Tốt nghiệp ngành Quản lý thể dục thể thao, thu nhập có thể lên tới 20 triệu

25/03/2024 06:27
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Học ngành Quản lý Thể dục thể thao, sinh viên được thực hành nhiều môn thể thao giải trí như: Yoga, Khiêu vũ thể thao, Golf, Gym, Fitness, Billard Snooker...

Ngày 27/3/1946, Bác Hồ đã có bài viết với tiêu đề "Sức khỏe và thể dục" đăng trên báo Cứu Quốc nhằm kêu gọi toàn dân tham gia tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe [1].

Đây cũng là ngày được chọn làm Ngày Thể thao Việt Nam hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.

Hiện nay, hoạt động thể dục thể thao vẫn được chú trọng. Trong đó, có nhiều trường đại học đặc thù chuyên đào tạo về thể thao. Các thí sinh yêu thích thể dục thể thao có thể lựa chọn theo học ngành Quản lý thể dục thể thao - một trong những ngành bao quát toàn diện nhiều lĩnh vực thể thao hiện tại.

Chương trình đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao ở các trường đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Mạnh Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng cho hay: Chương trình đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao được xác định rõ ràng, phù hợp sứ mệnh, tầm nhìn của trường, phù hợp mục tiêu giáo dục đại học. Xây dựng, phát triển chương trình đào tạo đạt trình độ đào tạo giáo dục đại học tiên tiến, trở thành đơn vị đào tạo có uy tín, chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực về thể dục thể thao đáp ứng sự nghiệp thể thao nước nhà và nhu cầu hưởng thụ hoạt động thể dục thể thao của toàn xã hội.

Với chương trình đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao tại trường, sinh viên được thực hành về quản lý, tổ chức dịch vụ tập luyện các môn thể thao giải trí (Yoga, Khiêu vũ thể thao, Golf, Gym, Fitness, Billard Snooker, Thể thao biển, Thể thao dân tộc, Teambuilding…), Tổ chức sự kiện và truyền thông thể thao…

thay-Thang.jpg
Tiến sĩ Dương Mạnh Thắng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. (Ảnh: website nhà trường)

Nhà trường hiện có 2 cơ sở đào tạo với diện tích hơn 40 ha, được trang bị hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ tập luyện thực hành đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo.

Với hệ thống sân bãi, nhà tập, bể bơi… đáp ứng được hầu hết nhu cầu tập luyện các môn thể thao là điều kiện thuận lợi cho sinh viên ngành Quản lý Thể dục thể thao được học tập, trải nghiệm. Đồng thời với lợi thế tại thành phố Đà Nẵng có nhiều bãi biển đẹp rất thuận lợi cho sinh viên được học tập, trải nghiệm các môn thể thao biển như bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, chạy bộ trên cát, chèo sup, kayak, hoạt động team building… Địa hình đồi núi tại Thành phố Đà Nẵng cũng thuận lợi cho sinh viên tham gia các hoạt động cắm trại, dã ngoại, chạy bộ, xe đạp địa hình…

Bên cạnh đó, cũng theo thầy Thắng, nhà trường sở hữu đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực Thể dục thể thao. Theo đó, Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng hiện có 106 giảng viên, với 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có 2 phó giáo sư và 35 tiến sĩ phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Cũng là một trường đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông tin: Chương trình đào tạo ngành Quản lý Thể dục thể thao của trường mới được bổ sung, điều chỉnh và phát triển phiên bản năm 2023. Chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học với 3 khối kiến thức: Kiến thức giáo dục đại cương (25%), kiến thức cơ sở ngành (25%), kiến thức chuyên ngành (50%).

