Từ khi áp dụng Quyết định 37, số lượng GS, PGS có biến động ra sao so với trước?

22/10/2023 06:27
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhà nước ta chủ trương phong học hàm GS, PGS từ năm 1976. Từ đó đến nay, đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi về quy định xét duyệt, công nhận đạt chức danh GS, PGS.

Theo quy định hiện hành, quy trình xét công nhận giáo sư, phó giáo sư được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Cấp cơ sở (trường – cụm trường, viện nghiên cứu), cấp ngành – liên ngành và cấp Nhà nước. Ứng viên nộp hồ sơ cho Hội đồng cơ sở để xét từ dưới lên.

Năm 2023 là năm thứ 5 chính thức áp dụng Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư (Quyết định 37); và là năm thứ tư thực hiện Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg (Quyết định 25) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37.

Trước đó, việc xét duyệt, công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Quyết định 37 thay thế Thông tư 174 với nhiều điểm mới, được đánh giá là khắt khe và yêu cầu cao hơn so với trước đây. Cũng kể từ thời điểm này, số giáo sư, phó giáo sư xét duyệt qua các năm có sự sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước.

Cụ thể, từ năm 2019, ứng viên tham gia xét công nhận giáo sư, phó giáo sư phải hội tụ đủ các điều kiện về hoạt động giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học - quy định mới này nhằm nhấn mạnh hơn nhiệm vụ cần thực hiện đối với một nhà giáo. Bên cạnh đó, Quyết định 37 cũng cho phép vận dụng linh hoạt các điều kiện khác (các công trình khoa học) để bù cho các điều kiện (về tiêu chuẩn đào tạo) còn thiếu.

Một số quy định cơ bản đối với xét công nhận giáo sư, phó giáo sư kể từ năm 2019 như sau:

Thứ nhất, yêu cầu ứng viên phải có các bài báo khoa học quốc tế đã được đăng tải trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI, Scopus (hai hệ thống Có 5 quy định khung cơ bản.dữ liệu uy tín trên thế giới đăng tải tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) hoặc các tạp chí uy tín của ngành do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định. Đây cũng là một trong những quy định mới đáng chú ý tại Quyết định 37.

Cụ thể, yêu cầu đối với phó giáo sư là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học đã công bố; ứng viên giáo sư là 5 bài.

Thứ hai, về thâm niên đào tạo, ứng viên giáo sư cần có thời gian được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư từ đủ 03 năm trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ. Đối với phó giáo sư, yêu cầu ứng viên phải có ít nhất 06 năm, trong đó phải có 03 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.

Thứ ba, để đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, ứng viên cần có đủ điều kiện tham gia nghiên cứu và hướng dẫn các nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Trong đó, ứng viên giáo sư cần hướng dẫn chính ít nhất 02 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ theo quy định của pháp luật. Ứng viên phó giáo sư phải hướng dẫn ít nhất 02 học viên được cấp bằng thạc sĩ hoặc hướng dẫn chính hoặc phụ ít nhất 01 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ.

Thứ tư, về vấn đề sách và giáo trình, ứng viên giáo sư phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư.

Thứ năm, yêu cầu về nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó, ứng viên giáo sư phải chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Ứng viên phó giáo sư phải chủ trì ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Ngoài ra, một trong những tiêu chuẩn “cứng” được quy định đối với ứng viên giáo sư, phó giáo sư là bắt buộc sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Ảnh minh họa: MC

Ảnh minh họa: MC

Sau 1 năm chính thức áp dụng Quyết định 37 vào quy trình xét duyệt công nhận đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư, đến ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37.

Theo đó, nội dung của Quyết định số 25 là sửa đổi, bổ sung khoản 8 điều 5 và khoản 7 điều 6 của Quyết định 37, liên quan tới yêu cầu về bài báo khoa học với ứng viên giáo sư, phó giáo sư các chuyên ngành thuộc ngành Khoa học an ninh và ngành Khoa học quân sự.

Cụ thể, Quyết định 25 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 5, Quyết định 37 về tiêu chí bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín.

Theo đó, đối đối với các chuyên ngành thuộc ngành Khoa học quân sự và ngành Khoa học an ninh liên quan đến bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín được thay thế bằng các bài báo thay thế.

Tổng số điểm của các bài báo thay thế cho mỗi bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín phải đạt 1,5 điểm trở lên và toàn bộ số điểm của các bài báo thay thế cho các bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín không được tính vào tổng số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu.

Đối với ứng viên giáo sư, bài báo khoa học và bài báo thay thế được tính từ thời điểm sau khi ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Đối với ứng viên phó giáo sư, bài báo khoa học và bài báo thay thế được tính từ thời điểm sau khi ứng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Ngoài ra, Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg cũng thay thế Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg; trong đó quy định cách tính điểm quy đổi đối với bài báo khoa học, kết quả ứng dụng khoa học công nghệ, sách phục vụ đào tạo và báo cáo khoa học.

Tại Phụ lục I cũng quy định cụ thể danh mục chuyên ngành và tạp chí khoa học uy tín của ngành Khoa học quân sự và ngành Khoa học an ninh.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Dương Nghĩa Bang - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước khẳng định: “Các tiêu chuẩn xét giáo sư, phó giáo sư theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có yêu cầu về các bài báo uy tín quốc tế, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo sư, phó giáo sư đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và hội nhập quốc tế”.

Minh Chi