Thạc sĩ Đậu Quang Vinh NCKH bằng cách "cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân

07/09/2024 06:16
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Thạc sĩ Đậu Quang Vinh tâm sự: “Sự say mê nghiên cứu đã thôi thúc tôi tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, cùng ăn, ở và làm việc với dân”.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An là một trong 135 tri thức tiêu biểu được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Niềm đam mê mãnh liệt với nghiên cứu khoa học

Lựa chọn theo đuổi nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Nông nghiệp, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh được truyền cảm hứng từ cha của mình - một nhà báo chuyên viết về lĩnh vực này. Ngay từ nhỏ ông đã được bố định hướng các kiến thức về nông nghiệp khiến ông say mê tìm hiểu các mô hình sản xuất của bà con nông dân.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 1996 ông thi đỗ và theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Trong quá trình học tập tại trường, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh được đào tạo những kiến thức về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, có môi trường tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất. Điều đó càng khiến ông hứng thú với những điều mới mẻ trong khoa học kỹ thuật nông nghiệp.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)
Thạc sĩ Đậu Quang Vinh, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An được vinh danh tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp, ông tìm cơ hội ở lại Hà Nội làm việc. Năm 2005, ông trở về quê làm chuyên viên ban định canh định cư, vùng kinh tế mới tỉnh Nghệ An. Năm 2008, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh chuyển công tác về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An. Đến năm 2019, ông được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cho biết, trong hơn 18 đề tài, nhiệm vụ khoa học mà ông từng chủ trì và tham gia nghiên cứu thì đề tài “Đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định cơ cấu sản phẩm chiến lược của Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020” và mảng đề tài/ nhiệm vụ về xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở phía Tây Nghệ An là những đề tài mà ông tâm huyết nhất.

Trong đó, đề tài “Đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định cơ cấu sản phẩm chiến lược của Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, có tính đến 2020” được hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá xếp loại xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đã được ban dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đưa các nội dung nghiên cứu vào trong các chỉ tiêu nghị quyết và các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong xác định cơ cấu sản phẩm chiến lược của tỉnh giai đoạn 2015-2020.

Và cũng từ kết quả nghiên cứu đề tài này, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình mang tên “Tiềm năng, lợi thế và xác định cơ cấu sản phẩm chiến lược ở Nghệ An giai đoạn 2011 – 2015 (có tính đến 2020)” vào năm 2012, sách được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đặt hàng.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đề tài “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An” của Thạc sĩ Vinh cũng được áp dụng vào các mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Năm 2015, từ kết quả nghiên cứu của đề tài tôi đã tổ chức khảo sát đánh giá nghiên cứu xây dựng mô hình thực tiễn tại các huyện phía Tây Nghệ An, cụ thể: 2 mô hình du lịch cộng đồng ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê huyện Con Cuông và bản Na Sái (nay là bản Long Thắng) thuộc xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch của các địa phương, tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân”, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh thông tin.

Các nghiên cứu của ông đã giúp tỉnh nhà xây dựng được quy chế, nội quy du lịch cộng đồng tại các điểm xây dựng mô hình; cơ chế chia sẻ lợi ích cho các bên tham gia (doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân) hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân trong thực hiện các hoạt động khai thác tour du lịch cộng đồng. Các mô hình du lịch cộng đồng này đã được triển khai hiệu quả ở một số huyện phía Tây của Nghệ An, như huyện: Quỳ Châu, Tương Dương, Anh Sơn.

Để gắn các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả, theo Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao ở cơ sở.

Đặc biệt cần phải xây dựng các kế hoạch, mục tiêu cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần có sự quan tâm hơn nữa về công tác tuyên truyền, tập huấn làm thay đổi nhận thức cho người dân. Các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhu cầu của người dân.

“Việc ứng dụng các đề tài này vào thực tế là tâm huyết của tôi và bà con nông dân. Nhờ đó mà hàng chục điểm check in, các mô hình phát triển kinh tế của người dân đã được khai thác phục vụ du khách. Nhờ đó, thu nhập của bà con được cải thiện hơn rất nhiều”, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh chia sẻ.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh luôn trăn trở phát triển du lịch cộng đồng tại quê nhà. (Ảnh: NVCC)
Thạc sĩ Đậu Quang Vinh luôn trăn trở phát triển du lịch cộng đồng tại quê nhà. (Ảnh: NVCC)

Cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với người dân

Tính đến nay, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh đã thực hiện hơn 18 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Đồng thời, ông cũng nhận được nhiều bằng khen cấp tỉnh về hoạt động khoa học và công nghệ góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; nhiều bằng khen được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng.

Để đạt được những thành tựu trên, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh đã gặp không ít khó khăn trong quá trình nghiên cứu hay những lần đi khảo sát thực tế. Thậm chí, có lần ông cùng các đồng nghiệp phải đối diện với nguy hiểm đến tính mạng.

