Những con số biết nói về kiểm định chất lượng giáo dục đại học sau 20 năm

19/02/2024 14:30
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Quá trình 20 năm triển khai kiểm định trong GDĐH ở nước ta đã thực sự có những tác động tích cực, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng. 

Trải qua 20 năm triển khai và thực hành vấn đề bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, đến nay hoạt động này đã trở thành yếu tố mang tính sống còn đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín, vị thế và là phương tiện để hội nhập với nền giáo dục toàn cầu.

Hoạt động kiểm định chất lượng được khởi nguồn đầu tiên tại Hoa Kỳ vào khoảng cuối thế kỉ 19, sau đó lan tỏa mạnh mẽ tới các nước châu Âu, châu Úc và châu Á.

AH9I1861.jpg
Ảnh minh họa: Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU)

Tại Việt Nam, sự phát triển của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học của có thể xem bắt đầu từ lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học vào năm 2004 (theo Quyết định số 38/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 02/12/2004).

Theo quy định này, tất cả các trường đại học cần lập kế hoạch phấn đấu để đạt các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn, và mỗi trường đại học cần thành lập các đơn vị hoặc bộ phận chuyên trách về đảm bảo chất lượng để triển khai thực hiện kế hoạch trên.

Đến năm 2005, kiểm định chất lượng chính thức được luật hóa tại Luật Giáo dục 2005 với khái niệm: “Kiểm định chất lượng giáo dục là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục đối với nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát” (Điều 17, Luật Giáo dục 2005).

Tại Luật giáo dục năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2005, vấn đề kiểm định chất lượng tiếp tục được khẳng định thông qua việc quy định chi tiết "nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục" (Điều 110a), "nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục (Điều 110b), tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Điều 110c), tạo thành một mục riêng về kiểm định chất lượng giáo dục.

Năm 2012, Luật Giáo dục đại học được ban hành, trong đó có hẳn một chương riêng về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học (chương VII, Luật Giáo dục đại học 2012). Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ; là căn cứ để Nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

Hành lang pháp lý về vấn đề đảm bảo và kiểm định chất lượng tiếp tục được hoàn thiện tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018). Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) đã làm rõ hơn yêu cầu về bảo đảm chất lượng, đặc biệt đối với bảo đảm chất lượng bên trong và tổ chức kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, xác định kiểm định chất lượng là một điều kiện bắt buộc để cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo…

Như vậy, tính đến năm 2024, giáo dục đại học của Việt Nam đã có tròn 20 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Gần 80% cơ sở đào tạo và 25% chương trình đào tạo trên cả nước đã được kiểm định chất lượng

sa-750x500-7-7244.jpg
Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH)

Năm 2013, nước ta có 2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đầu tiên ra đời, lần lượt là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay cả nước ta có tổng cộng 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Trong đó, có 5 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục công lập gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

2 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tư nhân là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (Công ty Cổ phần đầu tư giáo dục Hà Nội).

Bên cạnh đó, hiện ở nước ta còn có 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoạt động tại Việt Nam, bao gồm: HCERES, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, ABET, ACBSP, THE-ICE, ACQUIN.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (1).png

Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm kiểm định cơ sở giáo dục (kiểm định trường) và kiểm định chương trình đào tạo.

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào, tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 187 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Như vậy, trong tổng số 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối quân đội, công an), hiện cả nước đã có 187/244 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục (theo tiêu chuẩn trong nước), đạt khoảng 76,64%; Còn lại khoảng 57 cơ sở giáo dục đại học chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước), tương ứng 23,36%.

Với tiêu chuẩn kiểm định nước ngoài, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn phần lớn là đại diện đến từ các trường thuộc khối kỹ thuật.

Còn về chương trình đào tạo, thống kê đến ngày 31/12/2023, toàn quốc có 1.611 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận. Tính trong tổng số khoảng 6.500 chương trình đào tạo toàn quốc, như vậy số lượng các chương trình đã được kiểm định và cấp chứng nhận chiếm khoảng 24,78%.

Trong số này, có 1.125 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước (chiếm 69,83%); 486 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài (chiếm 30,17%). Như vậy số lượng chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài có tỉ lệ gần bằng một nửa số lượng chương trình kiểm định theo chuẩn trong nước.

Với hệ cao đẳng (ở đây bài viết chỉ thống kê các trường cao đẳng sư phạm), cả nước có 11 trường cao đẳng sư phạm và 5 chương trình giáo dục mầm non trình độ cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn (tất cả đều theo tiêu chuẩn trong nước).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam  Thiết kế Doãn Nhàn (1).png

Thống kê từ thông tin công bố trên trang website của 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, hiện đơn vị có số lượng kiểm định cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo nhiều nhất là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đứng thứ 2 là Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Trung tâm này tuy được thành lập sau 2 năm (năm 2015), tuy nhiên lại có số lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo kiểm định nhiều hơn so với Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (thành lập năm 2013).

Hai trung tâm kiểm định tư nhân mới được thành lập sau này (năm 2021) chủ yếu thực hiện kiểm định chương trình đào tạo, hiện số lượng cơ sở giáo dục được công nhận bởi hai trung tâm này vẫn chưa nhiều (dưới 10 cơ sở giáo dục).

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (2).gif

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất

Quá trình 20 năm triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong giáo dục đại học ở nước ta đã ghi nhận nhiều bước phát triển, cải tiến và đã thực sự có những tác động tích cực, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học.

Xác định tầm quan trọng của việc thực hiện kiểm định chất lượng, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”.

Chương trình xác định mục tiêu phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

Để thực hiện mục tiêu này, chương trình chia nhỏ thành 2 giai đoạn thực hiện, gồm giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 với những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể.

Theo đó, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030. Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường bảo đảm kiểm định chất lượng các chương trình theo Quyết định số 78/QĐ-TTg cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định trong năm học 2023-2024.

Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030" đặt ra mục tiêu đến năm 2025:

35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài.

100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất và 70% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai.

100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế

Triển khai Quyết định 78/QĐ-TTg, ngày 26/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi tắt Thông tư 13).

Bộ tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm 5 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí, kết quả đánh giá qua 3 mức: chưa đạt, đạt mức 1, đạt mức 2.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự ra đời của Thông tư 13 đã khắc phục một trong những điểm bất cập trong phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam là thiếu sự giám sát, kiểm định các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục.

Cụ thể, trước khi Thông tư 13 ra đời, các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ phải tuân theo các quy định về điều kiện để được thành lập và hoạt động. Vấn đề giám sát và đánh giá chất lượng của các trung tâm kiểm định chất lượng chỉ được thực hiện thông qua cơ chế kiểm tra, thanh tra.

Trong khi đó, cơ sở giáo dục đại học lại phải tuân theo các quy định về bảo đảm chất lượng bên trong và kiểm định chất lượng bên ngoài.

Mà theo thông lệ quốc tế, việc quản lý chất lượng đối với các trung tâm kiểm định chất lượng cũng phải được thực hiện như đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Do đó, với sự ra đời của Thông tư 13 với các tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được các chuyên gia kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tác động tích cực, mà trước hết là giúp hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tiếp cận với trình độ tiến tiến của khu vực và thế giới.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-danh-gia-to-chuc-kiem-dinh-chat-luong-gd-tuong-hop-voi-tieu-chuan-quoc-te-post236557.gd

Doãn Nhàn