Tập Cận Bình: Sẽ phản ứng nếu có "khiêu khích" ở Biển Đông?!

31/05/2014 07:52
Hồng Thủy
(GDVN) - "Phản ứng theo cách cần thiết với hành động khiêu khích của các bên liên quan" trong khi chính Bắc Kinh mới là kẻ gây hấn phải chăng lại là một lời hăm dọa?
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Cận Bình.

Tờ Mizo News của Ấn Độ ngày 30/5 đưa tin, trong buổi tiếp Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm qua Thứ Sáu 30/5 ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc nói: "Tình hình Biển Đông hiện nay nói chung là ổn định, nhưng cũng nổi lên những dấu hiệu đáng để chúng ta chú ý".

Tân Hoa Xã dẫn lời ông Bình khẳng định, Trung Quốc yêu mến hòa bình và sự ổn định trên Biển Đông, Bắc Kinh không chấp nhận làm phức tạp, mở rộng hoặc quốc tế hóa các tranh chấp chủ quyền?!

"Chúng tôi sẽ không bao giờ gây rắc rối, nhưng sẽ phản ứng theo cách cần thiết đối với những hành động khiêu khích của các bên liên quan"?! Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết ông đồng ý với Tập Cận Bình về việc cần giải quyết sự khác biệt thông qua "đối thoại trực tiếp"?! Malaysia ca ngợi Trung Quốc và ASEAN là láng giềng và bạn bè tốt, Kuala Lumpur sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho mối quan hệ giữa khối với Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 30/5 cho hay, Malaysia sẽ đảm nhiệm ghế Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015 và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy sự phát triển quan hệ Trung Quốc - ASEAN.

Najib cũng cho biết Kuala Lumpur sẽ tích cực tham gia con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 mà Tập Cận Bình khởi xướng hồi tháng 10 năm ngoái. Ông Bình ca ngợi sự phát triển của quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Malaysia trong 40 năm qua, kêu gọi duy trì trao đổi các đoàn cấp cao, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát biểu của ông Tập Cận Bình rằng Biển Đông cơ bản ổn định, nhưng có dấu hiệu đáng để ông chú ý, phải chăng chính là những hành động xâm phạm nghiêm trọng vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của giàn khoan Trung Quốc Hải Dương 981?

Nếu Trung Quốc thực sự "yêu mến hòa bình" như ông nói, liệu ông có để cho cái gọi là "lãnh thổ quốc gia di động" của nước mình ngang nhiên xâm phạm vùng biển chủ quyền nước khác?

Không dừng lại ở đó, ông Bình còn bóng gió xa xôi rằng nước ông sẽ "phản ứng theo cách cần thiết với hành động khiêu khích của các bên liên quan" trong khi chính Bắc Kinh mới là kẻ gây hấn phải chăng lại là một lời hăm dọa?

Từ những phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục ôm cuồng vọng độc chiếm Biển Đông và biến nó thành ao nhà, bất chấp mọi dư luận và luật pháp quốc tế, điều mà cả nhân loại tiến bộ không ai có thể chấp nhận được.

Một động thái nữa đáng chú ý ở đây đó là việc Bắc Kinh tiếp tục giở thủ đoạn thao túng, chia rẽ đối với ASEAN khi nhằm vào nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên khối trong năm tới để dễ bề bành trướng trên Biển Đông. 

Người ta lại thấy bóng dáng của một Campuchia năm 2012 nếu thông tin Malaysia ủng hộ chủ trương Trung Quốc "đối thoại trực tiếp" với các bên liên quan ở Biển Đông mà tờ báo Ấn Độ đăng tải là chính xác.

Rõ ràng Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nơi hoàn toàn không có tranh chấp. Việt Nam đã thiện chí 20 lần liên lạc trao đổi để giải quyết vấn đề nhưng Bắc Kinh né tránh. Việt Nam khẳng định phải áp dụng mọi biện pháp hòa bình để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình, trong đó không loại trừ biện pháp pháp lý. 

Tập Cận Bình nói ông không chấp nhận "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông phải chăng là thông điệp nhằm vào điều này? - PV.

Hồng Thủy