Kiến nghị có chính sách hỗ trợ sinh viên học khoa học cơ bản như ngành sư phạm

09/03/2024 06:26
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số cơ sở giáo dục đại học đang triển khai nhiều chương trình học bổng đối với sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản.

Những năm gần đây, nhiều ngành khoa học cơ bản rơi vào trạng thái “sống dở, chết dở” do khó khăn trong việc tuyển sinh.

Để cải thiện tình hình, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đưa ra các chương trình hỗ trợ học phí, cấp học bổng cho sinh viên theo học nhóm ngành này.

Nhiều chính sách ưu tiên sinh viên các ngành khoa học cơ bản

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá quy luật của các sự vật hiện tượng, và tạo ra tri thức mới.

Khoa học cơ bản cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc… Các kết quả nghiên cứu của khoa học cơ bản là tiền đề cho sự phát triển công nghệ và nghiên cứu ứng dụng. Do đó, khoa học cơ bản là nòng cốt, nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Việc đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản luôn là nền tảng của sự phát triển khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia.

Cũng chính vì vậy, ở tất cả quốc gia trên thế giới, Nhà nước luôn có sự đầu tư lớn cho việc đào tạo các ngành học này để xây dựng đội ngũ và năng lực nghiên cứu cho quốc gia.

Nếu không quan tâm đến khoa học cơ bản, nền tảng cho sự phát triển bền vững sẽ bị ảnh hưởng”.

903999fb5292fecca783.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Cũng theo Phó Giáo sư Ngô Thị Phương Lan, các trường có đào tạo các ngành khoa học cơ bản trên cả nước trong những năm qua đang đối diện với thực trạng tuyển sinh khó khăn vì người học và phụ huynh chưa có sự quan tâm phù hợp và nhu cầu xã hội của các ngành này chưa cao.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ, từ năm 2017 đến nay, nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản của trường thường không tuyển đủ chỉ tiêu ở nguyện vọng 1.

Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản, hiện nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng đã có các chính sách, hoạt động nhằm hỗ trợ kịp thời các ngành khoa học cơ bản trong việc tuyển sinh.

Được biết, những chính sách này được áp dụng từ năm học 2022 – 2023. Đây cũng là năm học mà nhà trường bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ.

Theo đó, sinh viên khi đăng ký các ngành khoa học cơ bản tại trường được hỗ trợ học phí ưu đãi theo chính sách của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (35%) và của trường (20%).

Ngoài ra, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng có đề án hỗ trợ đào tạo các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh riêng.

Các hoạt động hỗ trợ (tập trung vào hoạt động giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học); dành nhiều học bổng để khen thưởng, hỗ trợ sinh viên học tập thông qua Chương trình Khuyến học – Khuyến tài của trường;

Tăng cường các hoạt động truyền thông tư vấn tuyển sinh cho người học và phụ huynh hiểu rõ hơn về ngành học; tăng cường kết nối giữa nhà trường – doanh nghiệp, giúp sinh viên có những trải nghiệm, định hướng rõ nét về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp; định kỳ rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội.

“Kể từ khi có chính sách hỗ trợ và đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản, sự quan tâm của học sinh và phụ huynh đối với những ngành học này đã ngày càng được cải thiện.

Điều này thể hiện qua quá trình tư vấn tuyển sinh, trường đã nhận được nhiều câu hỏi và sự quan tâm về các ngành học này và cơ hội việc làm của ngành học.

Điểm trúng tuyển các ngành thuộc nhóm khoa học cơ bản của trường cũng có chiều hướng tăng nhẹ. Ví dụ, so với năm 2022, điểm chuẩn năm 2023 ngành Triết học tăng 0.5 – 0.7 điểm, ngành Lịch sử khối C tăng 1.5 điểm, ngành Nhân học tăng 3 điểm, ngành Địa lý tăng 1 – 3 điểm tùy theo từng tổ hợp…” – Bà Lan thông tin thêm.

Ngoài Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng là một thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang duy trì gói học bổng 2 tỷ đồng để cấp các gói học bổng (100% và 50% học phí cho năm học đầu tiên) dành cho các thí sinh trúng tuyển với thành tích cao vào 07 ngành/nhóm ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống: Ngành Vật lý học; Hải dương học; Kỹ thuật hạt nhân; Địa chất học; Kỹ thuật địa chất; Khoa học môi trường; Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách ưu đãi cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản.

1d53d763a4fc09a250ed.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ trước năm 2022, ngoài các học bổng khuyến khích học tập và học bổng tài trợ, một số ngành khoa học cơ bản đã được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ưu tiên bố trí các nguồn kinh phí để hỗ trợ cho sinh viên thuộc các chương trình cử nhân khoa học tài năng và một số chương trình thuộc khối khoa học trái đất (sinh viên có thể nhận tới 100 triệu/khóa học).

Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Gói học bổng bao gồm: miễn học phí; miễn phí chỗ ở nội trú; hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm trong năm thứ nhất và sẽ duy trì các năm tiếp theo nếu đạt học lực loại giỏi trở lên; ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học; ưu tiên khi xét các học bổng khác.

Với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, 9 ngành khoa học cơ bản được nhận học bổng là: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân.

“Ngoài học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cũng hợp tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức bên ngoài, các cựu sinh viên… để triển khai rất nhiều học bổng khác đến với sinh viên của trường nói chung và sinh viên các ngành khoa học cơ bản nói riêng.

Ví dụ như đối với sinh viên ngành Khí hậu học có học bổng của Tổng cục Khí tượng Thủy văn quốc gia.

