Chiều 9/7, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo Tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tham dự Hội thảo có nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các Sở, ngành, các phòng Giáo dục và Đào tạo, trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về số lượng trường học, học sinh, giáo viên, Hà Nội hiện có 2.875 trường học trên địa bàn, với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Đến thời điểm này, những kết quả của ngành Giáo dục và Đào tạo đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Ngành giáo dục Hà Nội vui mừng và phấn khởi khi Chính phủ đã nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp ý vững chắc, toàn diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.
Theo ông Trần Thế Cương, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã triển khai, xin ý kiến đến từng cán bộ, quản lý nhà giáo, tất cả đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các ý kiến bước đầu đánh giá: Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng khoa học, thống nhất, chặt chẽ, đảm bảo tính thống nhất giữa các nội dung; cơ bản đã xác định rõ về vị trí, vai trò, hoạt động của nhà giáo nhằm chuẩn hóa và tôn vinh nhà giáo, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm mới khi ban hành sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển nhà giáo, đảm bảo sự thống nhất đối với nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập.
Để Luật Nhà giáo thực sự có chất lượng, đáp ứng cao nhất sự phát triển của giáo dục trong giai đoạn mới thì việc tiếp tục đóng góp ý kiến với dự thảo Luật Nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo trong ngành Giáo dục Thủ đô.
Tại hội thảo, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã thông tin tổng quan quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, cấu trúc dự thảo Luật Nhà giáo cùng một số nội dung mong muốn nhận được ý kiến góp ý.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết: Trong thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được ý kiến, góp ý của 63 Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các Bộ ngành liên quan.
Đến nay, cơ bản 9 nội dung trong dự thảo Luật đã được Ban soạn thảo thống nhất, tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện. 800.000 nhà giáo đã có ý kiến, đồng tình với cấu trúc Luật. Cùng với đó, có nhiều ý kiến mong muốn Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà giáo.
Cục trưởng Vũ Minh Đức nhấn mạnh quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo là để thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng và Nhà nước; kiến tạo môi trường phát triển nhà giáo, quy định một số chính sách mới để phát triển nhà giáo; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, có chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp; đảm bảo bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; giải quyết được vướng mắc thực tiễn trong quản lý nhà giáo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện một số cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã trao đổi, góp ý, nêu ý kiến, đề xuất liên quan đến chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Tập trung vào một số nội dung như: Giấy phép hành nghề; Lương cho nhà giáo; chế độ nghỉ hè của giáo viên; công bằng trong đánh giá nhà giáo; chế độ cho giáo viên mầm non; chế độ cho các thầy cô giáo trường chuyên biệt…
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, thầy tham dự hội thảo "Tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo" và có góp ý kiến 2 nội dung.
Thứ nhất, về lương giáo viên
Điều 43 của dự thảo có đặt ra " tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" tuy nhiên thầy Khang cho rằng việc này rất khó bởi việc này đã được đề cập khi soạn thảo Luật Giáo dục 2019 nhưng không được đồng ý. Ngoài ra, "xếp cao nhất" cũng chỉ là vị trí tương đối trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp - tức trên dưới 10 triệu đồng/tháng thì vẫn là bài toán chưa đủ sống, chưa đủ để nuôi con (đối với giáo viên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...).
"Đặt ra một việc khó được Quốc hội thông qua mà lại chưa giải quyết được căn bản đời sống của nhà giáo thì có nên không?", thầy Khang băn khoăn.
Thứ hai, về chứng chỉ hành nghề nhà giáo
Thầy Khang cho rằng, ban soạn thảo cần làm rõ đối với trường hợp sinh viên tốt nghiệp trường đại học sư phạm có bằng cử nhân có phải đi đâu bồi dưỡng và thực hành nghề không?