Để Lai Châu xoá hoàn toàn nạn mù chữ, lãnh đạo một số Phòng GDĐT nêu kiến nghị

12/12/2024 06:23
Thu Thuỷ

GDVN - Việc duy trì các lớp học là một trong những giải pháp căn cơ giúp tỉnh Lại Châu nâng cao trình độ dân trí, tiến dần đến việc xoá hoàn toàn nạn mù chữ.

Cn có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những công việc cần làm ngay được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2024.

Được biết, tỉnh Lai Châu xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, địa phương luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Nhiều lớp học xoá mù chữ triển khai tại địa phương và đã đạt những kết quả tích cực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Quách Tất Hưởng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, Nậm Nhùn là huyện vùng khó với 7/11 xã, thị trấn thuộc xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống.

Trong thời gian qua, đặc biệt từ năm 2022, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn đã thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Trong đó, địa phương xác định xóa mù chữ cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn là mục tiêu rất quan trọng để nâng cao dân trí, từ đó góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giáo dục và xây dựng nông thôn mới.

td-5-7283.jpg
Ông Quách Tất Hưởng - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Nậm Nhùn)

Theo ông Hưởng, để thực hiện mục tiêu về nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho người dân, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chủ động tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022-2025. Hàng năm, Phòng đã phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện kế hoạch mở lớp. Đến nay, tổng số lớp mở được là 41 lớp với 746 học viên, trong đó: lớp xoá mù chữ giai đoạn 1 là 10 lớp, với 176 học viên; lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 là 31 lớp với 570 học viên.

Hiện tại, huyện giữ vững và nâng cao phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 2, trong đó có 01 xã đạt phổ cập trung học cơ sở mức độ 3, xoá mù chữ mức độ 1 (trong đó có 4/11 xã đạt xóa mù chữ mức độ 2).

“Trong quá trình thực hiện công tác xóa mù chữ, huyện Nậm Nhùn gặp có một số khó khăn nhất định như: Địa bàn huyện rộng, một số địa phương dân ở không tập trung, lại trong độ tuổi lao động nên thường xuyên đi làm vắng nhà. Do đó việc điều tra, rà soát để xây dựng kế hoạch mở lớp, duy trì số lượng học viên các lớp xoá mù chữ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên thiếu, lại thực hiện cả nhiệm vụ xóa mù chữ nên cũng gây áp lực lớn lên các thầy cô và nhà trường”, ông Hưởng nêu quan điểm.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nhận định, công tác xóa mù chữ từ lâu đã là một trong những mục tiêu quan trọng trong ngành giáo dục, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn hạn chế. Tại địa phương, mặc dù công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi sự nỗ lực và đồng lòng của các cấp ban ngành và người học.

Ông Đạt cho biết, theo thống kê, tỷ lệ mù chữ tại địa phương đã giảm đáng kể trong những năm qua, hiện chỉ còn khoảng hơn 9% dân số từ 15 đến 60 tuổi. Điều này là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban nhân dân huyện Than Uyên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên và các tổ chức xã hội. Hằng năm, kế hoạch xóa mù chữ được xây dựng cụ thể, đi đôi với việc mở các lớp học dành cho người dân, đặc biệt là những người lớn tuổi, những người không có điều kiện học tập trước đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác xóa mù chữ tại địa phương vẫn còn tồn tại không ít khó khăn. Một trong những vấn đề lớn nhất là ý thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ chưa cao. Nhiều người dân, đặc biệt là người lớn tuổi vẫn quan niệm rằng biết chữ không còn cần thiết khi đã qua tuổi đi học, hoặc coi trọng lao động sản xuất hơn việc học tập. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều lớp học không đạt được số lượng học viên như kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực.

Thêm vào đó, điều kiện cơ sở vật chất tại một số điểm học còn hạn chế. Nhiều lớp học tạm bợ, thiếu bàn ghế, ánh sáng, thậm chí không có đủ tài liệu giảng dạy. Đội ngũ giáo viên cũng gặp không ít khó khăn khi vừa phải đảm bảo công việc tại trường chính, vừa tham gia dạy xóa mù chữ. Việc đi lại vất vả giữa các điểm trường, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cũng là một rào cản đáng kể.

