Hiện nay, cấp trung học cơ sở ở các địa phương vẫn đang duy trì thi học sinh giỏi văn hóa cuối cấp dành cho học sinh lớp 9. Có nơi tổ chức ở các lớp 6,7,8 theo cụm, huyện. Điều này cho thấy công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các nhà trường luôn được chú trọng bởi phong trào này là điểm nhấn rõ nhất cho thương hiệu của các trường Trung học cơ sở.
Tuy nhiên, việc tính số tiết/ tuần cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi hiện nay đang rất khác nhau, tùy vào quy định của ban giám hiệu nhà trường nên những giáo viên được phân công đảm nhận công việc này có phần ngán ngại.
Ngay cả khi học sinh của mình đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, lọt vào tốp đầu và nằm trong đội tuyển của huyện để đi thi cấp tỉnh thì có những địa phương phòng, sở giáo dục cũng không chú trọng đến việc tính số tiết theo định mức cho giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.
Hướng dẫn định mức số tiết cho giáo viên bồi dưỡng hiện nay ra sao?
Theo hướng dẫn tại Khoản 1, Điều 6 của Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT năm 2017 về việc ban hành Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, định mức tiết dạy của giáo trung học cơ sở là 19 tiết.
Tại điểm b, d, Khoản 2, Điều 11 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT hướng dẫn: “Ngoài nhiệm vụ giảng dạy chính ở trên lớp, giáo viên phải thực hiện những hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác theo sự phân công của hiệu trưởng. Việc quy đổi những hoạt động này ra tiết dạy để tính số giờ giảng dạy cho từng giáo viên được thực hiện như sau:
...b) Đối với giáo viên được huy động tham gia công tác hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thì 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức;
...d) Hiệu trưởng nhà trường căn cứ tình hình thực tế quy định việc quy đổi tiết dạy đối với các công việc chuyên môn khác sau khi có ý kiến đồng ý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo theo phân cấp quản lý đối với các cơ sở giáo dục”.
Với hướng dẫn này, các trường trung học cơ sở hiện nay đang áp dụng tính số tiết bồi dưỡng cho giáo viên theo điểm d, Khoản 2, Điều 11 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT.
Chính vì vậy, dù trong một huyện nhưng có trường tính cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi mỗi tuần 4 tiết; có trường tính 40 tiết cho cả quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi (khoảng 5-6 tháng); có nơi không tính số tiết bồi dưỡng mà sẽ thưởng cho giáo viên khi có học sinh đạt giải.
Riêng học sinh đạt giải cấp huyện, lọt vào đội tuyển cấp huyện để đi thi cấp tỉnh, giáo viên phải bồi dưỡng thêm gần 2 tháng trời- đây là quãng thời gian các địa phương đáng lẽ ra các phòng giáo dục phải áp dụng điểm b, Khoản 2, Điều 11 văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT để tính 1 tiết bồi dưỡng bằng 1,5 tiết theo định mức.
Thế nhưng, nhiều nơi "bỏ qua" hướng dẫn này. Phần nhiều giáo viên vẫn đang ôn theo gói 40 tiết cho cả quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi mà nhà trường đã quy định.
Ngay cả khi giáo viên có học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh thì vẫn có những nơi các cấp tổ chức cũng chỉ thưởng cho học sinh, còn giáo viên bồi dưỡng chẳng có gì, ngay cả cái giấy chứng nhận giáo viên bồi dưỡng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cũng không có.
Đừng để giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi quá thiệt thòi
Thực tế cho thấy, trong các phong trào, hội thi ở các trường phổ thông, việc giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi đang khá vất vả, áp lực.
Nếu như giáo viên thi giáo viên giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi thì cũng chỉ chuẩn bị có 1 tiết dạy và 1 báo cáo giải pháp nên việc chuẩn bị cũng chỉ diễn ra vài ngày. Giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên cũng đầu tư vài ngày, thậm chí có giáo viên còn lấy trên mạng internet hoặc xin xỏ ở địa phương khác.
Tuy nhiên, việc bồi dưỡng học sinh giỏi cho học sinh cuối cấp trung học cơ sở hiện nay đang được giáo viên đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết mới hy vọng có giải.
Thông thường, mỗi môn học chỉ lấy khoảng 25-35% tổng số thí sinh dự thi ở các nhà trường nên giáo viên không có đầu tư một cách nghiêm túc, khoa học, có chiều sâu thì không bao giờ có giải.
Vì thế, cho dù một số nhà trường tính định mức mỗi tuần 4 tiết/tuần- mức cao nhất hiện nay thì giáo viên bồi dưỡng cũng phải đầu tư nhiều hơn định mức của nhà trường. Nhiều giáo viên rảnh lúc nào là kéo học sinh vào trường bồi dưỡng.
Trong khi, việc bồi dưỡng học sinh giỏi phải được kết hợp cả yếu tố thầy và trò mới hy vọng có giải. Cho dù thầy giỏi chuyên môn, nhiệt huyết với công việc nhưng gặp phải các em tham gia đội tuyển hời hợt thì khả năng đạt giải gần như không có.
Vậy nên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi phải hội tụ đầy đủ các yếu tố thì mới có hy vọng học sinh đạt giải cấp huyện. Khi đạt giải cấp huyện, những em có điểm số cao nhất tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì tính cạnh tranh càng cao. Thầy và trò càng phải cố gắng nhiều hơn, áp lực nhiều hơn.
Vậy nhưng, có những địa phương phải lờ đi điểm b, Khoản 2, Điều 11 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT, không tính số tiết cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Vì thế, nhiều giáo viên bồi dưỡng khá thiệt thòi khi đầu tư rất nhiều nhưng nếu học sinh của mình không đạt giải thì cả thầy và trò đều trắng tay, không được một chút quyền lợi nào.
Thiết nghĩ, khi học sinh lớp 9 khi lọt vào đội tuyển cấp huyện để tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh thì đây là thời điểm Phòng Giáo dục và Đào tạo cần tính 1 tiết hướng dẫn, bồi dưỡng thực tế được tính bằng 1,5 tiết định mức tiết dạy của giáo viên theo đúng hướng dẫn tại điểm b, Khoản 2, Điều 11 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT.
Đừng để những thầy cô giáo bồi dưỡng học sinh giỏi phải chạnh lòng khi đầu tư nhiều tháng trời với không biết bao nhiêu công sức, tâm huyết nhưng họ không được hưởng thành quả, quyền lợi đáng kể nào.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.