Vấn đề sông Mê Kông – cần đưa vào chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc

17/03/2016 06:55
Xuân Dương
(GDVN) - Không khó để nhận ra, cả Trung Quốc và Thái Lan đang biến nguồn nước sông Mê Kông thành thứ vũ khí lợi hại trong chiến tranh kinh tế.

Được biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị cơ quan chức năng yêu cầu Trung Quốc xả nước các đập thủy điện phía thượng nguồn (Vân Nam) để giải quyết tình trạng xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long.

Việc Trung Quốc đồng ý xả nước không cứu vãn được thiệt hại năng nề mà người nông dân Việt Nam phải gánh chịu. 

Tại Nam Bộ, vụ Đông Xuân này trong số 139.000 ha lúa có 86.000 ha thiệt hại trên 70%, 43.000 ha thiệt hại từ 30% - 70%. Ngoài lúa còn 24.000 ha nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng do độ mặn trong nước tăng cao. [1]

Các nhà khoa học, ngoại giao, nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo việc Trung Quốc và một số quốc gia khác xây đập thủy điện trên sông Mê Kông, bơm nước “nắn” dòng khiến nguồn nước ngọt xuống hạ lưu bị cạn kiệt.
 
Cùng với hiện tượng nước biển dâng cao do băng tan vùng cực, việc thiếu nước ngọt bổ sung chính là nguyên nhân khiến nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền năm nay. 

Lúa bị chết khô vì không có nước tưới. (Ảnh: laodong.com.vn)
Lúa bị chết khô vì không có nước tưới. (Ảnh: laodong.com.vn)

Đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ không thể mất vào tay quân xâm lược nhưng chuyện vựa lúa ở đây bị mất không còn là nguy cơ mà đã hiển hiện từng ngày. 

Mất vựa lúa lớn nhất cả nước sẽ đe dọa an ninh lương thực quốc gia, đe dọa trực tiếp đời sống hàng triệu con người. Viễn cảnh thảm họa ấy có thể còn lớn hơn so với thảm họa hạt nhân Fukushima mà nước Nhật gánh chịu.

Trên thế giới “chiến tranh nước ngọt” không phải là chưa từng xuất hiện. Năm 1999 Israel và Jordan xảy ra tranh chấp lượng nước sông Yarmouk, năm 2002 Israel và Lebanon cũng xảy ra tranh chấp về nguồn nước sông Litani. 

Cuộc chiến giữa các quốc gia thế kỷ 21 không chỉ là về dầu mỏ, các nguồn tài nguyên khoáng sản khác mà còn vì nguồn nước ngọt, điều này đã từng được cố Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros Ghali cảnh báo.

Một số nước có chung các dòng sông đã ngồi với nhau, đã đưa ra quy tắc sử dụng nguồn nước hết sức cụ thể chẳng hạn mỗi năm mỗi quốc gia được bơm bao nhiêu mét khối nước vào hồ chứa của mình.

Bất chấp cảnh báo của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc không chỉ ngăn sông Mê Kông làm thủy điện mà còn có kế hoạch “nắn” dòng đưa nước vào nội địa. 

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan đầu tư 1,8 tỉ USD cho việc xây hồ chứa và bơm nước sông Mê Kông vào dự trữ trong các hồ này.

Ba trạm bơm lớn mỗi giờ hút 129.600 mét khối nước chuyển vào vùng Đông Bắc Thái cũng góp phần làm cạn kiệt nguồn nước Mê Kông.

Ai cũng biết những năm gần đây, Việt Nam nổi lên là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo Việt Nam cạnh tranh gay gắt với gạo Thái trên thị trường quốc tế không phải là điều bí mật gì. 

Là quốc gia từng cho Mỹ đặt sân bay quân sự chứa máy bay B52 đánh phá Việt Nam, từng ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979, ngày nay Thái Lan đang từng bước trở thành đồng minh thân cận của Trung Quốc, sẽ không có gì khó hiểu nếu hai quốc gia này liên kết bức tử sông Mê Kông. 

Nếu điều đó trở thành hiện thực, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào đồng bằng Nam Bộ, một vùng rộng lớn sẽ không thể cấy lúa, gạo Thái sẽ bớt đối thủ trên thương trường.

Không khó để nhận ra, cả Trung Quốc và Thái Lan đang biến nguồn nước sông Mê Kông thành thứ vũ khí lợi hại trong chiến tranh kinh tế. 

