Theo học ngành Địa chất học không chỉ là đi tìm tài nguyên, khoáng sản

27/07/2024 06:21
Hồng Linh

GDVN - Việc đào tạo ngành Địa chất học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đã có sự chuyển dịch, chú trọng vấn đề thực hành, định hướng nghề nghiệp.

Địa chất học là một trong những ngành thuộc nhóm Khoa học cơ bản với truyền thống đào tạo lâu đời. Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị giảng dạy ngành này gần 60 năm nay.

Có khả năng cạnh tranh với những ngành học mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Địa chất học là ngành đào tạo truyền thống của nhà trường bắt đầu từ năm 1966, tính đến nay là 58 năm.

Đúng như tên gọi, đối tượng nghiên cứu của ngành Địa chất học là phía dưới của bề mặt Trái Đất, tập trung vào thành phần của các loại đá, những quá trình liên quan để thành tạo các loại khoáng sản, các loại hình thiên tai...

Còn với các ngành như Địa lý, Môi trường hay Khí tượng sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến thổ nhưỡng, sinh vật, các hiện tượng xảy ra ở khí quyển, môi trường phát sinh từ bề mặt Trái Đất.

Hiện tại, ngành Địa chất của khoa đang tập trung đào tạo ba chuyên ngành là Địa chất học, Ngọc học – Đá quý, Công nghệ Địa kỹ thuật – Địa chất Môi trường."

gdvn_ts nguyen van huong.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, Phó trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: Hồng Linh)

Mặc dù là ngành học quan trọng nhưng số lượng sinh viên lựa chọn ngành Địa chất học đang có xu hướng giảm.

Lý giải nguyên nhân về thực tế này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, ngành Địa chất học từng thu hút khá đông sinh viên. Ngoài khoa Địa chất của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có các khoa liên quan đến địa chất của một số trường như Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội...

Nhiều năm gần đây, không ít ngành nghề mới được hình thành ở cả hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với khả năng thu hút thí sinh cao nên sự quan tâm của các em dành cho ngành khoa học cơ bản nói chung và Địa chất học nói riêng có phần giảm.

"Bên cạnh đó, còn do quan niệm cố hữu khi nghĩ học ngành Địa chất học phải đi vào rừng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tìm tài nguyên cho đất nước. Bản chất ban đầu như vậy nên thí sinh có phần e ngại, muốn chọn ngành học khác có cảm giác đỡ vất vả hơn.

Ngoài ra, các em có ít thông tin về ngành Địa chất học nên phần nào khó mường tượng mình sẽ học những gì, cơ hội việc làm ra sao", thầy Thành chia sẻ.

Thực tế, ngành Địa chất học có nhu cầu nhân lực lớn và cơ hội việc làm ngày càng rộng mở.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng thông tin: "Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ngành Địa chất học thường hướng đến các cơ quan, tổ chức nhà nước như các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất, Cục Địa chất và Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam. Ngoài ra còn có các đơn vị quản lý khác tại địa phương.

Gần đây, xu thế lựa chọn làm việc trong các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng tăng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể quan tâm đến việc tìm kiếm học bổng sau đại học để du học ở nước ngoài".

Một số công việc sinh viên ngành Địa chất học có thể đảm nhận là chuyên gia trong lĩnh vực điều tra, khảo sát địa chất, tìm kiếm thăm dò và khai thác khoáng sản; chuyên viên đánh giá chất lượng khoáng sản; chuyên viên kiểm định đá quý; chuyên gia đánh giá tác động môi trường, quản lý và giảm nhẹ tai biến địa chất...

Địa chất học có ảnh hưởng đến các ngành học khác

Khi nhắc đến Địa chất học, nhiều người thường thu hẹp phạm vi chỉ xoay quanh khoáng sản, hầm mỏ. Thực tế, Địa chất học còn mang tính liên ngành với những ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành học khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thành nói: "Địa chất học không đơn thuần chỉ là kiến thức về địa chất mà còn áp dụng các khoa học khác mang tính liên ngành.

Ví dụ khi nghiên cứu về trượt lở, động đất có liên quan đến kiến thức Toán học, Vật lý; khi nghiên cứu về địa chất môi trường, khoáng sản liên quan đến Hóa học hay việc nghiên cứu về lịch sử phát triển của Trái Đất phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò khoáng sản liên quan đến Sinh vật..."

