Mặt trời và Thần chết là hai đối tượng mà con người không thể nhìn đối mặt.
Mặt trời thì quá chói còn Thần chết lại vô hình.
Thực ra, còn một thực thể nữa mà con người phải cúi đầu, nó vừa sáng lại vừa tối, vừa hữu hình nhưng lại khó - nếu không nói là không thể - quan sát được, đó là Hố đen (Black Hole).
Bên trong Hố đen là vùng tối không thể quan sát, còn vùng không gian bao phía ngoài - tên khoa học là Chân trời sự kiện (event horizon) - thì lại chói sáng bất thường.
Chính nhờ vòng sáng bất thường ấy mà con người biết được sự tồn tại của Hố đen, những gì ẩn chứa trong lòng Hố đen sẽ còn là bí mật nhiều thế kỷ, thậm chí là nhiều thiên niên kỷ nữa.
Xét về mặt “đẳng cấp” Hố đen nằm giữa Mặt trời và Thần chết.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra rằng, không chỉ Mặt trời, các thiên hà đôi khi cũng chỉ là “bữa sáng” của Hố đen.
Mặt trời và Thần chết là hai đối tượng mà con người không thể nhìn đối mặt. (Ảnh: express.co.uk) |
Còn Hố đen, dẫu có là chúa tể vũ trụ, có thể nuốt gọn thiên hà thì cũng có lúc bị suy tàn, cũng vẫn phải cúi đầu trước Thần chết.
Con người sợ Mặt trời, Mặt trời sợ Hố đen, Hố đen sợ Thần chết, vậy chẳng hóa ra Thần chết là bất tử, là uy lực tuyệt đối của vũ trụ?
Có lẽ không phải vậy.
Trong thế giới của những “Con” và “Người”, nếu có “Con” hoặc “Người” nào đó tự xem mình là mặt trời thì họ - trước khi sợ Thần chết - chẳng lẽ lại không cúi đầu trước Hố đen.
Tuy nhiên một số người mơ mộng, trong đó có các nhà khoa học, vẫn không ngừng nêu câu hỏi - được nhiều người cho là điên rồ - rằng các cấu trúc vật chất và sinh học, trong đó con người, sẽ tồn tại dưới hình hài nào khi rơi vào Hố đen?
Hỏi thế có nghĩa người ta hy vọng Hố đen không phải là nơi các cấu trúc - cả hữu cơ lẫn vô cơ - bị tiêu diệt, nó chỉ chuyển hóa “hình hài” các cấu trúc hữu hình thành các dạng mà Hố đen chấp nhận.
Dẫu mơ mộng thế thì người ta vẫn phải công nhận, rằng con người khi rơi vào Hố đen chắc chắn không thể biến thành ánh sáng bởi nếu là ánh sáng, loài người phải quan sát được.
Màu… trí tuệ(GDVN) - Không tồn tại khái niệm màu sắc của trí tuệ, tuy nhiên có hai lý do để cho rằng “trí tuệ có màu xám”. |
Liệu thế gian này có ai hay cái gì đó không sợ cả Hố đen lẫn Thần chết?
Nhiều người sẽ trả lời là không. Người viết cho rằng có một thứ, đó là Trí tuệ.
Hàng ngày, sóng phát thanh, truyền hình, các kính viễn vọng vô tuyến… chuyển vào không gian tất cả những gì mà trí tuệ con người phát hiện ra.
Các sóng vô tuyến ấy cũng như ánh sáng lan trong không gian và xuyên suốt thời gian kể cả khi loài người, trái đất, mặt trời hoặc thiên hà bị hủy diệt.
Hàng triệu vì sao mà loài người nhìn thấy trên bầu trời, nhiều ngôi đã không còn tồn tại, đã lụi tàn từ hàng nghìn, hàng triệu năm trước.
Chỉ có điều không thể biết, trí tuệ của nhân loại - hành khách được chuyên chở bởi chuyến tàu mã hóa dưới dạng sóng vô tuyến - có tìm thấy nơi dừng chân hay mãi mãi lang thang trong vũ trụ.
Trí tuệ là sản phẩm của vật chất nhưng lại không phải là vật chất, vì không phải là vật chất nên nó không thể bị Hố đen nuốt chửng kể cả khi xâm nhập vào bên trong vùng “Chân trời sự kiện”.
Trí tuệ không tồn tại dưới hình hài cụ thể, nó vô hình cũng như Thần chết và vì vậy nó không sợ Thần chết.
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa” |
Bản thân Thần chết - nếu quả có tồn tại - cũng không thể là vô thức, thực tế thì Thần chết cũng chỉ sản phẩm của trí tuệ, của sự tưởng tượng của con người, Thần chết cũng là công bộc của Trí tuệ.
