Tăng mức phạt vi phạm giao thông
Đó là một số nội dung của Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông do Bộ Giao thông chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ (hôm 10/9).
Theo Dự thảo, người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (tăng gấp 10 lần hiện nay).
Người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước.
Phạt tiền gấp đôi mức cũ nếu xe chở quá tải trên 150%, chủ phương tiện cá nhân vi phạm phạt từ 28-32 triệu đồng...
Công an Thanh Hóa từng áp dụng thử biện pháp dùng lưới vây bắt "quái xế" (ảnh: Dân trí). |
Cơ quan có thẩm quyền cho rằng, việc tăng mức phạt vi phạm giao thông lên gấp nhiều lần được tính toán trên yêu cầu thực tế của Việt Nam và theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm.
Mặt khác, nhiều hành vi sẽ bị xử phạt rất nặng nhằm tăng sự răn đe, giáo dục.
Theo ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, giả sử có thỏa thuận ngầm “cưa đôi” tiền phạt vi phạm giao thông với cảnh sát thì mức phạt vẫn cao đủ răn đe.
Trước đó, Hôm 27/2/2015, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia từng kiến nghị với Chính phủ về việc cho phép các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm một số quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, áp dụng từ ngày 15/3/2015.
Theo đó, một trong số nội dung trong văn bản kiến nghị, đề nghị cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ...
Tuy nhiên Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm này.
"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
Hôm 13/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm sẽ khó phát huy hiệu quả như mong muốn nếu lực lượng thực thi pháp luật còn chưa nghiêm túc trong xử lý...
Do đó, từ Dự thảo luật cho đến việc áp dụng trên thực tế cần được xem xét một cách kỹ lưỡng.
Theo Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình), Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, việc đề xuất nâng mức phạt đối với các hành vi vi phạm chỉ có thể phát huy hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể.
“Việc nâng phức phạt lên bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó việc tổ chức xử phạt có thật sự nghiêm túc hay chưa? Các hành vi vi phạm do lỗi chủ quan hay khách quan...
Xét trên mặt bằng chung, việc nâng mức xử phạt theo dự thảo này là cao so với thu nhập của người dân.
Tất nhiên trong một số trường hợp người vi phạm do lỗi chủ quan (cố ý) thì có thể áp dụng mức phạt cao mới đủ sức răn đe”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền |
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, để xảy ra tình trạng vi phạm an toàn giao thông cũng có phần lỗi từ lực lượng thực thi; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đến nơi, đến chốn...
“Ở nước ngoài, khi luật mới được ban hành, người ta thường có thời gian để hướng dẫn người dân tuân thủ pháp luật. Theo đó, người vi phạm giao thông lần đầu sẽ được nhắc nhở, sau đó mới áp dụng hình phạt.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc tuyên truyền như thế nào còn là một câu chuyện dài. Ai là người tuyên truyền? tuyên truyền phổ biến pháp luật như thế nào cho hiệu quả, để cho người dân hiểu, tuân thủ thì còn phải bàn?
Ví dụ, đối với những trường hợp vi phạm vì chưa hiểu biết pháp luật, hoặc vì lý do khách quan nào mà áp dụng ngay mức phạt cao là chưa nên”, Đại biểu Bùi Văn Xuyền lưu ý.
Trước đó, trong một bài phát biểu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan tới việc xử lý vi phạm giao thông hồi đầu tháng 3/2015, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, việc nâng mức xử phạt
đối với các hành vi vi phạm cần cân nhắc tới các yếu tố điều kiện kinh tế - xã hội, tâm lý xã hội…
“Mức phạt phải cân đối với mức xử phạt đối với các lĩnh vực khác chứ không thể tăng cao đột ngột", Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo Tiến sĩ Sơn, việc một bộ phận không nhỏ thực thi pháp luật chưa nghiêm là nguyên nhân dẫn tới tình trạng người vi phạm giao thông "nhờn" luật.
"Thậm chí vẫn còn tình trạng người ta làm luật "cưa đôi", cầm tiền rồi thả.
Tất cả những cái đó giải thích cho việc tại sao biện pháp xử lý được quy định chặt chẽ như thế, nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm, thậm chí là vi phạm nhiều…”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn nêu quan điểm.
Từ những phân tích trên, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng, đề xuất tăng mức phạt nặng các hành vi vi phạm, tính khả thi sẽ không cao.
Đâu là giải pháp?
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng, để hạn chế các hành vi vi phạm giao thông chủ yếu phụ thuộc vào tính nghiêm khắc trong xử lý vi phạm của lực lượng thực thi pháp luật.
“Tại sao người Việt Nam ra nước ngoài chấp hành các quy định về an toàn giao thông rất tốt? Trong khi ở trong nước lại xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan? Câu trả lời nằm ở lực lượng thực thi pháp luật, ý thức pháp luật của người dân.
Nếu lực lượng thực thi pháp luật nghiêm túc, không có tiêu cực thì các hành vi vi phạm sẽ có cơ hội tái diễn.
Nếu còn tình trạng “cưa đôi” mức phạt, còn đâu là thượng tôn của pháp luật? tính triệt để trong xử lý, răn đe các hành vi vi phạm khó được đảm bảo...
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho rằng, đầu tiên phải chấn chỉnh lực lượng thi hành công vụ. Sau đó, muốn đưa các hình thức xử lý khác cần cần phải xem xét nhiều góc độ của luật.
"Luật phải được thực thi một cách nghiêm túc để điều chỉnh hành vi vi phạm. Điều này thể hiện sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật.
Khi phát hiện thấy vi phải xử lý nghiêm. Còn việc tăng mức phạt như đề xuất, rất dễ đẩy xã hội vào thế cực đoan”, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn cho biết.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, để hạn chế vi phạm an toàn giao thông, cần hết sức trú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho người dân hiểu, thực thi...