EMagazine

Hồ sơ ấn tượng của chàng trai giành học bổng tiến sĩ tại Đại học UMEA, Thụy Điển

Hồ sơ ấn tượng của chàng trai giành học bổng tiến sĩ tại Đại học UMEA, Thụy Điển

20/01/2025 07:48
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Với niềm đam mê thiên nhiên, anh Vũ Hoàng Long (sinh năm 1996) đã chinh phục nhiều học bổng từ thạc sĩ đến tiến sĩ tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Đam mê thiên nhiên và môi trường từ nhỏ, anh Vũ Hoàng Long (sinh năm 1996) đã chọn con đường nghiên cứu khoa học để góp phần bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên. Từ đó mở ra những cơ hội học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2018, anh Long ấp ủ giấc mơ giành học bổng du học thạc sĩ. Tuy nhiên, vì chưa xác định được định hướng và điểm mạnh của bản thân, anh đã nhiều lần trượt học bổng. Từ những lần vấp ngã đó, chàng trai sinh năm 1996 đã nhìn nhận lại bản thân, đặt mục tiêu cụ thể và dành nhiều thời gian, công sức vào mục tiêu của mình.

Sau nhiều nỗ lực, chàng trai trẻ đã xuất sắc giành được 2 học bổng toàn phần thạc sĩ tại New Zealand và Bỉ. Anh bắt đầu học thạc sĩ tại Đại học KU LEUVEN, Bỉ vào tháng 6 năm 2022 và hoàn thành chương trình học vào tháng 6/2024.

Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Bỉ, tháng 11/2024, anh Long tiếp tục chinh phục thêm học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Sinh thái học và Khoa học Môi trường (Ecology and Environmental Science) tại Đại học UMEA, Thụy Điển, chương trình kéo dài 4 năm.

Học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của anh Long bao gồm lương hàng tháng để chi trả toàn bộ chi phí sinh hoạt, bảo hiểm y tế, kinh phí tham dự các hội thảo quốc tế, vé máy bay hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển, cũng như vé máy bay và toàn bộ công tác phí để thực hiện dự án và luận văn tiến sĩ.

Muốn đi du học, phải xác định được khi nào cần học, học gì, học ở đâu

Anh Long cho biết, điểm GPA của bản thân ở đại học chỉ đạt 2.9, so với những ứng viên khác nộp hồ sơ xin học bổng thạc sĩ, điểm số này không cao. Tuy nhiên, điều khiến anh tự tin nộp hồ sơ xin học bổng là những trải nghiệm thực tế thông qua việc đi làm và nghiên cứu khoa học mà bản thân anh đã tích lũy suốt thời sinh viên.

Ngay từ khi còn học đại học, chàng trai trẻ đã tham gia và dẫn dắt nhiều hoạt động ngoại khóa, thành lập một số dự án với những thành quả bước đầu. Vì vậy, những hồ sơ xin học bổng ban đầu, anh đều lựa chọn ngành học về lãnh đạo hay quản trị bền vững. Anh nghĩ bản thân phù hợp với nó và tự tin nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, sau những lần trượt học bổng, anh nhận ra rằng bản thân chưa hiểu rõ bản chất ngành học mà mình lựa chọn. Chuyên ngành chính của anh Long không phải là quản trị con người, kinh doanh hay quản lý mà anh xuất phát từ lĩnh vực sinh thái học, tập trung vào nghiên cứu về môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Thay vì tiếp tục theo đuổi các ngành liên quan đến quản trị anh Long quyết định chuyển sang các ngành học giao thoa giữa môi trường và xã hội để phát huy thế mạnh của bản thân.

Sau khi đã xác định được thế mạnh của bản thân, anh nộp hồ sơ và được trao học bổng thạc sĩ Manaaki của Chính phủ New Zealand ngành Môi trường và Cộng đồng (Environment and Society). Tuy nhiên, thời điểm đó vì đại dịch Covid-19 kéo dài khiến New Zealand hạn chế nhập cảnh nên thời gian nhập học của anh liên tục bị trì hoãn. Vì thế, anh Long quyết định tìm kiếm cơ hội khác.

Anh Vũ Hoàng Long nộp đơn xin học bổng thạc sĩ toàn phần VLIR-UOS chương trình ICP Connect tại Bỉ, ngành Phát triển Bền vững (Sustainable Development) và đã đạt học bổng. Anh bắt đầu học thạc sĩ tại Đại học KU LEUVEN, Bỉ vào tháng 6/2022 và hoàn thành chương trình học vào tháng 6/2024.

Vũ Hoàng Long ảnh (2).png
Anh Vũ Hoàng Long trải nghiệm nhiều nơi trong thời gian học thạc sĩ tại Bỉ. (Ảnh NVCC - Thiết kế: Hồng Mai)

Ngay sau khi kết thúc chương trình học thạc sĩ, nhờ sự giới thiệu của bạn bè học giả trong ngành, anh đã biết đến, nộp hồ sơ và giành học bổng toàn phần bậc tiến sĩ ngành Sinh thái học và Khoa học môi trường, Đại học UMEA, Thụy Điển.

