Từ 29 giáo sư đầu tiên năm 1976, đến nay Việt Nam có hơn 16.000 giáo sư, phó giáo sư
Nhà nước ta chủ trương phong chức danh giáo sư, phó giáo sư từ năm 1976, căn cứ theo Quyết định số 162-CP ngày 11/9/1976 của Hội đồng Chính phủ về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, có 29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu đã được nhà nước phong chức danh giáo sư đầu tiên ở Việt Nam.
Sau đợt phong hàm giáo sư đầu tiên, đến năm 1980, Chính phủ chính thức tổ chức xét và công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư . Từ năm 1980 đến năm 1997, Chính phủ đã có 9 lần tổ chức xét và công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Đến tháng 5/2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2001/NĐ-CP Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư. Căn cứ theo nghị định này, việc xét công nhận các chức danh giáo sư và phó giáo sư, được căn cứ vào tiêu chuẩn và thực hiện hàng năm.
Từ đó đến nay, công tác xét công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư ở nước ta đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, với nhiều điều chỉnh, thay đổi trong quy định xét duyệt.
Hiện, các quy định về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được áp dụng theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều ở Quyết định 37.
Trước đó, việc xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
So với Quyết định 174, Quyết định 37 có nhiều điểm mới, được đánh giá là khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đây. Cũng kể từ thời điểm này, số giáo sư, phó giáo sư xét duyệt qua các năm giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, số lượng các nhà giáo được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư lại có xu hướng tăng đều trở lại.
Tính đến hết năm 2024, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công nhận khoảng hơn 16.200 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. [1]
Tính riêng trong vòng 5 năm qua (2020-2024), cả nước có khoảng 2.329 nhà giáo được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Trong đó, có 216 giáo sư, 2.113 phó giáo sư, tính ra số phó giáo sư gấp khoảng 9,8 lần số giáo sư.
Như vậy trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 465 nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Đáng nói, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2020, cả nước ta có khoảng 5.213 giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đến năm 2024, con số này là 6.372, tăng thêm 1.159 nhà giáo. Như vậy, tính ra trung bình mỗi năm hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được bổ sung thêm khoảng 231 nhà giáo có học hàm giáo sư, phó giáo sư làm việc toàn thời gian - con số này chỉ bằng khoảng một nửa số nhà giáo được công nhận hàng năm.
Chưa đến 1% giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư
Về chi tiết đội ngũ, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, cả nước có khoảng 2.068.522 sinh viên (tính đến tháng 8/2024), 91.297 giảng viên toàn thời gian công tác tại các cơ sở giáo dục đại học - tăng thêm khoảng 2.900 giảng viên so với năm 2023. Trong đó, có 743 giáo sư, 5.629 phó giáo sư và 23.776 tiến sĩ. (Số liệu công Hội nghị giáo dục đại học năm 2024).
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2024, dân số Việt Nam ước tính đạt khoảng 100 triệu người. Vậy tính ra, trên 1 vạn dân, Việt Nam chỉ có 0,74 giáo sư và 5,63 phó giáo sư, tổng cộng 6,372 người. Con số này cho thấy đội ngũ giảng viên có học hàm giáo sư và phó giáo sư còn rất mỏng so với dân số cả nước.
Xét trên quy mô sinh viên, tỷ lệ giáo sư trên 100 sinh viên chỉ đạt 0,04 người, và phó giáo sư đạt 0,27 người, tổng cộng là 0,31 người; tức cứ 100 sinh viên thì chưa đến 1 người được giảng dạy bởi một giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Xét trên đội ngũ giảng viên đại học toàn thời gian (91.297 người), tỷ lệ giáo sư và phó giáo sư trên 100 giảng viên là 0,81 và 6,17, tổng cộng 6,98 người. Tức là chưa đến 1% giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư, và tỷ lệ đội ngũ giáo sư và phó giáo sư tại Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 7% tổng giảng viên.
Bảng số liệu cho thấy, số lượng giảng viên toàn thời gian có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng tăng; tuy nhiên tỉ lệ các giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học nhìn chung còn khá khiêm tốn, đặc biệt nếu xét trên quy mô dân số khoảng 100 triệu dân hiện nay. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, đủ sức đáp ứng các yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu trong bối cảnh hội nhập.
Thực tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục đại học là một trong những vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều đề án đào tạo tiến sĩ: Đề án 322, Đề án 911 và mới đây nhất là Đề án 89.
Những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học cũng ngày càng chú trọng và tích cực đẩy mạnh việc phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao. Đặc biệt, nhiều trường đại học sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thu hút các giảng viên tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư về làm việc, hay đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới.
Ngày 5/2/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, để đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học, các trường cần đảm bảo tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ.
Phát triển đội ngũ giảng viên cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tại Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, học viện, trường đại học; các trường cao đẳng sư phạm về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm. Cụ thể đó là đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao.
29 nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu được Nhà nước phong hàm giáo sư đầu tiên ở nước ta gồm:
1. Đào Duy Anh (Sử học) | 11. Đặng Vũ Hỷ (Y học) | 21. Lê Văn Thiêm (Toán học) |
2. Tạ Quang Bửu (Toán học) | 12. Đặng Thai Mai (Văn học) | 22. Phạm Huy Thông (Sử học) |
3. Đặng Văn Chung (Y học) | 13. Trần Đại Nghĩa (Cơ khí) | 23. Nguyễn Khánh Toàn (Sử học) |
4. Lương Định Của (Nông học) | 14. Nguyễn Xuân Nguyên (Y học) | 24. Hoàng Tích Trí (Y học) |
5. Hồ Đắc Di (Y học) | 15. Đặng Văn Ngữ (Y học) | 25. Ngụy Như Kom Tum (Vật lý) |
6. Trần Văn Giầu (Sử học) | 16. Đặng Văn Nội (Y học) | 26. Tôn Thất Tùng (Y học) |
7. Nguyễn Hoán (Hoá học) | 17. Trương Công Quyền (Y học) | 27. Trần Hữu Tước (Y học) |
8. Vũ Công Hòe (Y học) | 18. Phạm Ngọc Thạch (Y học) | 28. Nguyễn Mạnh Tường (Văn học) |
9. Đỗ Xuân Hợp (Y học) | 19. Trần Đức Thảo (Triết học) | 29. Trương Tửu (Văn học) |
10. Nguyễn Văn Huyên (Sử học) | 20. Đinh Văn Thắng (Y học) |
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4337