Quảng Trị: GV kiêm nhiệm, phải dạy thêm môn trong lúc chờ được bổ sung biên chế

07/08/2024 09:31
Hồng Linh

GDVN - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị gấp rút phối hợp với các bên liên quan để thực hiện việc tuyển dụng bổ sung giáo viên, nhân viên cho năm học 2024 - 2025.

Trước thềm năm học mới, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ luôn là bài toán nan giải với nhiều địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường vẫn thiếu giáo viên dạy các môn học mới.

Mặc dù tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026, tuy nhiên, công tác tuyển dụng và bố trí giáo viên dạy học ở các tỉnh/thành phố vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Gấp rút bổ sung nhân sự ngành giáo dục cho năm học mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, phía Sở đang gấp rút chuẩn bị cho việc tuyển dụng bổ sung nhân lực cho ngành Giáo dục của tỉnh.

"Trong năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tính định mức số người làm việc, xác định thừa, thiếu biên chế ngành Giáo dục.

Từ đó Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu số người làm việc, kịp thời giải quyết cơ bản tình trạng thiếu giáo viên trong 02 năm qua", ông Tùng thông tin.

Cụ thể, năm học 2022 - 2023, tỉnh được giao bổ sung 258 chỉ tiêu biên chế; trong đó, mầm non 120 biên chế; tiểu học 89 biên chế; trung học cơ sở 41 biên chế; trung học phổ thông 08 biên chế.

Năm học 2023 - 2024, địa phương được giao bổ sung 137 biên chế; trong đó, mầm non 83 biên chế; tiểu học 51 biên chế; trung học phổ thông 03 biên chế.

Tổng số lượng người làm việc và hợp đồng lao động được giao năm học 2023 - 2024 là 13.721 người, trong đó, 12.764 người làm việc (12.736 hưởng lương ngân sách và 28 hưởng lương nguồn thu sự nghiệp) và 957 hợp đồng lao động). Tính đến ngày 31/5/2024, tổng số viên chức, lao động hợp đồng là 13.441 người.

Số biên chế chưa sử dụng là 280 người, trong đó, mầm non 33 người; tiểu học 101 người; trung học cơ sở 97 người; trung học phổ thông 49 người.

Nói rõ hơn về lý do chưa sử dụng hết số lượng biên chế, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị giải thích: "Có 162 chỉ tiêu dành để cắt giảm do tinh giản biên chế của năm 2024 theo lộ trình được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (giảm trước ngày 01/01/2025).

118 chỉ tiêu còn lại do mới nghỉ hưu theo chế độ, tinh giản biên chế, mới được bổ sung, hiện các cơ quan, đơn vị đang thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm cán bộ quản lý cho năm học 2024-2025.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cũng đang triển khai kế hoạch tuyển dụng giáo viên để bổ sung cho năm học 2024-2025. Sở Nội vụ tiến hành rà soát, tổng hợp để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu số người làm việc năm học 2024-2025".

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, việc phân bổ giáo viên cho các địa phương dựa trên định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ, Uỷ ban nhân dân cấp huyện để thống nhất phân bổ chỉ tiêu số người làm việc. Công việc giao chỉ tiêu số người làm việc được thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định.

Sở Nội vụ chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu số người làm việc theo phân cấp quản lý.

Sau khi giao chỉ tiêu Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành tuyển dụng hoặc hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ để kịp thời bổ sung giáo viên".

Thiếu giáo viên gây khó khăn cho cơ sở giáo dục

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Văn Tý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho hay, thực hiện theo Thông tư 20/2013-BGĐT ngày 30 tháng 10 năm 2023 “Hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập”, có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 12 năm 2023 và theo Kế hoạch trường lớp của nhà trường, năm học 2024 – 2025, đơn vị hiện đang thiếu 7 giáo viên và nhân viên.

Trong đó thiếu 1 nhân viên thư viện; 1 nhân viên thiết bị - thí nghiệm; 1 nhân viên y tế; 1 giáo vụ; 1 nhân viên tư vấn học sinh, hỗ trợ người khuyết tật và 2 giáo viên văn hóa cấp tiểu học.

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị. (Ảnh: NTCC)

Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị. (Ảnh: NTCC)

Thầy Tý cho hay, việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến việc bố trí con người làm việc cũng như việc dạy và học của nhà trường.

Trong lúc chờ cấp trên bổ sung biên chế, nhà trường sẽ khắc phục bằng cách động viên đội ngũ giáo viên, nhân viên hiện có nêu cao tinh thần giúp đỡ học sinh, dạy đủ tiết, đủ nội dung chương trình, không cắt xén, không bỏ nội dung.

Nhà trường cũng bố trí nhân viên, sắp xếp thời gian để kiêm nhiệm những công việc còn thiếu ví dụ như nhân viên thư viện kiêm thêm công việc nhân viên thiết bị - thí nghiệm.

