Kiến nghị xây dựng khung giá cho hoạt động KĐCLGD thay vì hình thức đấu thầu

10/10/2024 09:28
Doãn Nhàn

GDVN -Theo chuyên gia, cơ chế đấu thầu phản tác dụng trên nhiều phương diện, vi phạm tới nguyên tắc được quyền tự do lựa chọn tổ chức KĐCLGD của cơ sở giáo dục đại học.

Tại tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, nhiều vấn đề xoay quanh kiểm định chất lượng giáo dục đã được các chuyên gia, giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và cán bộ phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục đại học thảo luận sôi nổi.

Linh 2.jpg
Tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Ảnh: Doãn Nhàn

“Kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước vẫn là cơ bản”

Bàn về sự khác nhau giữa kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước với nước ngoài, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, so với kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài có một số thuận lợi nhất định.

2612_hoi thao lien ket vung_-10.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Tiến Khai - Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Theo đó, kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài là cơ hội mở ra cánh cửa cho các hoạt động hợp tác quốc tế; thúc đẩy trao đổi sinh viên, giảng viên; tăng cường cơ hội cho người học tiếp tục học các bậc cao hơn ở các đại học trên thế giới hoặc theo học các lớp chứng chỉ quốc tế của các tổ chức nghề nghiệp; xây dựng các chương trình đào tạo liên kết và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

Mặc dù vậy, Phó giáo sư Trần Tiến Khai cho rằng, kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước vẫn là cơ bản. Dẫn lại ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Phó giáo sư Trần Tiến Khai chia sẻ:

“Đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam khi chưa xây dựng được hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong tốt, và chưa vận hành tốt thì nên thực hiện kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước hoặc theo bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (hai bộ tiêu chuẩn có nhiều điểm tương đồng - PV). Sau khi có nền vững mới nên thực hiện kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế khác”.

Điều này được đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta. Bởi nhiều năm trước đây, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng ở các trường đại học vẫn rất mới mẻ, và hệ thống quản trị đại học nhìn chung còn nhiều vấn đề. Bởi vậy, khi tiến hành kiểm định chất lượng bắt buộc phải chuẩn hóa lại theo hướng quản trị chất lượng một cách bài bản.

Trong khi đó, các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước và của tổ chức AUN-QA lại rất chú trọng tới xây dựng hệ thống, đặc biệt hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Đây là cơ sở quan trọng giúp các cơ sở giáo dục đại học cải tiến, hướng đến việc tạo lập được một nền tảng đảm bảo chất lượng tốt.

“Nếu chưa xây dựng được nền tảng tốt (hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong - PV) mà thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài thì rất khó, bởi các bộ tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài thường thiên về đánh giá chiến lược phát triển, cách thức tổ chức vận hành của hệ thống quản trị đại học nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đó ở cả hai cấp cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo.

Các tiêu chuẩn này cũng đặt nặng vấn đề quốc tế hóa đội ngũ sinh viên và giảng viên, quốc tế hóa chương trình đào tạo, quốc tế hóa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, và phương thức bảo đảm chất lượng hiệu quả, trong khi các vấn đề khác như cơ sở vật chất, môi trường đào tạo, dịch vụ hỗ trợ sinh viên, nguồn nhân lực và tài lực được coi như là điều kiện nền đã phải đạt”, Trưởng phòng Phòng Đảm bảo chất lượng - Phát triển chương trình, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân tích.

Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Trần Tiến Khai cho rằng, quốc tế hóa là một định hướng mà các cơ sở giáo dục đại học trong nước sẽ có thiên hướng khác nhau trong việc lựa chọn con đường đi. Đối với các cơ sở giáo dục đã xây dựng được hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục bên trong tương đối vững chắc, có thiên hướng quốc tế hóa thì kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài là một cơ hội tốt để một phần nào đó tạo lập thêm danh tiếng cho nhà trường. Quan trọng hơn, đây là cơ hội để cơ sở giáo dục đại học trong nước có điều kiện học hỏi, từng bước cải thiện chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Có sự không công bằng giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với nước ngoài?

AH9I2372.jpg
Ảnh minh hoạ: VNU

Tại tọa đàm, các ý kiến cũng đặt ra vấn đề về sự công bằng trong quản lý nhà nước đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài.

Cụ thể, hiện nay hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đang chịu sự quản lý chặt chẽ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ bộ tiêu chuẩn kiểm định, cách thức thực hiện kiểm định, hoạt động của các trung tâm,...

Trong khi đó, đối với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể giám sát cách thức hoạt động, chứ không thể can thiệp hay thay đổi các yếu tố từ bộ tiêu chuẩn kiểm định, cách đánh giá,...

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, từ thực tiễn cho thấy ít nhiều đúng là có sự chưa công bằng.

