Thời gian qua, công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học mặc dù được các địa phương, nhà trường quan tâm thực hiện, đạt một số kết quả đáng khích lệ nhưng chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học còn ở mức thấp.
Một số cơ sở giáo dục đào tạo ngành Giáo dục thể chất đã và đang nỗ lực đổi mới chương trình, khắc phục mọi khó khăn để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất.
Bàn về tầm quan trọng của giáo dục thể chất và đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất, Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Xuân Duyệt – Trưởng khoa Khoa Giáo dục thể chất Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, đảm nhiệm một trong bốn mặt giáo dục đức, trí, thể, mỹ.
Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của công tác thể dục thể thao nói chung và giáo dục thể chất trường học nói riêng, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới.
Theo đó, Kết luận của Bộ Chính trị chỉ đạo thời gian tới: “Đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển các loại hình hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, phát triển thể chất. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, giảng viên cho các cấp học, trình độ đào tạo và nghiên cứu khoa học về tâm sinh lý lứa tuổi, thể dục, thể thao trường học” [1] - "đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng trong tình hình mới", thầy Duyệt nhận định.
Cũng theo thầy Duyệt, cùng với sự đổi mới của hệ thống giáo dục, công tác đào tạo giáo dục thể chất cũng gắn liền với các mục tiêu, yêu cầu của người học, cấp học. Vị trí, vai trò của giáo dục thể chất được xã hội quan tâm nhiều hơn. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng đã tăng tiết học môn Giáo dục thể chất với mục tiêu phát triển toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen rèn luyện thể chất thường xuyên cho trẻ em, học sinh và sinh viên. Do vậy, công tác đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất cho đến nay được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục cũng như các yêu cầu của xã hội.
Từ vai trò quan trọng của giáo dục thể chất, thầy Duyệt đánh giá, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục thể chất đã được nhiều cơ sở đào tạo triển khai thực hiện và có bước phát triển, chất lượng đào tạo nâng cao, các loại hình đào tạo đa dạng hóa. Giao lưu, hợp tác quốc tế về đào tạo tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên, vận động viên đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học.
Tuy vậy, quy mô, cơ cấu đào tạo, nhất là chất lượng và hiệu quả giáo dục thể chất chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao về nhân lực phục vụ phát triển thể dục thể thao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
"Về đội ngũ giáo viên, nguồn nhân lực đảm nhiệm vai trò giảng dạy bộ môn Giáo dục thể chất trong các trường hiện nay có gần 80.000 giáo viên, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đội ngũ giáo viên Giáo dục thể chất ở giáo dục phổ thông còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo.
Ở cấp tiểu học có khoảng 20% số trường có giáo viên chuyên trách về giáo dục thể chất (từ 1 - 2 người, phần lớn là 1 người). Trên 90% giờ học giáo dục thể chất ở cấp tiểu học do giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nên chất lượng giảng dạy môn học này chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.
Điều này cho thấy, công tác đào tạo nguồn nhân lực thể dục thể thao hiện nay nói chung và đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất nói riêng còn nhiều hạn chế nhất định về số lượng, chất lượng; cơ cấu ngành nghề, trình độ, xã hội, cơ cấu vùng của nhân lực phục vụ công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương”
_Tiến sĩ Đỗ Xuân Duyệt_
Về công tác tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất, theo thầy Duyệt, so với khối ngành đào tạo giáo viên khác của trường, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào ngành Giáo dục thể chất còn chiếm tỷ lệ thấp.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành Giáo dục thể chất của trường thu hút nhiều thí sinh là vận động viên các môn thể thao thuộc đội tuyển. Tỷ lệ tuyển sinh trong những năm gần đây đều đạt từ 97 - 100% so với chỉ tiêu được giao. Trong năm 2024, theo đề án tuyển sinh của trường được phê duyệt, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất là 90 sinh viên.
“Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất của nhà trường được xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu của môn Giáo dục thể chất trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học. Ngoài các lĩnh vực chuyên môn, khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành như các trường khác cùng đào tạo Giáo dục thể chất, chương trình còn bao gồm các học phần, module về khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm chuyên sâu. Trong đó tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng về dạy học phát triển năng lực, kỹ năng xây dựng và phát triển chương trình Giáo dục thể chất trong nhà trường,... với tỷ trọng khoảng 30% so với khối kiến thức chuyên ngành (trong khi ở các cơ sở đào tạo khác, tỷ trọng này thấp hơn, chỉ khoảng 10 - 15%)”, thầy Duyệt cho hay.
Theo kết quả khảo sát việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường cho thấy, sinh viên ngành Giáo dục thể chất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có việc làm đúng chuyên môn chiếm khoảng 92%, với thu nhập ở mức trung bình thấp (so với các ngành khác của nhà trường). Do một số hạn chế bất cập trong cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu xã hội, cơ cấu vùng miền... sinh viên ra trường có thu nhập ở mức khá sẽ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng,…
Theo tìm hiểu của phóng viên, Khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế có đào tạo ngành Giáo dục thể chất. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Quang Dũng – Trưởng khoa Giáo dục thể chất (Đại học Huế) nhận xét, việc đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất có vai trò nòng cốt, hàng đầu trong việc thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường.
"Việc thực hiện chương trình Giáo dục thể chất trong nhà trường chỉ tốt khi có đội ngũ giáo viên Giáo dục thể chất đủ trình độ chuyên môn, tâm huyết.
Đào tạo ngành Giáo dục thể chất hiện nay cơ bản đáp ứng được nhu cầu xã hội, hay nói cách khác, phần lớn các trường học đã có đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình Giáo dục thể chất trong trường học. Tuy nhiên, việc đào tạo ồ ạt các giáo viên Giáo dục thể chất từ năm 2000 trở lại đây trên toàn quốc đã dẫn đến nhu cầu về giáo viên Giáo dục thể chất bão hoà trong xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên ngành Giáo dục thể chất ra trường khó tìm kiếm cơ hội việc làm.
Để đảm bảo chất lượng, giáo viên Giáo dục thể chất ở một số trường phổ thông cần phải nâng chuẩn và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để phục vụ cho việc thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông từ năm 2018”
_Tiến sĩ Lê Quang Dũng_
Về công tác tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất của Khoa, thầy Dũng chia sẻ, năm 2023, Khoa tuyển được 32 sinh viên ngành Giáo dục thể chất (đạt 80% chỉ tiêu). Năm 2024, Khoa chú trọng tuyển sinh qua kênh cựu sinh viên (vì những cựu sinh viên này đang dạy ở các trường phổ thông, nhất là cấp trung học phổ thông); ứng dụng các trang mạng xã hội, liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp, năng khiếu trong lĩnh vực thể dục thể thao, trao học bổng khuyến khích cho sinh viên là vận động viên có thành tích thi đấu cao. Ngoài ra, Khoa chú trọng đổi mới chương trình song song với nâng cao trình độ của giảng viên và cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.
“Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất của Khoa có đặc điểm khác biệt so với các trường cùng đào tạo ngành này đó là sinh viên đến từ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (nơi đời sống kinh tế khó khăn và điều kiện thời tiết khắc nghiệt). Chính vì thế, ngành Giáo dục thể chất của Khoa đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục địa phương; khắc phục những hạn chế về kinh tế, thời tiết và phát huy tinh thần chăm chỉ, hiếu học của sinh viên. Khoa khai thác thế mạnh của giảng viên Đại học Huế tham gia giảng dạy cho ngành Giáo dục thể chất. Mặt khác, chương trình đào tạo của ngành cũng chú trọng phát triển năng lực thể dục thể thao, năng lực sư phạm, chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội”, thầy Dũng cho biết.
