Nhiều ĐH “trắng” ký túc xá, trường có thì xa địa điểm học tập, SV chật vật

12/11/2024 06:42
Thúy Hiền

GDVN - Thiếu ký túc xá ở nhiều trường đại học, cao đẳng gây áp lực lớn cho sinh viên khi nhu cầu về chỗ ở tăng cao nhưng không được đáp ứng.

Nhiều trường đại học, cao đẳng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với tình trạng thiếu quỹ đất để xây dựng ký túc xá sinh viên. Một số trường có nhiều cơ sở ở các tỉnh, thành khác nhau nhưng chỉ có ký túc xá tại một cơ sở duy nhất. Thậm chí có những trường "trắng" ký túc xá khiến sinh viên dù mong muốn được ở nhưng bắt buộc phải thuê trọ bên ngoài.

Theo báo cáo 3 công khai mới nhất (báo cáo năm 2022) được đăng tải trên website của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), nhà trường có tổng diện tích đất là 213.465.000m² do cơ sở đào tạo quản lý sử dụng và có 63.763.000m² là diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong tổng số diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhà trường dành phần lớn diện tích sàn để xây dựng hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng, phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên cơ hữu (chiếm 47.736,36m²). Số diện tích sàn xây dựng thư viện, trung tâm học liệu chiếm 1.285,60m² và 14.741,04m² dành cho trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập.

Đáng chú ý, nhà trường đặt ký túc xá sinh viên tại Khu liên hợp đại học, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (cơ sở 2) đáp ứng 2.000 chỗ ở cho sinh viên. Tuy nhiên, cơ sở chính của trường tại Hà Nội lại không có ký túc xá.

hubt1.png
Bảng công khai thông tin về diện tích đất và tổng diện tích sàn xây dựng. (Ảnh chụp màn hình)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn N.A.P, sinh viên ngành Dược học, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: “Em thấy khá bất tiện khi trường chỉ có ký túc xá ở cơ sở Bắc Ninh mà không có ký túc xá tại Hà Nội. Cơ sở Bắc Ninh chủ yếu dùng để học các học phần quân sự và dành cho sinh viên người Lào ở ký túc xá. Trong khi đó, sinh viên theo học tại trụ sở chính ở Hà Nội bắt buộc phải thuê trọ bên ngoài, vừa tốn kém chi phí vừa có nhiều nguy hiểm hơn so với việc ở ký túc xá của trường.

Hiện nay, em đang thuê trọ cùng 2 người bạn ở 1 khu nhà dân trên địa bàn phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hàng tháng, em phải chi trả từ 1.800.000 đến 2.000.000 đồng tiền thuê nhà trọ (đã bao gồm phí dịch vụ đi kèm). Trong đó, tiền điện được tính là 4.000 đồng/số điện và 33.000 đồng/số nước.

Mặc dù nơi em thuê phòng trọ nằm ở vị trí khá gần trường nhưng nếu trường có ký túc xá ngay tại Hà Nội, việc sinh hoạt và học tập sẽ thuận tiện, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều”.

Theo Đề án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024 của Học viện Dân tộc, tổng diện tích đất của nhà trường là 13,5 ha tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội). Trong thời gian trụ sở đang xây dựng, Học viện Dân tộc được thuê diện tích 3.500m².

hv dan toc.png
Bảng kê khai cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của Học viện Dân tộc. (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên mỗi sinh viên chính quy là 2.028m². Trong đó, phần lớn diện tích được nhà trường dành cho khu làm việc của viên chức, giảng viên với 981m²; phòng học lý thuyết và thực hành chiếm 397m²; giảng đường chiếm 117m², và phần còn lại sử dụng cho thư viện, hội trường, khu phụ trợ, phòng y tế,...

Theo thống kê của nhà trường, diện tích đất/sinh viên là 3m²/sinh viên; diện tích sàn/sinh viên là 2,8m²/sinh viên. Tuy nhiên, hiện tại Học viện Dân tộc vẫn chưa có ký túc xá dành cho sinh viên.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2024, tại trụ sở chính của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có 3.517,5m² diện tích đất xây dựng và 5.071,12m² diện tích sàn xây dựng. Tại cơ sở 2, nhà trường có 8.1,6m² diện tích đất và 2.759m² diện tích sàn xây dựng.

