TS Lê Quốc Hải: “NCKH là trách nhiệm của người có học hàm, học vị cao”

21/09/2024 07:50
Hồng Linh

GDVN-Theo TS Lê Quốc Hải, tham gia NCKH là trách nhiệm của những người có học hàm, học vị cao đối với công cuộc phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị là một trong 135 tri thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Quốc Hải bày tỏ: “Đây là một vinh dự lớn với bản thân tôi. Vinh dự đó không chỉ là sự ghi nhận của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với cá nhân, mà còn là sự ghi nhận đối với hoạt động khoa học công nghệ và tập hợp đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị.

Đồng thời, đó cũng sẽ là nguồn động viên to lớn, là động lực để tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của mình.

Đồng thời, tôi nhận thấy phải có trách nhiệm hơn để tiếp tục đưa ra các giải pháp tích cực nhằm tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tại địa phương, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật có chất lượng, góp phần phát triển khoa học công nghệ, nhất là thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh”.

Ts Le Quoc Hai 2.jpg
Tiến sĩ Lê Quốc Hải tại Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC.

Dù ở cương vị nào, công việc nào, cũng phải tiếp tục nghiên cứu khoa học

Năm 2001, nam sinh viên Lê Quốc Hải tốt nghiệp ngành Toán Tin ứng dụng (Khoa Toán - Cơ - Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó, lựa chọn trở về quê hương để làm việc, thầy Hải bắt đầu công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.

Với tinh thần học tập không ngừng nghỉ, năm 2007, thầy Lê Quốc Hải quyết định thi và theo học thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế).

Năm 2011, thầy Hải tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu của mình và được nhận làm nghiên cứu sinh tại khoa Khoa học máy tính, Đại học Khon Kaen (Thái Lan) với đề tài: “Ẩn các luật kết hợp dựa trên lý thuyết Dàn giao”.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hải, nghiên cứu ứng dụng của lý thuyết dàn vào những bài toán ẩn các tri thức nhạy cảm trong khai phá dữ liệu cũng là nội dung nghiên cứu khoa học khiến thầy tâm đắc nhất. Đây đồng thời là nội dung cốt lõi trong luận án tiến sĩ của thầy với những sản phẩm quốc tế đầu tay, trong đó có 2 bài báo được xuất bản trên tạp chí trong danh mục ISI. Cùng với đó, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Quốc Hải đã tiếp tục triển khai các vấn đề trên theo hướng mở rộng, phát triển thêm các hướng nghiên cứu mới và gặt hái nhiều thành công sau này.

Chia sẻ về hành trình tham gia nghiên cứu khoa học của mình, Tiến sĩ Lê Quốc Hải cho biết: “Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Huy, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là người hướng dẫn tôi viết bài báo đầu tay để tham gia Hội nghị khoa học quốc gia về “Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin” (Hội nghị FAIR) vào năm 2009.

Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Huy là người thông tuệ và vô cùng nhiệt tình. Những gì tôi học được từ thầy là kinh nghiệm quý giá và cũng là cảm hứng để tôi tiếp tục theo đuổi nghiên cứu khoa học”.

Năm 2012 được xem là dấu mốc đáng nhớ nhất với Tiến sĩ Lê Quốc Hải khi thầy nhận được tin, bài báo khoa học trong thời gian làm nghiên cứu sinh đã được chấp nhận tại một hội thảo khoa học quốc tế tại Singapore.

“Sở dĩ điều này mang lại cảm giác đặc biệt đối với tôi, vì đây là công trình quốc tế đầu tiên sau gần 1 năm tôi thực hiện đề tài nghiên cứu, cũng là lần đầu tiên tôi đến Singapore và được trình bày trước nhiều nhà khoa học đến từ các quốc gia trên thế giới.

Tôi vừa vinh dự, vừa tự hào và tất nhiên cũng không thể tránh khỏi sự lo lắng. May mắn, tôi đã hoàn thành báo cáo mà không gặp phải trở ngại nào. Điều này cũng giúp tôi tự tin hơn trong công tác nghiên cứu khoa học sau này” - thầy Hải chia sẻ.

Có thể nói, học tập và nghiên cứu là hành trình suốt đời của một nhà khoa học với không ít thử thách, đòi hỏi đam mê và sự kiên trì, bền bỉ.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải cũng không ngoại lệ, khi thầy cũng phải bước qua muôn vàn khó khăn. Nhắc đến những thử thách ấy, thầy Hải nhớ lại kỷ niệm trong lần đầu tiên gửi bài đăng tạp chí khoa học quốc tế: "Vì đã có nghiên cứu trước đó, nên tôi không mất nhiều thời gian để hoàn thành và nôn nóng có được sản phẩm, khẳng định hướng đi của mình là đúng.

Nhưng thực tế không diễn ra theo đúng hướng mà tôi mong đợi... Lần đầu tiên gửi bài báo khoa học cho tạp chí quốc tế trong danh mục ISI, tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ các chuyên gia phản biện, với những ý kiến trái chiều. Điều này khiến tôi hoang mang, lo lắng về hướng nghiên cứu của mình.

Thật may mắn, nhờ có được sự động viên, hướng dẫn của Giáo sư Somjit Arch-in, Trưởng khoa Khoa học máy tính, Đại học Khon Kaen, tôi đã định hình lại bố cục bài báo, trả lời và luận giải kỹ càng từng ý kiến phản biện.

Cuối cùng, bài báo được chấp nhận đăng sau hơn 1 năm rưỡi gửi đi với 2 vòng phản biện. Đó là thử thách rất lớn mà bất kỳ nghiên cứu sinh nào cũng phải trải qua. Điều này đã giúp tôi tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm cho quá trình nghiên cứu tiếp theo”.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải bộc bạch: “Bản thân tôi cũng như hầu hết các nhà khoa học khác, để học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án tiến sĩ, đồng thời tích lũy được kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, là hành trình đầy gian nan”.