Cũng là cơ sở đào tạo ngành Giáo dục thể chất. Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc đào tạo cử nhân sư phạm ngành Giáo dục thể chất có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, biết nghiên cứu khoa học để giảng dạy – huấn luyện, làm việc, quản lý, tổ chức sự kiện thể dục thể thao trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và trung tâm đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao tại các địa phương có vai trò vô cùng quan trọng.
“Vì vai trò quan trọng của giáo dục thể chất nên công tác đào tạo ngành Giáo dục thể chất nhiều năm gần đây cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công tác đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất hiện nay đã dần có sự chuẩn hóa về chương trình, số lượng cơ sở đào tạo và chuyên ngành hẹp cũng phong phú, đa dạng hơn, nhất là tại các thành phố lớn (như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội). Từ đó, sinh viên có nhiều lựa chọn trong việc trở thành một giáo viên Giáo dục thể chất.
Trong mùa tuyển sinh năm 2023, ngành Giáo dục thể chất của trường tuyển gần đạt 100% chỉ tiêu. Với điểm trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông là 25,23 điểm và phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 26,10 điểm. Mức điểm trúng tuyển này đạt mức khá của trường”
_Tiến sĩ Huỳnh Trung Phong_
Chỉ ra điểm khác biệt trong chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, theo thầy Phong, chương trình đào tạo của ngành chú trọng trang bị cho sinh viên năng lực cần thiết qua các học phần về khoa học giáo dục, nghiệp vụ sư phạm - đây cũng là thế mạnh của trường. Đối với các học phần thực hành (các môn thể thao), sinh viên cũng sẽ được học đầy đủ các môn thể thao cơ bản, trong đó chú trọng đến phương pháp giảng dạy của từng môn. Từ đó, giúp sinh viên ra trường có điều kiện tốt nhất khi tổ chức hoạt động dạy học sau này.
Đón đầu xu thế đổi mới trong giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các trường phổ thông, nhà trường cũng đã có những điều chỉnh nhanh chóng trong giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của sinh viên từ nhiều năm nay (trong nhiều học phần, đào tạo phù hợp với cách thức tổ chức dạy học của giáo viên Giáo dục thể chất). Mặt khác, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng là đơn vị phụ trách biên soạn và chuyển giao 2/9 module trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho các trường sư phạm trong cả nước, tập huấn bồi dưỡng 9 module Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho hơn 19 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam. Vì vậy, sinh viên có nhiều thuận lợi khi học ngành Giáo dục thể chất của trường.
“Sinh viên tốt nghiệp cử nhân Giáo dục thể chất có thể làm giáo viên dạy Giáo dục thể chất ở trung học phổ thông. Có khả năng nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ.
Đối với người học có nhu cầu nâng cao trình độ, năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tuyển sinh thạc sĩ ngành Giáo dục học (chuyên ngành Giáo dục thể chất).
Mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Giáo dục thể chất khoảng 6 - 8 triệu đồng/tháng. Chưa kể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên được hưởng các mức thu nhập tăng thêm theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Do vậy, mức thu nhập của giáo viên sẽ cải thiện rất đáng kể”, thầy Phong cho biết thêm.
Thiếu cơ sở vật chất, công trình thể thao
Trên thực tế, bên cạnh những thuận lợi, công tác đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học ngành Giáo dục thể chất còn một số vướng mắc.
Cụ thể, theo thầy Duyệt, công tác giảng dạy của giảng viên Khoa Giáo dục thể chất còn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, công trình thể thao; một số môn chuyên ngành phải đi thuê cơ sở vật chất của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nên không chủ động được về công tác tổ chức và giảng dạy. Vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình thể thao được xác định là một bài toán khó khi nhà trường không có quỹ đất dành cho xây dựng các công trình thể thao.
“Với điều kiện hiện nay của nhà trường, những khó khăn, thách thức như đã đề cập ở trên khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn. Vì thế, trong chiến lược phát triển, nhà trường cần có những giải pháp đồng bộ về việc quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật, công trình thể thao một cách khoa học và đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu đề ra trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, thầy Duyệt đề xuất.
Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ của giảng viên, là nhiệm vụ khó nhưng hỗ trợ giảng viên trong việc cải tiến chương trình, giáo án. Thầy Dũng cho biết, thành tựu nghiên cứu khoa học của Khoa Giáo dục thể chất – Đại học Huế còn khiêm tốn (1 đề tài cấp bộ, 5 đề tài cấp Đại học Huế được nghiệm thu và hàng năm có trên 10 đề tài cấp khoa được nghiệm thu). Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, Khoa có những bước phát triển về nghiên cứu khoa học. Cụ thể, được phê duyệt 2 đề tài cấp bộ, 6 đề tài cấp Đại học Huế, trong đó các lĩnh vực nghiên cứu đã được mở rộng sang liên ngành như thể thao du lịch, thể thao kinh tế, thể thao và chăm sóc sức khỏe, thể thao và tâm lí, thể thao và công nghệ thông tin,...
“Khoa có 9/46 giảng viên trình độ tiến sĩ. Hàng năm, Khoa được cấp kinh phí để tham gia đăng ký đề xuất nghiên cứu. Tuy nhiên, do giảng viên bận giảng dạy nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học không được sâu, chỉ tập trung vào một số giảng viên. Bên cạnh đó, do phương tiện nghiên cứu, cơ sở vật chất hiện nay của Khoa chưa theo kịp với tốc độ phát triển khoa học công nghệ của thế giới trong lĩnh vực thể dục thể thao nên thành quả nghiên cứu còn hạn chế. Chưa kể, việc thiếu đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ cũng là một trong những khó khăn trong nghiên cứu khoa học của ngành Giáo dục thể chất”, thầy Dũng chia sẻ.
Để giải quyết những khó khăn trong nghiên cứu khoa học, thầy Dũng đã đề xuất với nhà trường tăng số lượng đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ – đội ngũ chính tham gia nghiên cứu khoa học; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và cần có cơ chế chuyển đổi giờ nghiên cứu khoa học và giờ giảng cho giảng viên.
Một số thành tích trong nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Giáo dục thể chất - Đại học Huế:
01 giải Ba, 01 giải Khuyến khích Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc ngành Thể dục thể thao năm 2018, 2019
Tại Hội nghị Khoa học khối các trường thể dục thể thao, sinh viên của Khoa đạt 01 giải Nhất, 02 giải Ba (năm 2020) và đạt 01 giải Nhì và 01 giải Khuyến khích (năm 2022).
Cùng bày tỏ quan điểm về những khó khăn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ngành Giáo dục thể chất, thầy Phong cho rằng, trong đào tạo, khó khăn lớn nhất là việc đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ cho tất cả các môn thể thao. Thêm nữa, do đặc thù điều kiện dạy và học nhiều môn thực hành giáo dục thể chất phải ở ngoài trời nên sinh viên cũng sẽ vất vả hơn so với một số ngành học khác.
Còn trong nghiên cứu khoa học, việc thiếu trang thiết bị máy móc chuyên dụng, hiện đại trong lĩnh vực thể dục thể thao cũng phần nào làm hạn chế số lượng các nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên của ngành.
Đề khắc phục khó khăn, thầy Phong mong muốn: “Nhà trường tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ cho viên chức, giảng viên trong việc nâng cao trình độ để phát triển đội ngũ, đáp ứng nhu cầu đào tạo đại học và sau đại học trong thời gian sắp tới. Nhà trường tạo điều kiện để bổ sung cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong đào tạo ngành Giáo dục thể chất. Đồng thời, cần mở rộng hợp tác, liên kết với các đơn vị cùng đào tạo ngành Giáo dục thể chất ở trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ cũng như khai thác các trang thiết bị máy móc hiện đại trong nghiên cứu khoa học”.
Tài liệu tham khảo:
[1] Xem Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới TẠI ĐÂY