Theo thống kê, diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường có trên một sinh viên chính quy là 3,6m²/sinh viên. Trong đó, phần lớn diện tích nhà trường dùng để xây dựng hội trường; giảng đường; phòng học các loại; phòng đa năng; phòng làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên của cơ sở đào tạo chiếm 42141.48m². Kế đến, thư viện và trung tâm học liệu chiếm 105.3m²; trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập chiếm 4350.55m².

Tuy nhiên, cả 2 cơ sở đào tạo của nhà trường đều không có ký túc xá dành cho sinh viên.

nhac vien hcm.png
Thống kê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu được nêu trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, một số trường đã chọn giải pháp liên kết với các ký túc xá “xã hội hóa” để đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên như ký túc xá Mỹ Đình, ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Làng Sinh viên Hacinco (phường Nhân Chính, quận Thanh xuân, Hà Nội). Các ký túc xá này thường do các đơn vị bên ngoài đầu tư và quản lý, giúp giảm tải cho nhà trường về mặt cơ sở vật chất.

Theo thông báo về việc đăng ký ký túc xá năm 2024 của Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội, nhà trường không có ký túc xá trong khuôn viên mà liên kết với Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên.

Theo phần giới thiệu của nhà trường, khu ký túc xá Pháp Vân được thiết kế với nhiều phòng khép kín, mỗi phòng có diện tích 57m² và bố trí tối đa 8 người/phòng, bao gồm không gian sinh hoạt và học tập tiện nghi.

y duoc hn.png
Thông báo đăng ký ký túc xá tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân được đăng tải trên website của Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Về chi phí, giá tiền thuê nhà đối với phòng 8 người là 205.000 đồng/sinh viên/tháng; đối với phòng 4 người là 410.000 đồng/sinh viên/tháng. Ngoài ra, tùy vào nhu cầu sử dụng, mỗi sinh viên sẽ phải đóng thêm các phí dịch vụ khác như tiền điện, tiền nước, dịch vụ vệ sinh,...Tuy nhiên, các ký túc xá này cũng không khiến sinh viên và gia đình yên tâm để lựa chọn do nhiều nguyên nhân.

Bạn V.T.H, sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Hà Nội cho biết: “Hiện tại em đang thuê phòng trọ cùng 2 người bạn tại một chung cư mini nằm trên địa bàn phường Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Hàng tháng, tiền thuê nhà trọ của em dao động từ 1.600.000 đến 1.800.000 đồng, đã bao gồm các khoản phí dịch vụ đi kèm. Trong đó, tiền nước được tính trung bình 100.000 đồng/người/tháng và tiền điện được tính 4.000 đồng/số.

Mặc dù nhà trường có liên kết ký túc xá sinh viên tại Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân nhưng em không lựa chọn. Bởi, từ căn chung cư mini em đang thuê chỉ mất từ 5-8 phút để di chuyển tới trường và thuận tiện cho việc đi làm thêm, dù chi phí có phần cao hơn so với Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân”.

Hiện nay, tình trạng thiếu chỗ ở ký túc xá cho sinh viên đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại các thành phố lớn. Nhiều sinh viên mong muốn được ở ký túc xá của nhà trường vì đây là lựa chọn vừa an toàn, vừa tiết kiệm chi phí hơn so với việc thuê trọ bên ngoài. Ký túc xá không chỉ đảm bảo mức giá hợp lý mà còn có sự quản lý của nhà trường, giúp sinh viên yên tâm học tập trong một môi trường thuận lợi và có sự gắn kết cộng đồng.

Tuy nhiên, do số lượng phòng hạn chế và nguồn lực đầu tư hạn hẹp, nhiều trường đại học không thể đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên, dẫn đến tình trạng sinh viên phải chờ đợi hoặc buộc phải chọn phương án thuê nhà trọ bên ngoài với giá cao và an ninh không đảm bảo.

Thúy Hiền