Nói chính xác, sự sinh sôi và lụi tàn là quy luật khách quan của trời đất, không một lực lượng vật chất hay siêu nhiên nào - kể cả Thần chết - có thể thay đổi.
Nếu Trí tuệ có thể trở nên tuyệt đối thì quyền năng của Trí tuệ cũng tuyệt đối theo và có lẽ khi đó Trí tuệ sẽ thành bất tử.
Tuy nhiên, do sự ngu xuẩn của con người là không có giới hạn nên thật khó hy vọng đến một lúc nào đó sẽ có “Trí tuệ tuyệt đối”.
Dẫu chưa hoặc không thể đạt đến tuyệt đối, song chính Trí tuệ mới xứng đáng là quyền lực thống trị xã hội loài người.
Trí tuệ chứ không phải quyền lực tạo nên danh tiếng cho các vĩ nhân mặc dù lịch sử nhân loại vẫn ghi nhận tên tuổi của không ít kẻ cuồng bạo.
Loài người trên hành tinh này, tùy vào tín ngưỡng, tôn giáo cúi đầu trước Đức Phật, Chúa Trời, Thánh Allah, Mẫu Thượng Ngàn…
Thực ra các vị ấy trở thành tối thượng chính bởi sự suy tôn của con người, bởi Trí tuệ - trên con đường trở thành tuyệt đối - đôi khi cũng ngây thơ như đứa trẻ, cũng không tránh được nhầm lẫn khi khuyên bảo con người cúi đầu trước các thế lực siêu nhiên, thậm chí trước chính các thần tượng do mình tạo ta.
Kinh Phật, Kinh Thánh, Kinh Koran hay các học thuyết, chủ nghĩa không phải do các vị Thủy tổ biên soạn từ đầu đến cuối, nó được kế thừa, phát triển bởi các đệ tử nhiều thế hệ sau này.
Khi một cá thể hay một chủng tộc không coi trí tuệ là quý giá, xem trí tuệ chẳng khác gì chiếc khăn giấy có mùi thơm, dùng một lần xong là vứt bỏ, khi tiền tài, vật chất và quyền lực là mục đích sống tối thượng thì nghĩa là họ đã tự đánh mất khả năng có được “Quyền năng tuyệt đối” mà thiên nhiên ban cho, đã tự biến mình thành nô lệ.
Thế giới ngày nay vẫn đúng khi nói “một dân tộc không dám đấu tranh, dân tộc đó xứng đáng làm nô lệ” và càng đúng khi nói “một dân tộc coi thường trí tuệ là đào mồ cho chính mình”.
"Đùa trí tuệ” |
Làm nô lệ dù sao vẫn còn được sống, đào mồ cho chính mình thì quyền sống sẽ không còn.
Niềm tin của con người gửi gắm vào các Đạo đến nay đã được gần 3.000 năm. (Đạo Phật khoảng 2.500 năm, Đạo Thiên chúa là hơn 2.000 năm, Đạo Hồi khoảng 1.300 năm).
Kinh sách nếu để trên bàn chỉ là vật vô tri vô giác, nó chỉ có ý nghĩa khi con người đọc và làm theo.
Giáo lý trong kinh sách tự thân nó không phải là sức mạnh vật chất, sức mạnh của các Đạo được hình thành bởi niềm tin của đệ tử - trong phần lớn trường hợp - là tự nguyện.
Tuy nhiên lịch sử tôn giáo cũng cho thấy việc sử dụng quyền lực để cưỡng chế tín đồ đã từng xảy ra không chỉ với các nhà khoa học, những người đi trước thời đại như Galileo, Bruno,… mà còn cả với những thường dân bị tầng lớp tăng lữ liệt vào hàng những người dị giáo hoặc bị gán cho tội danh phù thủy.
Với dân chúng, niềm tin vào đạo chủ yếu thuộc lĩnh vực tinh thần, là sự dâng hiến không đòi hỏi.
Ngược lại, với tầng lớp chóp bu nó có phi vật thể, phi quyền lực hay không lại tùy thuộc vào từng cá thể và sự thật là không ít kẻ trục lợi từ vị thế có được trong đạo, trên lưng các tín đồ.
Mười điều răn của đạo Hồi liệt kê trong kinh Koran có những điều mà đệ tử các đạo khác cũng phải học tập, chẳng hạn “Tôn trọng quyền của người khác” (điều 3) hay “Hãy cư xử công bằng với mọi người” (điều 8).
Vì sao phật tử tin vào Kinh Phật, vì Phật chỉ khuyên bảo chứ không áp đặt. Phật không giáng tội cho kẻ làm trái ý Ngài, Phật chỉ cảnh báo hậu quả mà những kẻ tà tâm có thể phải nhận.
