Học bổng khuyến khích học tập trích từ học phí, các trường đang phân bổ ra sao?

17/09/2024 06:21
Trần Trang

GDVN - Các trường đại học phải có nhiều quỹ học bổng đa dạng, không chỉ dựa vào học bổng khuyến khích học tập trích từ 8% nguồn thu học phí.

Theo Khoản 1, Điều 85, Luật Giáo dục 2019 quy định về học bổng, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt: “Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học...".

Tuy nhiên, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 8, Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nêu: “Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục”.

Do vậy, lâu nay, học bổng khuyến khích học tập vẫn được trích từ nguồn thu học phí chứ không từ ngân sách nhà nước. Thực tế, nếu chỉ dựa vào 8% nguồn thu học phí, các trường đại học rất khó để hỗ trợ tất cả sinh viên xứng đáng nhận học bổng. Bên cạnh đó, vấn đề phân chia học bổng ra sao để công bằng nhất cho sinh viên cũng khiến các trường quan tâm.

Học bổng từ nguồn thu học phí chỉ hỗ trợ được sinh viên có kết quả học tập cao

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ: “Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng có 3 nguồn Quỹ học bổng là học bổng khuyến khích học tập (trích từ 8% nguồn thu học phí theo quy định), Quỹ học bổng “truyền cảm hứng UED” (do cán bộ viên chức Nhà trường thành lập và đóng góp) và các học bổng tài trợ (trung bình khoảng 3 tỷ đồng/năm)”.

nguyen-vinh-san-dai-hoc-su-pham-da-nang.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NVCC.

Về học bổng khuyến khích học tập, thầy San cho biết, học bổng này ưu tiên xét cho sinh viên có thành tích học tập tốt. Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng xét học bổng theo khoa, khóa học và ngành học đảm bảo tất cả sinh viên đều có cơ hội nhận học bổng nếu kết quả học tập cao.

Thứ tự ưu tiên khi xét là loại học bổng, kết quả học tập, kết quả rèn luyện, với mức học bổng thấp nhất là bằng mức thu học phí của học kỳ. Vì vậy, những sinh viên nhận học bổng sẽ đảm bảo được kinh phí nộp học phí, tuy nhiên số suất học bổng sẽ không nhiều.

Về sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hay thuộc diện vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, thầy San cho biết đối tượng này không thuộc diện hưởng học bổng khuyến khích học tập nếu không có thành tích tốt.

“Theo Quy định của học bổng khuyến khích học tập thì chỉ xét cho sinh viên có kết quả học tập thuộc nhóm cao nhất cho đến hết chỉ tiêu, vì vậy những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc nhóm có kết quả học tập cao sẽ không nhận được học bổng này.

Sinh viên thuộc đối tượng chính sách, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đã có sự hỗ trợ từ Nhà nước, vì vậy khi xét học bổng trường có chủ trương tách đối tượng ưu tiên.

Nhà trường khi xét các học bổng ngoài ngân sách đều sẽ ưu tiên xét cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và sinh viên ngoài ngành Sư phạm (sinh viên ngành Sư phạm đã được Nhà nước hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt)” - thầy San thông tin.

440121580_831476622353397_7511930382552330516_n.jpg
Các sinh viên hoàn cảnh khó khăn, có nghị lực vươn lên đạt kết quả tốt của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận học bổng từ Quỹ học bổng AMA. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, Thạc sĩ Trần Việt Toàn - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết học bổng khuyến khích học tập trích từ nguồn thu học phí chỉ dành cho các sinh viên có thành tích học tập tốt, còn các đối tượng sinh viên khác có thể nhận học bổng tài trợ.

344858006_1385414768977135_7389916322977889130_n.jpg
Thạc sĩ Trần Việt Toàn - Trưởng phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thầy Toàn chia sẻ: “Học bổng khuyến khích học tập có 3 mức là 100% học phí, 110% học phí, 120% học phí tùy vào thành tích của sinh viên là khá, giỏi hay xuất sắc. Học bổng tài trợ là nguồn vận động từ các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cựu sinh viên... tài trợ, dành cho sinh viên có thành tích vượt khó học tốt, sinh viên giỏi, xuất sắc, có thành tích nghiên cứu khoa học, tích cực trong các hoạt động phong trào.

Nguồn học bổng tài trợ của nhà trường rất đa dạng và tài trợ cho sinh viên theo các tiêu chí của bên trao học bổng nhưng thường hướng đến hai nhóm chính: nhóm sinh viên học xuất sắc, giỏi, có thành tích tốt trong nghiên cứu khoa học hoặc nhóm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và học lực từ mức trung bình khá trở lên.

Trong năm học 2023 - 2024, đã có hơn 1600 suất học bổng tài trợ (trung bình 10 triệu đồng/suất) được trao cho sinh viên trường. Cả hai loại học bổng trên có ý nghĩa rất lớn trong công tác khuyến học và là động lực mạnh mẽ để các em nỗ lực trong học tập và rèn luyện. Qua thống kê, có hơn 60% suất học bổng tài trợ ưu tiên trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”.

Phân chia quỹ học bổng - bài toán quản trị của từng đại học

Việc phân chia học bổng khuyến khích học tập như thế nào cũng là một bài toán về quản trị đối với các trường đại học, đặc biệt với những trường mà quỹ học bổng không dồi dào.

Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: “Số tiền học bổng trích từ học phí của ngành nào phải chi cho sinh viên đạt kết quả học tập tốt của ngành đó, chứ không thể lấy học phí của ngành A, hòa chung vào quỹ học bổng và chi cho sinh viên của ngành B.

Một số trường có sự pha trộn giữa khối kinh tế và khối kỹ thuật, khối kinh tế nhiều sinh viên nữ, học chăm chỉ hơn nên thành tích học tập cao hơn. Nếu không có quy chế một cách cụ thể về chi trả học bổng sẽ dẫn đến nguồn học bổng chỉ tập trung vào cho một số khoa”.

dsc_2611.jpg
Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị - Sinh viên, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: Website trường.

Thầy Thành bày tỏ, ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất, học bổng lấy từ ngân sách học phí phải được phân bổ công bằng tương đối đến tất cả các sinh viên. Trường chi đến tận khoa, tận chuyên ngành, tận khóa. Khóa nào sẽ có học bổng dành riêng cho khóa đó, kể cả các bạn năm nhất mới vào trường cũng có học bổng riêng để không phải cạnh tranh với các sinh viên năm 2, năm 3. Nếu thừa ngân sách mới xem xét để trao cho khóa khác.

Thầy Trần Việt Toàn cũng có cùng ý kiến: “Nếu không có sự phân chia từng cụ thể thì ở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có sinh viên ngành Khoa học Máy tính được nhận học bổng vì các bạn luôn có thành tích cao nhất. Tuy nhiên, trường có sự phân chia học bổng theo tỷ lệ mỗi ngành để sinh viên đều có cơ hội được nhận học bổng”.

Để hỗ trợ sinh viên có kinh phí học tập, các trường đại học đều sẵn sàng trích nguồn thu học phí để đóng góp vào quỹ học bổng.

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Xuân Thành, nguồn thu học phí cần chi trả cho nhiều mục đích khác nhau, như đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nhân lực, nguồn dự phòng phát triển chất lượng giáo dục, quản trị đại học, phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu khoa học… Việc trích 8% vào quỹ học bổng cũng khiến các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác bị giảm xuống.

“Về ngân sách cho học bổng khuyến khích học tập, cần phải đánh giá về con số 8% nguồn thu học phí. Con số này dựa vào nghiên cứu từ trước thời điểm ban hành Nghị định 84/2020/NĐ-CP, nhưng hiện giờ chưa có văn bản hướng dẫn nào để các cơ sở tự đánh giá 8% là phù hợp hay không.

Đây là bài toán về quản trị đại học, trường nào quản trị tốt sẽ có dư ngân sách cho học bổng, không chỉ 8% mà còn cao hơn thế. Nhưng vẫn sẽ có cơ sở giáo dục có nguồn thu có hạn. Các trường cần có nguồn học bổng đa dạng hơn, bên cạnh nguồn thu học phí” - thầy Thành cho biết.

Thạc sĩ Trần Việt Toàn chia sẻ, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường có quỹ học bổng đa dạng và dồi dào. Dù vậy, thầy Toàn cho rằng vẫn rất cần thiết có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

“Từ sau khi các trường tự chủ tài chính, học phí đã tăng lên rất nhiều. Do đó, rất nên có những quỹ học bổng với kinh phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Chúng ta cần thực hiện nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính dành cho các bạn sinh viên để các bạn sinh viên có thể yên tâm học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và từ đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của đất nước” - thầy Toàn tâm sự.

DSC09646.JPG
Sinh viên ngành Khoa học Máy tính và ngành Cơ kỹ thuật của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận học bổng từ Tập đoàn Japan Create. Ảnh: NVCC

Cần chính sách riêng cho các ngành STEM và khoa học cơ bản

Tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI có nội dung: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách Nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng”.

Trước thực trạng, nguồn ngân sách hạn hẹp, đại diện các trường đại học đều cho rằng rất nên có những chính sách riêng để hỗ trợ các ngành đang ưu tiên phát triển như khoa học cơ bản, STEM. Thậm chí, nếu chỉ hỗ trợ học bổng hay vay tín dụng sinh viên là chưa đủ.

Thầy Trần Việt Toàn bày tỏ, ở góc độ quốc gia, nếu muốn thúc đẩy khoa học cơ bản và STEM phát triển thì cần xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp. Bên cạnh học bổng, còn cần hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị, phương tiện để nâng cao năng lực cho người học.

Thầy Nguyễn Vinh San chia sẻ: “Quỹ học bổng chủ yếu mang tính khuyến khích và hỗ trợ cho sinh viên giải quyết một số nhu cầu cơ bản. Nhằm hỗ trợ tốt cho sinh viên, ngoài chính sách học bổng còn có chính sách hỗ trợ khác như vay vốn ưu đãi dành cho sinh viên, chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí. Rất khó để các học bổng có thể giải quyết được hết các nhu cầu của người học.

Đối với nhóm ngành khoa học cơ bản hiện tại khá khó khăn trong việc thu hút người học, Nhà nước cần có chính sách lớn và riêng cho sinh viên nhóm ngành này tương tự như sinh viên sư phạm thì mới có cơ hội khôi phục vị thế của ngành, đóng góp vào sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước.

Đi cùng với chính sách hỗ trợ trong quá trình học tập cũng cần có các chính sách đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu và đặc biệt là các chính sách liên quan tới việc làm sau tốt nghiệp”.

Trần Trang