Cần cho phép doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với học bổng tài trợ sinh viên

26/05/2025 06:40
Hồng Linh

GDVN - Để gia tăng nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân, Nhà nước cần có chính sách cho phép doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với chi phí học bổng tài trợ sinh viên.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu: Có cơ chế, chính sách hấp dẫn về tín dụng, học bổng và học phí để thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hoá học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, nhất là ở các trình độ sau đại học.

Trước vấn đề này, một số chuyên gia đã có góp ý về việc hỗ trợ tài chính đồng thời đưa ra thêm các đề xuất nhằm thu hút người học và thúc đẩy đào tạo các lĩnh vực trên.

Không hỗ trợ tài chính một cách dàn trải

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc thu hút học sinh, sinh viên giỏi học các lĩnh vực khoa học cơ bản và kỹ thuật và công nghệ then chốt, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết:

"Nghị quyết số 57-NQ/TW là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng nhằm thúc đẩy đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Muốn phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố con người là then chốt nhất, đặc biệt là việc đào tạo con người có trình độ cao trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể tiếp cận được các công nghệ cao của thế giới, tiến đến nắm bắt những công nghệ lõi, then chốt và sáng tạo trên những nền tảng đã có, từ đó đưa đất nước phát triển theo hướng công nghiệp và công nghệ trong thời đại chuyển đổi số.

Thực tế, số lượng người học các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM còn ít. Điều này có nhiều nguyên nhân. Trong một thời gian dài, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến việc đào tạo học sinh, sinh viên học tập những ngành, lĩnh vực này.

Vị trí việc làm đối với các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM chưa được định hình rõ ràng, chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để sử dụng nguồn nhân lực này, trong khi đó, các doanh nghiệp FDI lại ít và việc tuyển dụng nhân lực cũng hạn chế.

Bên cạnh đó, đây là những ngành nghề yêu cầu cao ở năng lực người học, việc học tập nói chung khó khăn và vất vả hơn các ngành học khác, cần đầu tư nhiều thời gian cho việc học tập và nâng cao trình độ.

Ngay sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, hiện Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đang tích cực cụ thể hóa các chính sách và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới, với sự quyết tâm của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, số lượng người học các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM sẽ tăng lên đáng kể, đạt được mục tiêu do Nhà nước đề ra và tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới”.

Được biết, việc xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút người học các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM là vấn đề được Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế quan tâm. Nhà trường đã đầu tư xây dựng, phát triển chương trình đào tạo để phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ; có các chính sách ưu tiên về các nguồn học bổng cho sinh viên; đầu tư cơ sở vật chất, tạo ra các sân chơi, diễn đàn cho sinh viên có thể tham gia để kích thích sự sáng tạo, tìm tòi và đam mê của sinh viên.

Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, nhà trường vẫn chưa có nhiều chính sách đột phá, chưa có các chế độ ưu tiên nổi trội để thu hút người học vào các ngành, lĩnh vực này.

Bàn luận về việc hỗ trợ tài chính cho sinh viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng cho biết, miễn, giảm học phí (thậm chí cần phải có chính sách học bổng riêng) là một trong những chính sách cần có để thu hút người học.

Khi triển khai các chính sách này, rõ ràng, cần phải có những tiêu chuẩn, điều kiện để thu hút những người giỏi vào học những ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM.

Việc sàng lọc đầu vào có thể dựa trên kết quả học tập, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và một số tiêu chí khác. Bên cạnh đó, qua mỗi học kỳ, năm học, cũng cần có những biện pháp sàng lọc sinh viên dựa trên kết quả của quá trình học tập để đảm bảo chính sách này được thực hiện một cách hiệu quả. Các trường đại học tiên tiến trên thế giới cũng đang áp dụng như trên.

Nói thêm về khoản vay tín dụng cho sinh viên STEM, thầy Tùng khẳng định đây là điều cần thiết (hiện nay, chính sách vay vốn đối với sinh viên đại học cũng đang được thực hiện tốt và phát huy hiệu quả cao). Do đó, cần chính sách nổi trội hơn so với chính sách chung hiện nay như mức cho vay cao hơn, thời gian trả nợ lâu hơn.

Đồng thời với chính sách cho vay vốn, Nhà nước phải tạo ra được thị trường lao động với mức lương hấp dẫn để thu hút người học vào các ngành, lĩnh vực này. Đây có thể nói là vấn đề quan trọng, cốt yếu hơn so với chính sách vay vốn.

Nếu thu nhập của người học sau khi tốt nghiệp và đi làm ở các doanh nghiệp có mức cao, thì việc trả khoản vay không phải là vấn đề khó khăn cho người học. Vì vậy, thời gian hoàn trả khoản vay cũng cần tính toán kỹ dựa trên mức thu nhập của người học sau khi ra trường.

img-gioithieu.jpg
Ảnh minh họa: Website Khoa Hóa học - Đại học Khoa học, Đại học Huế.

Cùng chia sẻ về vấn đề này Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam - Trưởng khoa Khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói: “Từ các chủ trương của Nhà nước cũng như thực tiễn có thể thấy việc đào tạo nguồn lực tham gia vào các ngành nghề STEM là đặc biệt quan trọng liên quan đến sự phát triển của một quốc gia.

Trước hết, lực lượng này sẽ tạo ra sản phẩm, ứng dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, họ cũng có thể tham gia vào quá trình tiếp tục đào tạo các thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, hiện tại đang có bất cập thấy rõ là sự suy giảm số lượng học sinh ở trung học phổ thông đăng ký học các môn thuộc nhóm ngành STEM, cũng như lựa chọn các môn thi tốt nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể là tâm lý e ngại khó hay học sinh chưa hiểu hết cơ hội và tiềm năng của ngành học. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cho sinh viên STEM cũng chưa rõ ràng”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, cần có cơ chế học bổng và hỗ trợ tài chính phù hợp cho người học. Tuy nhiên, khuyến khích chứ không cào bằng để sinh viên có trách nhiệm với việc học tập, tránh triệt tiêu động lực cố gắng của các em.

Để nhận được các ưu đãi, hỗ trợ về tài chính, sinh viên phải đảm bảo chất kết quả học tập từ khá trở lên hoặc học bổng được chia theo mức, tương đương với GPA.

Ngoài ra, có thể thay thế bằng cách cho vay tín dụng, sau khi người học tốt nghiệp, có việc làm sẽ trả dần khoản vay. Việc đầu tư cần có trọng điểm, không nên mang tính dàn trải. Điều này vừa hỗ trợ người học vừa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

z6604549429915-75a2e6d158293890a3d6d1133fdfbd14.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam (cà vạt đỏ) - Trưởng khoa Khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tăng cường sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp tư nhân

Thực tế, hiện nay vẫn còn ít doanh nghiệp hoặc tổ chức nghiên cứu tham gia tài trợ học bổng cho sinh viên STEM. Trước vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng bày tỏ: “Doanh nghiệp là đơn vị sử dụng lao động được đào tạo từ nhà trường, nếu các doanh nghiệp cùng chung tay trong quá trình đào tạo, chúng ta sẽ có những người học chất lượng, phù hợp với thị trường lao động.

Tuy nhiên, nhìn chung, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo của nhà trường. Nguyên nhân chính là thiếu sự kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp, nhất là chưa xây dựng được mối quan hệ chiến lược lâu dài với doanh nghiệp ngoài việc kêu gọi tài trợ ngắn hạn; các doanh nghiệp tài trợ học bổng khó được khấu trừ chi phí hợp lý trong báo cáo tài chính; chưa có chính sách vinh danh các doanh nghiệp đóng góp hiệu quả cho giáo dục.

Do vậy, để gia tăng nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân, Nhà nước cần có chính sách cho phép doanh nghiệp khấu trừ thuế đối với chi phí học bổng tài trợ sinh viên đúng đối tượng, minh bạch; có cơ chế vinh danh doanh nghiệp tài trợ (bảng vàng khuyến học, truyền thông,…).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kết hợp với nhà trường để đặt hàng nghiên cứu và có thể tài trợ học bổng chuyên sâu cho lĩnh vực mà doanh nghiệp quan tâm; kết hợp tài trợ học bổng với các cuộc thi, nghiên cứu ứng dụng để tạo giá trị kép cho nhà trường và doanh nghiệp.

