Sự việc một phụ huynh tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh vác dao vào Trường Tiểu học Sơn Lâm bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi vì đã nêu tên 2 em học sinh chưa nộp bảo hiểm trước buổi lễ chào cờ đã làm chấn động dư luận xã hội trong suốt thời gian qua.
Sau khi xảy ra sự việc đáng buồn trên, dư luận không ngừng đặt câu hỏi “Vì sao nhà trường phải ép học sinh mua bảo hiểm? Hay là tại vì hoa hồng?”.
Tủ thuốc của nhà trường dùng sơ chế ban đầu cho học sinh. Ảnh: Phan Tuyết |
Một số giáo viên tỏ ra bức xúc chia sẻ trên các diễn đàn giáo dục những nội dung như “Đề nghị nhà trường không bắt giáo viên bán bảo hiểm”…
Trước những thực trạng trên, không ít người thắc mắc: “Vì sao, bảo hiểm y tế có lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo mà không ít thầy cô giáo lại phản ứng không muốn triển khai tại trường?”.
Cần làm rõ, học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia mua bảo hiểm y tế.. Giáo viên cần giúp học sinh, phụ huynh hiểu bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác khám chữa bệnh cho học sinh, đặc biệt là cứu cánh cho những gia đình học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn không may bị đau ốm.
Thực tế, một số thầy cô giáo cho biết, một số hiệu trưởng hiện nay đang triển khai sai cách vận động học sinh, phụ huynh tham gia bảo bảo hiểm y tế trong trường học.
Cái sai của những hiệu trưởng này là, áp chỉ tiêu thu đủ 100% bảo hiểm lên đầu giáo viên chủ nhiệm. Có trường nêu tên giáo viên trong hội đồng và hạ thi đua khi chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Vì sợ bị ảnh hưởng đến việc xếp loại cuối năm, một số thầy cô giáo đã phải vất vả, nhọc công đến tận nhà phụ huynh để vận động, thuyết phục mua bảo hiểm.
Có người không chỉ đi một lần mà đến nhà học sinh đến vài lần. Có phụ huynh đồng ý mua với vẻ ban ơn "vì cô mà tôi mới mua đó", có người lại buông lời nặng nề khiến nhiều giáo viên chạnh lòng.
Khi không được phụ huynh đồng ý đã phải móc tiền túi đóng dùm cho các em vì không muốn mình bị nhà trường nhắc nhở nhiều.
Ngược lại, với những trường học thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia bảo hiểm cho con dù không gây áp lực về chỉ tiêu, không buộc giáo viên thu đủ 100% thì việc thu hộ bảo hiểm học sinh trong trường học diễn ra khá nhẹ nhàng.
Từ nhiều năm qua, trường học nơi người viết giảng dạy đã không áp lực chỉ tiêu thu bảo hiểm y tế lên giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, giáo viên luôn hiểu, bảo hiểm y tế học sinh là quy định bắt buộc đã được đưa vào Luật định, không vì mục đích lợi nhuận mà nhằm đảm bảo cho các em được chăm lo sức khỏe.
Vì thế, giáo viên chúng tôi luôn nâng cao trách nhiệm vận động, tuyên truyền sâu rộng đến từng phụ huynh, cũng là cách để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh khi cần. Thường thì phụ huynh đều tham gia bảo hiểm y tế một cách nhiệt tình.
Năm nào cũng vậy, nhà trường luôn lập danh sách những học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo (không nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo đã được nhà nước hỗ trợ) để giúp đỡ mua bảo hiểm y tế. Đơn cử trong năm học 2022-2023, cả trường đã có hơn 30 học sinh khó khăn được tặng bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn.
Dù không tạo áp lực lên mỗi giáo viên nhưng có lẽ nhờ công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả nên phần đông phụ huynh mua bảo hiểm y tế một cách tự nguyện.
Nhờ đó, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhà trường luôn nằm trong tốp những trường học trên địa bàn có tỉ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế cao.
Học sinh được cán bộ y tế khám sức khoẻ. Ảnh: Phan Tuyết |
Học sinh được chăm sóc y tế từ tiền % trích lại
Trả lời câu hỏi thắc mắc của nhiều người “Vì sao nhà trường phải bán bảo hiểm y tế? Có phải vì hoa hồng?”.
Khi bảo hiểm y tế học sinh là bắt buộc, đã được đưa vào Luật định thì việc nhà trường phối kết hợp với phía bảo hiểm xã hội để đến gần phụ huynh hơn nhằm nâng cao hiệu quả công việc là điều cần thiết. Hơn nữa, thông qua việc thu hộ bảo hiểm học sinh, nhà trường cũng sẽ nhận được lại 5 % để phục vụ lại quyền lợi cho chính học sinh.
Số tiền 5% trích lại sẽ được dùng vào việc tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe... cho học sinh.
Một phần kinh phí từ số tiền bảo hiểm trích lại sẽ được dùng trả lương cho nhân viên y tế hợp đồng. Ảnh: Phan Tuyết |
Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên cũng được hưởng thụ nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách này.
Thực tế, quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính với chi phí lớn lên tới hàng tỷ đồng, giúp các em và gia đình giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, có thêm động lực để yên tâm điều trị bệnh.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, diện bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.