo viên đã được bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp sẽ đảm nhiệm tốt chứ? Cô giáo M. vẫn khẳng định: “Không bao giờ dạy được, đi học bồi dưỡng chẳng qua có cái chứng chỉ hợp lệ, chứ không thay đổi được nhiều.
Mặc dù giáo viên nào cũng cố gắng nghiên cứu bài dạy, nghiên cứu chương trình nhưng để dạy tốt bản thân thầy cô phải có kiến thức nền nhưng học bồi dưỡng vài tháng thì kiến thức nền cũng không thể thay đổi.
May ra, chỉ có lớp 6 đơn giản, giáo viên có thể đảm nhận dạy tích hợp. Còn lớp 7 đặc biệt lớp 8 và lớp 9 sẽ rất khó đối với các thầy cô. Nếu bắt buộc phải dạy, chúng tôi cũng chỉ đảm bảo được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, còn kiến thức nâng cao chắc chắn chúng tôi không thể dạy tốt. Điều này, sẽ gây thiệt thòi lớn nhất cho thế hệ tương lai”.
Các trường học e dè trong việc phân công chuyên môn của môn tích hợp
Cô giáo M. cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, trường tôi phân công giáo viên dạy môn tích hợp theo hình thức song song. Bố trí giáo viên được đào tạo phân môn nào, vẫn dạy phân môn đó. Dạy song song, sẽ đỡ quá tải cho cả giáo viên và học sinh.
Giáo viên dạy đúng chuyên môn không chỉ phát huy được năng lực, nâng cao hiệu quả giờ dạy, nhà trường cũng đỡ vất vả sắp xếp thời khóa biểu. Các em học sinh cũng sẽ được khắc sâu kiến thức hơn. Đồng thời, việc học của học sinh cũng thoải mái, nhẹ nhàng hơn".
Nói rồi, cô giáo M. kể rằng, thời gian tới nhà trường tiếp tục xáo trộn chuyên môn khi phòng giáo dục triệu tập cuộc họp cho 18 trường trung học trên địa bàn, yêu cầu các trường phải bố trí dạy học môn tích hợp kiểu cuốn chiếu theo thứ tự các bài trong các cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7 và lớp 8.
Nội dung của từng môn được sắp xếp theo cấu trúc vài chương một phân môn. Những tuần đầu học sinh lớp 6, 7 sẽ học cuốn chiếu phân môn Hóa, thời lượng 4 tiết/tuần. Các tuần tiếp theo sẽ học Lý, kết thúc môn Lý chuyển sang học môn Sinh…và một giáo viên đảm nhận giảng dạy từ 2 đến 3 phân môn.
Yêu cầu giáo viên dạy kiểu này, có tuần giáo viên môn này dạy không kịp thở, giáo viên khác lại ngồi chơi, còn học sinh thì không tiếp thu bài nổi.
“Yêu cầu dạy theo hình thức cuốn chiếu và phân công một giáo viên phải dạy cả 3 môn thật sự là khổ và rất khó cho giáo viên. Sợ rằng, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục”, một thầy giáo băn khoăn.
Phân công chuyên môn giảng dạy môn Khoa học tự nhiên thế nào cho hiệu quả?
Khi nói về việc phân công chuyên môn tại trường học đối với các môn tích hợp, gần như hiệu trưởng nào cũng muốn phân công giáo viên môn nào vẫn đảm nhận giảng dạy môn ấy. Điều này, sẽ giúp cho chất lượng giáo dục được đảm bảo.
Tuy nhiên, điều mà một số hiệu trưởng vẫn băn khoăn, do không có công văn chỉ đạo chung từ cấp phòng hay cấp tỉnh, sợ rằng khi nhà trường bị kiểm tra chuyên môn dễ bị làm khó.
Liên quan đến vấn đề phân công giáo viên giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương triển khai chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.
Đối với môn Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mặt nội dung linh hoạt trong từng học kỳ, phù hợp với việc phân công giáo viên dạy học bảo đảm tính khoa học sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên.
Nội dung công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thấy yêu cầu cụ thể phải phân công giáo viên môn nào dạy môn đó hay một giáo viên dạy cả 2 đến 3 môn. Tuy nhiên, công văn nhấn mạnh, việc phân công phải “bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.
Điều này chứng tỏ, Bộ Giáo dục đã giao quyền cho nhà trường tự quyết định việc phân công giáo viên giảng dạy. Chuyên môn nhà trường sẽ hiểu rõ nhất năng lực và sở trường của mỗi giáo viên.
Ví như thầy giáo A. có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, có kỹ năng sư phạm tốt, có đủ năng lực giảng dạy tích hợp thì nhà trường sẽ phân công thầy A. đảm nhiệm giảng dạy môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc (Lịch sử và Địa lý).
Nhưng cô giáo B. (có chuyên môn về Sinh học), cô chỉ có thể giảng dạy đúng chuyên môn của mình mà không đủ năng lực giảng dạy thêm Lý và Hóa. Nhà trường sẽ bố trí cho cô B. giảng dạy phần Sinh học.
Bộ đã giao quyền cho nhà trường thì hiệu trưởng nhà trường sẽ có đủ quyền quyết định việc phân công chuyên môn thế nào để phát huy hiệu quả giảng dạy nhất. Vì thế, sẽ không ai có quyền nói rằng phân công thế này là sai, thế kia mới đúng.
Mục tiêu chương trình có đạt hay không, chất lượng học tập của học sinh có được nâng lên phụ thuộc rất lớn vào việc phân công chuyên môn cho các thầy cô giáo.
Phân công đúng sẽ phát huy được năng lực, sở trường của họ. Từ đó, mới có được những giờ dạy tốt, chất lượng giáo dục mới được nâng lên.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.