Đúng “Quy trình” và bỏ lọt tội phạm

04/10/2015 08:25
Thanh Xuân
(GDVN) - Một khi đã làm đúng quy trình thì người thực hiện công việc không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm, lỗi ở đây do “Quy trình” gây ra.

Mấy hôm nay, truyền thông rộ lên câu “đúng quy trình”, nào là “cấp phép đúng quy trình”, “bổ nhiệm đúng quy trình”,… Liên quan đến cụm từ “đúng quy trình” chỉ cần dành vài ba phút tìm kiếm có thể thấy cơ man bài báo: 

Sản phụ chết ở Bình Dương: Bệnh viện đã làm đúng quy trình?”(Congan.com.vn 8/6/2015); 

Xả lũ đúng quy trình sao dân không kịp trở tay?” (Tienphong.vn 04/10/2013) 

 “Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Đúng quy trình!” (baodatviet.vn 23/3/2015);

Bệnh viện đúng quy trình, nạn nhân tử vong do... xấu số?” (nguoiduatin.vn 14/4/2015);

Chính quyền “đúng quy trình”, 53 học sinh thất học! (?)” (Tamnhin.net 25/8/2014);

Vì “quy trình” được phổ cập như thế, được đề cao như thế, nên có lẽ phải đề nghị Hội Nhạc sĩ tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát có tên: “Quy trình ơi, sao mà yêu đến thế”.

Ý tưởng đề xuất này dựa vào câu “Thái Bình ơi, sao mà yêu đến thế” trong bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An.

Chợt nhớ dư luận từng có ý kiến về màu sắc sặc sỡ khi sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội, một vị lãnh đạo Bộ liên quan cho rằng: “Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã thực hiện đúng quy trình, có xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền và được sự chấp thuận của Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện”. 

Một khi đã làm đúng quy trình thì người thực hiện công việc không có lỗi, không phải chịu trách nhiệm, lỗi ở đây do “Quy trình” gây ra vì thế thủ phạm của mọi rắc rối chính là “Quy trình”. 

Đúng “Quy trình” và bỏ lọt tội phạm ảnh 1
Ghế bỏ trống tại hội trường họp Quốc hội

Cũng mấy hôm nay, chuyện đại biểu Quốc hội tham dự các phiên họp toàn thể vắng mặt lại được nhắc đến, Vietnamnet.vn ngày 24/9/2015 viết: “Điểm danh để ĐBQH nghỉ nhiều thấy ngượng”; một bài trên báo khác chạy cái tít khiến người đọc không khỏi giật mình: “Tìm giải pháp "siết" Đại biểu Quốc hội trốn họp”. [1]

Để trở thành đại biểu của dân phải qua một “quy trình” thẩm định gắt gao từ hồ sơ, lý lịch đến năng lực, tư cách, uy tín, lại phải được hiệp thương giới thiệu sau đó mới đến chuyện bầu cử.

Vậy sau khi trở thành đại biểu Quốc hội mà nhiều người “trốn họp” thì cần đặt câu hỏi về “quy trình” hay về Con người?

Rõ ràng không có chuyện cả con người và quy trình đều đúng mà người ta vẫn buộc phải “trốn họp”.

Khả năng cả quy trình và con người đều sai tuy có thể nhưng không tìm được dẫn chứng, chỉ còn một trong hai tình huống: Người sai, Quy trình đúng hoặc Người đúng, Quy trình sai.

Cũng còn một khả năng nói ra có vẻ hài hước là “sai … đúng quy trình”, đó là khi “trốn” nhưng điểm danh vẫn đủ, hoặc “trốn” nhưng biểu quyết vẫn không thiếu! 

Thực tế cho thấy, ở những nơi làm “đúng quy trình” chẳng mấy người bị kỷ luật, vậy nên lỗi chắc phải thuộc về “quy trình”? 

Gần đây Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có loạt bài về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết – cư trú tại TP Hồ Chí Minh, công văn, kiến nghị đã gửi đến cơ quan, đến những người chịu trách nhiệm nhưng bạn đọc vẫn chưa (hay không) nhận được câu trả lời.

Phải chăng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa thực hiện đúng “quy trình hỏi”? 

Điều 8 Luật Báo chí 1999 quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí … 

Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết
”.

Được biết ngày 30/9/2015, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội đã nhất trí thông qua báo cáo thẩm tra dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

Khoản 2 điều 15 Dự thảo Luật quy định: “Khi cơ quan, tổ chức nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đã đăng, phát trên báo chí thì trong thời hạn 30 (15) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát, người đứng đầu tổ chức phải thông báo cho cơ quan báo chí biết kết quả hoặc biện pháp giải quyết…”. 

Đúng “Quy trình” và bỏ lọt tội phạm ảnh 2

Viện trưởng Viện KSND tối cao “im lặng” trước vi phạm pháp luật của cấp dưới?

