Binh pháp quan trường, kế thứ 6 – “Đòn gió bẻ măng”

18/02/2015 09:49
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Anh đồ tỉnh, anh đồ say/Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Đôi lời cùng bạn đọc đầu xuân Ất Mùi:

Người viết “bị nhắc nhở” nhiều lần là còn nợ mấy kế của Binh pháp quan trường, dù anh em biên tập ưu ái động viên nhưng vẫn biết cái nghề “bán chữ” ngày nay nếu mà qua sát hạch như mấy ông đồ ở Văn Miếu thì chắc là trượt đầu nước, vậy nên do dự mãi mới quyết định viết tiếp.

Binh pháp quan trường gồm 9 kế, kế thứ 9 đăng cũng đã lâu rồi, trình tự của các kế là tùy theo nấc thang thăng tiến. Xin ghi ra đây để bạn đọc tiện tham khảo:

Kế thứ nhất: Buôn thần bán thánh

Kế thứ hai: Tân tạo nhân diện

Kế thứ ba: Bắt quàng làm họ

Kế thứ tư: Chọc gậy bánh xe

Kế thứ năm: Đa ngân đắc tước

Kế thứ sáu: Đòn gió bẻ măng

Kế thứ bảy: Liều mình cứu phó

Kế thứ tám: Ngôn pháp Tà Lưa

Kế thứ chín: Lót ổ sân sau

Nhân dịp năm Ất Mùi, xin cảm tạ bạn đọc đã ưu ái đọc và gửi bình luận các bài của Xuân Dương trên Giáo dục Việt Nam. Xin cảm ơn Lãnh đạo và anh em tòa soạn đã động viên gợi ý cho các bài viết bên cạnh các … “phong bì”.

Năm mới, cầu chúc mọi người, mọi gia đình an bình, vui vẻ

Thân kính: Xuân Dương.

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương để lại cho hậu thế rất nhiều bài thơ có thể nói vừa thâm thúy, vừa “chanh chua” mà lịch sử văn đàn Việt Nam chưa có người thứ hai viết được những vần thơ như thế. Một trong số đó là bài “phê bình” Chiêu Hổ:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say

Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày

Này này chị bảo cho mà biết

Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Chiêu Hổ có thật vừa tỉnh, vừa say không chỉ mình  Xuân Hương biết, nhưng có thể đoán, ấy là Chiêu Hổ đang dụng kế mượn gió bẻ măng, vờ say nhưng mà tỉnh.  Say thì mới có thể “làm liều”, mới dám “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, còn tỉnh thì mới có cơ hội để tạo nên “hùm con” chứ mà say thì ngủ tít thò lò còn đâu biết đến “hang hùm” hay hang…cá riếc!

Thân gửi quý độc giả, đôi lời của tác giả Xuân Dương cũng chính là thành ý mà Tòa soạn cũng muốn gửi đến quý vị. Nay chỉ xin nói thêm rằng, loạt bài "Binh pháp quan trường" chứa đựng những ấp ủ đầy nhiệt huyết của tác giả Xuân Dương. Ông đã phải chắt chiu kiến thức, kinh nghiệm và cả tấm lòng để viết ra những bài viết ấy.

Loạt bài gồm 9 kế, đã được bắt đầu gửi đến quý vị từ trong năm.

Nhân dịp tết đến xuân về, từ hôm nay, Tòa soạn sẽ giới thiệu 3 kế còn lại. Các bài khác, quý vị có thể xem lại trong phần tin liên quan mỗi bài.

Xuân mới, kính chúc quý vị sức khỏe, gia đạo vững vàng, hòa thuận, an lành, hạnh phúc.

Nhưng sao “mượn gió bẻ măng” thì lại phải nửa tỉnh, nửa say, mà say hay tỉnh thì liên quan gì đến binh pháp quan trường? Thôi thì bà con thông cảm, đôi lúc cũng phải vòng vo tam quốc một tí cho bài viết dài thêm chứ mà viết kiểu dùi đục chấm mắm cáy thì … nhuận bút ít lắm.

