Án oan và trộm chó, khác biệt chỗ nào?

07/01/2015 07:44
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) -Vì sao lại phải có một nghị quyết của Quốc hội về án oan, sai? Án oan, sai chỉ là hiện tượng cá biệt hay đang xảy ra hàng ngày mà chưa có liều thuốc đặc trị?

Ngày 24/6/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 74/2014/QH13 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015. Trong đó, tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan là một trong những nội dung được giám sát tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII.

Ngày 31/5/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên án tử hình đối tượng trộm chó và bắn chết người. Ngày 30/12/2014, phiên tòa hình sự sơ thẩm, tòa lưu động của TAND TP.HCM đã tuyên án tử hình kẻ cầm đầu nhóm 4 bị cáo “cẩu tặc” phạm tội giết người và trộm cắp tài sản.

Ông Nguyễn Thanh Chấn
Ông Nguyễn Thanh Chấn

Án oan và trộm chó có những điểm giống và khác nhau rất dễ nhận thấy. Án oan sai có thể xảy ra cả ở thành thị, nông thôn hay miền núi, trộm chó chủ yếu chỉ xảy ra ở những miền quê nghèo,  điểm chung giữa hai hiện tượng là việc xử án. Với án oan sai, việc xử án được thực hiện hoàn toàn đúng quy trình, từ khởi tố, điều tra đến cáo trạng và xét xử, chỉ cần một trong các khâu làm không đúng là sẽ có án oan khiến người vô tội phải chịu cảnh tù đầy. 

Án oan và trộm chó, khác biệt chỗ nào? ảnh 2Sự thật nào cho vụ nổ súng chết người ở thành phố Hồ Chí Minh?

(GDVN) - Tất cả vẫn chỉ là thông tin một chiều do Công an cung cấp, Cần phải chứng minh được Công an đã hành động đúng chứ không phải là chứng minh nhóm lái xe sai.

Với bọn trộm chó, phần lớn trường hợp người dân chẳng cần điều tra xét xử, chẳng cần tòa án nào được lập, đơn giản là người dân tự biến mình thành quan tòa, nhẹ thì đốt xe máy, nặng thì đánh chết kẻ trộm. Dù thế nào đi chăng nữa vẫn có một câu hỏi cần phải được trả lời: “Liên quan đến hai trường hợp nêu trên, những người được đào tạo, am hiểu luật pháp và những người dân nghèo miền quê ai có lỗi nhiều hơn?”.

Vì sao lại phải có một nghị quyết của Quốc hội về án oan, sai? Án oan, sai chỉ là hiện tượng cá biệt hay đang xảy ra hàng ngày mà chưa có liều thuốc đặc trị?

Tại Bình Phước từ 2011 đến 2014 hàng chục vụ án oan sai phải đình chỉ điều tra, hủy án, trả tự do và bồi thường cho nạn nhân. [1] Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an thành phố thì cơ quan này đã tập hợp được tài liệu về án oan sai của Công an 17 quận, huyện và đang tiếp tục nỗ lực rà soát thêm. [2]

Báo Dân Trí ngày 20/9/2014 trong bài: “Người đàn ông được tuyên vô tội sau hơn 1.000 ngày oan trái” có đoạn: “Sau hơn 5 năm bị buộc tội, 4 năm trong trại tạm giam, sau 7 bản kết luận điều tra, 4 bản cáo trạng, 8 lần xét xử và trả hồ sơ, đến chiều 17/9/2014, anh Trần Minh Anh, sinh năm 1961, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội đã được TAND TP Hà Nội tuyên vô tội sau hơn 1.000 ngày đằng đẵng đi tìm công lý”.

Các vụ án oan với ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội)  đã khép lại với kết luận tòa phúc thẩm xử sai, còn bao nhiêu vụ mà người bị oan vẫn phải âm thầm chịu đựng?

Theo một thống kê mà báo Nhân Dân đăng tải, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là trên dưới 2%. [3]  Số liệu trong “Báo cáo công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm” do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trình bày trước Quốc hội ngày 25/10/2014 cho thấy, chỉ trong hơn 10 tháng của năm 2014 “số vụ án khởi tố mới là 77.913 vụ với 121.039 bị can, đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 68.520 vụ với 124.714 bị can. [4]

Các số liệu trên tuy chưa phải là của cả năm 2014 song không cần phải có số liệu cả năm mới có thể nêu các nhận xét. Với 68.520 vụ việc bị đề nghị truy tố, nếu tất cả đều được đưa ra xét xử thì sẽ có 1370 vụ có nguy cơ oan sai do lỗi chủ quan của thẩm phán (với tỷ lệ 2% đã nêu). Về phía điều tra của công an, như số liệu đã dẫn ở Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội có thể thấy sai sót ngay từ khâu điều tra là một thực tế, tuy nhiên cho đến nay chưa có một điều tra cụ thể nào công bố tỷ lệ sai sót này là bao nhiêu phần trăm.

Giả thiết rằng những sai sót trong điều tra dẫn đến oan sai tương đương với tỷ lệ sai sót khi xử án, nghĩa là cũng khoảng  2%  thì tổng số vụ có nguy cơ oan sai từ khâu điều tra đến xét xử tính một cách số học sẽ là 4% tức là khoảng 2740 vụ. Về số người có khả năng bị oan, với 124.714 bị can bị khởi tố nếu chia  bình quân theo tỷ lệ 4%  sẽ vào khoảng 5.000 người. Nếu thực tế phù hợp với tính toán thì đây quả là một con số quá lớn không thể xem là chuyện bình thường.