Cũng theo cô Thục, do đặc thù ngành học có tính thực hành cao, và thực tiễn nghề nghiệp sau tốt nghiệp cũng đòi hỏi người học không chỉ có kiến thức lý luận tốt mà phải có khả năng tổ chức, quản lý các hoạt động thể thao hiệu quả. Chính vì vậy, ngay trong chương trình đào tạo các học phần lý thuyết chiếm thời lượng không nhiều, chủ yếu thuộc nhóm giáo dục đại cương và cơ sở ngành hoặc một số học phần quản lý nhà nước (ví dụ: Quản lý Nhà nước về Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quản lý thể thao quần chúng, Quản lý báo chí và truyền thông thể dục thể thao...), còn lại các học phần chuyên ngành được thiết kế giảng dạy theo hình thức thực hành kỹ năng.

co-thuc.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, sinh viên cũng được thực hành nhiều về những nội dung liên quan đến quản lý tổ chức các giải đấu thể dục thể thao, quản lý các lớp phong trào thể thao, các đội tuyển thể thao thi đấu các cấp… Ngoài ra, các bạn còn được thực hành giảng dạy, huấn luyện các đội tuyển thể thao phong trào tại các trường học, xã phường, thị trấn, cấp huyện, tỉnh...; thực hành quản lý cơ sở vật chất liên quan đến thể dục thể thao...

Ngoài ra, cô Thục cũng cho biết thêm, Thể thao là một trong 3 trụ cột quan trọng của nhà trường (Văn hóa, Thể thao, Du lịch). Bên cạnh ngành Quản lý thể dục thể thao nhà trường đang đào tạo ngành Giáo dục thể chất và Huấn luyện thể thao. Ngoài ra, sinh viên toàn trường trong chương trình đào tạo đều học học phần Giáo dục thể chất. Chính vì vậy, lãnh đạo nhà trường đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ tốt nhất hoạt động dạy và học cũng như nghiên cứu của các ngành thuộc lĩnh vực thể thao.

Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ngành các cấp của tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm, tạo điều kiện, đầu tư cho Nhà trường các gói dự án để hoàn thiện cơ sở vật chất lĩnh vực thể thao.

Hiện, nhà trường có 1 nhà tập đa năng (dùng cho các môn học, môn thể thao trong nhà); 4 sân bóng 7 người (tương đương 1 sân bóng 11 người); 1 sân bóng nhỏ; đường chạy.... và đầy đủ trang thiết bị cho hoạt động dạy - học.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Khoa thể dục thể thao của trường là khoa có đội ngũ giảng viên mạnh, được đào tạo chuẩn, có trình độ cao, được đào tạo đúng chuyên ngành. Hiện khoa có 14 giảng viên, 100% có trình độ sau đại học, trong đó có 5 tiến sĩ (chiếm 35,7%), 9 thạc sĩ (chiếm 64,3%).

QLTDTT-TH.jpg
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động thực hành cho sinh viên. (Ảnh: NTCC)

Cơ hội việc làm và mức thu nhập sau khi ra trường

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, khi học ngành Quản lý thể dục thể thao ra trường các bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau như: Quản lý câu lạc bộ thể thao cộng đồng, thể thao trường học; Quản lý huấn luyện thể thao thành tích cao; Quản lý tổ chức thi đấu, tổ chức sự kiện thể thao; Huấn luyện viên, Quản lý phòng tập gym, fitness, yoga…; Tổ chức các hoạt động thể thao giải trí và dịch vụ thể thao tại các khu Resort; Huấn luyện viên Golf, quản lý sân Golf; Quản lý và tổ chức truyền thông thể thao; Chuyên gia chiến lược kinh tế thể thao; Nghiên cứu phát triển phong trào thể thao quần chúng…

Cũng theo thầy Thắng, mức lương của cử nhân ngành Quản lý Thể dục thể thao sau khi ra trường tùy thuộc vào vị trí việc làm và nhiệm vụ đảm nhiệm.