Bên cạnh các học bổng hỗ trợ tiền học phí, sinh viên còn được hỗ trợ về chi phí sinh hoạt, hay có nhiều cơ hội ra nước ngoài thực tập và được ưu tiên vị trí việc làm sau tốt nghiệp; cả trình độ sau đại học cũng được hỗ trợ chi phí nghiên cứu” – Giáo sư Lê Thanh Sơn cho hay.

Cũng là một đơn vị tuyển sinh và đào tạo các ngành khoa học cơ bản, tuy Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chưa có những chính sách đặc thù dành riêng cho các ngành này, nhưng nhà trường cũng luôn cố gắng để sinh viên ngành học này nhận được nhiều sự ưu tiên, hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Vinh San – Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng: “Trong những năm qua, mặc dù vẫn duy trì khá tốt về tỷ lệ tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, nhưng chất lượng đầu vào của các ngành này ở trường còn khá khiêm tốn (điểm chuẩn đầu vào chưa cao).

Nguyên nhân là do chưa có chính sách lớn và đặc thù cho các ngành khoa học cơ bản.

Vì thế, các giải pháp chính để hỗ trợ việc tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản được trường thực hiện đó là: điều tra nhu cầu việc làm, liên kết doanh nghiệp để hỗ trợ sinh viên kiến tập, thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp.

Đặc biệt, nhà trường ưu tiên xét học bổng ngoài ngân sách cho sinh viên khối ngành khoa học cơ bản; vì đối với khối ngành sư phạm, sinh viên đã có nhiều hỗ trợ rồi.

Trường cũng thành lập Quỹ học bổng “Truyền cảm hứng UED” (học bổng được thành lập năm 2021 trên cơ sở đóng góp của cán bộ viên chức và các doanh nghiệp, mạnh thường quân) nhằm tìm kiếm và trao học bổng cho sinh viên tài năng theo học các ngành của nhà trường.

Hiện quỹ đang trao học bổng cho 21 sinh viên giỏi đạt giải thưởng cao ở bậc phổ thông ở các lĩnh vực (học tập, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể thao) trong suốt 4 năm học với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng”.

Kiến nghị cơ chế đặt hàng với khối ngành khoa học cơ bản như khối ngành sư phạm

Có thể thấy, các cơ sở giáo dục đại học luôn dành sự quan tâm trong việc đào tạo các ngành khoa học cơ bản.

Mặc dù có điểm xét tuyển đầu vào không quá cao và học phí ở mức thấp nhất trong các ngành đào tạo, nhưng những năm qua, nhiều ngành khoa học cơ bản vẫn rơi vào tình trạng khó tuyển sinh.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn: “Tuy có nhiều học bổng, nhưng hiện nay, sinh viên hiện thường có xu hướng lựa chọn các ngành nghề có tính ứng dụng cao, cơ hội việc làm rộng mở và thu nhập nhanh hơn là các ngành khoa học cơ bản (mặc dù có nhiều học bổng hỗ trợ).

Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả. Trước mắt, nếu tuyển sinh còn gặp khó khăn, thì các ngành khoa học cơ bản cũng sẽ có xu hướng khó thu hút được các em học sinh có học lực giỏi, năng lực và tư duy tốt.

Trong tương lai, nếu không có những cán bộ khoa học giỏi, đầu ngành, đầu đàn sẽ rất thiệt thòi cho những thế hệ sau. Bởi thông thường, các nhà khoa học giỏi bên cạnh công tác nghiên cứu, họ còn làm cả công tác giảng dạy, đào tạo nên nhiều thế hệ học trò.

Trên thực tế, tỉ lệ sinh viên lựa chọn học các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ hiện nay ít hơn rất nhiều so với các ngành Kinh tế, tài chính, quản lý,...”.

Vì vậy theo Giáo sư Sơn, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa và cần phải có cơ chế, chính sách thu hút sinh viên các ngành học này, tương tự như đang làm với sinh viên ngành sư phạm.

DSC01578.JPG
Ông Nguyễn Vinh San – Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm đó, Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và cũng phát biểu nhiều lần trong các diễn đàn giáo dục về việc cần đưa các ngành khoa học cơ bản vào chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt.

Với thành công của các ngành sư phạm khi áp dụng Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm đã tăng mạnh trong những năm gần đây”.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, nhiều ngành khoa học cơ bản đào tạo là để phụng sự cho xã hội, nếu để các cơ sở giáo dục đại học tự lo và không có chiến lược đầu tư rõ ràng thì trong tương lai, xã hội sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển hài hòa và bền vững của đất nước.

“Nếu các ngành này có mức học phí ngang bằng với các ngành có nhu cầu xã hội cao thì sẽ rất khó thu hút người học. Vì vậy, việc tự chủ ở các trường cần có sự đánh giá cụ thể, xét đến đặc thù ngành học để có giải pháp phù hợp, tránh vì tự chủ mà làm “tổn thương” đến các ngành khoa học cơ bản.

Tôi nghĩ Nhà nước cần có chính sách miễn giảm học phí qua cơ chế đặt hàng như đang làm ở khối sư phạm, tăng đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học cơ bản như chúng ta đã xác định “Khoa học cơ bản là nền tảng của sự phát triển bền vững”.

Tóm lại, trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, chúng ta cần có một tầm nhìn hướng đến chiến lược phát triển bền vững quốc gia, tránh tình trạng chạy theo nhu cầu tức thời để rồi buông lỏng sự quan tâm đến nền tảng của sự phát triển bền vững và hài hòa này” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan đề xuất.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, sinh viên ngành này sẽ được hỗ trợ kinh phí bao gồm học phí và sinh hoạt phí.

Mức hỗ trợ học phí của sinh viên sư phạm là trợ 3,63 triệu đồng/tháng, bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/ năm học.

Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng sẽ không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Kim Minh Châu