Giáo viên dạy học sinh giỏi đoạt giải vẫn không được tính thành tích thăng hạng?

19/08/2023 07:46
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên dạy học sinh giỏi các cấp đoạt giải vẫn không được tính thành tích thăng hạng chức danh nghề nghiệp gây thiệt thòi quyền lợi cho thầy cô.

Ngày 10/8/2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết "Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở giáo viên mới được thăng hạng II?" nhận được nhiều sự quan tâm của đội ngũ thầy cô.

Bài báo có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Theo đó, tại điểm đ khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non hạng II (Mã số V.07.02.25) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên hoặc được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Tương tự, tại điểm h khoản 4 Điều 4 quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng II (Mã số: V.07.03.28) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên.

Tại điểm h khoản 4 Điều 4 văn bản hợp nhất Thông tư quy định tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II (Mã số V.07.04.31) và giáo viên trung học phổ thông hạng II (Mã số V.07.05.14) như sau:

Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên.

Riêng giáo viên mầm non hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Giáo viên tiểu học hạng II có thể được thay thế bằng: bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Giáo viên dạy học sinh giỏi đoạt giải vẫn không được tính thành tích?

Đọc những nội dung này, một phó hiệu trưởng (xin không nêu tên) trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu những băn khoăn với người viết về quy định tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non, phổ thông sau đây.

Thứ nhất, về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non hạng II cần đạt một trong các thành tích: chiến sĩ thi đua cơ sở; giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên; được nhận bằng khen hoặc giấy khen từ cấp huyện trở lên.

Về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên tiểu học hạng II cần đạt một trong các thành tích: chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên.

Phó hiệu trưởng này cho biết, các thành tích như: danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên, đều có minh chứng rất rõ ràng.

Tuy vậy, các thành tích như bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên cần được quy định rõ ràng hơn.

Bởi vì, bằng khen, giấy khen hàng năm được trao cho những giáo viên có thành tích cao liên quan đến các hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn...

Chưa kể, bằng khen, giấy khen còn được trao cho người tốt việc tốt, người có thành tích trong các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao,...

Thứ hai, phó hiệu trưởng này cũng băn khoăn ở chỗ, về tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên mầm non và phổ thông chưa có quy định nào về thành tích của giáo viên dạy học sinh giỏi các cấp đoạt giải.

"Tôi thấy, giáo viên dạy học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh đoạt giải là những thầy cô thực sự giỏi về chuyên môn. Tôi đánh giá thành tích của những giáo viên này cao hơn thầy cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Giáo viên muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì cần có sáng kiến đạt từ loại khá trở lên và không bị khống chế trên 15% tổng số viên chức của đơn vị là gần như được cơ quan quản lí giáo dục ra quyết định công nhận.

Còn giáo viên dạy giỏi thì không phải thầy cô nào cũng có thể dạy luyện thi học sinh giỏi các cấp, nhất là cấp tỉnh, cấp quốc gia. Họ thực sự là người vừa giỏi chuyên môn vừa có kinh nghiệm luyện thi thì mới có học sinh đoạt giải.

Giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên... thì được tính là đạt tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Còn giáo viên dạy học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, thậm chí cả cấp quốc tế đoạt giải thì họ vẫn không được tính là đạt tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, có vô lí?", vị phó hiệu trưởng phân tích.

Thứ ba, bàn về việc chuyển hạng giáo viên mầm non, phổ thông thời gian qua, vị phó hiệu trưởng này cho biết thêm, có nhiều trường hợp giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi, đạt thành tích cao trong dạy học và hoạt động các phong trào nhưng họ vẫn không được hiệu trưởng cử đi thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Có trường chỉ cử tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên mạng lưới... tham gia thi (xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II khiến những thầy cô không giữ chức vụ bức xúc.

Đáng nói, đa số giáo viên sau khi được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì họ vẫn giảng dạy theo nghĩa vụ và làm một số công tác kiêm nhiệm.

Chẳng hạn, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/tuần, thầy cô nào làm công tác chủ nhiệm hay dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì được giảm trừ tiết dạy theo quy định.

Công việc của giáo viên hạng II ở trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đã có tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên mạng lưới và hiệu phó chuyên môn đảm nhiệm.

Thứ tư, theo vị phó hiệu trưởng chia sẻ, việc chuyển hạng, xếp lương giáo viên mầm non còn nhiều thua thiệt so với giáo viên phổ thông.

Ví dụ, giáo viên mầm non hạng II, mã số V.07.02.25, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Trong khi, giáo viên tiểu học hạng II, mã số V.07.03.28, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

"Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD về việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông nhưng cá nhân tôi thấy một số nội dung vẫn còn bất cập như đã nêu.

Cụ thể, vẫn còn nhiều trường hợp giáo viên dạy học sinh giỏi các cấp đoạt giải nhưng họ vẫn không được tính thành tích để thi (xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Các thầy cô diện này cũng rất cần được ghi nhận sự cống hiến, tâm huyết, năng lực của họ trong quá trình xem xét thi, xét thăng hạng", vị phó hiệu trưởng nêu ý kiến.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương