“Tiếng trống học bài” góp phần xây dựng nề nếp tự học cho học sinh ở nhà

08/12/2024 06:35
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chỉ là những âm thanh quen thuộc, giản dị mỗi tối, tiếng trống học bài đã mang lại những thay đổi tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục ở nhiều địa phương.

Đều đặn mỗi tối vào lúc 19 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6, trên hệ thống loa truyền thanh của nhiều địa phương lại vang lên hồi trống quen thuộc cùng nội dung: “Đã đến giờ tự học buổi tối. Học tập suốt đời, chìa khóa của thành công, học cho bản thân và cho những người xung quanh hạnh phúc. Xin mời tất cả chúng ta cùng nhau tự học”. Đây chính là thông điệp của phong trào tiếng trống học bài, được xây dựng và phát triển với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục trong cộng đồng.

Thúc đẩy văn hóa học tập trong cộng đồng

Huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong xây dựng và triển khai phong trào tiếng trống học bài.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phùng Thị Thanh Hường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Hòa (huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 20/01/2021 của Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì về việc triển khai phong trào tiếng trống học bài tại các cụm dân cư trên địa bàn huyện, cùng với công văn đôn đốc của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì về thực hiện phong trào này, nhà trường đã tổ chức họp bàn, thống nhất trong chi bộ và hội đồng sư phạm về ý nghĩa và vai trò quan trọng của phong trào.

Dựa trên những kết quả đạt được từ các cuộc họp, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tham mưu với Đảng ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã Thái Hòa để xây dựng nghị quyết, kế hoạch và tổ chức triển khai phong trào từ tháng 4 năm 2021”.

z6072750346351_7dac9440ae83ce75fc680be1afdaa7f8.jpg
Cô Phùng Thị Thanh Hường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Hòa. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, anh Đặng Văn Việt, Bí thư đoàn thôn Tri Lai (xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Phong trào tiếng trống học bài được triển khai và hưởng ứng mạnh mẽ ở xã Đồng Thái từ năm 2017, đến nay phong trào đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân thôn Tri Lai nói riêng và xã Đồng Thái nói chung.

Gia đình tôi có một bạn học lớp 3 và một bạn học lớp 9, nhờ có phong trào tiếng trống học bài mà các bạn đã trở nên tự giác và chủ động ngồi vào bàn học mỗi tối, phụ huynh cũng ít phải nhắc nhở như trước. Gia đình cũng thay đổi thói quen, giờ giấc sinh hoạt để không ảnh hưởng đến khung giờ học của các bạn”.

Phong trào tiếng trống học bài đã phát huy hiệu quả ở tất cả 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì và duy trì suốt nhiều năm qua. Đến nay, phong trào này đã được lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Một trong các địa phương gần đây đã tham khảo, áp dụng và thực hiện phong trào này là xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Sau khi nghiên cứu và đánh giá tính khả thi, xã quyết định triển khai phong trào tiếng trống học bài từ đầu năm học 2024-2025 và dự kiến sẽ duy trì trong các năm học tiếp theo.

Phong trào này phù hợp với tinh thần hiếu học, phong tục và tập quán của người dân, mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong xã hội”.

428609793_707313638222485_4195502306817365914_n.jpg
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: NVCC)

Để phong trào tiếng trống học bài được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa địa phương, nhà trường và gia đình học sinh. Khi có sự phối hợp này, phong trào đã lan tỏa được hiệu ứng tích cực.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Hòa thông tin: “Khi phong trào này được triển khai trong thực tế, ngay từ những ngày đầu, người dân địa phương, phụ huynh và học sinh đã có những phản hồi rất tích cực. Vì lần đầu tiên, vào mỗi buổi tối, cụm dân cư lại nghe thấy âm thanh của hệ thống loa truyền thanh rộn ràng nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc học tập và khuyến khích các gia đình dành thời gian quan tâm đến việc học tập của con em mình.

Chính quyền địa phương cùng nhà trường cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phong trào tại các khu dân cư, đồng thời có những biện pháp khích lệ và khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào. Qua đó, hoạt động giáo dục nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn từ tất cả các lực lượng xã hội”.

Trong khi đó, theo chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vinh Hưng, khi triển khai phong trào tiếng trống học bài, xã Vinh Hưng đã xây dựng một dự thảo kế hoạch và tổ chức các hội nghị lấy ý kiến từ người dân từng thôn. Nội dung của phong trào cũng được đưa vào quy ước thôn văn hóa, nhằm đảm bảo sự đồng thuận của cộng đồng.

“Đảng ủy xã Vinh Hưng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục, trong đó có nội dung phong trào tiếng trống học bài. Các trường học trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền phong trào này tới học sinh và phụ huynh.

Đội ngũ giáo viên được phân công theo dõi, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện học tập của học sinh và phối hợp với phụ huynh để đảm bảo các em thực hiện đúng yêu cầu.

Như vậy, mỗi người dân sẽ nhận thấy học tập không chỉ là trách nhiệm của học sinh, mà còn là công việc chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Chính quyền xã cũng tổ chức kiểm tra thường xuyên để đảm bảo phong trào được thực hiện nghiêm túc”, ông Huy chia sẻ thêm.

Trống 6 ô Trang truyện tranh.png
Hình ảnh các em học sinh tại xã Vinh Hưng thực hiện phong trào "Tiếng trống học bài". (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, phong trào này vẫn gặp một số khó khăn cho địa phương và nhà trường trong việc tổ chức thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Hòa chỉ ra một số khó khăn trong thực tế khi thực hiện phong trào này.