Người dân sơn cước, mùa xuân vào rừng vầu, rừng luồng nhìn quanh các khóm cây thấy chỗ nào đất bị đội lên, dùng xẻng hay mai xắn xuống vài chục phân là thấy củ măng vừa to vừa non việc gì phải bẻ? Nguyên nhân có lẽ nằm ở chỗ câu thành ngữ này là của người đồng bằng và măng ở đây là măng tre, cây tre mọc thành bụi có nhiều tay gai quấn quýt nên muốn đào củ sát gốc là rất khó khăn, có khi cây măng mọc cao một, hai mét mới nhìn thấy. Muốn ăn măng, hay muốn tre không lan rộng thì tất phải bẻ, bẻ măng bao giờ cũng dễ hơn chặt tre, bẻ hết măng thì chỉ một vài năm, lũy tre chỉ còn lại tre già, chẳng mấy chốc là long cả gốc.

Mượn gió bẻ măng rủi có bị chủ nhà trông thấy thì có thể chối bay chối biến, rằng măng bị gãy là do gió thổi chứ không có ai động vào. Đấy là chưa nói khi gió lay ào ào, cành gãy, lá rụng chủ nhà còn bận dọn sân, đóng cửa thời gian đâu mà trông nom bụi tre ngoài ngõ.

Điều này những kẻ ôm mộng bá vương hiểu quá rõ, khi bão IS quét ở châu Phi, khi gió mang khói lửa tràn đến Ukraina ở châu Âu, khi nước chủ tịch luân phiên Asean - Malaysia rơi liền một lúc hai máy bay chở khách thì chủ nhà lo tối mặt tối mũi, vậy là thời cơ tốt cho cho việc bẻ dần từng chiếc đũa Asean, cho lấn biển, chiếm đảo.

Chuyện đông, chuyện tây nó xa vời quá, nó ở tận đẩu tận đâu thì bận tâm cũng chẳng giải quyết được điều gì. Còn chuyện ở ngay đầu ngõ, ngay ở bụi tre làng, nếu măng mọc cao rồi mà trời lại không có gió thì làm sao để bẻ?

Chuyện ấy nhỏ như con thỏ, không có gió thì tung “đòn gió”, chiêu này các cao thủ “bẻ măng” chẳng ai là không biết, nhưng ra được chiêu này thì lại phải thuộc hàng tôn sư môn phái mà trong thế giới  “võ lâm @” con số đếm được chưa kín mười ngón tay. 

Chính vì thế “mượn gió bẻ măng” tuy là võ công thượng thừa nhưng vì phải dựa vào sức “gió ngoại” nên chưa thể gọi là tuyệt đỉnh công phu, tự mình tạo ra “gió” mới là tuyệt đỉnh công phu.  

Chiêu tung “đòn gió” người mình sáng tạo từ thời tám hoánh nào rồi thế giới mới học lỏm, cái đám học lỏm ấy lại cứ huyênh hoang đòi vượt mặt tổ sư, kể cũng lạ. Các bậc cao nhân về “gió thuật” chỉ quan tâm tới  “đòn gió bẻ măng” chứ mấy ai hạ mình dùng chiêu “mượn gió bẻ măng”.

Còn nhớ chuyện hàng trăm bài báo nói về hoa quả Trung Quốc nhiễm độc bày bán công khai tại nước ta khiến nhiều người lo ngại thì lập tức xuất hiện “đòn gió”, rằng táo Mỹ cũng nhiễm độc khiến cho người tiêu dùng chẳng biết tin vào “Táo” nào, thế cho nên ngày 22/1/2015 VTC.VN phải có bài mang tựa đề “Táo Mỹ nhiễm độc chưa nhập khẩu vào Việt Nam”.