Đồng quan điểm trên, ông Cù Hải Hùng, cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, phụ trách quản lý các lớp xoá mù chữ trên địa bàn huyện thông tin, trong năm 2024, địa phương đã triển khai 29 lớp học, thu hút 516 học viên. Các lớp này được tổ chức linh hoạt về thời gian, thường vào buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ 30 phút hoặc ngày cuối tuần, nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên. Bởi họ chủ yếu là những người trong độ tuổi lao động nên phải dành ban ngày để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Còn đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy đều là các thầy cô tận tụy, nhiều người không quản ngại khó khăn, đi lại giữa các bản làng xa xôi để đem con chữ đến với bà con.

z6096865446693_8bbe230d8a7c79fe640606638ba6fce9.jpg
Các lớp học xoá mù chữ được tổ chức vào khung thời gian linh hoạt để phù hợp với người học. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cung cấp)

Theo ông Hùng, trong thời gian tới, để công tác xóa mù chữ tại địa phương thực sự hiệu quả và bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ. Các hình thức tuyên truyền có thể bao gồm phát thanh, truyền hình, tổ chức hội thảo tại các thôn bản, hoặc kết hợp với các tổ chức tín ngưỡng, đoàn thể để vận động người dân tham gia học tập.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức xã hội để cải thiện điều kiện học tập cho các lớp xóa mù chữ. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ giáo viên về mặt tài chính và tinh thần để khuyến khích họ tham gia giảng dạy trong thời gian dài.

“Xóa mù chữ không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Biết chữ không chỉ giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự nỗ lực đồng bộ từ chính quyền, giáo viên và cộng đồng, chúng tôi tin rằng, tỷ lệ mù chữ tại địa phương sẽ tiếp tục giảm mạnh trong những năm tới, tiến tới mục tiêu xóa mù chữ hoàn toàn”, ông Hùng bày tỏ.

Phấn đấu đạt mục tiêu xoá hoàn toàn nạn mù chữ, ai cũng biết viết, biết đọc

Để góp phần xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đề xuất 4 giải pháp cụ thể.

Thứ nhất, chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc biết chữ. Đơn cử có thể lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc thông qua các hình thức truyền thông sáng tạo, gần gũi với đời sống của người dân.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ về kinh phí để giúp học viên yên tâm đến lớp mà không lo ngại về chi phí học tập. Đồng thời, chính quyền cần có các chương trình khuyến khích giáo viên tham gia giảng dạy như tăng phụ cấp, cải thiện điều kiện làm việc hoặc tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng sư phạm cho giáo viên.

z6096868719943_c356250f1caf7f619d31feb5e5f6781b.jpg
Người học các lớp xoá mù chữ chủ yếu là người lớn tuổi nhưng chưa có cơ hội được đi học trước đây. (Ảnh: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cung cấp)

Thứ ba, cần xây dựng và duy trì các chương trình hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, hoặc các nhà hảo tâm để huy động nguồn lực hỗ trợ cho công tác xóa mù chữ. Các nguồn lực này có thể được sử dụng để cải thiện cơ sở vật chất, cung cấp tài liệu học tập hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khuyến khích người dân tham gia học tập. Ngoài ra, cần chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy như sử dụng các phần mềm hoặc thiết bị điện tử để tạo hứng thú cho học viên.

Thứ tư, việc đánh giá hiệu quả của các lớp học đã triển khai là rất quan trọng. Hàng năm, cần tổ chức kiểm tra, khảo sát để đo lường mức độ tiến bộ của học viên, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy và nội dung chương trình phù hợp hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên kết nối với các thầy cô phụ trách các lớp học để nắm bắt những khó khăn cụ thể mà họ đang đối mặt, từ đó đưa ra giải pháp hỗ trợ kịp thời.

“Trong tương lai, công tác xóa mù chữ tại địa phương không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân biết đọc, biết viết, mà còn cần hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội học tập, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận tri thức và nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều này đòi hỏi sự cam kết lâu dài từ các cấp ban ngành, sự đồng lòng của cộng đồng và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ giáo viên. Chúng tôi tin rằng, với sự phối hợp và quyết tâm của toàn xã hội, mục tiêu xóa hoàn toàn nạn mù chữ ở địa phương sẽ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương nói riêng và đất nước nói chung”, ông Đạt bày tỏ.

Trong khi đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn đã tập trung một số giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân về công tác phổ cập, xoá mù chữ, kế hoạch thực hiện mở lớp của Uỷ ban nhân dân huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các chế độ chính sách cho người dạy, người học,… để người dân hiểu, hưởng ứng trong quá trình triển khai thực hiện.

"Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn đã chỉ đạo các trường tham mưu với Ban chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ các xã thị trấn tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu học tập của người dân; các xã, thị trấn thành lập các tổ vận động học viên ra lớp, theo dõi việc giảng dạy các lớp xóa mù chữ.

Ngoài ra, chúng tôi đã thực hiện tốt công tác số hóa trong quá trình điều tra đảm bảo đúng người, đúng đối tượng; chỉ đạo các trường xây dựng chương trình dạy học phù hợp với đối tượng và kiến thức học viên cần đạt; thường xuyên kiểm tra, tư vấn để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; theo dõi quá trình học tập, cập nhật thông tin học viên sau khi hoàn thành chương trình lớp học trên phần mềm phổ cập giáo dục hằng năm”, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho hay.

Thu Thuỷ