Tham gia vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO, các thành phố được lợi gì?

18/01/2025 06:29
Phương Thảo

GDVN - Các thành phố muốn gia nhập mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO cần xây dựng xã hội học tập suốt đời và đảm bảo tính bình đẳng trong giáo dục.

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030, mục tiêu chung của đề án là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.

Một trong những mục tiêu cụ thể là phấn đấu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 5 thành phố nằm trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu được UNESCO công nhận, bao gồm: thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La).

Nắm bắt cơ hội phát triển giáo dục khi tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ về những lợi ích giáo dục mà thành phố đã nhận được từ sự hỗ trợ của UNESCO.

“Là thành viên thuộc mạng lưới thành phố học tập toàn cầu, thành phố Sa Đéc đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ UNESCO và có những tác động tích cực rõ rệt đối với người học tại địa phương.

Thành phố Sa Đéc đã tận dụng tối đa các cơ hội kết nối quốc tế và thông qua các cuộc họp trực tuyến, thành phố đã tiếp cận được các mô hình học tập sáng tạo từ các thành phố khác trên toàn cầu, học hỏi những giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy học tập suốt đời.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của thành phố còn có cơ hội tham dự các hội nghị quốc tế mang lại cơ hội giao lưu, học hỏi và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ giáo dục của thành phố Sa Đéc. Điều này giúp chúng tôi tiếp cận các xu hướng giáo dục tiên tiến và các kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng.

Với mục tiêu hướng tới một xã hội học tập bền vững, thành phố Sa Đéc dưới sự hướng dẫn của UNESCO đã bắt đầu xây dựng các chiến lược khuyến khích người dân ở mọi lứa tuổi tham gia học tập, tạo nền tảng cho tinh thần học tập suốt đời trong cộng đồng.

Dù các hoạt động trực tiếp còn hạn chế, nhưng sự tham gia của thành phố trong mạng lưới thành phố học tập toàn cầu đã tạo động lực thúc đẩy đổi mới trong giáo dục, từ việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy đến triển khai các chương trình học tập cộng đồng phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Với sự hỗ trợ của UNESCO, thành phố Sa Đéc sẽ tiếp tục phát huy các giá trị học tập, góp phần nâng cao đời sống và tri thức của người dân trong tương lai”, bà Võ Thị Bình chia sẻ.

6f394f57d3b56feb36a4.jpg
Bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: NVCC)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc thông tin thêm, người học tại địa phương có thể dễ dàng truy cập các tài liệu và chương trình giáo dục quốc tế thông qua website chính thức của UNESCO. Tham gia các hội thảo trực tuyến cũng mở ra cơ hội để người học lắng nghe, học hỏi từ các chuyên gia quốc tế về xu hướng giáo dục mới và áp dụng những phương pháp giảng dạy tiên tiến vào thực tế. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên miễn phí do UNESCO cung cấp giúp người học tự trau dồi kiến thức và kỹ năng một cách linh hoạt, nâng cao khả năng tự học hiệu quả.

Cùng trao đổi về vấn đề này, bà La Thị Giang, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với người học tại thành phố Sơn La.

Trước hết, thành phố Sơn La được kết nối, trao đổi và hợp tác với những thành phố có cùng mối quan tâm và đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực giáo dục. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các chương trình học tập suốt đời mà còn tạo ra một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ từ các chuyên gia, giúp thành phố tiếp cận các giải pháp hiệu quả và có những kinh nghiệm quý báu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, qua các kênh truyền thông của mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, các thành phố có thể tham gia nghiên cứu và chia sẻ về những thành tựu, sự tiến bộ, kinh nghiệm và sáng kiến giáo dục của địa phương với quốc tế. Từ đó, có thể nhận được giải thưởng thành phố học tập của UNESCO, ghi nhận những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực giáo dục.

Một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của mạng lưới thành phố học tập toàn cầu là nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ UNESCO. Việc tiếp cận các công cụ, chiến lược phát triển thành phố học tập, ví dụ như các mô-đun đào tạo và video hướng dẫn, giúp các thành phố xây dựng và triển khai các chương trình học tập hiệu quả.

Bên cạnh đó, các bản tin và nghiên cứu về những chương trình đào tạo hiệu quả được cập nhật nhanh chóng, cung cấp thông tin hữu ích, giúp thành phố nắm bắt xu hướng và những đổi mới trong giáo dục và học tập trên toàn cầu”.

