Học Kinh tế thể thao hay Quản lý thể dục thể thao dễ kiếm việc hơn?

02/02/2024 06:38
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sức hấp dẫn của ngành Kinh tế thể thao là sinh viên vừa được thỏa sức đam mê kinh doanh lại vừa có sức khỏe.

Khoảng hơn 10 năm trước, ngành Quản lý Thể dục thể thao được các trường như Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng... tuyển sinh, đào tạo. Còn trong những năm gần đây, có Trường Đại học Hoa Sen, mở ngành Kinh tế thể thao.

Để tìm hiểu về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên học hai ngành học trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cao Hoàng Anh - Trưởng Bộ môn Quản lý Thể dục thể thao (Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh); Tiến sĩ Trần Mạnh Hưng - Trưởng khoa Quản lý Thể dục thể thao (Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng) và Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh, Giám đốc chương trình ngành Kinh tế thể thao (Trường Đại học Hoa Sen).

Ngành Kinh tế thể thao khác với Quản lý Thể dục thể thao

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh, Giám đốc ngành Kinh tế thể thao - Trường Đại học Hoa Sen cho hay, ngành Kinh tế thể thao có sự khác biệt với ngành Quản lý thể dục thể thao.

Theo đó, ngành Kinh tế thể thao là chuyên về quản trị, còn Quản lý thể dục thể thao là quản lý. Hai ngành này khác nhau về tính chất và nội hàm.

Ngành Kinh tế thể thao của nhà trường được nhà trường mở từ năm 2021, nhưng năm này và năm 2022 do dịch Covid-19, nhà trường không tuyển sinh. Năm 2023, nhà trường tuyển được 25/30 chỉ tiêu.

"Nhà trường mới mở ngành đào tạo này, nên có thể xã hội chưa hiểu rõ về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh chia sẻ nguyên nhân về việc tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu.

Giám đốc ngành Kinh tế thể thao cho biết, hiện nay, thị trường lao động còn đang khan hiếm nguồn nhân lực về kinh tế thể thao.

Cụ thể, người tiêu dùng về thể thao muốn có sức khỏe thì họ phải đến những nơi cung cấp dịch vụ đó, hoặc những người chủ trung tâm thể dục thể thao muốn tuyển chọn người biết kinh doanh về mảng này.

"Nếu người quản lý trong phòng Gym, họ sẽ phải cung ứng giải pháp, cung cấp chất lượng dịch vụ cho khách hàng tiêu dùng để tăng doanh thu.

Sinh viên của nhà trường sẽ là người quản trị các hoạt động về dịch vụ thể thao, và các em khi ra trường dư sức để mở và quản lý một phòng Gym", cô Thanh chia sẻ.

Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Tuần lễ việc làm để giới thiệu việc làm từ các nhà tuyển dụng cho các em sinh viên năm 2, năm 3. (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Trường Đại học Hoa Sen tổ chức Tuần lễ việc làm để giới thiệu việc làm từ các nhà tuyển dụng cho các em sinh viên năm 2, năm 3. (Ảnh: Fanpage nhà trường)

Theo cô Thanh, Trường Đại học Hoa Sen có thế mạnh đào tạo về lĩnh vực kinh tế, đây cũng là nền tảng để sinh viên học ngành Kinh tế thể thao phát triển chuyên môn, trở thành cử nhân về kinh tế. Sinh viên được học một số môn học chuyên ngành như Tài chính thể thao, Marketing thể thao, Tài trợ thể thao...

Ngành Kinh tế thể thao đang trực thuộc Khoa Kinh tế và Quản trị, và ngành đang trong thời gian được đào tạo thí điểm. Tương lai, khi ngành đủ lớn sẽ tách riêng thành Khoa kinh tế.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc đào tạo ngành Kinh tế thể thao hiện chỉ có Trường Đại học Hoa Sen, trong khi những trường chuyên đào tạo về lĩnh vực thể thao lại chưa có, cô Thanh cho biết, những trường khác đào tạo về thể thao nhưng không mở được ngành Kinh tế thể thao bởi họ không có giảng viên cơ hữu giảng dạy về Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Tài chính thể thao, Marketing, Tổ chức sự kiện thể thao...

"Bộ Giáo dục yêu cầu khi nhà trường mở ngành phải có đầy đủ nguồn lực về tiến sĩ, và giảng viên liên quan tới ngành đào tạo", cô Thanh chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh cho biết, sức hấp dẫn của ngành Kinh tế thể thao là sinh viên vừa được thỏa sức đam mê kinh doanh lại vừa có sức khỏe.

Bên cạnh đó, cũng giống như những ngành học khác ở trường, các em sẽ tự thành lập dự án và trình bày kế hoạch vận hành, xin tài trợ từ phía nhà trường. Nhà trường duyệt dự án sẽ tài trợ cho nhóm đó khoảng 10-15 triệu đồng/dự án. Điều này giúp các em phát huy tối đa khả năng của bản thân.

Với sinh viên ngành Kinh tế thể thao, bước sang năm thứ hai, nhà trường sẽ cho các em đến thực tế tại các doanh nghiệp về thể thao, để sinh viên được làm việc trực tiếp.

