Nếu muốn làm cho Việt Nam tốt lên, bạn phải thay đổi mình trước

16/04/2016 08:45
TS. Trần Vinh Dự
(GDVN) - Dân số nước ta vẫn đang tăng. Tỷ lệ thất nghiệp trong số các bạn trẻ đặc biệt cao, nhất là trong số các bạn có bằng đại học hoặc cao đẳng.

LTS: Các trường đại học lại chuẩn bị bước vào một kỳ thi tuyển sinh mới với nhiều thay đổi được kỳ vọng là tích cực, sau khi Chính phủ bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới. 

Một kỳ thi sẽ mở ra những cánh cửa để thí sinh chạm đến những ước mơ đầy hoài bão. 

Dưới đây là ý kiến của TS Trần Vinh Dự, Chủ tịch trường Đại học quốc tế Broward College Việt Nam. Ý kiến này, ông đã trình bày tại hội thảo dành cho thanh niên của UNESCO mới đây, với mục đích khích lệ các bạn trẻ không ngừng mơ ước và tự thay đổi bản thân để biến giấc mơ thành hiện thực. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu với độc giả!


Chúng ta đang sống trong một giai đoạn kỳ lạ của lịch sử nhân loại. Toàn cầu hóa đã trở thành sự thực. Thế giới giờ đây được kết nối với nhau một cách gần như hoàn hảo. Một diễn biến đơn độc ở một quốc gia sẽ nhanh chóng ảnh hưởng đến cả thế giới rộng lớn. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ năm 2009 đã tạo ra một cơn địa trấn về tài chính trên toàn cầu. 

Năm 2014, bệnh dịch Ebola ban đầu bùng nổ ở Tây Phi chỉ cần vài tháng đã lan khắp thế giới. 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã suy sụp trong năm 2015 và ngay lập tức đẩy Australia hay New Zealand, những quốc gia tưởng như chẳng mấy liên quan, vào khủng hoảng kinh tế.

TS Trần Vinh Dự, Chủ tịch trường Đại học quốc tế Broward College Việt Nam
TS Trần Vinh Dự, Chủ tịch trường Đại học quốc tế Broward College Việt Nam

Hàng loạt các thách thức lớn nhất hiện nay bao gồm: biến đổi khí hậu, dân số tăng, cạn kiệt tài nguyên, sức khỏe và bệnh dịch, hay hội tụ thông tin… là những vấn đề mang tính toàn cầu.

Nhìn xa hơn một chút vào tương lai, chỉ mới gần đây thôi các nhà khoa học ở New York đã chế tạo thành công những robot có khả năng sơ khai về tự nhận thức. 

Hai năm trước, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một trí tuệ nhân tạo (AI) đã vượt qua khảo nghiệm Turing (Turing Test). Với các bạn chưa biết Turing Test là gì, nó là một khảo nghiệm để xác định xem một trí tuệ nhân tạo có thể giao tiếp với con người theo cách mà con người không thể nhận biết được nó là AI hay là người thật. 

Giờ đây, người ta bắt đầu bàn tán nhiều về thời điểm kỳ dị của công nghệ (technological singularity) sắp đến gần, một thời điểm mà tương lai của loài người trở nên khó đoán, thậm chí trở thành một giống loài “lạc hậu” và sớm bị tuyệt chủng vì máy móc.

Và đối với các fan của khoa học viễn tưởng, giờ nhiều chuyện không còn là viễn tưởng nữa. NASA vừa mới tìm ra một “trái đất” mới, một hành tinh rất xa nhưng rất giống với trái đất. Điều đó làm tăng vọt khả năng có các giống loài thông minh khác đang sống đâu đó trong vũ trụ.

Nếu muốn làm cho Việt Nam tốt lên, bạn phải thay đổi mình trước ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội: “Nằm mơ thì làm sao ra lâu đài”

(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ví von dí dỏm khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp về hoạt động của Quốc hội khóa XIII và trách nhiệm của cá nhân ông.