Cưỡng bức niềm tin không tạo nên sức mạnh, không giúp cho sự trường tồn của bất kỳ đạo nào.
Khi sự sống là đa dạng thì niềm tin cũng đa dạng theo, sự độc tôn trong giáo điều mà các đạo bắt buộc đệ tử phải tuân thủ, tiếc thay lại khiến các đạo trở nên không hoàn hảo.
Đạo Hồi yêu cầu chỉ tôn thờ duy nhất Thánh Allah, đạo Phật tuyên bố “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời, Ta là bậc tôn quý hơn cả), các giáo phái thuộc Kito giáo (đạo Thiên chúa) thì nói: “Ta là Thiên Chúa của ngươi. Ngươi không có Thiên Chúa nào khác ngoài Ta”.
"Trí tuệ nhân tạo có thể tiêu diệt nhân loại trong tương lai" |
Nhà khoa học thiên tài Albert Einstein (1879-1955) đã sử dụng hai từ ngữ khác nhau khi đề cập đến khoa học và tôn giáo:
“Khoa học thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo thiếu khoa học thì mù quáng" (Science without religion is lame. Religion without science is blind).
“Khập khiễng” hoàn toàn khác với “mù quáng”, khi con người tự ràng buộc niềm tin của mình vào một đạo duy nhất - thiếu cơ sở khoa học và không được dẫn dắt bởi trí tuệ - cũng là lúc họ từ bỏ quyền tự do, một bộ phận cấu thành quyền con người mà tạo hóa ban tặng, có phải đó chính là sự mù quáng mà A. Einstein đề cập?
Một người trí tuệ như A. Einstein liệu có chủ quan khi bàn đến sự hợp nhất các tôn giáo thành một tổ chức duy nhất mà ông gọi là “tôn giáo toàn cầu”?
Theo đó: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý…”.
Để hình thành nên “tôn giáo toàn cầu” cần đến sự hợp nhất hay thôn tính? Và trong quá trình đó - dù là “hợp nhất” hay “thôn tính” - liệu có tránh được sự phục dựng các dàn thiêu?
Không giống A. Einstein, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”.
Trong bài viết: “Quan điểm và ứng xử của Hồ Chí Minh với tôn giáo” đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị, Tiến sĩ Phạm Huy Thông bình luận về quan điểm của Hồ Chủ tịch như sau:
“Đã là bạn bè thân thiết và đều có một mục đích, lý tưởng chung giống nhau thì làm sao lại phải loại trừ nhau, tiêu diệt nhau? [2]
Ý kiến của Cụ Hồ cho thấy Người không xem sự độc tôn là cần thiết, và bằng cách nêu tên một số nhân vật đại diện cho các trường phái khác nhau, điều mà Người nhấn mạnh là dưới mái nhà chung của nhân loại, các đạo, các triết lý, chủ nghĩa vẫn có thể chung sống với nhau rất hoàn mỹ miễn là cùng mưu phúc lợi cho xã hội.
Tuy vậy nhận thức của mỗi cộng đồng, mỗi tập thể lại thường bị chi phố bởi một nhóm nhỏ, không ít trường hợp đó là ý chí chủ quan chứ không phải là sự thông tuệ.
Và phải chăng vì thế, mơ màng về sự độc tôn vẫn có đất sống dù có nơi, có lúc người ta buộc phải ngụy trang rất kỹ.
Sự thâu tóm quyền lực có thể tạo nên một nhân vật lịch sử, có thể thay đổi hiện trạng một xã hội để rồi sau này hậu thế gọi là “giai đoạn lịch sử”, song sẽ là sai lầm nếu đinh ninh rằng bằng cách đó người ta đã tạc vào lịch sử chân dung của chính mình.
Nhân loại càng văn minh, trí tuệ càng phát triển sẽ khiến quyền lực thiểu số dần mai một.
Nếu một lúc nào đó nhân loại đạt đến ngưỡng “Thế giới đại đồng” thì cũng là lúc Trí tuệ chứ không phải quyền lực chính trị trở thành khát vọng của mỗi công dân toàn cầu.
Mỗi con người, dù nhỏ bé nhất vẫn đóng góp một nét vẽ trong bức tranh lịch sử nhân loại, nếu có thể từ tương lai nhìn về Trái đất, dẫu có là Mặt trời hay Thần chết thì cũng chỉ là một dấu chấm nhỏ nhoi.
Vậy nhưng vẫn có người muốn mình thành Mặt trời hoặc Thần chết, sao vậy nhỉ?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/3049/Albert_Einstein_va_dao_Phat