Tháng 3 năm 1979, sau lệnh tổng động viên, chúng tôi - các quân nhân dự bị thuộc các trường đại học ở Thái Nguyên được biên chế thành một trung đoàn, sau một đêm chuẩn bị, sáng hôm sau trung đoàn lên hơn 40 xe Zil ba cầu hành quân lên mặt trận biên giới Lạng Sơn, đơn vị tôi chốt ở cầu Khánh Khê. Trong một chuyến tuần tra trinh sát chúng tôi rẽ vào một nghĩa trang liệt sĩ mới xây dựng. Trong mấy trăm ngôi mộ ở đấy chỉ có ngôi của liệt sĩ Lê Đình Chinh là được xây bằng xi măng, còn lại hầu hết là những nấm đất đơn sơ, nhỏ bé.
Khi Trung Quốc rút quân, trung đoàn được lệnh rút, thay thế vào đó là các đơn vị tinh nhuệ của Bộ Quốc phòng. Sau này nói chuyện với nhau, chúng tôi không biết lúc đó mình là dân quân tự vệ hay là bộ đội, chỉ biết có giặc xâm phạm bờ cõi là lên đường chiến đấu, những người còn sống trở về đã là may mắn hơn rất nhiều chiến sĩ nằm lại vĩnh viễn nơi biên cương Tổ quốc.
Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn. |
Truyền hình Việt Nam vừa phát chương trình giới thiệu về Côn Đảo và lai lịch cầu tầu 914. Có ý kiến cho rằng, con số 914 là số chiến sĩ cách mạng bị chết khi xây dựng cầu tầu này. Nghĩa trang Hàng Keo, Hàng Dương với gần 2 vạn nấm mồ không tên chỉ là một phần nhỏ trong hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ rải rác khắp mọi miền Tổ quốc. Cho đến nay vẫn chưa có một tài liệu thống kê chính xác nào được công bố.
Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều cố gắng đưa các liệt sĩ về nghĩa trang, song nhiều gia đình vẫn đau đáu một nỗi niềm không biết khi nào mới tìm được hài cốt người thân. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn các liệt sĩ, song không thể cứ để tồn tại mãi những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên.
Em trai tôi, liệt sĩ Dương Xuân Quý, là chiến sĩ trinh sát đặc công hy sinh ở chiến trường miền Nam, giấy báo tử không ghi hy sinh ở đâu, ngày hy sinh viết trên giấy báo tử sau này gia đình mới biết cũng chỉ là phỏng đoán. Một lần gặp gỡ số chiến sĩ còn lại của đại đội chú ấy ở thị xã Cẩm Phả, gia đình mới biết tiểu đội trinh sát đặc công của em tôi đi trước mở đường bị rơi vào ổ phục kích, toàn tiểu đội hy sinh, cả đại đội và tiểu đoàn cũng không biết nơi các chú ngã xuống.
Một lần vào tìm, gia đình gặp được ông Toản, quê ở Hồng Thái, Đông Triều nguyên Đại tá phó chỉ huy bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang, người cùng đơn vị với chú em tôi. Qua ông mới biết sau khi chia tay đơn vị ở Cai Lậy, tiểu đội bí mật tiến về Gò Công, từ đó đơn vị không nhận được tin tức gì, có thể cả tiểu đội bị phục kích và hy sinh ở Vĩnh Hựu. Hòa bình lập lại, việc quy tập mộ liệt sĩ có lúc vội vàng nên sau khi quy tập chính ngôi mộ người nhà ông Toản cũng không biết đặt ở chỗ nào trong nghĩa trang.
Hàng năm cứ đến ngày 27/7, chúng tôi lại sắp mâm cơm mời em và đồng đội về nhà, không biết các em có về được không, có nhận được những vật dụng mà gia đình gửi cho không, dẫu sao đó cũng là cái đạo của người đang sống.