Thầy Tùng nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp chung tay với nhà trường thực hiện được việc tài trợ cho sinh viên sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Sinh viên có thêm cơ hội học tập, giảm áp lực tài chính, đặc biệt là sinh viên có năng lực nhưng hoàn cảnh khó khăn.

Doanh nghiệp được tiếp cận và “ươm mầm” nhân lực từ sớm, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo lại. Nhà trường cũng nâng cao được uy tín, liên kết chặt hơn với thị trường lao động, đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Bên cạnh đó, xã hội được hưởng lợi từ một hệ sinh thái giáo dục - doanh nghiệp phát triển bền vững, không phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đề cập thêm: "Đầu tư cho các ngành, lĩnh vực liên quan đến STEM là sự đầu tư tương đối tốn kém, nhất là đầu tư cho cơ sở vật chất (phòng học, thiết bị, phòng thí nghiệm,…), chính sách ưu tiên cho giảng viên, người học.

Do đó, chúng tôi mong muốn rằng, Nhà nước sẽ có những đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường đại học để các trường có đủ điều kiện giảng dạy những kiến thức hiện đại, tiên tiến nhất, tiệm cận với các nước phát triển.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần là tạo ra thị trường việc làm phong phú, đa dạng với mức thu nhập cao cho người học sau khi tốt nghiệp. Một vấn đề cần quan tâm khác là chế độ chính sách cho các trường đại học, giảng viên, nhất là chế độ về tiền lương, phụ cấp để giảng viên yên tâm cống hiến trong công tác đào tạo".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường.

Bàn về vai trò, trách nhiệm của xã hội, các doanh nghiệp trong đào tạo các ngành STEM, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Việc doanh nghiệp có thể chung tay hỗ trợ về tài chính cho sinh viên bằng nhiều hình thức như cung cấp học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ nguồn lực thể hiện trách nhiệm cao của doanh nghiệp. Đồng thời, việc đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp cũng nên được khuyến khích, điều này cũng sẽ đảm bảo được vấn đề đầu ra cho sinh viên.

Ngoài vấn đề về hỗ trợ tài chính, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, để thúc đẩy người học STEM, thầy Nam cho rằng, cần phải có những thay đổi trong công tác hướng nghiệp ngay từ cuối bậc trung học cơ sở, cho tới lớp 10 để học sinh phát hiện được năng lực, niềm yêu thích với môn học, tránh việc các em lúng túng khi chọn tổ hợp.

Cũng cần có những đánh giá về bất cập đối với việc lựa chọn các môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông hiện nay. Nếu học sinh lựa chọn các môn học không phù hợp với năng lực, sở trường, khi đó chương trình và cách thức hướng dẫn chuyển đổi ra sao cho thuận tiện?

Các cơ sở giáo dục đại học nên có những điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển, phù hợp với tính chất của ngành nghề đào tạo, nhất là những môn học thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, ví dụ như sử dụng môn Công nghệ để mở rộng cơ hội cho các thí sinh.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo chất lượng phải được quan tâm. Các cơ sở giáo dục đại học cần được đầu tư trang thiết bị hiện đại, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, bởi khoa học kỹ thuật thay đổi nhanh chóng.

Việc phân tầng giáo dục, đánh giá và đầu tư trọng điểm theo giai đoạn là cần thiết, dù không thể thực hiện ngay lập tức. Nhà nước cũng đã có chính sách đầu tư, phát triển cơ sở vật chất cho các trường trọng điểm quốc gia về STEM, đây cũng là tín hiệu tích cực.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần xây dựng chương trình chương trình đào tạo tiếp cận chuẩn quốc tế, liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội. Điều này giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo sinh viên được trang bị kỹ năng phù hợp, thuận lợi nhanh chóng có việc làm sau khi tốt nghiệp, phù hợp với chuyên môn được đào tạo.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông về những ưu đãi và triển vọng nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông sẽ giúp thu hút các thí sinh lựa chọn ngành học thuộc lĩnh vực STEM.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) nêu:

Mức vốn cho vay tối đa đối với 01 người học bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng.

Lãi suất cho vay bằng với lãi suất cho vay đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của pháp luật.

Thời hạn trả nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, tối đa bằng thời hạn giải ngân vốn vay trừ đi thời gian người học được các trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả học tập (nếu có).

Hồng Linh