Chuyên gia chỉ ra thuận lợi khi kinh phí chi cho NCKH thực hiện theo cơ chế quỹ

09/07/2025 06:30
Yên Đan

GDVN - Cơ chế quỹ cho phép các tổ chức, cá nhân đề xuất, đánh giá độc lập, tài trợ theo năng lực, góp phần mở rộng cơ hội cho ý tưởng sáng tạo có giá trị.

Trong bối cảnh đổi mới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là những đột phá chiến lược, đóng vai trò then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nhằm hiện thực hóa định hướng này, Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ: “Ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.

Đây được xem là bước chuyển quan trọng trong tư duy quản lý tạo điều kiện để nguồn lực được phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh, dựa trên năng lực thực hiện, ý tưởng sáng tạo và giá trị ứng dụng của đề tài nghiên cứu.

Giúp nhà khoa học tiếp cận nguồn lực công bằng theo năng lực và giá trị thực tiễn của các đề tài

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam bày tỏ, việc triển khai cơ chế quỹ tại các nước phát triển từ lâu đã được xem như một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong cấp vốn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Thay vì phân bổ ngân sách một cách cứng nhắc qua các đơn vị hành chính hay các bộ ngành, mô hình quỹ cho phép nguồn lực được tiếp cận theo nguyên tắc cạnh tranh, dựa trên năng lực, ý tưởng sáng tạo và giá trị thực tiễn của các đề tài.

101120230605-z4867620516844-9d432f5d200b4a674aaa304b32e77327-6714.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông - Uỷ viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội)

Theo Đại biểu Đông, cơ chế này tạo điều kiện để các nhà khoa học, bất kể họ trực thuộc đơn vị nào, đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận được nguồn vốn tài trợ, từ đó khuyến khích sự phát triển của những ý tưởng đột phá, giải phóng tiềm năng nghiên cứu trong xã hội.

Tuy nhiên, thách thức lớn là thiếu minh bạch, đánh giá hiệu quả sau tài trợ, và thủ tục hành chính còn phức tạp. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể học tập mô hình quản trị độc lập, đánh giá đa chiều, công khai kết quả tài trợ từ các nước OECD (Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế) để khắc phục.

Trước hết, bài học quan trọng nhất là xây dựng một cơ chế quản trị độc lập, tách bạch giữa người quản lý quỹ và các đơn vị thụ hưởng. Việc thành lập các hội đồng thẩm định độc lập, bao gồm những chuyên gia uy tín, trong nước và quốc tế, sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan trong việc lựa chọn đề tài tài trợ. Đồng thời, việc đánh giá hiệu quả cần được tiến hành đa chiều, không chỉ dựa trên các bài báo khoa học, mà còn tính tới các bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, tác động xã hội, và mức độ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Việc công khai toàn bộ quy trình, từ tiêu chí xét duyệt, danh sách hội đồng thẩm định, cho tới kết quả nghiệm thu đề tài, là yêu cầu bắt buộc để gia tăng niềm tin của cộng đồng khoa học và xã hội đối với các quỹ tài trợ. Chính sự minh bạch này cũng là điều kiện tiên quyết để thu hút sự tham gia ngày càng lớn của khu vực tư nhân trong đầu tư cho khoa học và công nghệ.

“Cơ chế quỹ giúp nhà khoa học tiếp cận nguồn lực công bằng, theo năng lực và ý tưởng. Để đảm bảo minh bạch, cần hệ thống tiêu chí rõ ràng, hội đồng thẩm định độc lập, công khai toàn bộ quá trình xét duyệt và kết quả nghiệm thu.

Bên cạnh đó, tôi cũng ủng hộ tăng vai trò khu vực tư nhân trong đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ. Đây là nguồn lực lớn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gắn nghiên cứu với thị trường. Tuy nhiên, cần có cơ chế chia sẻ rủi ro và ưu đãi thuế rõ ràng để thu hút doanh nghiệp, đồng thời tránh tình trạng thương mại hóa nghiên cứu quá mức”, bà Đông nêu quan điểm.

Cùng bàn vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - Phó Trưởng khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ngân sách cho nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ nên được ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ là bước đi cần thiết nhằm tạo ra sự linh hoạt trong phân bổ nguồn lực, tăng tính chủ động cho các đơn vị nghiên cứu và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo thầy Vịnh, hiện nay, phần lớn ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vẫn được phân bổ theo phương thức hành chính, thông qua các chương trình, nhiệm vụ do các bộ, ngành, địa phương chủ trì và quản lý. Mặc dù cách làm này có ưu điểm về tính kiểm soát, đảm bảo thực hiện theo kế hoạch, nhưng lại thiếu tính linh hoạt, chậm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn nghiên cứu và nhu cầu xã hội.

Việc chuyển sang thực hiện thông qua cơ chế quỹ, tức là các tổ chức, cá nhân có thể đề xuất đề tài, dự án, tham gia tuyển chọn, đánh giá độc lập và nhận tài trợ dựa trên năng lực, chất lượng sẽ mở rộng cánh cửa cho những ý tưởng sáng tạo thực sự có giá trị. Cơ chế quỹ cũng giúp giảm thiểu tình trạng xin - cho, đồng thời gắn kết tốt hơn giữa kết quả nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Thực tế tại một số quốc gia phát triển cho thấy, việc vận hành các quỹ nghiên cứu một cách chuyên nghiệp, minh bạch và có định hướng rõ ràng đã góp phần tạo nên những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Khu vực tư nhân được kỳ vọng là động lực chính cho đầu tư R&D

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông, Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng, khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi cải cách mạnh mẽ thể chế quản trị khoa học. Việc nâng cao năng lực quản trị các quỹ nghiên cứu không chỉ là câu chuyện kỹ thuật, mà còn gắn liền với xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và nhà nước cùng đóng vai trò chủ thể, hỗ trợ lẫn nhau. Chỉ khi đó, các nguồn lực mới được huy động và sử dụng hiệu quả, đồng thời thu hút được đầu tư tư nhân một cách bền vững, khi mà chính sách rõ ràng, minh bạch, rủi ro thấp và lợi ích đầu tư được bảo đảm.

Đặc biệt, khu vực tư nhân được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính cho đầu tư vào nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ trong giai đoạn tới. Đây là nguồn lực dồi dào, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy sự gắn kết giữa nghiên cứu với thị trường, bảo đảm các kết quả nghiên cứu không chỉ nằm trên giấy mà còn được chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Tuy nhiên, muốn thu hút doanh nghiệp, Việt Nam cần sớm ban hành các cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng, chẳng hạn như bảo lãnh tài chính cho các dự án nghiên cứu, đồng thời áp dụng các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào R&D. Quan trọng hơn, phải tránh để xảy ra tình trạng thương mại hóa nghiên cứu một cách thái quá, làm méo mó mục tiêu khoa học và bỏ qua các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, lâu dài nhưng ít lợi nhuận trước mắt.

Do vậy, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ thể chế, nâng cao năng lực quản trị các quỹ nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn kết doanh nghiệp, viện trường và Nhà nước. Thu hút đầu tư tư nhân hiệu quả khi chính sách minh bạch, rủi ro thấp và lợi ích rõ ràng.

“Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục, số hóa quy trình đăng ký đề tài, chấm điểm tự động theo tiêu chí minh bạch. Đồng thời, cần tăng quyền tự chủ cho tổ chức khoa học công lập, trao quyền quản lý quỹ cho các hội đồng khoa học độc lập, và đảm bảo tính ổn định của chính sách tài trợ dài hạn. Chỉ khi các viện, trường được tự chủ trong quyết định tài chính, nhân sự, và định hướng nghiên cứu, họ mới có thể chủ động phối hợp với doanh nghiệp, kêu gọi tài trợ tư nhân, và tham gia vào cơ chế quỹ một cách năng động. Việc quản lý các quỹ nghiên cứu nên được trao cho các hội đồng khoa học độc lập, tránh tình trạng bộ máy hành chính can thiệp sâu vào các quyết định chuyên môn. Đặc biệt, chính sách tài trợ cần được đảm bảo ổn định, dài hạn, không thay đổi đột ngột, để các nhà khoa học an tâm lập kế hoạch và triển khai các đề tài lớn, có tính đột phá.

