Trường ĐH chỉ ra điểm khác biệt giữa KĐCLGD bởi tổ chức nước ngoài và trong nước

09/10/2024 16:13
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tọa đàm nhận được nhiều chia sẻ về điểm giống và khác biệt giữa kiểm định chất lượng GD bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài.

Ngày 9/10, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tham dự tọa đàm, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Về phía chuyên gia, có Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Dương Mộng Hà - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn; Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long và đại diện Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tọa đàm còn có sự tham dự của cán bộ Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng của nhiều cơ sở giáo dục đại học như: Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lạc Hồng....

Screenshot (62).png
Tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp.

Phát biểu mở đầu tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ:

“Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức nước ngoài và trong nước” với mong muốn ghi nhận các ý kiến từ cơ sở giáo dục đại học, trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục và chuyên gia để có căn cứ, nội dung cụ thể kiến nghị về mặt chính sách tới Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm minh bạch các thông tin về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Đồng thời, Tạp chí cũng mong muốn những chia sẻ, góp ý đến từ cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia trong tọa đàm sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục đại học lựa chọn đơn vị thực hiện kiểm định đồng thời tạo ra sân chơi công bằng giữa tổ chức kiểm định chất lượng trong nước với nước ngoài”.

Linh 2.jpg
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình phát biểu trong tọa đàm.

Tọa đàm nhận được nhiều chia sẻ về điểm giống và khác nhau giữa kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Phúc - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, nhà trường bắt đầu thực hiện công tác đảm bảo chất lượng từ năm 2016. Khi đó, nhà trường tiếp cận bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài để hướng tới cải thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Đến năm 2020, nhà trường quan tâm và tiếp cận với bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

“Khi tiếp cận với bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài, nhà trường nhận thấy có những điểm khác nhau. Ví dụ, trong quá trình kiểm định, đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, họ dựa trên nguyên lý là chính, còn trong nước lại dựa trên nguyên tắc (quy định).

Đối với hoạt động kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, các minh chứng của nhà trường phải được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đây sẽ là một khó khăn nếu như bản dịch thuật không truyền tải được hết ý nghĩa. Do đó, vấn đề phiên dịch, dịch thuật phải thật sự cẩn thận.

Về chi phí và thời gian kiểm định, nhà trường cho rằng không có nhiều điểm khác biệt giữa tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và trong nước.

Nếu nhà trường biết kết hợp giữa kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài sẽ đảm bảo được chất lượng, đặc biệt là hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong”, thầy Phúc chia sẻ.

Cùng chỉ ra điểm khác biệt, Thạc sĩ Lê Hữu Sơn - Phó Trưởng phòng Phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Hoa Sen cho biết, cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam tuân thủ các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục là rất đúng. Tuy nhiên, khi kiểm định bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài thì cần phải theo quy trình của nước ngoài.

Điểm khác biệt rõ nhất trong hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài và trong nước là ngôn ngữ. Cụ thể, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài phải sử dụng tiếng Anh, còn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước thì sử dụng tiếng Việt.

"Việc sử dụng tiếng Việt có nhiều lợi thế hơn đối với các cơ sở giáo dục đại học. Còn khi kiểm định bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, các trường phải dịch thuật minh chứng từ tiếng Việt sang tiếng Anh nên có thể sẽ khó dịch được hết ý nghĩa về mặt học thuật của văn bản. Các trường thường phải tự dịch, hoặc thuê dịch thuật. Đối với Trường Đại học Hoa Sen, đội ngũ giảng viên của nhà trường có trình độ tiếng Anh tốt, có khả năng tham gia dịch thuật các văn bản của từng đơn vị phụ trách", thầy Sơn thông tin.

Cùng chia sẻ trong tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, nhà trường có thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và nước ngoài (cụ thể là AUN-QA). Lý do nhà trường lựa chọn kiểm định chương trình đào tạo bởi AUN-QA là vì bộ tiêu chuẩn kiểm định này tương thích với bộ tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Nhà trường có 31 chương trình đào tạo được kiểm định, trong đó có 19 chương trình đào tạo được kiểm định bởi AUN-QA", thầy Hiền chia sẻ.

Hiền.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phúc Hiền chia sẻ trong tọa đàm.

Theo thầy Hiền, theo quy định của AUN-QA, nhà trường phải đóng phí thành viên hàng năm; mức chi phí kiểm định chất lượng giáo dục của AUN-QA vừa phải, thậm chí thấp hơn so với kiểm định chất lượng giáo dục trong nước. Do đó, thầy Hiền cho rằng, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước có thể cân nhắc đến mức chi phí sao cho phù hợp.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Tuân - Phó Trưởng phòng, Phụ trách Phòng Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, ban đầu, nhà trường kiểm định chương trình đào tạo bởi AUN-QA, sau đó nhà trường kiểm định chương trình đào tạo bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước (với 17 chương trình đào tạo).

Với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài, nhà trường cũng có thời gian dài đắn đo lựa chọn vì liên quan đến vấn đề chi phí. Tùy vào từng tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài sẽ có mức chi phí đánh giá khác nhau.

Tọa đàm cũng đã nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi đến từ chuyên gia, giám đốc trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và các cán bộ phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Ngọc Mai