Ngoài ra, Địa chất học còn phục vụ cho ngành giao thông, xây dựng, thủy lợi, đặc biệt là du lịch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thành nói thêm: "Tiềm năng to lớn của đất nước về các cảnh quan địa chất, địa mạo đòi hỏi các nhà địa chất tìm ra những khu vực mới thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Gần đây nhất là Công viên địa chất Lạng Sơn, trước đó là Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn..."

gdvn_sinh vien.jpg
Bạn Nguyễn Phạm Gia Linh, sinh viên hệ Chất lượng cao ngành Địa chất học thực hành trong phòng thí nghiệm (ảnh: Hồng Linh)

Nguyễn Phạm Gia Linh, sinh viên K66 ngành Địa chất học (chương trình chất lượng cao) chia sẻ: "Em luôn thắc mắc về nguyên nhân của các hiện tượng tự nhiên như điều gì gây ra động đất, sóng thần nên khi tìm hiểu về ngành Địa chất học em cảm thấy rất thích thú. Ngành học này lý giải cho em tất cả những điều trên.

So với tưởng tượng ban đầu của em, việc học tại khoa vượt ngoài mong đợi. Khi nhắc đến Địa chất học người ta thường nghĩ đến làm việc trong các mỏ khoáng sản, dầu khí thay vì các tai biến và các hiện tượng tự nhiên mang tính liên ngành trong khi Địa chất học giải quyết được hầu hết những điều này".

Tích cực đổi mới chương trình đào tạo

Khung chương trình đào tạo của ngành Địa chất học nhiều lần được điều chỉnh trong suốt 58 năm giảng dạy để phù hợp với những kiến thức mới, nhu cầu của xã hội, yêu cầu từ thị trường lao động cũng như người học.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng cho biết: “Với khung chương trình được thay đổi gần nhất là năm 2023, bên cạnh việc duy trì đào tạo khối kiến thức truyền thống về địa chất, các khối kiến thức vệ tinh để phục vụ chuyên môn đã có sự khác biệt.

Mức độ khó liên quan đến các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, kiến thức khoa học tự nhiên cơ bản quá hàn lâm được nhà trường cho phép giảm thiểu, giản lược để phù hợp hơn với sinh viên xét tuyển đầu vào với các môn như Tiếng Anh, Địa lý, Sinh học đồng thời giúp các bạn cảm thấy ngành học hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, khoa hướng đến tăng thời lượng thực hành trong phòng thí nghiệm cũng như trên thực tế và thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp”.

Nói thêm về việc áp dụng thực hành trong chương trình đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng chia sẻ: “Các môn học hiện nay được thiết kế giờ thực hành nhiều hơn trước. Những học phần liên quan đến tin học, bản đồ thời lượng thực hành chiếm khoảng 70%.

Ví dụ, kỳ nghỉ hè sau năm thứ nhất các bạn sẽ đi thực tập ngoài trời môn Địa chất học đại cương.

Sinh viên được ứng dụng những kiến thức cơ bản về địa chất đồng thời quan sát những hiện tượng thực tế để bắt đầu làm quen với ngành nghề, xây dựng tinh thần yêu thích ngành học.

Đến năm thứ ba, khi các bạn đã tiếp thu những kiến thức chuyên sâu sẽ có kỳ thực tập khác giúp sinh viên ứng dụng để giải quyết vấn đề cụ thể.

Ngoài ra trong quá trình làm khóa luận tốt nghiệp sinh viên cũng được đến các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực địa chất từ sản xuất đến nghiên cứu để hỗ trợ các bạn tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, vì truyền thống đào tạo của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là đào tạo Khoa học cơ bản nên một số đơn vị quan ngại các bạn thiếu kỹ năng thực hành nhưng đôi khi đó chỉ là quan niệm.

Sinh viên của ngành Địa chất học nói riêng và sinh viên của nhà trường nói chung còn có lợi thế về kiến thức chuyên sâu.

Thời gian đầu các em có thể chưa kịp vận dụng những kiến thức đã học vào công việc nhưng sau một thời gian sinh viên sẽ có ưu thế đối với các đồng nghiệp khác trong cùng lĩnh vực để từ đó bật lên, chiếm lĩnh những vị trí quan trọng ở trong trong cơ quan, tổ chức.

Nhiều nguồn học bổng hỗ trợ sinh viên

Không chỉ có được một chương trình học tập cập nhật, sinh viên theo học ngành Địa chất học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội còn nhận nhiều hỗ trợ về học bổng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng cho biết, đối với các nguồn hỗ trợ, Đại học Quốc gia Hà Nội có chính sách về trợ cấp cho sinh viên các ngành Khoa học cơ bản và Địa chất học là một trong số ngành đó.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng có học bổng thường kỳ cho sinh viên. Ngoài ra khoa có thêm học bổng từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, ví dụ như Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.

Về học bổng nước ngoài, hàng chục quỹ học bổng đến từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tổ chức trao mỗi kỳ cho sinh viên các ngành trong trường. Khoa Địa chất sẽ lựa chọn sinh viên xuất sắc nhất để giới thiệu đến các quỹ học bổng này.

download.jpg
Sinh viên ngành Địa chất học nhận học bổng từ Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (Ảnh: website nhà trường)

Bạn Nguyễn Phạm Gia Linh chia sẻ: "Theo học ngành Địa chất học, chúng em có cơ hội được nhận rất nhiều loại học bổng như học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, khoa Địa chất học cũng như các doanh nghiệp ưu tiên cho các ngành Khoa học cơ bản.

