Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai báo cáo đánh giá kết quả phát triển giáo dục mầm non và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (giai đoạn 2011-2023). Báo cáo đã tổng kết những kết quả đã đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cũng như đưa ra những phương hướng khắc phục trong thời gian sắp tới.
Tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục mầm non tăng từ 11,5% đến 14%
Theo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phát triển giáo dục mầm non và 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi (giai đoạn 2011 - 2023), toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Đến tháng 12/2019, toàn bộ 63 tỉnh thành và 713 đơn vị cấp huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Trong thời gian thực hiện chương trình, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi được nâng lên hằng năm, kết quả duy trì năm 2019 đạt 99,96% (tăng 3,56% so với năm 2011). Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 99,9% (tăng 21,3%). Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo được học 2 buổi/ngày đạt 99% (tăng 21,3%).
Trẻ được chuẩn bị sẵn sàng về thể chất, tâm lý, ngôn ngữ, nhận thức, tình cảm kỹ năng xã hội để vào lớp 1, mạnh dạn, tự tin, ham hiểu biết, thích đi học. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm dần qua các năm. Tỷ lệ thừa cân béo phì được khống chế.
Trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn (sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo) được nhà nước hỗ trợ tiền ăn trưa. Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật được quan tâm phát hiện sớm, can thiệp sớm, học hòa nhập góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao nhờ đề án phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi.
Từ khi triển khai chương trình, chất lượng phòng học thay đổi theo hướng tích cực, đảm bảo 01 phòng/01 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Từ phòng học tạm, tranh tre, nứa, lá đến nay hầu hết phòng học cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố. Diện tích trung bình từ 1-1,2m2/trẻ đến nay hầu hết đã đạt mức từ 1,5m2/trẻ trở lên;
Cũng trong thời gian trên, các địa phương đã quan tâm quy hoạch mạng lưới trường lớp, thu gom và giảm được 7.707 các điểm lẻ; rà soát quy hoạch đất đai, dành quỹ đất để xây dựng trường lớp mầm non, đặc biệt là trường mầm non công lập ở các xã, qua đó tăng 2.634 trường.
Ngoài ra, có thêm 3.849 trường được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các địa phương đã giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, có chính sách ưu đãi cho thuê đất để mở thêm các trường mầm non dân lập, tư thục (tăng 1.118 trường) nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ và phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi. Qua đó, bình quân mỗi năm có thêm khoảng 170.000 trẻ em được đến cơ sở giáo dục mầm non.
Toàn ngành hiện có khoảng 509.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó có hơn 360.000 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,82 giáo viên/lớp. Lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 1,81 giáo viên/lớp.
Tỷ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 đạt 73,7%. Trong đó, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo đại học sư phạm trở lên đạt 50,7%; tỷ lệ giáo viên đạt trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm là 23,5%; còn 26,3% giáo viên có trình độ trung cấp. So với năm học 2010-2011, tỷ lệ giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên tăng 34%.
Theo thống kê, tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2009 - 2019 chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó chi cho giáo dục mầm non tăng từ 11,5% đến 14%.
Bên cạnh tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ 3, 4, 5 tuổi ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ là con hộ nghèo và cận nghèo, trẻ khuyết tật...
Phổ cập giáo dục mầm non có sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền
Về những khó khăn, hạn chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện toàn quốc vẫn còn 8 xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi.
Mặc dù tỷ lệ huy động trẻ đến trường của cả nước tăng theo từng năm học, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi cao, nhưng vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi ở một số địa bàn thấp ảnh hưởng tới sự bền vững của phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi.
Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường mầm non nhỏ lẻ, khó khăn trong việc đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; tỷ lệ phòng học kiên cố thấp; vẫn còn nhiều phòng học tạm, học nhờ ở các vùng khó khăn, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, đồ dùng, đồ chơi và thiết bị dạy học ở nhiều nơi còn rất thiếu thốn.