Thủ đô Hà Nội có con đường gốm sứ, nghe nói được ghi vào sách kỷ lục Guinnes. Nếu một ngày nào đó Hà Nội có con đường Tri Ân, thay vì gốm sứ sẽ là các tấm đá hoa cương khắc tên tất cả những người con đất Việt hy sinh vì Tổ quốc, chắc chắn con đường ấy sẽ dài nhiều cây số và chắc chắn trên con đường ấy quanh năm sẽ có không ít hoa tươi.
Để làm được việc này, sẽ cần sự đóng góp của toàn Đảng, toàn dân. Có một điều thuận lợi là chính quyền thôn, xã, phường chắc chắn biết được chính xác có bao nhiêu liệt sĩ chống Pháp, Mỹ, Trung Quốc trên địa bàn.
Chỉ cần có một cơ quan nhà nước đứng ra chỉ đạo từ cơ sở lên huyện, tỉnh thống kê tên tuổi, quê quán liệt sĩ gửi về bộ phận tổng hợp, phân loại. Việc tiếp theo là chọn một con đường đặt tên là đường Tri Ân. Đó sẽ phải là con đường đi bộ với bức tường đá ghi tên các liệt sĩ. Nếu Hà Nội có kế hoạch biến cầu Long Biên thành một điểm du lịch văn hóa, hay một bảo tàng thì hai bên cầu hoàn toàn có thể thiết kế thành con đường Tri Ân.
Đất nước ta tuy chưa giàu nhưng nếu kêu gọi sự đóng góp của nhân dân, của các doanh nghiệp, của kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế thì nhất định sẽ làm được.
Xây dựng con đường Tri Ân, hôm nay tuy chưa muộn nhưng cũng không phải là sớm. Nếu sử dụng đá hoa cương khắc tên các liệt sĩ thì tên tuổi của họ có thể tồn tại hàng nghìn năm, giống như bia đá ở Văn Miếu-Quốc tử giám.
Làm được điều này, các gia đình chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ sẽ có một sự động viên an ủi khi muốn tìm đến nơi mà con em mình được Tổ quốc vinh danh. Trước mắt có thể tập trung vào việc khắc tên các liệt sĩ chưa hoặc không thể tìm thấy hài cốt.
Một bức tường đá dài nhiều cây số, với tên tuổi hàng triệu liệt sĩ sẽ không chỉ là một đài tưởng niệm mà còn là nơi giáo dục các thế hệ người Việt hàng trăm, hàng nghìn năm sau về tình yêu Tổ quốc, về cái giá đau thương mà tổ tiên phải trả đề gìn giữ non sông gấm vóc cho muôn đời con cháu.
Dưới mỗi ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên là một cuộc đời, một anh hùng, rồi có thể một ngày nào đó, bằng xét nghiệm ADN có thể trả lại tên cho liệt sĩ, nhưng còn bao liệt sĩ hy sinh nơi rừng sâu, ngoài biển khơi không thể tìm được di hài.
Không có phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, nếu tên các anh cũng không có chỗ khắc ghi thì điều đó không phải là đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, không đúng nghĩa với sự tri ân mà chúng ta thường nói và chẳng lẽ đó không phải là của lỗi của những người đang sống?
Còn một điều tôi luôn băn khoăn tự hỏi, khi các thế lực ngoại bang đang rình rập ngoài biển Đông, khi chủ quyền biển đảo đang bị gặm nhấm từng ngày thì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc rất cần kết nối trái tim những người mang dòng máu Việt. Muốn thế sự hòa giải, đoàn kết dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Theo tinh thần đó, những ai đã dâng hiến cuộc đời mình trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng cần được trân trọng, cũng cần phải được lưu danh cho hậu thế.
Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, viết nên đôi dòng suy nghĩ thay một nén nhang tỏ lòng thành kính. Người viết hy vọng tâm nguyện của mình cũng trùng với suy nghĩ của mọi con dân đất Việt.
Mong rằng một ngày không xa, các gia đình chưa hoặc không tìm thấy mộ liệt sĩ có thể tìm về con đường Tri Ân ở Thủ đô, đặt một nhành hoa thương nhớ không phải chỉ riêng cho người thân của mình mà là cho tất cả những người con vẫn còn vương vấn đâu đó trên đất mẹ./.