29 năm bám bản, thầy giáo kiên trì vận động và giảng dạy góp phần xóa bỏ hủ tục

08/12/2024 06:52
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Không chỉ cố gắng trong công tác dạy học, thầy Hoàng Xuân Dục còn nỗ lực thay đổi nhận thức của người dân địa phương, góp phần xóa bỏ một số hủ tục. 

Thầy giáo Hoàng Xuân Dục - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Tính đến nay, thầy Dục đã có gần 30 năm công tác tại bản Kè - thời điểm ấy là một nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Thầy Hoàng Xuân Dục là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Ảnh: NVCC.

Thầy Hoàng Xuân Dục là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Ảnh: NVCC.

Ký ức những ngày băng rừng, lội suối để “gieo chữ”

Sinh ra và lớn lên tại thôn Tiền Phong, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, thầy giáo Hoàng Xuân Dục (sinh năm 1978) đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành người “gieo chữ” cho các em nhỏ từ những năm tháng còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ấp ủ ước mơ đó, người học trò năm ấy đã không ngừng cố gắng học tập và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình (nay là Trường Đại học Quảng Bình).

Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục tiểu học vào năm 1995, thầy Hoàng Xuân Dục được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông cơ sở Lâm Hóa (nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa tại bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Thời điểm thầy Hoàng Xuân Dục về nhận công tác tại bản Kè - một bản đặc biệt khó khăn với “4 không”: không điện, không đường, không trường, không nước sạch.

Trong ký ức của thầy Dục, bản Kè là nơi có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, còn nhiều người chưa biết chữ, đặc biệt, vẫn tồn tại một số hủ tục lạc hậu. “Thời điểm đó, trẻ em nơi đây thường trong cảnh cơm không đủ no, áo không đủ ấm, có khi phải ăn thêm khoai sắn và khoác trên mình những tấm áo quần mỏng manh, chắp vá. Mùa đông đến, nhiều đêm các em không ngủ được vì đói, vì rét” - thầy kể.

Hình ảnh những đứa trẻ chân đất, khoác trên mình tấm áo mỏng, manh quần cộc dưới cái lạnh “cắt da cắt thịt” và “cái đói” đeo đẳng khiến thầy Dục cứ đau đáu suy nghĩ mình cần làm gì cho các em và cho bản làng.

Mỗi lần đi từ nhà đến trường, thầy Dục phải băng qua rừng, lội sông, lội suối hàng tiếng đồng hồ. Đường sá xa xôi, hiểm trở không làm chùn bước người thầy với ước mơ “gieo chữ” cho các em nhỏ nơi đây.

Nhớ lại những ngày đầu đầy gian nan, vất vả, thầy Hoàng Xuân Dục chia sẻ, khi mới về nhận công tác, trường còn chưa có lớp để dạy học, thầy phải đi vận động người dân trong bản cùng xây dựng lớp học và nhà ở giáo viên bằng tranh, tre, nứa, lá.

Thầy Dục cho biết: “Tôi cùng một số học sinh và bà con vào rừng chặt cây, lấy lá cọ, sợi giang về dựng lớp, dựng nhà. Nhà được dựng đơn sơ bằng cách chôn cọc gỗ xuống đất và quây bằng phên nứa, nên mùa đông đến, gió lùa vào rất lạnh. Những ngày đông, gió thổi hun hút, có khi lớp học chỉ vỏn vẹn 7-8 em, còn lại, vì thời tiết quá lạnh nên các em lựa chọn ở nhà để ngồi sưởi ấm bên bếp lửa”.

Không có nước sạch, thầy Dục và các em học sinh phải đi vào các khe nước cách đó khoảng 1,5km để xách về dùng cho sinh hoạt. Việc dạy và học của thầy trò cũng gặp nhiều khó khăn khi không có điện, phải thắp nến và đèn dầu để dạy học. Tối đến, thầy Dục thường đốt đuốc để tạo một sân chơi ngoài trời cho học sinh với các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt dê, chơi u, hát múa, kể chuyện... và tạo sự gắn kết giữa thầy trò.

IMG_4578.jpeg
Những ngày đầu, việc vận động học sinh đi học còn nhiều khó khăn, thầy Hoàng Xuân Dục phải đến từng nhà để dạy học sinh. Ảnh tư liệu: NVCC.

“Hằng ngày, tôi đến từng nhà để vận động học sinh đi học. Khó khăn lớn nhất là một số phụ huynh khi vào rừng để tìm cách kiếm thêm thu nhập, lại đưa các con đi cùng và ngủ lại trong rừng. Nhiều em vì thế chưa quan tâm việc học.

Ban đầu, học sinh đi học còn ít, nhưng dần dần, đến cả người lớn cũng xin được đi học chữ. Vậy là tôi có một lớp học xóa mù chữ với những học trò ở nhiều độ tuổi khác nhau, tạo nên không khí lớp học rất đặc biệt. Tiếng đọc bài của các học viên vang lên mỗi tối khiến tôi phần nào vơi đi nỗi nhớ gia đình, bạn bè ở độ tuổi đôi mươi.

Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi cố gắng làm tốt công tác giảng dạy, đồng thời, xóa bỏ đi những hủ tục lạc hậu, thay đổi cuộc sống của người dân địa phương", thầy Hoàng Xuân Dục bộc bạch.

