Nhiều năm dạy học, ôn thi học sinh giỏi cho học sinh (thuộc một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long), bản thân người viết luôn băn khoăn về việc phòng, sở giáo dục thường điều động giáo viên đi chấm đi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở. Bởi lẽ, chủ yếu những giáo viên đi chấm thi học sinh giỏi là những người vừa trực tiếp ôn thi học sinh giỏi cho đơn vị mình.
Một điều trùng hợp là những trường có giáo viên đi chấm thi thì môn thi đó thường có đậu tỉ lệ rất cao. Có trường, tỉ lệ học sinh giỏi đạt giải đến 100%- chiếm 2/3 giải thưởng của toàn huyện.
Giáo viên dưới cơ sở thì “đặt vấn đề” từ nhiều năm qua, nhiều người tỏ ra thất vọng về cách điều động nhân sự đi chấm thi nhưng có lẽ lãnh đạo không biết và có thể họ tin là những giám khảo đều thực hiện công việc một cách khách quan, công tâm chăng?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Phương Linh |
Có nên điều động giáo viên ôn thi học sinh giỏi đi chấm thi học sinh giỏi?
Hằng năm, cứ vào những tuần đầu của học kỳ II, một số địa phương sẽ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện. Sau khi thi học sinh giỏi cấp huyện, những em đạt giải cao nhất sẽ tiếp tục ôn thi và dự thi kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh vào giữa tháng 3 hằng năm.
Nhìn chung, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa đối với học sinh cấp trung học cơ sở hiện nay rất áp lực đối với giáo viên, học sinh trong đội tuyển. Bởi lẽ, thời gian thầy trò giảng dạy và ôn thi với nhau kéo dài 5-7 tháng trời ròng rã.
Giáo viên được phân công ôn thi phải tìm tòi, đầu tư rất nhiều cho chuyên môn để giảng dạy cho học trò những kiến thức cơ bản, nâng cao, hướng dẫn những đề thi của năm trước. Học sinh cũng phải học tập nhiều hơn bạn bè trong lớp.
Vì thế, nếu các cấp tổ chức kỳ thi học sinh giỏi thực hiện một cách công tâm, khách quan, đặt quyền lợi các học sinh, giáo viên ở các nhà trường lên trên hết thì cho dù học sinh tham dự kỳ thi mà rớt thì thầy trò cũng vui lòng.
Ngược lại, nếu điều động nhân sự không đúng, không trúng, không lường trước các vấn đề thì những mảng tối có thể xuất hiện. Có thể có học sinh bị rớt oan uổng vì thi học sinh giỏi luôn lấy số lượng cực thấp, chỉ dao động 25-35% (tùy theo năm) số học sinh tham dự kỳ thi.
Song, điều mà một số địa phương đang làm là khi chấm thi vẫn thường điều động những giáo viên ôn thi học sinh giỏi đi chấm thi. Trong khi, ai cũng biết rằng đối với kỳ thi học sinh giỏi thì điều tối kị là điều động phân công giáo viên đóng nhiều vai cùng một lúc. Đặc biệt đối với người ra đề và chấm thi.
Dù trước khi chấm thi, các bài thi đã được rọc phách và bộ phận rọc phách thường độc lập với bộ phận chấm nhưng dù có rọc phách giáo viên chấm thi vẫn có thể nhận ra bài của học sinh mình.
Bởi lẽ, theo cách làm hiện nay đối với kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, những trường loại I, mỗi trường có tối đa 10 học sinh/ môn; các trường loại II, loại III tối đa là 5 học sinh. Nhưng, chỉ có một số trường lớn, một số môn học được xem là môn chính thì mới đủ thí sinh dự thi, còn lại thường các trường dự thi không đủ số lượng tối đa.
Vì thế, chỉ có một số ít giáo viên ôn thi với số lượng tối đa là 10 học sinh, còn lại chủ yếu chỉ ôn thi vài ba em suốt quãng thời gian 5-7 tháng nên giáo viên thuộc từng nét chữ, cách triển khai các bài thi của học sinh.
Về nguyên tắc, bài thi bị rọc phách thì giáo viên khó biết bài làm của em nào nhưng đó là những kỳ thi có số lượng đông. Đằng này, thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thường có số lượng ít.