“Kỷ niệm khó quên nhất của tôi đó là trong những đợt đi khảo sát, xây dựng mô hình chúng tôi gặp sạt lở đất, mưa lũ tại bản Na Sái (nay là bản Long Thắng), xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Lúc ấy, xe ô tô của chúng tôi mắc kẹt ở đập tràn khi nước lũ tràn về. Chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của người dân để đẩy và kéo xe qua khỏi đập tràn. Sau đó, cả đoàn lại được người dân đưa vào nhà để sưởi ấm và nghỉ ngơi. Về đến nơi an toàn chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh nhớ lại.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chính lòng say mê nghiên cứu khoa học đã thôi thúc Thạc sĩ Đậu Quang Vinh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với người dân.

“Khó khăn trong quá trình nghiên cứu có thể nói rất là nhiều nhưng với sự say mê nghiên cứu đã thôi thúc tôi và các đồng nghiệp tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với người dân, với phương châm cầm tay chỉ việc, cùng ăn, cùng ở và cùng làm với người dân”, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh nhấn mạnh.

Với mô hình du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch thường trực, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An cùng các cộng sự đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân, thành lập ban điều hành tự quản du lịch cộng đồng, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động du lịch cộng đồng tại bản. Nhờ đó, người dân có nhận thức mới hơn về vai trò, vị trí của du lịch cộng đồng. Ban quản lý và nhân dân có sự kết hợp với nhau, huy động tất cả mọi lứa tuổi ai cũng được quyền tham gia hoạt động du lịch cộng đồng.

“Nhờ công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở địa phương về hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả hơn khiến người dân mạnh dạn hơn trong việc tiếp đón các đoàn khách, du khách đến với bản và giới thiệu về cảnh quan, mô hình kinh tế ở bản làng của mình, giới thiệu các món ăn, kỹ thuật đan lát, dệt thổ cẩm… Đa số người dân phấn khởi và ủng hộ.

Du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách được tăng cường sự trao đổi văn hóa của các dân tộc, các vùng miền, xây dựng tình đoàn kết. Cộng đồng địa phương được bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, được phát huy và bồi dưỡng những giá trị đạo đức sâu sắc, các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển.

Nhờ đó, văn hóa giao tiếp của người dân không ngừng được nâng lên. Hoạt động du lịch cộng đồng góp phần bảo vệ, tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương, bao gồm: sự đa dạng sinh thái, phong tục tập quán, di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống… Chính vì thế, du lịch cộng đồng là một hướng mới để người dân địa phương và du khách có thể góp phần giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc, nâng cao ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội…”, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Nghệ An thông tin.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cùng cộng sự và bà con bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Ảnh: NVCC)
Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cùng cộng sự và bà con bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Ảnh: NVCC)

Xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cho biết, thời gian tới, ông dự định phối hợp với văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Nghệ An để xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu dựa trên điều kiện tự nhiên và những lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Cụ thể, thí điểm mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, thân thiện và bảo vệ môi trường và bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

“Hiện tại chúng tôi đã và đang triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Từ năm 2022 đến nay chúng tôi đã thí điểm và triển khai xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón theo hướng kinh tế tuần hoàn tại xã Xuân Sơn và xã Trung Sơn thuộc huyện Đô Lương; xã Tân Phú và xã Nghĩa Thái thuộc huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

Mục tiêu của mô hình này là điều tra, đánh giá hiện trạng thu gom, phân loại, xử lý rác thải nông thôn. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiện trạng ô nhiễm do rác thải đối với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nâng cao nhận thức về thu gom, phân loại, xử lý rác thải nông thôn, thực hiện kinh tế tuần hoàn cho người dân. Đồng thời xây dựng mô hình thí điểm về thu gom, phân loại rác thải và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh tại hộ gia đình cho người dân”, Thạc sĩ Đậu Quang Vinh chia sẻ.

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh đang triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón theo hướng kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: NVCC)
Thạc sĩ Đậu Quang Vinh đang triển khai nghiên cứu, xây dựng mô hình thu gom, phân loại rác thải và tái chế rác thải hữu cơ thành phân bón theo hướng kinh tế tuần hoàn. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Đậu Quang Vinh cũng dành lời khuyên cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên ngành khoa học và công nghệ nếu muốn dấn thân vào nghiên cứu khoa học trước hết phải xác định cho mình một chủ đề, lĩnh vực nghiên cứu cụ thể để gắn bó với hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ đó đặt ra các mục tiêu và kế hoạch nghiên cứu.

Ngoài ra, các bạn trẻ cần yêu nghề, yêu việc mình làm, kiên trì với mục tiêu mà bản thân đã đặt ra. Đồng thời, cần thường xuyên tìm tòi nghiên cứu sáng tạo trong công tác chuyên môn; đặt ra các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm qua từng công trình, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần xây dựng một đội ngũ cộng tác viên, nhóm nghiên cứu cùng sở thích để hỗ trợ nhau trong quá trình công tác, nghiên cứu với phương châm “đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng để tiến bộ”.

Đặc biệt các nhà khoa học trẻ, sinh viên ngành khoa học và công nghệ cần tự tin, sáng tạo, mạnh dạn chuyển giao kết quả nghiên cứu và đa dạng các hoạt động trong nghiên cứu khoa học; học tập kinh nghiệm, kiến thức từ thầy, cô giáo cũng như bạn bè đồng nghiệp.

Lương Hiền