Số tiền học bổng này hỗ trợ rất nhiều cho em trong quá trình học tập để chi trả học phí”.

Theo thông tin được đăng tải trên website của Khoa Địa chất, trong năm học 2022 - 2023, Khoa có 52 lượt sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh nhận học bổng từ các quỹ trong và ngoài ngân sách nhà nước với tổng số tiền xấp xỉ 760 triệu đồng.

Ngoài ra, các bạn sinh viên còn nhận được sự hỗ trợ sát sao từ phía thầy cô, có sự kết nối mật thiết giữa sinh viên và cựu sinh viên.

Bạn Phan Uyên Trinh, sinh viên K67 Địa chất học cho biết: "Khi mới lên đại học, em bị “ngợp” kiến thức vì phải chuyển đổi cách học ở bậc trung học phổ thông nhưng nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô, bạn bè, các anh chị khóa trên nên bản thân đã thích ứng, làm quen với môi trường, từ đó học tập hiệu quả hơn.

Khi đi học không thể tránh được những giây phút mình cảm thấy mệt mỏi nhưng bằng niềm yêu thích với ngành cùng sự hỗ trợ của thầy cô, em thường nhanh chóng sốc lại tinh thần và cố gắng để không chỉ hoàn thành chương trình đại học mà còn chuẩn bị cho việc học cao hơn".

Sinh viên ngành Địa chất học cần chuẩn bị gì để tạo ưu thế?

Là cựu sinh viên K57 ngành Địa chất học, Thạc sĩ Đào Trung Hoàn, hiện đang làm việc tại Trung tâm Thông tin, Lưu trữ và Bảo tàng Địa chất thuộc Cục Địa chất Việt Nam bày tỏ: “Khi ra trường tôi áp dụng được rất nhiều kiến thức chuyên ngành, liên ngành vào công việc.

Bên cạnh đó chương trình học của ngành còn đào tạo những kiến thức về thực tế, thực hành. Kỹ năng này giúp tôi có thể nhận định chính xác hơn vấn đề cũng như không bỡ ngỡ khi làm công tác trong phòng thí nghiệm”.

gdvn_dia chat.jpg
Thạc sĩ Đào Trung Hoàn (ngoài cùng bên trái) cùng Tiến sĩ Nguyễn Văn Hướng, bạn Nguyễn Phạm Gia Linh, bạn Phan Uyên Trinh (ảnh: Hồng Linh)

Thạc sĩ Đào Trung Hoàn chia sẻ thêm những lời khuyên để giúp các bạn sinh viên có được lợi thế sau khi ra trường. Ngay từ khi đi học các bạn sinh viên nên chủ động tham gia công tác nghiên cứu khoa học cùng thầy cô.

Điều này có thể bắt đầu từ những bước sơ khai như chuẩn bị mẫu rồi dần dần học thêm các kỹ năng, kiến thức chuyên sâu, phương pháp sử dụng những máy móc thiết bị hiện đại để phân tích mẫu.

Đến năm thứ ba, thứ tư, các bạn cũng có thể xem xét thực tập ở một số những cơ quan, đơn vị, công ty làm về địa chất hoặc thực tập ở viện nghiên cứu.

"Thực tế, khi đi làm tôi nhận thấy đang thiếu hụt nhân sự trong ngành Địa chất học. Không phải thị trường không tuyển dụng mà đang không có sự kết nối giữa nhà tuyển dụng và người tìm kiếm việc làm.

Ngoài ra, các bạn cũng nên chủ động nâng cao kiến thức về ngoại ngữ để cập nhật các tài liệu quốc tế cũng như kỹ năng tin học.

Với ngành Địa chất học, chúng ta cần tiếp cận với các cơ sở dữ liệu, sử dụng phần mềm chuyên dụng liên quan đến viễn thám, dựng mô hình 3D. Trong thời đại công nghệ số kỹ năng này là yêu cầu bắt buộc".

Thạc sĩ Trần Quốc Hoàn cho rằng, sinh viên nên chủ động tìm hiểu về chuyên ngành, các chương trình học bổng, xu hướng ngành nghề trong vòng 5, 6 năm tới để xây dựng lộ trình cho tương lai.

Chuẩn bị trước về hồ sơ xin việc, nhờ tư vấn của các thầy cô, các anh chị khóa trên để biết nâng cao điểm mạnh trong hồ sơ và khắc phục những điểm yếu còn tồn tại cũng là điều cần thiết.

Cuối cùng, các bạn nên chuẩn bị tâm lý không ngại thay đổi, không ngại tự học. Nếu bản thân không theo kịp, chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế đào thả.

Hồng Linh