Chính vì thế kêu gọi Trung Quốc xả nước có thể là hành động mang tính cảnh báo quốc tế chứ không phải là việc cần làm, càng không nên có bất kỳ ảo tưởng nào vào lòng tốt của chính quyền các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. 

Trong khi kêu gọi Trung Quốc xả nước, liệu chúng ta có dự phòng trường hợp, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khi chúng ta hoàn thành chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng thích nghi với hiện tượng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, tất cả các đập thủy điện của họ sẽ đồng loạt xả nước? 

Nhất thủy nhì hỏa, sự tàn phá của nước lũ liệu có bị ai đó biến thành thứ vũ khí mà sức mạnh của nó không kém gì vũ khi hạt nhân. Sẽ là thế nào nếu dòng nước lũ cuồn cuộn đổ về cuốn trôi những công trình thủy lợi sẽ xây dựng, làm ngập các khu vực nuôi trồng thủy sản nước mặn hoặc nước lợ?

Phá hoại nền kinh tế đối phương nhằm làm suy yếu tiềm lực quốc phòng, gây hoang mang trong dân chúng không phải là âm mưu khó nhận diện. 

Người viết cho rằng, không còn sớm để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên sông Mê Kông giống như quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà các quốc gia Đông Nam Á đang theo đuổi. 

Cần có những nỗ lực để đưa vấn đề vào chương trình nghị sự của ASEAN và Liên Hợp Quốc. Cần có quy định bắt buộc các nước thượng nguồn phải bảo đảm lưu lượng dòng chảy trên sông, không được phép tùy tiện tích nước hay xả lũ. 

Người viết kiến nghị Nhà nước cần phải đưa vấn đề quản lý sông Mê Kông vào chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc chứ không phải chỉ trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Kông. 

An ninh lương thực của Việt Nam cũng là anh ninh lương thực toàn cầu, phải bằng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế bắt buộc các quốc gia có lợi ích liên quan đến sông Mê Kông phải tuân thủ quy ước quốc tế.
 
Chậm trễ đưa vấn đề lên bàn nghị sự Liên Hợp Quốc sẽ chỉ tạo cơ hội cho những quốc gia thượng nguồn lợi dụng, sẽ là thảm họa với hàng triệu nông dân mà cuộc sống gắn liền với ruộng đồng. 

Theo chiều ngược lại, chúng ta có nên quá lo lắng khi đồng bằng sông Cửu Long không còn là vựa lúa? Liệu điều đó chỉ gây thiệt hại cho nông dân Việt Nam?

Năm 2015 Việt Nam xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo, riêng Trung Quốc nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn (chưa kể một lượng lớn nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới). 

Thống kê cho thấy Trung Quốc nhập từ 30% đến 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Gạo Việt Nam nhập khẩu được các nhà buôn Trung Quốc đánh bóng lại, đóng bao bì ghi xuất xứ từ Trung Quốc bán ra thị trường. 

Họ kiếm lãi bao nhiêu từ hạt gạo Việt Nam? Khi Trung Quốc mất mùa gạo Việt Nam cũng góp phần nhất định vào việc giảm khó khăn cho đất nước đông dân nhất thế giới này.   

Với 3 tỷ đô la thu được từ xuất khẩu gạo, chúng ta phải mất hàng tỷ đô la để nhập giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu và các vật tư nông nghiệp khác, vậy có cần thiết sản xuất quá nhiều lúa gạo cho mục đích xuất khẩu? Trả lời câu hỏi này không phải quá khó. 

Các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam,… người dân đã lấy nước mặn, nước lợ từ biển hoặc mép ngoài đê bao biển vào ao nuôi trên cát để nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ao nuôi tôm trên cát tại xã Trung Trạch - Bố Trạch – Quảng Bình. (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Ao nuôi tôm trên cát tại xã Trung Trạch - Bố Trạch – Quảng Bình. (Ảnh: Báo Quảng Bình)

Giá thủy sản tại Khánh Hòa từ 15/1 – 21/1/2016 (Thông tin từ Vasep), tôm thẻ chân trắng khoảng 175.000-195.000 đ/kg. Chỉ sau 2,5-3 tháng nuôi, lợi nhuân thu được trên 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng vào khoảng từ 200-400 triệu đồng, lợi nhuận ấy, người trồng lúa không bao giờ có được. 