Rõ ràng, loài người đang đứng trước một thời đại kỳ lạ. Chúng ta ngày càng trở thành một.

Các thách thức lớn nhất không còn mang tính địa phương. Chúng ta cùng đối diện nó với tư cách là một: một loài, một sự tồn tại.

Về mặt địa phương, với tư cách là một quốc gia, chúng ta cũng đang đối mặt với quá nhiều thách thức. Tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt nhanh chóng. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang lấy dần đi một phần lớn đất đai nông nghiệp. 

Nếu các dự báo là đúng, đến cuối thế kỷ này, khoảng 40% diện tích đất ở miền Nam sẽ bị nước biển xâm nhập và không thể trồng cấy được nữa. Dân số nước ta vẫn đang tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp trong số các bạn trẻ đặc biệt cao, nhất là trong số các bạn có bằng đại học hoặc cao đẳng. 

Và với các bạn còn chưa nhận thức được, thời kỳ vàng của dân số Việt Nam đang qua rất nhanh. Điều đó có nghĩa là dân số Việt Nam đang già đi. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không thể tự hào là một đất nước với dân số trẻ, và điều đó kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Thêm vào những thách thức đó, nền kinh tế của chúng ta đang bị mắc kẹt trong bẫy cân bằng thấp. Môi trường kinh doanh của chúng ta quá thiếu tính minh bạch và bị vấy bẩn bởi thủ tục hành chính rườm rà và tham nhũng. 

Hình ảnh quốc gia đang bị hoen ố bởi chính các hành vi của người Việt chúng ta, từ chuyện nhỏ như quên không nói lời cảm ơn, không biết xếp hàng, không biết nói nhỏ nơi công cộng, đến những chuyện tày đình như trộm cắp, buôn lậu, băng đảng nơi xứ người.

Về mặt cá nhân, người Việt trẻ cũng đang gặp một thời kỳ gian khó. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ đi vào kỷ nguyên tự do lưu chuyển lao động trong khối ASEAN. Cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động, vốn đã nghiệt ngã, sẽ còn trở nên nghiệt ngã hơn nhiều. 

Trong khi đó, hơn 80% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Việt Nam năm 2015 có điểm tiếng Anh dưới 5 điểm (theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Hệ thống đại học và cao đẳng của chúng ta quá lạc hậu và những sinh viên ra trường hầu như không có kỹ năng gì để bắt đầu ngay vào làm việc trong một nền kinh tế hiện đại.

Với tư cách là một người Việt trẻ, các bạn nên làm gì? Với tư cách là người đi trước và đã từng là sinh viên giống các bạn, tôi có 2 điều gửi gắm quan trọng muốn chia sẻ với các bạn trẻ.

Gửi gắm thứ nhất là một câu nói của Mahatma Gandhi thời trước: “Be the change you wish to see in the world” – “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”. 

Nếu bạn muốn làm cho Việt Nam tốt lên, thì bạn phải tự mình tốt lên trước đã. Trong thời kỳ lạ lùng này, thách thức cũng đưa đến nhiều cơ hội.

Nếu muốn làm cho Việt Nam tốt lên, bạn phải thay đổi mình trước ảnh 3

Lãnh đạo mộng mơ, người dân trả giá

(GDVN) - Chính quyền Azerbaijan sống trong hiện tại bằng những gì thuộc về quá khứ và khi quá khứ không còn gì để bán thì họ bán luôn cả tương lai.

 
Nhờ có toàn cầu hóa mà chưa bao giờ trong lịch sử của Việt Nam, thế hệ trẻ có thể dễ dàng đến các nước phát triển để học tập, kiếm việc trong các tập đoàn toàn cầu, sống và trải nghiệm các nền văn hóa khác, và khám phá thế giới.

Năm ngoái, công việc cho tôi cơ hội được tham gia buổi phỏng vấn cấp học bổng của Broward College Việt Nam cùng với một số giáo sư người Mỹ và Úc. 