Ví dụ như cho sinh viên đi làm trợ giảng khóa dạy bơi, có thể nhận được thù lao 3-5 triệu đồng/khóa, hoặc cho sinh viên làm bộ phận caddy (nhặt bóng) có thể nhận mức thù lao 500 nghìn đồng/giờ.

Giám đốc ngành Kinh tế thể thao cũng chia sẻ thêm, ngay từ học kì II của năm thứ nhất khóa tuyển sinh năm vừa qua, sinh viên ngành Kinh tế thể thao đã được giới thiệu chỗ làm bán thời gian 20 giờ/tuần, mức lương mà các em nhận được là 6 triệu đồng/tháng.

Về kế hoạch tuyển sinh ngành Kinh tế thể thao năm 2024, cô Thanh chia sẻ, nhà trường dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh với ngành Kinh tế thể thao lên 40 sinh viên.

Ngành Quản lý thể dục thể thao ra trường xin việc khó?

Thầy Cao Hoàng Anh -Trưởng khoa Quản lý thể dục thể thao, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho hay, ngành Quản lý thể dục thể thao của trường bắt đầu tuyển sinh từ năm 2007, đến nay ngành cũng đã trải qua hơn 10 năm tuyển sinh, đào tạo. Hiện nay, khoa có 6 tiến sĩ và 3 thạc sĩ.

Chia sẻ về sự thay đổi chương trình đào tạo, thầy Hoàng Anh cho hay, chương trình đào tạo các ngành được rà soát hằng năm. Sau 4 năm, sẽ được kiểm định chất lượng và biên soạn lại chương trình để phù hợp với xu thế. Đến nay, ngành có sự thay đổi về một số môn học, cùng với đó là thời lượng giảng dạy.

Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao nhập học còn thấp. Năm 2021, 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là đều là 25, số sinh viên nhập học lần lượt các năm là 6 - 7.

Khuôn viên Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. (Ảnh: Nhà trường)

Khuôn viên Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. (Ảnh: Nhà trường)

Chia sẻ về số sinh viên nhập học còn thấp, thầy Hoàng Anh cho biết, xã hội hiện nay chưa thấy ngành Quản lý thể dục thể thao phổ biến như ngành Giáo dục thể chất, hay bên cạnh đó là cơ hội việc làm khi học ngành này.

"Kể từ năm 2015, khoa Quản lý thể dục thể thao của nhà trường bị giảm chỉ tiêu tuyển sinh và cũng tuyển được ít hơn. Nguyên nhân do các em có nhiều sự lựa chọn như có thể đi học nghề, đi làm và quan điểm học ngành Quản lý thể dục thể thao ra trường xin việc khó.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở ngành đào tạo về lĩnh vực thể thao nên sinh viên cũng có nhiều sự lựa chọn", Tiến sĩ Cao Hoàng Anh chia sẻ.

Ngoài những lý do nêu trên, còn có trường hợp sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao ra trường xin vào làm việc tại cơ sở giáo dục, nhưng trường không nhận bởi họ chỉ nhận sinh viên học ngành Giáo dục Thể chất có chuyên môn sư phạm hơn.

"Có trường điện trực tiếp nói với tôi rằng, nhà trường không nhận sinh viên học ngành Quản lý thể dục thể thao. Tuy nhiên, tôi nói rằng, trong chuẩn đầu ra của nhà trường, sinh viên có thể đi dạy tại trường công lập, dân lập từ cấp phổ thông đến đại học, hay làm quản lý tại các câu lạc bộ trung tâm thể thao...", thầy Hoàng Anh chia sẻ và thông tin thêm, mức lương các em có thể nhận khi mới ra trường trong khoảng 10 - 12 triệu đồng.

Chia sẻ thêm về việc đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao, Tiến sĩ Trần Mạnh Hưng - Trưởng khoa Quản lý thể dục thể thao - Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng cho hay, được mở năm 2012 và đến năm 2013 nhà trường thực hiện tuyển sinh. Đến nay, nhà trường đã điều chỉnh 4 lần chương trình đào tạo, gồm mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuyên ngành (mở ba chuyên ngành từ năm 2021), thay đổi về khung chương trình đào tạo (năm 2018 có 121 tín chỉ, năm 2021 là 127 tín chỉ, 2023 là 129 tín chỉ) - thực tế, kiến tập riêng được bổ sung kể từ năm 2021.

"Việc thực tập dành cho sinh viên kể từ đầu năm 3, khi đó các em được học về kiến thức ngành vừa được học ở trường và đi thực tế tại các khu dịch vụ kinh doanh thể dục thể thao từ 3-5 buổi.

Khi thầy cô đưa các em đến cơ sở kinh doanh thể dục thể thao, doanh nghiệp sẽ giới thiệu mô hình và phương pháp quản lý của họ. Sinh viên sẽ viết các bài tập làm báo cáo để thuyết trình với giảng viên", thầy Trần Mạnh Hưng chia sẻ.

Mạnh Đoàn