Đối với các cán bộ quản lý thể dục thể thao cộng đồng, thuộc khối các cơ quan nhà nước thì mức thu nhập dao đồng từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Đối với các bạn tốt nghiệp làm việc trong các doanh nghiệp về du lịch, sự kiện, chăm sóc sức khỏe… thì thu nhập có thể dao động từ 7-20 triệu đồng/ tháng.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục cho biết, tại Quyết định số 608/QĐ-ĐVTDT ngày 05/5/2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa về việc Ban hành chuẩn đầu ra 20 chương trình đào tạo trình độ đại học của nhà trường, trong đó ngành Quản lý thể dục thể thao xác định vị trí việc làm của người học sau tốt nghiệp như:

Làm việc trong các cơ quan, tổ chức quản lý thể dục thể thao ở các cấp, ban, ngành; các tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hiệp hội, các câu lạc bộ về thể dục thể thao, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ về thể thao; Làm giáo viên giảng dạy môn giáo dục thể chất tại các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng (nếu học thêm nghiệp vụ sư phạm); Làm việc tại các cơ quan nghiên cứu về thể dục thể thao.

QLTDTT-DN-3.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng thực hành môn học. (Ảnh: NTCC)

Cũng theo cô Thục, về mức lương nếu người học sau tốt nghiệp làm việc trong các cơ quan nhà nước, mức lương và các phụ cấp theo quy định chung. Nếu làm việc trong các doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội tư nhân, theo khảo sát của nhà trường hằng năm đối với người học sau tốt nghiệp 1 năm, mức lương dao động từ 10-12 triệu đồng/ tháng.

Chị Trần Thị Thu Lan, cựu sinh viên ngành Quản lý Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng hiện đang là Training manager tại Tổ chức Swim Việt Nam cho hay: “Theo tôi đối với ngành Quản lý Thể dục thể thao sau khi ra trường có thể làm rất nhiều công việc khác nhau như: Quản lý các cơ sở về thể thao nói chung tại các trung tâm thể thao thuộc quận, huyện, thành phố, tỉnh hoặc tư nhân; Mở các cơ sở về thể thao giải trí để tự quản lý; Giáo viên thể dục; Quản lý cơ sở vật chất về thể thao tại các resort; Quản lý thể thao giải trí tại các resort; Chuyên viên các sở, phòng văn hoá thể thao,…”

Chị Lan cũng cho biết thêm ngành Quản lý thể thao cạnh tranh rất nhiều vì mức lương khá hấp dẫn nếu như chọn đúng nơi để cạnh tranh theo năng lực.

“Mức lương theo tôi thấy đối với các bạn mới ra trường thì khoảng 5-7 triệu đồng/ tháng cho lương thử việc, còn sau thời gian thử việc lương sẽ tăng theo năng lực và vị trí (khoảng 10-12 triệu đồng/ tháng)”, chị Lan thông tin thêm.

CSV.jpg
Chị Trần Thị Thu Lan, cựu sinh viên ngành Quản lý Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng khi làm việc. (Ảnh: NVCC)

Cựu sinh viên ngành Quản lý thể dục thể thao cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn đang có ý định theo đuổi ngành học này cũng như các bạn đang ngồi trên ghế nhà trường. Theo chị, ngoài việc học tập bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn về thể thao thì sinh viên cần phải học hỏi thêm Tiếng Anh và tin học vì hai môn này rất cần thiết khi đi làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, sinh viên nên học thêm các khóa giao tiếp xã hội vì giao tiếp tốt sẽ là lợi thế khi bắt đầu xin việc hoặc làm việc ở bất cứ môi trường nào.

“Theo tôi, các bạn sinh viên nên xác định công việc mà mình muốn làm sau khi ra trường trước để trong quá trình học tập tại trường có thể tập trung hơn vào các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Như vậy, khi ra trường bản thân đã đáp ứng yêu cầu thì sẽ dễ dàng nhận được công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngành Quản lý thể dục thể thao cũng có rất ít công việc làm thêm cho sinh viên vì công việc này đòi hỏi người có kinh nghiệm. Do đó, nếu muốn làm thêm, sinh viên tốt nhất hãy chọn các công việc liên quan đến thể thao như PT, lễ tân các phòng tập (gym, yoga, dance sports, sân golf trong nhà…), quản lý sân bóng mini, huấn luyện viên dạy bơi, huấn luyện viên bóng đá cho trẻ, huấn luyện viên dance sports", chị Lan đưa ra lời khuyên.

Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, khi đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao nhà trường cũng có nhiều lợi thế. Trong đó phải kể đến:

Tọa lạc tại thành phố Đà Nẵng, một thành phố du lịch với hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm. Đà Nẵng có đường bờ biển dài và đẹp nổi tiếng thế giới. Hệ thống giao thông, an sinh xã hội rất tốt so với các thành phố khác tại Việt Nam;

Đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực thể dục thể thao;

Là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực uy tín, chuyên sâu về lĩnh vực thể dục thể thao hàng đầu tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên ở cả trình độ đại học và thạc sĩ. Hiện nhà trường đang xúc tiến để đào tạo trình độ Tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.

QLTDTT-DN-8.jpg
Một tiết thực hành của sinh viên Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. (Ảnh: NTCC)

Tuy nhiên, theo thầy Thắng, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, hệ thống cơ sở vật chất của trường nhìn chung đáp ứng tốt cho đào tạo các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao và Quản lý thể dục thể thao. Tuy vậy với sự phát triển nhanh của thể thao hiện đại, đặc biệt là ngành công nghiệp thể thao giải trí đang là xu thế phát triển của thế giới. Chính vì thế, việc bổ sung về sân bãi, dụng cụ, thiết bị tập luyện như thể thao biển, thể thao điện tử, sự kiện thể thao… là nhu cầu rất cấp thiết.

Ngoài ra, nhận thức của người dân về ngành Quản lý thể dục thể thao còn chưa rõ về vị trí và nhu cầu việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Lực lượng giảng viên nhà trường có 100% trình độ thạc sĩ trở lên, tuy vậy đối với chương trình đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao, việc chuyển đổi sang hướng đào tạo về dịch vụ thể thao giải trí cần có thời gian bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ chuyên sâu.

Chính vì thế, thầy Thắng cũng đề xuất Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến phát triển các định hướng thể thao giải trí theo nhu cầu phát triển của xã hội. Qua đó tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ tập luyện cho nhà trường để kịp thời đáp ứng nhu cầu xã hội.

Đồng thời, cần tạo cơ chế thuận lợi cho việc tuyển sinh các ngành nói chung và ngành Quản lý Thể dục thể thao nói riêng.

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đào tạo ngành Quản lý thể dục thể thao, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thông tin:

"Về thuận lợi, nhà trường nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; Lãnh đạo nhà trường tận tâm và quan tâm phát triển lĩnh vực thể dục thể thao.

Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, tâm huyết, trách nhiệm; Cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại và môi trường học tập, giảng dạy thân thiện.

Thanh Hóa là một tỉnh lớn (27 huyện, thị xã, thành phố), dân số đông (trên 3,7 triệu người), là tỉnh có phong trào thể thao mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn của trường hiện nay là trường đại học địa phương nên công tác tuyển sinh chưa thu hút được nhiều thí sinh bởi nhiều bạn có mong muốn học ngoài tỉnh", cô Thục bày tỏ.

QLTDTT-TH-3.jpg
Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đạt nhiều thành tích cao trong các giải thi đấu về thể thao. (Ảnh: NTCC)

Nhân ngày Thể thao Việt Nam 27/3, các thầy cô giáo cũng gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm tới các huấn luyện viên; những thầy cô đồng nghiệp, những người hoạt động trong ngành liên quan thể dục thể thao cũng như các bạn sinh viên cần: Cháy hết mình, cần sống hết mình vì nền thể thao chung của nước nhà, vì màu cờ sắc áo của dân tộc, đoàn kết, vững tin vào con đường đã chọn, luôn nỗ lực cố gắng hết mình trong học tập, công tác, rèn luyện và phát huy năng lực của bản thân nhằm xây dựng phong trào thể dục thể thao nước nhà theo tinh thần dân cường – nước thịnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-27-3-1946-ngay-truyen-thong-nganh-the-duc-the-thao-viet-nam-689674

Nhật Lệ