“Thứ nhất, cơ sở hạ tầng ở địa phương còn yếu, địa bàn dân cư trải rộng nên đôi khi âm thanh của hệ thống loa truyền thanh xã không tới hết các khu vực. Thứ hai, một số gia đình chưa chú trọng đến việc giáo dục con cái, nhận thức về ý nghĩa của phong trào chưa cao. Thứ ba, một bộ phận phụ huynh học sinh vì gánh nặng mưu sinh, đi làm ăn xa nên chưa theo sát, nhắc nhở được thường xuyên việc học tập của con em mình mỗi tối. Thứ tư, đối với học sinh trung học cơ sở, các em đang ở giai đoạn thay đổi tâm sinh lý nên một số em có những hành động suy nghĩ chưa chín chắn, chưa tự giác trong học tập”.

Nề nếp sinh hoạt ở địa phương ổn định, chất lượng giáo dục được nâng cao

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Huy, dù mới triển khai trong vài tháng, phong trào tiếng trống học bài đã tạo ra những tác động tích cực đến nề nếp sinh hoạt của mỗi gia đình, chất lượng giáo dục tại xã Vinh Hưng cũng được cải thiện rõ rệt.

“Từ khi triển khai, vào lúc 19 giờ, các gia đình đã thay đổi thói quen, dừng các hoạt động gây ồn ào để con em có thể học tập trong không gian yên tĩnh. Nhờ vậy, học sinh có thời gian tập trung vào việc học và thực hiện bài tập về nhà.

Về chất lượng học tập của các trường học, phong trào tiếng trống học bài đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, qua khảo sát, Trường Trung học cơ sở Vinh Hưng xếp thứ hai trong toàn huyện Phú Lộc về chất lượng học tập trong kỳ học vừa qua. Trường Tiểu học Vinh Hưng cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong kết quả học tập của học sinh, điểm số giữa học kỳ 1 năm học 2024-2025 cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Những thành tích này không chỉ phản ánh sự hiệu quả của phong trào mà còn là minh chứng cho sự quan tâm và cố gắng của các bậc phụ huynh, học sinh và giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập tích cực”.

Trong 3 năm thực hiện phong trào tiếng trống học bài, Trường Trung học cơ sở Thái Hòa (huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) cũng đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Cụ thể, cô Phùng Thị Thanh Hường, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên, điểm tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của các em học sinh ở trường luôn nằm trong top thí sinh điểm cao nhất huyện.

Mặt khác, phong trào này cũng tạo nên một bầu không khí thi đua dạy tốt, học tốt ở cả thầy và trò. Trường Trung học cơ sở Thái Hòa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong dạy và học”.

Screenshot 2024-11-29 101453.jpg
Lãnh đạo xã Thái Hòa phối hợp cùng ban giám hiệu các trường học họp bàn kế hoạch tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện phong trào tiếng trống học bài. (Ảnh: NVCC)

Để đảm bảo phong trào tiếng trống học bài được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao hơn và có sức ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều địa phương khác trên cả nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đề xuất: “Lãnh đạo địa phương cần duy trì công tác tuyên truyền về phong trào qua các kênh thông tin, truyền thông, giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của học tập. Đồng thời, thành lập các tổ giúp việc Ban chỉ đạo tại các cụm dân cư để thực hiện công tác thông tin, báo cáo, kiểm tra giám sát thường xuyên.

Quan tâm rà soát, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn, tăng thời gian phát nhạc hiệu tiếng trống trên hệ thống phát để tạo sự chú ý cho học sinh, phụ huynh. Các trường học tiếp tục thực hiện các phong trào như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo môi trường học tập nghiêm túc. Chủ động đề xuất, báo cáo những khó khăn khi thực hiện phong trào về Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn để kịp thời hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ đánh giá quá trình thực hiện phong trào, rút ra bài học kinh nghiệm và khắc phục những khó khăn, thiếu sót, nhằm cải thiện và phát triển phong trào tiếng trống học bài một cách hiệu quả trong tương lai”.

z6078752339769_16ecad3ccde10644656eb48533c7c672.jpg
Gia đình, nhà trường, lãnh đạo xã Đồng Thái (huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội) phối hợp cùng quan tâm, đồng hành với các em học sinh. (Ảnh: NVCC)

Về phía Trường Trung học cơ sở Thái Hòa, hiệu trưởng nhà trường nêu quan điểm: “Dân tộc ta vốn là một dân tộc hiếu học. Mỗi cá nhân nếu cố gắng góp sức mình, phong trào sẽ ngày càng lan rộng, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao dân trí và phát triển đất nước.

Để làm được điều này thì nhà trường cần thường xuyên tham mưu, liên hệ với chính quyền địa phương nhằm đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để phong trào được duy trì thường xuyên trên địa bàn toàn xã.

Bên cạnh đó, phối hợp với các cấp học tại địa phương và các lực lượng xã hội khác, đảm bảo sự thống nhất xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Tham mưu với chính quyền động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt phong trào.

Đồng thời, tổ chức truyền thông sâu rộng về ý nghĩa của phong trào để tạo nên cộng đồng học tập mạnh mẽ, thúc đẩy tiến bộ giáo dục chung và xây dựng xã hội phát triển bền vững”.

Phương Thảo