Tóm lại, việc triển khai hiệu quả cơ chế quỹ tại Việt Nam đòi hỏi không chỉ cải cách kỹ thuật trong quy trình cấp vốn, mà còn là cải cách thể chế quản trị, nâng cao minh bạch, tăng cường vai trò khu vực tư nhân, và xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam bắt kịp các nước phát triển trong cuộc đua khoa học và công nghệ toàn cầu”, bà Đông bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, thầy Vịnh cho biết, để cơ chế quỹ thực sự phát huy hiệu quả cần có hành lang pháp lý rõ ràng, quy trình quản lý đơn giản nhưng vẫn đảm bảo được tính minh bạch, công bằng và hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định tài chính cần được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt, tạo điều kiện để nhà khoa học tập trung vào chuyên môn thay vì mất quá nhiều thời gian vào thủ tục.

z2041320883324-5732d2dbf0114ebaba408597837a25a5.jpg
Ảnh minh họa: Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)

“Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong tài trợ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Theo tôi, đây là xu thế tất yếu trên thế giới và cũng là cơ hội lớn để tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao, gắn liền với thị trường.

Trước đây, hầu hết các nghiên cứu khoa học chủ yếu do ngân sách Nhà nước tài trợ và các sản phẩm đầu ra thường không gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hay khách hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư vào nghiên cứu, đặt hàng các sản phẩm khoa học phục vụ sản xuất, kinh doanh của họ. Mối quan hệ giữa nhà khoa học và doanh nghiệp ngày càng được thiết lập rõ ràng hơn với các mục tiêu đôi bên cùng có lợi.

Trên thực tế, để khu vực tư nhân thực sự đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, Nhà nước cũng cần có các chính sách khuyến khích đủ mạnh. Trong đó, các cơ chế ưu đãi về thuế, giảm chi phí đầu tư, hỗ trợ tiếp cận thông tin và chia sẻ rủi ro là điều kiện cần thiết”, thầy Vịnh nêu quan điểm.

Ngoài ra, thầy Vịnh bày tỏ, hệ thống thủ tục hành chính hiện vẫn còn phức tạp và cồng kềnh, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tham gia các dự án nghiên cứu chung với các đơn vị công lập. Trong đó, nhiều doanh nghiệp khi đến đặt hàng các đề tài nghiên cứu thì vướng vào quy trình xét duyệt, giải ngân, nghiệm thu… mất nhiều thời gian.

Do đó, cùng với cơ chế quỹ, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo ra một môi trường minh bạch, thuận lợi để các bên yên tâm hợp tác. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phải có trách nhiệm giải trình kết quả sử dụng nguồn lực. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ sản phẩm nghiên cứu thì cũng cần có nghĩa vụ chia sẻ chi phí và lợi nhuận một cách minh bạch, công bằng.

“Nhìn chung, cơ chế quỹ là một bước tiến quan trọng trong đổi mới phương thức tài trợ nghiên cứu khoa học. Đặc biết, khi kết hợp với việc mở rộng sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ là động lực mới để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, để cơ chế này phát huy hiệu quả cần có cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính, đảm bảo sự minh bạch, đồng thời thiết lập các nguyên tắc hợp tác công tư rõ ràng, hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Quan trọng hơn, cần đặt nhà khoa học vào đúng vị trí trung tâm của hệ thống được tạo điều kiện, được tin tưởng, nhưng cũng phải có trách nhiệm rõ ràng với sản phẩm của mình”, thầy Vịnh nhấn mạnh.

Yên Đan