Một trong những ứng viên là một nữ sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông đến từ Lâm Đồng. Khả năng nói tiếng Anh của cô bé miền núi có thể nói là hoàn hảo. Bài viết của cô bé cũng hoàn hảo. 

Thái độ và phong cách của cô bé cũng đầy tự tin và chân thành. Khi được hỏi bằng cách nào mà cô bé có thể học được Anh ngữ tốt như vậy, cô bé trả lời rằng mình hoàn toàn tự học lấy. 

Chúng tôi hỏi tiếp tại sao muốn học Broward College, cô bé trả lời rất thật rằng trong gia đình đã có chị họ học đại học công lập, rồi học thạc sĩ, cuối cùng ra trường đi làm chỉ có mức lương 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Vì thế, cô muốn học một trường quốc tế để sau này không bị rơi vào “vết xe đổ” của chị. 

Cuối cùng, cô gái bé nhỏ đến từ cao nguyên đã được nhận học bổng 80% từ Broward College.

Một cô bé có thể nghĩ được như thế, quyết tâm cao như thế, thì không có lý do gì các bạn ngồi đây không làm được. 

Các bạn là những người trẻ tuổi và tài năng. Các bạn đừng mất công ngần ngại, đừng nhìn lại, hãy cố gắng, tìm kiếm một cơ hội, và khi tìm được, hãy nắm chắc lấy nó. Hãy biết nắm bắt lợi thế độc đáo này của toàn cầu hóa. 

Không có cách nào tốt hơn để tiến bộ bằng việc trải nghiệm nó trong những đất nước phát triển hơn, có thể là Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Đức, hay một quốc gia nào đó khác.

Một điều cần ghi nhớ là bạn vừa là người Việt, nhưng cũng là một công dân của thế giới. Là một công dân toàn cầu không phải là việc tự nhiên mà chúng ta phải học. 

Điều đó là cần thiết vì các vấn đề toàn cầu không thể được giải quyết bởi các não trạng địa phương thiển cận. Tuy nhiên, một tầm nhìn toàn cầu không nên chỉ là một lựa chọn có tính toán, mà nó cần phải đến từ chính trái tim của các bạn, rằng con người dù ở đâu, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, hay bất cứ thứ gì khác biệt, cũng đều có quyền được tôn trọng và bình đẳng như nhau.

Gửi gắm thứ hai của tôi là một chút lý thuyết mà tôi chợt nhớ đến khi nhìn vào biểu tượng của chương trình ngày hôm nay. 

Biểu tượng của chương trình này là cánh bướm màu xanh. Một trong những học thuyết nổi bật được nhiều người nhắc đến của thế kỷ 20 là lý thuyết về sự hỗn loạn (chaos theory).

Theo lý thuyết này, sự khác biệt rất nhỏ tại điểm khởi đầu có thể dẫn tới những kết quả khác biệt vô cùng lớn. 

Ví dụ hay được nhắc tới là sự vỗ cánh của một con bướm nhỏ cũng có thể làm lệch hướng một cơn bão lớn xảy ra vài tuần sau đó tại một đại lục xa xôi.

Nếu muốn làm cho Việt Nam tốt lên, bạn phải thay đổi mình trước ảnh 4

Nguy cơ khủng hoảng thừa đại học

(GDVN) - Đại học ở Việt Nam mấy chục năm dù đáp ứng được nhu cầu học tập của đại bộ phận người dân nhưng lại gặp phải phản ứng dữ dội từ thị trường lao động.

Ý tôi muốn nói là gì? Chúng ta đều muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nhưng chúng ta thường kỳ vọng người khác làm hộ chúng ta việc này. 

Một phần vì chúng ta nghĩ mình là người bình thường, và một người bình thường thì không thể làm gì ảnh hưởng đến tương lai của thế giới. 

Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng chúng ta không cần phải làm một vĩ nhân mới có thể thay đổi thế giới.

Thế giới luôn luôn được thay đổi bởi những điều nhỏ bé mà hàng tỉ con người, trong đó có bạn và tôi, đang hàng ngày hàng giờ thực hiện.