Nhiều trường, chỉ vài ba em/ môn nên bài thi dù có rọc phách thì việc điều động giáo viên ôn thi đi chấm thi sẽ rất khó đảm bảo được sự khách quan, nhất là đối với các môn thi xã hội nghiêng về định tính nhiều hơn.
Trong thực tế, không ít giáo viên vừa ôn thi, vừa chấm thi có tới 100% học sinh đều đậu học sinh giỏi cấp huyện. Từ đó, “tiếng thơm” của họ càng nhiều hơn và năm sau lại tiếp tục được nhà trường phân công ôn thi; phòng, sở điều động đi chấm thi học sinh giỏi!
Dù khách quan đến mấy cũng không tránh khỏi thị phi
Nhiều năm ôn thi, theo dõi kết quả kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, người viết nhận thấy kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở ở một số địa phương đang có một số ưu điểm nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định và cần phải thay đổi cách làm.
Ưu điểm ở chỗ việc duy trì kỳ thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở sẽ giúp cho giáo viên tham gia ôn thi nâng cao được trình độ chuyên môn; họ luôn tìm tòi cái hay, cái mới vào những bài giảng của mình.
Đối với học sinh, các em tham gia đội tuyển sẽ phát huy được thế mạnh môn học mà mình yêu thích. Nhiều em sau khi ôn thi học sinh giỏi ở cấp trung học cơ sở sẽ dự thi vào trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu để phát triển đam mê, sở thích.
Tuy nhiên, hạn chế ở chỗ nếu như việc tổ chức không chú trọng sàng lọc nhân sự tham gia ra đề, chấm thi rất dễ xảy ra tiêu cực. Bởi lẽ, nếu giáo viên đang ôn thi mà ra đề thi có thể sẽ xảy ra việc “định hướng” trước cho học sinh của mình.
Đối với nhân sự chấm thi, có cấp phòng, sở chưa chú trọng, sàng lọc nên vẫn thường điều động người vừa ôn thi lại tham gia chấm thi. Vì thế, giáo viên rất dễ nhận ra bài thi của học sinh trường mình, do mình vừa ôn thi xong.
Trong phòng chấm thi chỉ có vài giáo viên (vì số lượng bài thi ít) nên việc giáo viên ưu ái hơn cho học trò của mình là điều dễ xảy ra, nhất là một số môn học xã hội, chấm theo ý, theo nội dung và có điểm sáng tạo. Việc giáo viên nâng lên, hạ xuống 1-2 điểm cho 1 bài thi có thang điểm 20 không phải là điều khó.
Chính vì thế, bản thân người viết bài mong rằng lãnh đạo phòng; sở giáo dục, nhất là những chuyên viên phụ trách chuyên môn khi lựa chọn nhân sự đi chấm thi cần sàng lọc kĩ và đưa ra những tiêu chí cụ thể để các nhà trường giới thiệu lên.
Cương quyết không điều động giáo viên ôn thi đi chấm thi học sinh giỏi các cấp vì thực tế giáo viên dạy cùng khối ở các nhà trường có rất nhiều. Chấm thi, có sẵn đáp án nên điều động những giáo viên dạy cùng khối, không liên quan gì đến ra đề, ôn thi sẽ phát huy được nhiều lợi thế. Điều quan trọng là tạo được niềm tin cho giáo viên ôn thi ở các nhà trường.
Nếu vẫn duy trì việc điều động giáo viên ôn thi đi chấm thi sẽ không thể nào tránh khỏi thị phi và uy tín của kỳ thi cũng mai một.
Bởi lẽ, trước khi chấm thi, phòng, sở giáo dục gửi danh sách điều động giáo viên đi chấm thi, sau kỳ thi gửi bảng điểm, gửi danh sách học sinh đạt giải về các nhà trường qua email thì giáo viên ở các trường dễ dàng nhìn thấy trường nào đạt giải nhiều, giải ít.
Và, cũng không khó để nhìn ra những giáo viên đi chấm thi có bao nhiêu em đạt giải. Nếu số lượng ít thì không sao nhưng nhiều, thậm chí là 100% học sinh của giáo viên vừa ôn thi, chấm thi đạt giải thì những bàn tán là điều không tránh khỏi. Kỳ thi học sinh giỏi cũng mất đi ý nghĩa bởi niềm tin đã bị lung lay ít nhiều.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.