Lại còn một cú “đòn gió” liên quan đến “Táo” rằng “Lời thoại trong chương trình Táo quân 2015 khá dung tục và phản cảm, đi trái ngược lại với thuần phong mỹ tục”. [1] 

Chương trình chưa lên sóng, chỉ khi nào phát người dân mới biết lời thoại phản cảm hay không, nhưng để đến lúc đó thì lại quá muộn, chi bằng nhờ truyền thông tung một “đòn gió”, nhất cử lưỡng tiện. Vừa nhắc khéo nhà đài, vừa chứng tỏ Cục Nghệ thuật biểu diễn đã làm rất tốt chức trách của mình.

Gần đây có chuyện “con ruồi” trong chai nước giải khát khiến công an phải vào cuộc, chả cần bàn chuyện đúng sai, chuyện con ruồi nằm ở trong chai khi xuất xưởng hay được “đóng” vào chai  ở đâu đó, chỉ biết “đòn gió” này đã dấy lên phong trào tẩy chay nước giải khát của hãng Tân Hiệp Phát trên mạng xã hội.

Chuyện ăn uống còn thế thì chuyện “đòn gió ghế trường” đương nhiên là khủng khiếp hơn nhiều, chỉ với đòn “cô hầu phòng” mà cựu Tổng Giám đốc quỹ tiền tệ quốc tế IMF Dominique Strauss-Kahn thân bại danh liệt. 

Dư luận đều biết Dominique Strauss-Kahn là nhà kinh tế hàng đầu thế giới, với  cương vị Tổng Giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế và cũng là thành viên chủ chốt trong đảng Xã hội, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy ông là một đối thủ tiềm năng cho cuộc đua vào ghế tổng thống Cộng hòa Pháp. 

Chỉ với tố cáo của cô hầu phòng và cú điện thoại từ người phụ trách an ninh của tập đoàn Accor  tới người phụ trách tình báo của phủ tổng thống Pháp là sự nghiệp chính trị của Dominique Strauss-Kahn vĩnh viễn bị chôn vùi. 

Ngày nay, bên cạnh chiêu “cô hầu phòng” và chiêu “điện thoại” còn những chiêu “độc” khác, chẳng hạn chỉ cần “hà hơi” vào mấy cái blog là lập tức bão nổi cuồn cuộn với tốc độ ánh sáng, bay còn chả kịp chứ đừng nói vắt chân lên cổ. 

Đi đêm lắm thế nào cũng có ngày gặp ma, gieo gió thì gặt bão, còn nếu mà quá chăm chỉ đến chuyện “tung đòn gió” thì thì chưa biết lúc nào gặp phải địa chấn nên dù là cao thủ đai đen về  “đòn gió” thì cũng nên học tập ông Boris Nikolaevich Yeltsin của nước Nga.

Từ điển Bách khoa mở wikipedia  viết: “Tháng 8 năm 1999, Yeltsin chỉ định Vladimir Putin làm thủ tướng và thông báo ý định muốn đưa Putin làm người kế vị. Ngày 31/12/1999, Yeltsin từ chức, theo Hiến pháp Nga, Thủ tướng Vladimir Putin trở thành tổng thống tạm quyền cho tới khi các cuộc bầu cử mới được tổ chức. 

Một điều kiện được cho là cần thiết để Putin có được sự ủng hộ của Yeltsin là Putin phải đảm bảo rằng Yeltsin cũng như toàn bộ các thành viên "Gia đình"  sẽ không bị truy tố vì các tội danh sử dụng quân đội trái hiến pháp, chống lại nghị viện hợp pháp, vi phạm các điều luật, tham nhũng, ăn hối lộ hay lừa dối…”. [2]

Làm được như B. Yeltsin thế giới phỏng có mấy người? Chi bằng cứ “noi gương” các bậc cao nhân “nhiều hàng chục chữ” bên hàng xóm, chuyển tuốt tuồn tuột của nả sang các xứ cờ sao, cờ sọc, cờ … chuột túi, hễ mà “động” một cái là xin chào các bác em “đi”.

Báo Đất Việt hôm 3/2/2015 đăng ý kiến của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên cao cấp của Liên hợp quốc, rằng trong 6 năm qua 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp, rằng  phía sau con số ấy là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng…”.