Một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp mầm non, chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là chưa quan tâm quy hoạch trường, lớp, quỹ đất tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tỷ lệ giáo viên/lớp rất thấp. Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW của Trung ương về việc tinh giản biên chế trong các cơ sở công lập, các địa phương hiện nay rất lúng túng đối với việc sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ giáo viên đảm bảo nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ; việc thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động triển khai rất chậm.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019 - 2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập (đây là số lượng còn thiếu của năm học 2019 - 2020 sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ…
Một số nơi ở các xã vùng cao do địa hình phức tạp, đồi núi, độ dốc lớn nên quy hoạch trường, điểm trường gặp khó khăn như diện tích trường, lớp học, sân chơi; thời tiết khắc nghiệt, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất diễn ra trong nhiều ngày ở một số địa phương nên ảnh hưởng đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi ngoài trời.
Mặt khác, tỷ lệ hộ nghèo của một số tỉnh còn cao; chất lượng đời sống nhân dân vùng cao, vùng biên giới, hải đảo còn thấp nên chưa huy động xã hội hóa được nhiều, ngân sách tỉnh đầu tư chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục.
3 phương hướng để vượt qua những khó khăn
Phân tích nguyên nhân những hạn chế sau 10 năm thực hiện chương trình, báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng xuất phát điểm của giáo dục mầm non thấp, một thời gian dài cấp học này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Nhiều địa phương có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại chưa thuận tiện, tập tục sinh hoạt không ổn định đã ảnh hưởng đến việc huy động trẻ đến trường, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần các huyện, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ, do đó hết sức khó khăn trong việc bố trí nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo.
Việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương còn chậm, toàn ngành còn thiếu nhiều giáo viên mầm non tại các trường công lập, từ đó ảnh hưởng tới việc bố trí giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Phòng học cho lớp mẫu giáo 5 tuổi ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi còn chật, hẹp, các điều kiện chưa đảm bảo; đồ dùng, đồ chơi đã được bổ sung hằng năm nhưng còn thiếu nhiều, ảnh hưởng tới công tác chăm sóc, giáo dục trẻ.
Giai đoạn 2010-2019, dù đã được quan tâm của Chính phủ nhưng mức kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo còn thấp. Điều kiện gia đình thuộc các đối tượng được hưởng chính sách rất khó khăn, không có khả năng đóng góp thêm, việc xã hội hóa ở những vùng này hầu như không thực hiện được. Trẻ em mầm non là con công nhân làm việc ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất phần lớn là di cư cơ học, chưa được hưởng những chính sách hỗ trợ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non.
Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế đủ mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế xã hội hiện nay để huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non; các tổ chức, cá nhân muốn đầu tư phát triển trường, lớp mầm non vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc được nhận các ưu tiên về đất đai, tín dụng; việc quy hoạch đất ở các địa phương chưa được quan tâm, đặc biệt là tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư…
Ngoài ra, một số tỉnh chưa thật sự dành ưu tiên ngân sách cho đầu tư xây dựng trường, lớp mầm non, đa số các tỉnh không có khả năng huy động vì ngân sách địa phương quá hạn hẹp.
Việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất có thời điểm không đạt kế hoạch do thiếu kinh phí. Nguồn lực từ chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục mầm non từ 5 tuổi không có tính cam kết cao, mà tuỳ thuộc khả năng cân đối của ngân sách địa phương và khả năng huy động nguồn xã hội hoá. Thực tế này dẫn đến mức độ hoàn thành các tiêu chí trước hết phụ thuộc vào khả năng huy động và khai thác nguồn lực của từng địa phương…
Trên cơ sở đó, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra 3 phương hướng hoạt động từ nay đến 2030. Cụ thể:
Thứ nhất, củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi;
Thứ hai, phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi, hướng tới đến năm 2030 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo; rút ngắn khoảng cách vùng miền, thực hiện công bằng trong giáo dục;
Thứ ba, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp 1, hướng tới đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, thực hiện tốt các giải pháp Đề án Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, phấn đấu đạt các mục tiêu của Đề án theo lộ trình.