Để phụng sự đất nước này, để giúp nhân loại tồn tại và phát triển, các bạn hãy bắt đầu ngay từ ngày hôm nay, bằng những việc làm tưởng như đơn giản và tầm thường của mình. 

Đừng vội nghĩ đến những chuyện lớn lao, hãy hình thành những thói quen mới và tốt hơn cho cá nhân mình, hãy dành một chút thời gian nhỏ mỗi ngày nghĩ về các vấn đề của xã hội, hoặc làm một việc nhỏ gì đó có ích cho cộng đồng. Những việc làm đó, giống như những cánh bướm bé nhỏ, sẽ có ngày tạo ra cơn bão lớn làm thay đổi thế giới.

Và điều đó không phải là một thứ lý thuyết hão huyền.  Nó được chứng thực ngay trên đất nước chúng ta. 

Sự thức tỉnh và lên tiếng mạnh mẽ của các bạn trẻ, các bà nội trợ tại Hà Nội trên các mạng xã hội vào năm 2015 đã khiến chính quyền thành phố này phải ngừng kế hoạch chặt hạ hàng nghìn cây cổ thụ ven đường, để giờ đây vào mùa Hè, người dân Hà Nội vẫn còn được tận hưởng bóng mát còn sót lại của các tán cây đã tồn tại hàng trăm năm. Để lũ trẻ nhỏ vô tư nô đùa trên những vỉa hè rợp bóng mát cây xanh trong tiếng ve vào Hạ.

Câu chuyện những người thợ đào giếng cứu một bé gái 7 tuổi bị lọt xuống giếng sâu 8m ở Bình Dương đã đem lại sự xúc động to lớn đối với cộng đồng người Việt. 

Hình ảnh những người thợ lưng trần, miệt mài đào bới trong 9 giờ liên tục để cuối cùng cứu sống được em bé, trong tình huống nghìn cân treo sợi tóc không những là biểu tượng cao đẹp của nhân tính, mà còn làm lay động trái tim con người, biết quan tâm và theo dõi để biết rằng điều tốt vẫn còn hiện diện khắp nơi, để tự thấy mình xấu hổ và cần phải sống có trách nhiệm hơn.

Chúng ta cần nhiều hơn những nỗ lực như thế, dù nhỏ bé, nhưng hàng ngày, hàng giờ đóng góp sức mình, để cùng nhau tạo nên những thay đổi lớn, để cuộc sống dần tốt đẹp hơn, hướng thiện hơn. Thế giới này đang rất cần thay đổi. Đất nước này đang rất cần thay đổi! 

Tôi rất tâm đắc một câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi, nguyên văn tiếng Anh là: “Be the change you wish to see in this world”, nghĩa là “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”! 

Mong rằng từng người trong các bạn, vừa dưới danh nghĩa cá nhân, vừa đứng bên nhau thành một tập thể, hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này.

Và hàng ngày, hàng giờ, không ngừng góp nhặt, bằng những hành động nhỏ bé của mình, để tạo thành một cơn bão lớn đem đến sự đổi thay thực sự cho tương lai của đất nước.

Xin cảm ơn các bạn đã lắng nghe và chúc các bạn đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp!

- TS Trần Vinh Dự sinh năm 1977,  tốt nghiệp cử nhân Kinh tế năm 1999 và làm giảng viên Đại học Kinh tế, thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội từ năm 1999-2001. 

Ông nhận bằng Thạc sĩ Kinh tế năm 2003 và Tiến sĩ Kinh tế năm 2007 tại Đại học Texas tại Austin (University of Texas at Austin). Quá trình học tập và nghiên cứu của ông tại đây được tài trợ toàn bộ bởi quỹ học bổng Harvard Yenching, thuộc Đại học Harvard.

- Đại học quốc tế Broward College có trụ sở chính tại tiểu bang Florida, thuộc miền Đông Nam Hoa Kỳ.

TS. Trần Vinh Dự