Nắm quyền tuyển dụng giúp ngành Giáo dục chủ động sử dụng đội ngũ giáo viên

13/06/2024 06:38
Ngọc Diệp
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nắm quyền tuyển dụng giúp ngành Giáo dục được chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên và điều tiết tránh thừa thiếu cục bộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo. Dự thảo này gồm 9 chương, 71 điều, nêu lên các vấn đề liên quan nhà giáo (từ khái niệm đến chế độ làm việc, nghỉ ngơi, tuyển dụng, nghỉ hưu, chính sách lương, phụ cấp,…).

Một trong những điểm đột phát của dự thảo là đề xuất đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo.

Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Liên quan đến đề xuất này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận một số ý kiến đánh giá, góp ý để dự thảo Luật hoàn thiện hơn.

9072f0fe6148c1169859.jpg
Ảnh minh họa: KMC

Giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục là điều đúng đắn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc trao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục.

Giáo dục là một ngành giữ vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng đối sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc, trong đó có Việt Nam. Vì thế, kinh phí đầu tư cho giáo dục cũng vô cùng lớn.

Theo thông tin từ Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê cho thấy, năm 2023, số lượng giáo viên của cả nước là 1.123.336 người. [1]

dsc2138.52727.22692.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc trao thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục. Ảnh: Website Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Tuy nhiên, hiện nay, có hai khó khăn lớn của ngành Giáo dục của nước ta, đến từ việc ngành này không được chủ động trong việc sử dụng kinh phí và không được chủ động trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên chuyên môn thực hiện việc giảng dạy và phục vụ công tác giáo dục.

Lâu nay, quy định về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng nhà giáo đã cho thấy nhiều điểm chưa hợp lý. Trong quá trình làm việc, bản thân tôi cũng chứng kiến không ít những bất cập liên quan đến vấn đề này, ví dụ như: có trường thiếu giáo viên nhưng không có biên chế và không đủ kinh phí tuyển dụng; hay có những trường thiếu giáo viên môn Toán, nhưng lại được giao biên chế môn Ngữ văn, gây ra tình trạng “chỗ thiếu, chỗ thừa” – chỗ thiếu vẫn cứ thiếu, mà chỗ thừa vẫn cứ thừa…

Điều này cho thấy những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hiện nay, có thể chỉ tuyển dụng đủ số lượng nhưng lại không đáp ứng tốt vấn đề về cơ cấu chuyên môn và chất lượng của đội ngũ này” – Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Mậu Bành cho hay.

Đồng thời, thầy Bành bày tỏ, nếu ngành Giáo dục được nắm thẩm quyền về tuyển dụng và sử dụng giáo viên sẽ là một điều đáng mừng. Điều này có tính hai mặt, một mặt giúp ngành Giáo dục giữ thế chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên và sử dụng đội ngũ này được hiệu quả hơn; nhưng mặt khác, cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải có những chính sách, quy định cụ thể nhằm kiểm soát hoạt động tuyển dụng, đảm bảo tính công bằng, hợp lý, hiệu quả, tránh những lợi ích cục bộ.

Cũng có những ý kiến tương đồng, Tiến sĩ Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nhiều lần phát biểu, ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và Nhân dân về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng, điều chuyển giáo viên lại thuộc về ngành Nội vụ.

“Trong khi đó, hiện nay, các bộ, ngành khác như Y tế, Khoa học công nghệ… đều có những mã ngạch riêng. Nếu việc tuyển dụng giáo viên vẫn do đơn vị khác giữ thẩm quyền mà không phải do ngành Giáo dục thực hiện là chưa phù hợp..

Đồng thời, ngân sách nhà nước cho giáo dục lại phần nào “hòa chung” vào nguồn ngân sách của địa phương mà không đi về những lĩnh vực, những hệ thống giáo dục cụ thể,…” – Tiến sĩ Tôn Quang Cường nhận định về những cái khó của ngành Giáo dục.

gdvn-222-1851.jpg
Tiến sĩ Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thiên Nhi

Giảm thiểu được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên

Chia sẻ thêm những lưu ý giúp ngành Giáo dục thực hiện tốt công tác tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Tiến sĩ Tôn Quang Cường cho rằng, giải “bài toán” quy hoạch tổng thể là vô cùng quan trọng.

Theo đó, ngành Giáo dục nên thực hiện rốt ráo việc đổi mới quy chế đánh giá; phải có những đánh giá và dự báo chi tiết về nguồn giáo viên của đất nước (ở thời điểm hiện tại, nếu chưa thể đưa ra đánh giá, dự báo trong thời gian lâu dài thì thì phải có đánh giá trong thời gian trước mắt khoảng 5 – 7 năm; chưa đánh giá cụ thể sâu ở từng tỉnh, thành thì có thể đánh giá theo từng vùng địa phương trước) rồi sau đó giao chỉ tiêu về cho giáo dục địa phương tự điều tiết.

Điều này sẽ giảm thiểu được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên.

Trước những ý kiến về việc trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục thay vì ngành Nội vụ quản lý theo thẩm quyền như trước đây, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng điều này sẽ giảm sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự ngành Giáo dục.

“Hiện nay, câu chuyện tuyển dụng giáo viên chưa có sự thống nhất, ngành Nội vụ có thẩm quyền tuyển dụng giáo viên, tài chính cho giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nắm. Điều này cho thấy sự thiếu thống nhất, chồng chéo trong quy trình tuyển dụng giáo viên, bởi các vấn đề về kế hoạch tuyển dụng, tiền và con người luôn cần song hành với nhau”.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nếu giờ ngành Giáo dục được nắm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, cũng cần quy định chi tiết việc tuyển dụng trong Luật Nhà giáo.

“Việc quy định cụ thể về tuyển dụng nhà giáo, trách nhiệm/ năng lực của người tuyển dụng trong Luật Nhà giáo sẽ giúp hạn chế những tiêu cực” – Tiến sĩ Vinh nhấn mạnh.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất, việc tuyển dụng giáo viên ở các trường học nên được thực hiện theo cơ chế tự chủ như ở các doanh nghiệp. Tức là nên để cho hiệu trưởng các trường thực hiện tuyển dụng. Còn cơ quan quản lý nhà nước ngành Giáo dục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát (như chuẩn bị bộ đề thi chuẩn, giao chỉ tiêu tuyển dụng).

Bởi hiệu trưởng sẽ là người hiểu rõ nhất về tình trạng thừa/thiếu giáo viên của đơn vị, cần tuyển những vị trí chuyên môn như thế nào… Việc gắn trách nhiệm cho hiệu trưởng – một cá nhân cụ thể vừa giúp nâng tầm vai trò của hiệu trưởng, đồng thời đảm bảo cơ chế giám sát, đánh giá, giúp tuyển đúng người, đúng việc.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: “Để làm được điều này, việc đổi mới cơ chế, tăng cường sự tự chủ cho các cơ sở giáo dục là vô cùng quan trọng”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/den-nam-2030-ca-nuoc-can-bo-sung-them-358579-giao-vien-post242225.gd.

Ngọc Diệp