Không có phương tiện liên lạc, mỗi lần báo tin về nhà, thầy Dục phải truyền tin qua những người đi rừng. Cũng bởi khoảng cách và khó khăn trong thông tin liên lạc, nam giáo viên đã không kịp nhìn mặt bà nội lần cuối trước khi bà ra đi mãi mãi.

Thầy Dục tâm sự, tuy gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng thầy may mắn có được sự ủng hộ của gia đình, sự động viên, giúp đỡ của đồng nghiệp, sự tin yêu và đùm bọc của người dân địa phương. Cũng nhờ những tình cảm ấy, thầy chưa bao giờ cảm thấy nản lòng, chùn bước trước khó khăn.

IMG_4644.jpeg
Thầy Hoàng Xuân Dục cùng các em học sinh. Ảnh: NVCC.

12 năm bền bỉ thay đổi nhận thức của người dân địa phương

Bên cạnh những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, cũng như trong việc vận động học sinh ra lớp, thầy Dục còn gặp nhiều trở ngại trong công tác giáo dục, thay đổi nhận thức của người dân địa phương, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

Qua quá trình 12 năm kiên trì, bền bỉ, bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” với tất cả tình thương yêu học sinh, khao khát giúp người dân thay đổi cuộc sống, thầy giáo Hoàng Xuân Dục đã từng bước tác động, phổ biến, tuyên truyền cho người dân để giảm đi những hủ tục ở địa phương.

“Có những hủ tục đã ăn sâu vào tâm trí, trở thành thói quen của người dân suốt nhiều thế hệ. Để thay đổi được nhận thức của người dân, tôi đã gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, trước đây, khi bị ốm, đồng bào thường vào trong bản tìm thầy cúng thay vì đến gặp thầy thuốc. Trên thực tế, bệnh không những không khỏi, mà ngày một nặng hơn...

Sau thời gian dài gần gũi, trò chuyện, tác động, đặc biệt là quan tâm, hỏi han, tôi cũng đã phần nào thay đổi được suy nghĩ đó. Tôi còn nhớ một trường hợp cụ thể của em học sinh tên Lâm, em bị ốm nhưng gia đình chỉ mời thầy cúng “làm phép” hằng ngày, khiến sức khỏe của em ngày càng yếu đi.

Tôi đã đến nhà và cho em uống thuốc hạ sốt, rồi đưa đi viện. Lúc ấy, tôi không có xe, phải đưa em đi viện bằng xe ôm, hỗ trợ em ăn uống hằng ngày. Sau 3 ngày ở viện, em đã khỏe lại, có thể ăn uống được. Khi đưa em trở về, gia đình cũng đã nhận ra lời tôi nói là đúng: Đau ốm thì phải đi bệnh viện, không thể nào trông chờ vào thầy cúng để khỏi bệnh”, thầy Dục kể lại.

Sau 29 năm công tác gắn liền với giáo dục vùng khó, đến nay, khi cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế của người dân tại bản Kè đã được cải thiện nhiều, ngành giáo dục địa phương cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, các em học sinh được trang bị điều kiện học tập đầy đủ, được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, đem đến nhiều cơ hội phát triển.

img-4579-5759.jpeg
Thầy Dục trong một buổi liên hoan cùng học sinh. Ảnh: NVCC.

Tuy nhiên, theo thầy Dục, vẫn cần có giải pháp để học sinh đi học đầy đủ và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Điều khiến thầy trăn trở nhất hiện nay là việc duy trì sĩ số lớp còn khó khăn, do một số phụ huynh chưa thực sự coi trọng việc học của con em, một vài nơi xuất hiện nạn tảo hôn, dẫn đến vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học...

“Gần 30 năm công tác, sự tin yêu, quý trọng của người dân địa phương luôn là món quà quý giá nhất đối với tôi, tiếp cho tôi thêm nhiều động lực để gắn bó với bản làng.

Điều tôi mong mỏi nhiều nhất chính là từ gia đình đến nhà trường và chính quyền các cấp sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến việc học của mỗi học sinh. Từ đó, sẽ có những biện pháp hữu hiệu để duy trì sĩ số. Đồng thời, tôi mong, sẽ có những phương pháp giáo dục, tuyên truyền, tạo động lực để các em học sinh tự giác học tập, phấn đấu, xây dựng bản làng ngày một giàu đẹp”, thầy Hoàng Xuân Dục bày tỏ.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chào đón bài tham gia Cuộc thi viết "Sống Đẹp" từ học sinh, giáo viên và quý độc giả trên cả nước.

Nội dung bài viết tôn vinh những câu chuyện tử tế, người tốt - việc tốt trong nhà trường, xã hội nhằm nhân lên lối sống đẹp, văn minh, trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là ở thế hệ trẻ;

Lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Chỉ rõ, phê phán những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn chưa đẹp trong nhà trường, xã hội;

Phát hiện, đề xuất các giải pháp, cách làm hay để giáo dục học sinh, lan tỏa góp phần xây dựng con người Việt Nam đủ năng lực, phẩm chất sẵn sàng đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Về hình thức trình bày, tác phẩm dự thi là bài phản ánh (độ dài từ 600 từ - 1500 từ, được đánh máy cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman kèm ảnh minh họa), phóng sự ảnh, video...

Bài viết gửi kèm các thông tin bắt buộc bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại của tác giả; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Thời gian nhận tác phẩm đến hết ngày 31/05/2025. Mỗi tác giả tham gia cuộc thi được gửi tham gia tối đa 5 tác phẩm.

Tác phẩm dự thi gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Thúy Quỳnh