Vì vậy, thầy Hải luôn trân trọng những thành quả đó và tự nhủ, dù ở cương vị nào, công việc nào cũng phải tiếp tục nghiên cứu khoa học để xứng đáng với học vị tiến sĩ hiện tại, cũng như với những gì đã trải qua và tích lũy.

Tiến sĩ Lê Quốc Hải cũng chia sẻ thêm: “Nếu nói xa hơn, tham gia nghiên cứu khoa học là trách nhiệm của những người có học hàm, học vị cao đối với công cuộc phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Mặc dù công tác quản lý, giảng dạy cũng đã chiếm phần lớn thời gian của tôi, nhưng quan điểm và suy nghĩ này đã thôi thúc tôi tiếp tục thực hiện tốt công việc nghiên cứu khoa học của mình”.

Trong quá trình công tác, Tiến sĩ Lê Quốc Hải cùng thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại địa phương, góp phần phát triển khoa học - xã hội của tỉnh; tổ chức có hiệu quả Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật cấp tỉnh. Đồng thời, tham gia các hoạt động phản biện xã hội, các công trình, đề tài, dự án, đề án… của địa phương, tổ chức các hội thảo đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số...

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Lê Quốc Hải cũng có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI, các kỷ yếu hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia.

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Quốc Hải còn tham gia thỉnh giảng tại một số trường đại học, đã hướng dẫn thành công nhiều thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ.

Nỗi niềm canh cánh với nguồn nhân lực khoa học cơ bản

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hải, hằng năm, đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vẫn có nhiều công trình khoa học được xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI/SCOPUS, trong kỷ yếu của các hội thảo quốc gia, quốc tế có uy tín. Theo đó, trong những năm gần đây, các giảng viên của nhà trường đã và đang thực hiện 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ, trong đó có 4 đề tài đã được nghiệm thu.

Tuy nhiên, các thầy cô cũng không tránh khỏi vẫn gặp phải những trở ngại nhất định trong nghiên cứu khoa học.

Thầy Hải đề cập: “Khó khăn lớn nhất của nhà trường là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, nên chưa thể động viên, khích lệ giảng viên thực hiện công tác nghiên cứu khoa học tốt hơn.

Tôi cho rằng, đây cũng là khó khăn chung của các trường cao đẳng sư phạm khác. Bởi vậy, tôi mong muốn chính quyền địa phương các tỉnh thành sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ kinh phí cho trường cao đẳng sư phạm thực hiện công tác nghiên cứu khoa học.

Nhìn xa hơn, hoàn cảnh của mỗi cơ sở giáo dục mỗi khác, do đó, ở nhiều nơi, đãi ngộ cho trí thức khoa học công nghệ là chưa đủ để họ làm tốt nhất công việc nghiên cứu khoa học.

Nếu có chính sách hỗ trợ tốt hơn, đồng đều hơn ở các cơ sở giáo dục, ở các địa phương cho các nhà khoa học, tôi cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học sẽ thu được nhiều thành quả nổi bật, giúp các nhà khoa học duy trì được ngọn lửa đam mê khoa học của mình”.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hải, khó khăn lớn nhất của nhà trường là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, nên chưa thể động viên, khích lệ giảng viên thực hiện tốt. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Lê Quốc Hải, khó khăn lớn nhất của nhà trường là kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học còn eo hẹp, nên chưa thể động viên, khích lệ giảng viên thực hiện tốt. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về mối bận tâm với sự nghiệp nghiên cứu, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Tiến sĩ Lê Quốc Hải cho hay, để xây dựng được đội ngũ những nhà nghiên cứu trong tương lai, phải chú trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có chất lượng.

“Chúng ta cần có định hướng và truyền được lửa đam mê về khoa học công nghệ cho học sinh, phải dạy cho sinh viên biết nghiên cứu và say mê nghiên cứu khoa học.

Từ đó, mới có thể chọn lọc ra được những em thực sự có tố chất để bồi dưỡng, hướng dẫn các em làm nghiên cứu khoa học.

Việc làm này hiện nay ở các trường là khá khó khăn và sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì trong những năm gần đây, thực tế việc học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông chọn vào các ngành khoa học cơ bản ngày càng ít, chất lượng đầu vào cũng thấp hơn các ngành khác.

Ở cấp trung học phổ thông hiện nay đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉ lệ học sinh chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vẫn thấp hơn so với tổ hợp khác.

Việc lựa chọn tổ hợp môn học sẽ định hình hướng ngành nghề trong tương lai của các em học sinh. Do đó, sẽ ít sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực làm nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản.

Đây là điều đáng lo ngại đã được đưa vào nhiều cuộc thảo luận trong các hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Hiện nay, nhiều trường đại học đã và đang đưa ra các giải pháp để thu hút sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản. Hy vọng, với những giải pháp tích cực, tình hình này sẽ được cải thiện trong những năm tới đây” - thầy Hải nhấn mạnh.

Mong thế hệ trẻ tìm được đam mê nghiên cứu khoa học và kiên trì theo đuổi

Tiến sĩ Lê Quốc Hải cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ sinh viên, nhà khoa học trẻ đang theo đuổi lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học máy tính rằng: “Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số để hội nhập sâu rộng vào sự phát triển của thế giới.

Việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là các công nghệ trụ cột của chuyển đổi số là rất quan trọng.

Lực lượng sinh viên trẻ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin dồi dào và có nhiều tiềm năng nghiên cứu khoa học.

Tôi mong, các bạn sẽ tìm được niềm đam mê và kiên trì theo đuổi, để có những đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Từ đó, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

Hồng Linh