Nên nhớ đây chỉ là số liệu của 10 tháng năm 2014, nếu tính thêm các năm trước đó thì số lượng người có nguy cơ bị xử oan không dừng ở con số dự đoán trên.

Phải chăng chính những con số biết nói này đã khiến Quốc hội phải ban hành nghị quyết 74/2014/QH13?. Nghị quyết của Quốc hội có phải là một sự báo động về chất lượng của công tác điều tra, xét xử của các cơ quan hành pháp, tư pháp thời gian qua?

Án oan và trộm chó, khác biệt chỗ nào? ảnh 3Đánh cắp xấu hổ

(GDVN) - Con người ta có được sự xấu hổ mới có được bản lĩnh, một người, một gia đình, một dòng họ hay một dân tộc, khi sự xấu hổ bị đánh cắp thì không còn gì để mất.

Án oan không phải chỉ ảnh hưởng đến những người trong cuộc mà còn là nỗi bức xúc của cả xã hội. Trong khi đó việc sửa sai lại được tiến hành rất chậm chạp, chẳng hạn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì thời hạn tối đa là 45 ngày phải giải quyết xong, cho đến nay đã hơn 4 tháng kể từ ngày Tòa phúc thẩm TAND Tối cao mời gia đình ông Chấn đến làm việc vẫn chưa thấy công bố kết quả bồi thường.

Có những yêu cầu rất không nhân văn khi đòi hỏi người bị hại muốn được bồi thường phải chứng minh được rằng họ bị thiệt hại về danh dự, nhân phẩm… Có thể điều này là một quy định trong luật, song nếu luật không hợp lý thì phải sửa luật chứ không thể đánh đố người dân, không thể cò kè, mặc cả danh dự, nhân phẩm của người bị hại như mua một món hàng.

Với những kẻ trộm chó, vì sao người dân lại bức xúc đến nỗi không cần tuân thủ pháp luật. Có thể nhận thấy kẻ trộm và người mất trộm đều là những người nghèo, phần lớn họ ít được giáo dục về luật pháp, về quyền công dân và quyền con người. Nhưng phải chăng còn lý do khác là họ không tin vào việc bắt kẻ trộm giao cho chính quyền sẽ dẹp được nạn trộm cắp?

Chừng nào “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” thoái hóa, biến chất vẫn còn nắm trọng trách ở địa phương thì chừng đó nỗi bức xúc của người dân sẽ vẫn không được giải tỏa và phản ứng tự phát là điều có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Sự manh động của bọn trộm chó dẫn đến phạm tội giết người như ở thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh cho thấy chúng đã nhờn luật. Án tử hình với bọn “cẩu tặc” mà Tòa án nhân dân TP. HCM và Bắc Ninh đã tuyên là hoàn toàn chính xác nhưng sẽ không giúp làm giảm nạn trộm chó nếu chính quyền cơ sở không giám sát chặt chẽ tội phạm trên địa bàn.

Án oan là vấn đề mang tầm quốc gia vì thế Quốc hội mới phải ban hành nghị quyết; trộm chó chỉ là chuyện đơn lẻ và hầu hết diễn ra ở nông thôn, miền núi, nhưng nỗi bức xúc của người dân thì hoàn toàn giống nhau. Giải quyết những việc lớn nhưng cũng không thể quên các việc nhỏ.

“Phép vua thua lệ làng”, nếu “việc làng” không được xử lý ổn thỏa thì việc nước sẽ bộn bề khó khăn. Sống ở làng mấy chục năm nhưng được mời gặp gỡ lãnh đạo xã, huyện để trao đổi tâm tư, nguyện vọng thì gần như không có.

Mong muốn không còn án oan sai cũng như không có bọn trộm vặt có thể không bao giờ đạt được, nhưng ít nhất các cơ quan chức năng phải nhận thấy nỗi bức xúc đang tích tụ trong dân chúng để thay đổi lề lối làm việc. Trước mắt là loại bỏ những “kẻ trộm” đang trà trộn vào hàng ngũ công chức, viên chức, đang hàng ngày móc túi người dân như lời Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu “ăn của dân không từ một cái gì”.

Huyện, tỉnh ở xa mà kẻ trộm thì rất gần, nghịch lý này chỉ người dân là thấu hiểu. Xử tội bọn trộm chó thì dễ, xử tội người móc túi dân sao lại khó thế?

Tài liệu tham khảo

[1] .http://www.thanhnien.com.vn/nhip-song-dia-phuong/nhieu-an-oan-o-binh-phuoc-522380.html

[2]http://laodong.com.vn/chinh-tri/uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-giam-sat-tinh-hinh-an-oan-sai-tai-tphcm-279835.bld

[3]http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_chinhtri/_mobile_tintucsukien/item/21592602.html

[4]http://www.anninhthudo.vn/thoi-su/hieu-qua-dau-tranh-phong-chong-toi-pham-da-nang-cao-ro-ret/577583.antd

XUÂN DƯƠNG