Bài đăng Instagram ảnh ghép gia đình sổ lưu niệm tinh tế màu vàng ngà.png
Trường mầm non Chiềng Xôm (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) trong khuôn khổ “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”. (Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La; Thiết kế: Phương Thảo)

Tổ chức các sự kiện, hoạt động phục vụ cho việc xây dựng thành phố học tập

Theo bà Võ Thị Bình, thành phố Sa Đéc đã triển khai nhiều chương trình và hoạt động trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân học tập suốt đời. Cụ thể:

Tham gia và học hỏi từ quốc tế, thành phố đã tham dự hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu tại Ả Rập Xê Út, qua đó tích lũy kinh nghiệm để lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình học.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, giúp người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý và đánh giá hiệu quả các chương trình học tập.

Tổ chức các chương trình giáo dục STEM (tên viết tắt của 4 môn học là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học): trang bị các phòng học STEM tại các trường học và trung tâm cộng đồng; tổ chức các cuộc thi STEM để học sinh phát triển tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề thực tiễn.

Giáo dục về biến đổi khí hậu và môi trường, lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo và giảm rác thải vào chương trình học từ cấp tiểu học đến trung học. Tổ chức hội thảo, tập huấn cho người dân về cách thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng xanh – sạch, tạo môi trường học tập thân thiện cho mọi tầng lớp nhân dân.

Tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức, tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, phát động chiến dịch “Học suốt đời – Cùng xây dựng tương lai” để khuyến khích toàn dân tham gia học tập. Sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền về lợi ích của việc học tập suốt đời và phát triển kỹ năng.

Những hoạt động trên thể hiện cam kết của thành phố Sa Đéc trong việc xây dựng một xã hội học tập bền vững, phù hợp với xu hướng toàn cầu và đáp ứng nhu cầu thực tiễn địa phương.

Cream Colorful Trivia Night Presentation.png
Giấy chứng nhận thành phố Sa Đéc trực thuộc mạng lưới thành phố học tập của UNESCO. (Ảnh: Phương Thảo)

Về phía thành phố Sơn La, bà La Thị Giang, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Sơn La chia sẻ, nhằm thúc đẩy văn hoá học tập suốt đời tại địa phương, thành phố đã và đang triển khai xây dựng các mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và “Thư viện nhân ái”, đáp ứng yêu cầu của một thành phố học tập toàn cầu.

Những mô hình này được triển khai tại các tổ dân phố, bản làng và trường học trên địa bàn thành phố, hướng tới mục tiêu kiến tạo hệ sinh thái học tập suốt đời với mạng lưới thư viện và không gian học tập cộng đồng phủ khắp khu vực dân cư và trường học. Qua đó, các hoạt động học tập và giao lưu văn hóa được đẩy mạnh, góp phần gia tăng sự thấu hiểu và tin cậy giữa các dân tộc, cộng đồng và cá nhân trong xã hội, từ đó cùng nhau phát triển theo hướng hòa bình, bền vững.

Hiện nay tại thành phố Sơn La đã có 81 “Ngôi nhà trí tuệ” và 47 “Thư viện nhân ái” được ra mắt và đi vào hoạt động với tổng số 159.935 cuốn sách. Trong đó nhân dân đã đóng góp nhiều ngày công, nhiều cuốn sách hay và số tiền 681.678.000 đồng để xây dựng các mô hình này. Thành phố cũng đã huy động xã hội hoá được 720 triệu đồng để mua sách tặng các “Ngôi nhà trí tuệ” và “Thư viện nhân ái”.

Trắng Màu be Rõ ràng Kẻ ô Ảnh Gia đình Ảnh ghép Bài đăng Instagram .png
Mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. (Ảnh: website Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La; Thiết kế: Phương Thảo)

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La thực hiện hai nội dung như sau:

Thứ nhất, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học tại các trường học. Triển khai các mô hình giáo dục STEM để thúc đẩy tư duy sáng tạo cho học sinh.

Thứ hai, đảm bảo tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số và các nhóm yếu thế thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, học bổng.