Nam thạc sĩ chia sẻ: “Thông thường khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Châu Âu hay Mỹ, sẽ có hai dạng hỗ trợ chính, thứ nhất là được trả lương như một công việc bình thường. Thứ hai là nhận học bổng tài trợ từ chính phủ hoặc tổ chức để thực hiện một dự án nghiên cứu cụ thể.

Học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ của tôi là sự kết hợp giữa hai hình thức này. Một nửa kinh phí do trường đại học chi trả, nửa còn lại do một quỹ nghiên cứu của Thụy Điển tài trợ.

Bên cạnh đó, dự án nghiên cứu cấp học bổng này yêu cầu ứng viên đáp ứng hai tiêu chí quan trọng. Thứ nhất, có kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội. Thứ hai, sở hữu nền tảng kiến thức về khoa học tự nhiên. Đồng thời, chương trình kết hợp việc nghiên cứu giữa khu vực là châu Âu và Đông Nam Á (bao gồm Campuchia và Việt Nam), khiến số lượng ứng viên có thể đáp ứng đủ điều kiện không nhiều.

Xuất phát điểm là người có nền tảng vững chắc về sinh học, một lĩnh vực khoa học tự nhiên, khi học thạc sĩ tại Bỉ, tôi tiếp tục mở rộng hiểu biết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên qua lăng kính khoa học xã hội. Chính nhờ sự kết hợp này, tôi đã đáp ứng được các tiêu chí và giành được học bổng, tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu của mình tại Thụy Điển”.

Việc nộp học bổng nhiều nơi tốn rất nhiều công sức, thời gian và có thể là cả tiền bạc. Nhưng sau mỗi lần viết hồ sơ học bổng hay gửi thư cho trường đại học, anh lại có cơ hội nhìn lại hành trình mình đã trải qua. Điều này giúp anh đánh giá những gì mình đã làm được và xác định rõ hơn định hướng trong tương lai.

Vũ Hoàng Long ảnh (1).png
Kinh nghiệm du học anh Long rút ra sau những trải nghiệm cá nhân. (Ảnh NVCC - Thiết kế: Hồng Mai)

Sau những trải nghiệm của bản thân, anh Vũ Hoàng Long rút ra bài học quan trọng và dành lời khuyên cho các bạn trẻ có mong muốn du học: “Nếu có định hướng đi du học, các bạn cần xác định được khi nào mình thực sự cần đi học, cần học gì và học ở đâu.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người cần tự trải nghiệm và làm việc khoảng 1-2 năm để có cái nhìn rõ ràng hơn về bản thân, về những gì mình thực sự thiếu sót và cần bổ sung trong hành trình phát triển nghề nghiệp. Thời gian này không chỉ giúp các bạn có thêm kinh nghiệm thực tiễn để làm mạnh hồ sơ xin học bổng mà còn giúp các bạn tự nhận diện được thế mạnh, điểm yếu của mình, từ đó xác định được con đường sự nghiệp sau này.

Khi đã hiểu rõ được những điều này, các bạn sẽ có thể viết một bài luận xin học bổng thật thuyết phục. Từ đó, bạn có thể chia sẻ rõ lý do bản thân cần học bổng và người xét duyệt học bổng sẽ thấy được lý do tại sao trong hàng nghìn ứng viên, bạn xứng đáng và phù hợp để có cơ hội này”, thạc sĩ sinh năm 1996 chia sẻ.

Khát khao "đi để trở về"

Trước khi bước vào hành trình du học, anh Vũ Hoàng Long đã luôn trăn trở với các hoạt động cộng đồng và dự án bảo vệ môi trường. Những trải nghiệm này không chỉ giúp chàng trai trẻ khám phá thêm vẻ đẹp của đất nước, chia sẻ tri thức đến mọi người mà còn thôi thúc anh mở rộng tầm nhìn, hướng đến nghiên cứu chuyên sâu để có thể cống hiến cho đất nước.

Năm 2018, anh Long cùng các cộng sự là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đa lĩnh vực đã xây dựng chương trình mang tên “Trải nghiệm Thiên nhiên” (Nature Expedition). Đây là một trong những chương trình đầu tiên tại Việt Nam về giáo dục trải nghiệm thiên nhiên, môi trường kết hợp đa dạng các học thuyết giáo dục khác nhau dựa trên nền tảng của giáo dục trải nghiệm.

Các bạn học sinh, sinh viên sẽ được vào rừng và trải nghiệm công việc của các nhà khoa học, các kỹ năng sinh tồn, y tế, các hoạt động nghệ thuật, thể thao... giúp thúc đẩy phát triển toàn diện kỹ năng, thái độ trong thực tế với môi trường thiên nhiên. Đến nay, dự án đã tổ chức gần 500 chương trình tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, trạm đa dạng, trung tâm cứu hộ... trên toàn quốc.