Ngoài ra, vì là trường hai cấp tiểu học và trung học cơ sở nên nhà trường động viên và bố trí giáo viên cấp trung học cơ sở dạy thêm các môn tương đồng ở cấp tiểu học, giảm áp lực cho giáo viên văn hóa tiểu học còn thiếu.

Giáo viên bộ môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, Tiếng Anh dạy được cả hai cấp nên chia sẻ lẫn nhau.

Mặc dù vẫn đang thiếu giáo viên nhưng phía Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Việt không được phép tự tuyển dụng.

Thầy Nguyễn Văn Tý nói: "Theo kế hoạch năm học 2024 – 2025 của nhà trường và căn cứ vào những quy định của các cấp về số lượng người làm việc trong nhà trường, hiện tại chúng tôi vẫn đang thiếu 7 giáo viên và nhân viên.

Tuy nhiên việc tuyển dụng viên chức giáo dục không thuộc thẩm quyền của nhà trường nên chúng tôi không thể tự ý tuyển dụng.

Nhà trường chỉ xây dựng kế hoạch trường lớp, đội ngũ, tham mưu với Phòng Giáo dục và Đào tạo để đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện tuyển dụng bổ sung”.

Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: "Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Hướng Hóa có 58 cơ sở giáo dục công lập từ cấp mầm non đến cấp trung học cơ sở với 2045 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, trong đó có 160 cán bộ quản lý giáo dục.

Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện nên đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập thường xuyên được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu cơ bản cho công tác dạy và học, không thiếu nghiêm trọng như các năm học trước đây.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang tích cực tham mưu với Uỷ ban nhân dân huyện triển khai kế hoạch tổ chức tuyển dụng 41 chỉ tiêu viên chức sự nghiệp giáo dục, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu năm 2024 để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025".

Làm sao để gỡ rối vấn đề tuyển dụng giáo viên?

Khoản 1,2 điều 21, mục 1, chương IV Dự thảo Luật nhà giáo có nhấn mạnh quyền được trực tiếp tuyển dụng nhà giáo của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục.

Bàn về vấn đề này thầy Nguyễn Văn Tý chia sẻ: "Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy việc cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp tuyển dụng giáo viên sẽ giúp gỡ rối rất nhiều vấn đề.

Đầu tiên là sẽ sâu sát hơn bởi hơn ai hết, ngành Giáo dục sẽ biết và nắm rất rõ việc thừa thiếu đội ngũ do mình quản lý, để có phương án tối ưu điều chuyển nơi thừa sang nơi thiếu, tuyển mới bổ sung cho nơi thiếu.

Ngoài ra, ngành Giáo dục sẽ chủ động, kịp thời tuyển dụng đội ngũ còn thiếu căn cứ vào kế hoạch của các trường để bổ sung ngay từ đầu năm học”.

Đồng quan điểm với thầy Nguyễn Văn Tý, bà Nguyễn Thanh Nga nói thêm: "Hi vọng Luật nhà giáo sớm được bàn thảo và xem xét thông qua để giúp cơ quan quản lý giáo dục chủ động hơn trong việc tuyển dụng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn như huyện Hướng Hóa".

2022_10_19_15_47_0920.jpg
Dự thảo Luật nhà giáo nếu được thông qua sẽ tạo nên cơ chế mở cho việc tuyển dụng giáo viên. (Ảnh minh họa: website Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị)

Bên cạnh đó, vấn đề mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1.8 triệu đồng/tháng lên 2.34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 cũng được xem là phương án giúp tình hình tuyển dụng giáo viên, nhân viên ở các địa phương khả quan hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng bày tỏ: "Đối với ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị, là địa bàn gần với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Vinh… có nhiều học sinh tham gia học tập ngành Sư phạm. Vì vậy, nguồn tuyển dụng nhiều, nhu cầu của sinh viên ra trường có nguyện vọng công tác trong ngành có số lượng tương đối lớn.

Từ 01/7/2024 mức lương cơ sở được tăng sẽ là động lực để học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông lựa chọn theo học ngành Sư phạm.

Ngoài ra, giáo viên, nhân viên đang giảng dạy, công tác trong ngành cũng có thêm thu nhập, yên tâm công tác".

Bà Nguyễn Thanh Nga cho hay, việc tăng lương cơ sở theo quy định góp phần giúp cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nâng cao chất lượng cuộc sống; đồng thời hi vọng tạo được hiệu ứng xã hội tích cực để thu hút nhiều giáo sinh tham gia đăng ký tuyển dụng giáo viên.

Thầy Nguyễn Văn Tý nêu ý kiến: "Vì hiện tại nhu cầu việc làm trong các cơ sở giáo dục vẫn đang thiếu và sẽ tăng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc tăng lương là một tín hiệu đáng mừng và là động lực rất lớn không chỉ đối với những người có ý định xin vào giảng dạy mà kể cả đối với đội ngũ giáo viên đã gắn bó lâu năm trong nghề".

Hồng Linh