Trong khi ông Việt rất thận trọng nên chỉ nói là “có dấu hiệu tham nhũng” thì Vietnamnet.vn dẫn lời ông Nguyễn Trí Hiếu – một chuyên gia kinh tế, rằng: “Số lượng tiền lớn như vậy đã được chuyển ra nước ngoài chỉ có thể bằng con đường bất hợp pháp. Hay nói cách khác là thông qua việc rửa tiền và tham nhũng”. [3]

Tham nhũng kinh tế kiểu như Dương Chí Dũng cũng mới chỉ vài triệu đô la, còn lên đến hàng nghìn triệu đô la như ông Vũ Quang Việt phỏng đoán thì chắc phải là nhiều người, lại không phải là bọn tham nhũng vặt mấy con dê, mấy gói mì tôm, đây là một loại “New tham nhũng”, dẫu đã tồn tại lâu năm nhưng dường như vẫn chưa nhận diện được, loại tham nhũng này có thể đặt tên là  “Tham nhũng gió”.

“Tham nhũng gió” là “mượn” hết “gió” của thiên hạ về làm của riêng, làm được như thế thì chả còn kẻ nào có thể “mượn gió bẻ măng” được nữa. Tất nhiên trên đời này chẳng có cái gì là tuyệt đối, con khỉ đá Tôn Ngộ Không bị ném vào lò bát quái của Thái thượng Lão Quân vẫn còn tìm được cửa Tốn (cửa hút gió vào lò) để tránh bị lửa thiêu, cho nên phòng bị gậy không bao giờ thừa. 

Hễ có kẻ nào nho nhe, sẵn “gió” trong túi tung cho nó một “đòn gió”, đòn gió mà kèm theo cà chua, trứng thối thì thôi rồi, đối thủ chỉ còn nước lạy bác, em chừa. Đến lúc đó nếu mà được “nghỉ hưu sớm” thì chắc phải cảm ơn ông bà ông vải đã phù hộ độ trì tai qua nạn khỏi.

Nhân dịp sắp đón năm mới, trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có lời cảnh tỉnh: “Đã có không ít cán bộ khi “đương quan” thì kẻ đón người đưa, kẻ hầu người hạ nhưng khi vừa rời ghế từ quan thì sống lầm lũi trong cô đơn. Họ hàng xa lánh, láng giềng tránh mặt, bè bạn ruồng bỏ, đồng đội quay lưng, đến cuối đời chỉ “cúi đầu lầm lũi mà đi” trong sự hổ thẹn của cháu con, họ mạc”.

Thế mới biết, đã nhăm nhe vào chốn quan trường,  biết “mượn gió” chưa đủ, còn phải biết cách tạo ra “gió”, đấy là đặc trưng tự cổ chí kim, từ đông sang tây, bậc trí giả xem chuyện đó là điều thường nhật ở chốn quan trường. 

Có điều nên nhớ, dù có nhiều “gió” thế nào chăng nữa thì cũng đừng quên “quan trí” không bao giờ cao hơn “dân trí”. Cuối đời chọn cách “tha hương cầu tĩnh” hay “cúi đầu lầm lũi mà đi”  đều không phải là để phúc cho con cháu, dòng họ.

Vậy nên ngày đông giá rét, răng rụng móm mém mà có mấy ông bạn già bên ly “cuốc lủi” nút lá chuối khô, rung đùi làm mấy cái quẩy nóng, chấm với nước phở, vừa rẻ tiền dễ nuốt, mà lại chẳng bao giờ bị nghẹn!

Tài liệu tham khảo:

 [1] http://baodatviet.vn/van-hoa/goc-nhin-van-hoa/loi-thoai-cua-tao-quan-2015-kha-dung-tuc-va-phan-cam-3229026/

[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Boris_Nikolayevich_Yeltsin

[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/220711/quan-xa-an-chan-mi-tom-va-van-hoa-xin-loi.html

XUÂN DƯƠNG