Vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký Quyết định số 05/QĐ-HĐGSNN về việc bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Theo quyết định, có 28 Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đồng thời là Chủ tịch 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành.
Đáng chú ý, có 16/28 ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029 là thành viên mới so với nhiệm kỳ 2018-2023.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hải là 1 trong 16 thành viên mới của Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029. Giáo sư Hải cũng là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ.
Là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở và Hội đồng Giáo sư liên ngành qua nhiều năm
Theo bản lý lịch khoa học tự kê khai (ngày 28/4/2024) được công bố trên website Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho thấy, Giáo sư Trần Thanh Hải sinh năm 1965, đã bảo vệ thành công bằng tiến sĩ vào năm 2001 tại Đại học Regina, Canada.
Đến năm 2018, thầy Hải được bổ nhiệm chức danh giáo sư tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Tân Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước có chuyên môn về Khoa học Trái đất, Địa chất học. Hiện nay, Giáo sư Trần Thanh Hải đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Được biết, thầy Hải là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Mỏ - Địa chất qua nhiều năm (từ 2014-2016 và 2019-2023). Bên cạnh đó, thầy Hải cũng là thành viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ từ năm 2019-2023.
Về các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Giáo sư Trần Thanh Hải đã chủ trì/chủ nhiệm 5 đề tài cấp Nhà nước; 3 cấp Bộ và tương đương. Cụ thể, trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần nhất, thầy Hải tham gia một số đề tài đã được nghiệm thu bao gồm:
Về hoạt động hướng dẫn nghiên cứu sinh (đã có quyết định cấp bằng tiến sĩ), thầy Hải hướng dẫn chính tổng cộng 4 nghiên cứu sinh.
Trong sự nghiệp của mình, tân Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước Trần Thanh Hải đã đạt nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, bao gồm:
Giải thưởng Pano hay nhất dành cho nghiên cứu sinh của Hội Địa chất Tiền Cambri, Tổng hội Địa chất Canada tại Hội nghị thường niên của Liên hội Địa chất - Khoáng sản Canada (GAC-MAC) năm 2001, Thành phố Saint's John, Canada.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học xuất sắc năm 2015.
Giải thưởng Sách vàng sáng tạo Việt Nam của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2017.
Công bố 90 bài báo trên các tạp chí khoa học
Theo tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ứng viên được giới thiệu phải đáp ứng các quy định tại Điều 17 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Điều 3, Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động ban hành kèm theo thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT.
Trong đó, quy định thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở cần có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.
Tính đến nay, Giáo sư Trần Thanh Hải đã công bố tổng số 90 bài báo khoa học trong đó có 45 bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế và 45 bài đăng trên tạp chí khoa học trong nước.
Trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần nhất, thầy Hải có 10 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế (7 bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus; 3 bài báo thuộc danh mục khác) và 13 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước (6 bài công bố năm 2019; 4 bài công bố năm 2020; 1 bài công bố năm 2021; 2 bài công bố năm 2022).
Bên cạnh đó, thầy Hải đã công bố tổng số 8 sách chuyên khảo, 1 giáo trình và 3 sách tham khảo trong cả quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học.
Trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng gần đây nhất, Giáo sư Trần Thanh Hải đã công bố 5 sách chuyên khảo và 1 giáo trình. Danh mục cụ thể như sau:
Chi tiết bản kê khai lý lịch khoa học của Giáo sư Trần Thanh Hải xem TẠI ĐÂY.
Tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (Điều 17, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg) quy định:
1. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng.
2. Trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên Hội đồng.
3. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh; có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư; trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư.
5. Đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.
6. Có sức khỏe, thời gian để thực hiện nhiệm vụ được giao.