Một trong số đó là việc các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam hiện đang bị quản lý rất chặt với nhiều thủ tục từ các cơ quan quản lý nhà nước. Dù vậy, chuyên gia cho rằng đây là điều cần thiết, bởi nhìn chung hoạt động kiểm định ở nước ta mới chỉ có khoảng hơn 10 năm phát triển, trong khi đó kiểm định ở các nước phát triển đã có lịch sử lâu đời.

chị Phụng.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: TL

Trong giai đoạn đầu phát triển, việc nhà nước quản lý chặt chẽ hơn là điều cần thiết. Cùng với sự lớn mạnh của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, cũng như văn hoá chất lượng hình thành không chỉ ở các trung tâm kiểm định mà còn trong cả hệ thống giáo dục, sự quản lý nhà nước cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp theo hướng ngày càng gia tăng quyền tự chủ cao hơn cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cũng nhận định, nếu nhìn vào cơ sở thực chất, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước cũng có những lợi thế hơn so với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài (đó là số lượng các trung tâm, sự tiện lợi trong giao tiếp, ăn ở, đi lại, sự thích ứng giữa hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với hệ thống giáo dục đại học,...).

Bởi vậy, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, sự khác nhau trong quản lý nhà nước đối với các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài là hợp lý. Bởi hệ thống kiểm định ở nước ta với nước ngoài vốn có sự khác nhau về lịch sử phát triển, phạm vi hoạt động, trình độ quản lý, cũng như sự khác nhau về văn hoá chất lượng,...

“Vấn đề đặt ra là sự khác nhau ở mức độ nào là phù hợp để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với nước ngoài. Về điều này, chúng ta sẽ phải có những đánh giá lại, cải tiến về cách quản lý trên cơ sở rà soát những điều kiện đã có và hướng tới mục tiêu chung ở giai đoạn sau, cũng như cần có đánh giá tốt hơn trên nhiều dữ liệu ở những thông tin chính thức và đầy đủ hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng bày tỏ.

Linh 3.jpg
Các chuyên gia trao đổi trực tuyến tại toạ đàm. Ảnh: Doãn Nhàn

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, mấu chốt là các cơ sở giáo dục đại học phải được lựa chọn trung tâm kiểm định chất lượng theo đúng quy định pháp luật.

“Mong rằng không vấn đề ưu tiên hệ thống kiểm định nào mà hãy để cho các trường được tự lựa chọn. Và các trường, hãy là người tiêu dùng thông thái để lựa chọn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước/nước ngoài phù hợp với sự phát triển của nhà trường”, cô Phụng bày tỏ.

Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, từ đó tạo sự yên tâm hơn cho các cơ sở giáo dục khi lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đánh giá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phụng cho rằng cần nghiên cứu có hình thức quản lý tốt hơn thay vì quy định đấu thầu như hiện nay.

Bởi theo chuyên gia này, đấu thầu đang là rào cản đối với cả các cơ sở giáo dục đại học và trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước. Theo quy định, các trường sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước phải thực hiện đấu thầu. Nếu đứng về góc độ luật pháp, quy định này đang có sự mâu thuẫn đối với chính các quy định ở trong Luật Giáo dục đại học khi cho phép các cơ sở giáo dục đại học được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Khoản 3, Điều 51). Do đó, khi thực hiện đấu thầu thì quyền được lựa chọn của các cơ sở giáo dục đại học được Luật Giáo dục đại học đưa ra lại không còn được thực hiện nữa.

Bên cạnh đó, với cơ chế đấu thầu, cơ sở giáo dục đại học cũng không thể chủ động chọn được trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục mà mình tin tưởng, hay cho rằng có thể cộng tác tốt.

“Cơ chế đấu thầu phản tác dụng trên nhiều phương diện, vi phạm nguyên tắc được quyền tự do lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và cũng ảnh hưởng tới những hoạt động khác toàn bộ hệ thống kiểm định. Bởi vậy, cần nghiên cứu có hình thức quản lý khác tốt hơn hình thức đấu thầu hiện nay.

Hiện các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, quy trình kiểm định đều do nhà nước quy định, kiểm định viên cũng do nhà nước cấp thẻ. Khi không đấu thầu thì nhà nước có thể khống chế giá bằng cách quy định 1 khung giá cho hoạt động kiểm định, giống như khung học phí chẳng hạn, như vậy sẽ tránh sự cạnh tranh bằng giá chứ không phải các hoạt động khác”, Tiến sĩ Nguyễn Kim Phụng đề xuất.

Liệu có phải chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức nước ngoài thì người học sẽ có cơ hội việc làm cao hơn?

Một vấn đề khác cũng được nêu ra ở tọa đàm chính là tính đảm bảo của thông tin người học chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức nước ngoài có cơ hội việc làm cao hơn so với các chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định trong nước.

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ, các trường đã tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài cũng quảng bá nhiều về các lợi thế như trao đổi sinh viên, giảng viên, cơ hội việc làm,... Tuy nhiên, hầu như chưa có sự so sánh, đánh giá chính thức nào giữa các chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, vấn đề việc làm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có yêu cầu các trường báo cáo trong hệ thống dữ liệu của Bộ, cũng như cần minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh. Tuy nhiên, những báo cáo này mới chỉ được ghi nhận đơn lẻ ở trong phạm vi đề án tuyển sinh của các trường, dữ liệu của Bộ về vấn đề việc làm cũng chủ yếu theo phạm vi trường, chứ chưa theo phạm vi chương trình đào tạo, càng chưa có sự phân biệt giữa chương trình đào tạo được kiểm định bởi hệ thống kiểm định nào nên hiện nay chưa có con số cụ thể được xác thực về vấn đề này.

Doãn Nhàn