(GDVN) - Căn cứ mà Viện KSND TP. Hồ Chí Minh dùng để truy tố bị cáo hoàn toàn trái pháp luật, có dấu hiệu tội Truy cứu trách nhiệm hình sự người không phạm tội.

Phải chăng vì luật cũ đang được sửa và luật mới chưa được ban hành nên lãnh đạo cơ quan Kiểm sát chưa biết dựa vào luật nào để trả lời, sự im lặng là hoàn toàn “đúng quy trình”?

Nguyên tắc “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” là nguyên tắc tối thượng, có phải vì thế khi một tờ báo lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho công dân này thì cũng phải chú ý đến quyền lợi của “công dân khác”, sai “quy trình” tức là chuốc khó vào mình?

Việc người dân cứ “yên tâm” ngồi tù chờ các cơ quan tố tụng thống nhất quan điểm (dù chưa kết luận có tội hay không có tội) liệu có phải là hành vi “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng"? 

Độc giả Cao Xuân Lợi nêu ý kiến: “Hôm nay Báo Công an Thành phố cũng đăng về vụ án này và cũng có nhận định về việc bỏ lọt tội phạm của Công an, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 

Đề nghị lãnh đạo 2 ngành này nhanh chóng cho kiểm tra và việc cần làm ngay là cấm xuất cảnh đối với ông Yee Lip Chee. Sau đó là khởi tố và xác định xem bằng cách nào mà các ĐTV và KSV lại để cho nó ung dung lẩn tránh pháp luật lâu đến vậy?
”.

Ý kiến của độc giả Cao Xuân Lợi
Ý kiến của độc giả Cao Xuân Lợi

Liên quan đến vụ án nêu trên, ngày 3/6/2015 Báo Laodong.com.vn đã nêu câu hỏi: “Vụ án hình sự tại Cty TNHH L&M Việt Nam: Bỏ sót người, lọt tội?”. 

Báo Tienphong.vn ngày 29/5/2015 trong bài “Điều tra lại vụ kế toán trưởng “chiếm đoạt 13 tỷ đồng”  dẫn ý kiến luật sư:

Nếu hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi của ông Yee Lip Chee có dấu hiệu đồng phạm. Luật sư đề nghị HĐXX khởi tố vụ án hình sự để điều tra đối với ông Yee Lip Chee”. 

Báo Dantri.com.vn trong bài “Tổng Giám đốc ký lệnh chuyển tiền mà… không hiểu vì sao lại ký” viết:

Ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam (công ty con của L&M Singapore) xác nhận chữ ký trên hàng chục lệnh chuyển tiền là của mình nhưng… không hiểu vì sao lại ký”. 

Báo Petrotimes.vn ngày 10/6/2015 đăng bài của tác giả H.N: “Đề nghị khởi tố một người Malaysia trong vụ án lừa đảo 12 tỷ đồng”. Người Malaysia chính là Ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam, người có liên quan đến vụ án mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đang phản ánh.

Tại sao người dân và nhiều cơ quan truyền thông đã chỉ rõ những dấu hiệu bất thường của vụ án nhưng cơ quan tố tụng lại “giữ nguyên quan điểm”?

Việc điều tra, xét hỏi, khởi tố,… đương nhiên phải tuân thủ các quy trình mà pháp luật quy định. Có gì uẩn khúc đằng sau “quy trình” tố tụng mà Viện KSND TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện, chẳng lẽ người dân, luật sư và truyền thông đều sai, chỉ có bên Kiểm sát là đúng?

Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp [2] ngày 23/1/2015 có bài: “Vấn đề áp dụng biện pháp tạm giam – Một số vướng mắc bất cập và đề xuất giải pháp”.

Bài viết khẳng định: “Tình trạng tạm giam quá thời hạn” là hành vi vi phạm pháp luật. Theo bài báo “thời hạn tạm giam được xác định cụ thể ở từng giai đoạn tố tụng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều trường hợp tạm giam quá hạn, nhất là ở giai đoạn điều tra đối với một số vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và có nhiều bị can.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người bị tạm giam, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp tạm giam”.

Một công chức có trách nhiệm, biết đau với nỗi đau của người dân chắc chắn sẽ không để công dân bị ngồi tù mấy trăm ngày mà chưa thể kết thúc xét xử.

Một nền tư pháp công bằng, minh bạch liệu có nên để công dân ngồi tù chỉ vì chưa thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tham gia tố tụng?

Nếu Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh nhận thấy các chứng cứ buộc tội mà bên công tố đưa ra là không đúng tại sao không xử cho nghi phạm trắng án mà cứ phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại?

Có tội hay không có tội phụ thuộc vào các quy định của pháp luật, vào việc tranh tụng trong phiên tòa, chứ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người hay cơ quan tham gia tố tụng. 

Phải chăng “cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp tạm giam” ở TP. Hồ Chí Minh trong vụ án mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề cập không sợ “gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân”?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tim-giai-phap-siet-dai-bieu-quoc-hoi-tron-hop-3282453/

[2] http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=6395

Thanh Xuân