Theo GS Võ Tòng Xuân, ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng đã hình thành vùng nuôi tép rộng 11.000 ha, hiệu quả nuôi tép gấp 4–5 lần so với trồng lúa. [2]

Mất vựa lúa chưa hẳn là thảm họa, vấn đề là ngay hôm nay, Nhà nước cần quy hoạch lại đồng bằng sông Cửu Long dựa trên bản đồ ngập mặn, có tính đến hiện tượng băng tan, nước biển dâng cao trong nhiều thập kỷ tới. 

Cũng cần phải tính tới cả khả năng nước sông Mê Kông trở thành vũ khí mà ai đó muốn sử dụng để đe dọa an ninh quốc gia chúng ta. 

Các vùng ngập mặn thường xuyên sẽ trồng rừng, vừa để phòng hộ, vừa tạo môi sinh cho hải sản như tôm, cá, cua, ốc… Vùng nhiễm mặn cải tạo để nuôi trồng thủy sản nước lợ, giữ lại những vùng có điều kiện ngọt hóa cho trồng cây lương thực, hoa quả…

Cần tiến hành ngay việc đào hồ trữ nước ngọt, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, vừa để sản xuất nông nghiệp. 

Không nên nghĩ đến chuyện đắp đê biển ngăn mặn hay xây kè trên sông để điều tiết lượng nước ngọt chảy ra biển. Sự đề phòng này là không thừa khi mưa lớn và các quốc gia thượng nguồn - với các ý đồ khác nhau – tiến hành xả lũ, lúc đó hệ thống đê kè sẽ ngăn cản việc thoát lũ, thiệt hại là điều không thể tránh khỏi. 

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hạn chế việc chuyển đổi, thu hồi đất lúa, thực tế dường như chủ trương này không được các địa phương xem trọng. 
Năm 2009 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo mỗi năm bình quân khoảng 73.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi để làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf... 

Cánh đồng có thể cấy hai vụ lúa giờ bỏ hoang ở Gia Lâm – Hà Nội (Ảnh: Xuân Dương)
Cánh đồng có thể cấy hai vụ lúa giờ bỏ hoang ở Gia Lâm – Hà Nội (Ảnh: Xuân Dương)

Ngay đầu năm 2016 này từng đoàn xe “hổ vồ” vẫn ùn ùn chở cát phục vụ san lấp mặt bằng tại các tỉnh vựa lúa miền Bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên… 

Đồng bằng Sông Hồng thu hẹp từng ngày là điều ai cũng nhìn thấy, nông dân bỏ ruộng, những cánh đồng hai vụ lúa với hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh giờ là nơi cỏ mọc không khó tìm ở bất kỳ địa phương nào.

Bảo vệ vựa lúa còn lại của đồng bằng Sông Hồng cần xem là nhiệm vụ khẩn cấp liên quan đến an ninh lương thực quốc gia vì dù không muốn chúng ta cũng phải chấp nhận tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lan rộng trên đồng bằng sông Cửu Long.

Cần phải xem tình trạng nhiễm mặn tại Nam Bộ chỉ là dịp để cơ cấu lại nông nghiệp chứ không phải là thảm họa. 

Nông nghiệp Việt Nam chỉ cần sản xuất đủ gạo nuôi sống 90 triệu người Việt, chúng ta không nhất thiết phải sản xuất gạo bán rẻ cho các nước để người ta lại bán đi kiếm lời [3] còn nông dân Việt mãi vẫn chỉ là người làm thuê trên đồng ruộng của chính mình.

Chúng ta từng đề ra khẩu hiệu “sống chung với lũ”, cần thiết phải có khẩu hiệu “sống chung với mặn” chứ không phải là “chống mặn”. 

Khả năng của con người là vô hạn nhưng chống lại thiên nhiên không phải lúc nào cũng thành công nếu không nói là không thể.

Sinh ra từ thiên nhiên, sống chung với thiên nhiên, đó chính là văn hóa sống mà con người văn minh cần phải hướng tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://laodong.com.vn/phong-su/bao-kho-can-quet-dong-bang-528603.bld

[2] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/293973/da-co-cach-lam-giau-tren-canh-dong-ngap-man.html

[3]http://nld.com.vn/kinh-te/gao-viet-nam-mang-thuong-hieu-trung-quoc-2016022909352038.htm

Xuân Dương