Từ năm 2020-2021, anh cũng tham gia Trường học mùa đông về Phát triển Bền vững (Winter School in Sustainable Development) với vai trò Trưởng ban truyền thông. Đây là một nền tảng giáo dục tập trung vào sự phát triển bền vững, thông qua ươm mầm các giá trị cốt lõi, lan tỏa sự tốt đẹp đến cộng đồng thông qua các nhà lãnh đạo.

Trong thời gian năm 2021-2022, anh Long giữ vai trò phó trưởng ban tổ chức của Trường hè Phát triển Việt Nam (Vietnam Summer School of Development) – nền tảng giáo dục để kết nối các nguồn lực, tạo dự án hướng tới sự phát triển bền vững của xã hội. Đồng thời, từ năm 2021-2023, anh đồng sáng lập và giữ vai trò quyền trưởng ban tổ chức của Trường học Phát triển Việt Nam - Vietnam School Development - nền tảng online của người trẻ thúc đẩy kiến thức liên ngành và học tập suốt đời.

4.png
Anh Vũ Hoàng Long trong các dự án của chương trình “Trải nghiệm Thiên nhiên”. (Ảnh NVCC - Thiết kế: Hồng Mai)

Mong muốn lớn nhất của anh là được làm việc và cống hiến cho Việt Nam. Đó cũng là lý do anh chọn vị trí nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Thụy Điển, với chủ đề nghiên cứu về tín chỉ carbon xanh tại khu vực Đông Nam Á, tập trung vào hai nước Việt Nam và Campuchia. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, anh sẽ có cơ hội làm việc thực tế và thường xuyên di chuyển giữa hai quốc gia.

Bên cạnh đó, anh nhận thấy, những năm gần đây, Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến công tác bảo tồn thiên nhiên. Các hoạt động như trekking (đi bộ khám phá rừng), săn mây hay du lịch sinh thái tại những vùng thiên nhiên hoang sơ đang trở thành xu hướng thu hút giới trẻ. Những cảnh quan từng bị con người tác động và tàn phá nay dần được khôi phục và bảo vệ. Người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng môi trường và thế giới tự nhiên nhiều hơn.

Vì vậy, anh hy vọng, những kiến thức và kinh nghiệm học được trong quá trình nghiên cứu có thể giúp bản thân phát triển hơn, đồng thời góp phần thúc đẩy sự thay đổi nhận thức về thiên nhiên và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Trong tháng 1/2025, anh Long sẽ tới Thụy Điển bắt đầu thực hiện chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ. Dù đã có nhiều năm sống và làm quen với văn hóa các nước Châu Âu nhưng thạc sĩ trẻ vẫn rất háo hức với hành trình mới này.

“Ngoài một số môn học trong thời gian đầu, tôi cũng được trường giao nhiệm vụ giảng dạy và trợ giảng cho các sinh viên và học viên thạc sĩ một số môn cơ bản. Việc các nghiên cứu sinh như tôi được tham gia giảng dạy không chỉ là cơ hội để trao đổi và củng cố kiến thức mà còn giúp tôi trau dồi kỹ năng sư phạm. Mỗi buổi dạy là một dịp để tôi ôn lại những kiến thức đã học và nâng cao khả năng truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng cho mọi người.

Bên cạnh việc học và dạy, một điểm rất thú vị của môi trường tại Thụy Điển là “giờ Fika”. Đây là thời gian các nghiên cứu sinh từ các ngành khác nhau trong trường cùng ngồi với nhau để uống trà, trò chuyện, trao đổi. Hoạt động này rất được coi trọng, vì ngoài việc thư giãn, đây còn là cơ hội để mọi người học hỏi lẫn nhau, có thêm kiến thức từ những ngành khác. Những liên kết này cũng mở ra cơ hội để học viên hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình học tập, nghiên cứu và cả trong công việc sau này”, anh Long chia sẻ.

Chia sẻ về dự định trong tương lai sau khi kết thúc chương trình tiến sĩ, anh Long cho biết sẽ trở về Việt Nam làm việc với mong muốn mang những kiến thức đã được học đóng góp vào việc giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.

“Tôi muốn biến điểm mạnh về nền tảng sinh học và môi trường của mình thành lợi thế để bảo tồn thiên nhiên và phục vụ đất nước. Các kỹ năng lãnh đạo và làm việc với cộng đồng mà bản thân trau dồi trong quá trình hoạt động ngoại khóa và làm việc sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, giúp tôi xây dựng câu chuyện về sự kết nối giữa khoa học tự nhiên và xã hội để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, góp phần phát triển và xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên Việt Nam”, anh Long bộc bạch.

Hồng Mai