Lấy người dân làm trung tâm là bài học cốt lõi để xây dựng thành phố học tập toàn cầu

Theo bà La Thị Giang, việc xây dựng thành phố Sơn La trở thành “Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” là một mục tiêu quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nhiều lĩnh vực và sự tham gia tích cực của cộng đồng. Một số kinh nghiệm chuyên môn và bài học thực tiễn rút ra từ quá trình triển khai và thực hiện là:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo một cách thống nhất. Thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố học tập với sự tham gia của lãnh đạo các phòng ban, đơn vị để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, dài hạn và lộ trình thực hiện rõ ràng, phù hợp với các tiêu chí của UNESCO.

Thứ hai, ban hành và phát triển các chính sách khuyến khích học tập suốt đời trong cộng đồng, như: thúc đẩy học tập trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và “Thư viện nhân ái”, tạo không gian học tập cộng đồng, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho tất cả mọi người.

Thứ ba, bảo tồn và phát huy bản sắc, di sản văn hóa dân tộc. Triển khai các chương trình giáo dục về văn hóa và ngôn ngữ dân tộc; lồng ghép các hoạt động học tập vào lễ hội, các sự kiện văn hóa cộng đồng để thu hút người dân tham gia.

Thứ tư, huy động nguồn lực đa dạng. Xây dựng cơ chế xã hội hóa, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân để hỗ trợ tài chính và vật chất. Kết hợp giữa ngân sách nhà nước và nguồn lực cộng đồng để triển khai các dự án học tập, đặc biệt là các cơ sở học tập cộng đồng.

Thứ năm, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin. Phát triển các nền tảng học tập trực tuyến, ứng dụng công nghệ số để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, tài liệu học tập. Khuyến khích người dân sử dụng các thiết bị công nghệ trong học tập, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ sáu, tạo động lực và động viên sự tham gia của người dân. Tổ chức các cuộc thi, phong trào thi đua để vinh danh những cá nhân, gia đình, tổ chức tiêu biểu trong học tập.

Thứ bảy, học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố học tập toàn cầu khác của UNESCO. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các tổ chức quốc tế để tiếp cận các mô hình và nguồn lực hỗ trợ.

“Một trong những bài học thực tiễn quan trọng là lấy người dân làm trung tâm, bởi sự tham gia chủ động của cộng đồng đóng vai trò quyết định cho sự thành công của các chương trình giáo dục. Bên cạnh đó, cần linh hoạt và sáng tạo trong việc tùy chỉnh các mô hình học tập sao cho phù hợp với đặc thù văn hóa, xã hội và kinh tế địa phương.

Để đảm bảo tính bền vững, các chính sách và chương trình giáo dục phải gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập lâu dài. Hơn nữa, quá trình xây dựng thành phố học tập là một hành trình dài hạn, đòi hỏi sự kiên trì, cam kết và nhất quán từ cả chính quyền lẫn cộng đồng”, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sơn La bày tỏ.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc khẳng định rằng, muốn xây dựng một xã hội học tập cần bắt đầu từ việc lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng nhu cầu học tập thực tiễn của cộng đồng.

hs-dat-giai.jpg
Thành phố Sa Đéc đẩy mạnh các hoạt động giáo dục STEM, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của học sinh. (Ảnh: website Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc)

Bà Võ Thị Bình chia sẻ thêm, để được công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, các thành phố cần thực hiện một số bước quan trọng và đảm bảo các tiêu chí nhất định.

Trước tiên, chính quyền thành phố cần xây dựng kế hoạch chiến lược rõ ràng, coi giáo dục và học tập suốt đời là một phần cốt lõi trong phát triển, đảm bảo mọi tầng lớp dân cư, từ trẻ em đến người cao tuổi, đều có cơ hội học tập.

Song song với đó, thành phố cần đảm bảo các tiêu chí chính của UNESCO, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục. Điều này bao gồm: xây dựng các thư viện, trung tâm học tập cộng đồng; tích hợp các nội dung học tập vì sự phát triển bền vững; lồng ghép các vấn đề toàn cầu vào chương trình giảng dạy.

Thành phố cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đảm bảo sự tiếp cận giáo dục và công nghệ một cách bình đẳng, đặc biệt là cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Ngoài yếu tố then chốt là thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, thành phố nên tích cực tham gia các sự kiện quốc tế của UNESCO để học hỏi kinh nghiệm từ các thành phố học tập khác và chia sẻ những sáng kiến thành công của mình vào mạng lưới toàn cầu.

Cuối cùng, để duy trì chất lượng và hiệu quả, thành phố cần xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện công tác đánh giá, cải tiến liên tục các chương trình học tập, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà UNESCO quy định.

Phương Thảo