Lãnh đạo mộng mơ, người dân trả giá

19/01/2016 14:07
Ngọc Việt
(GDVN) - Chính quyền Azerbaijan sống trong hiện tại bằng những gì thuộc về quá khứ và khi quá khứ không còn gì để bán thì họ bán luôn cả tương lai.

Ngày 15/1 The Guardian đưa tin: “Chính phủ nước Cộng hòa Azerbaijan đã buộc phải cắt giảm thuế đối với các loại thực phẩm thiết yếu sau các cuộc biểu tình rộng khắp đất nước, khi cuộc sống của họ rơi vào túng bấn bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, mà rõ ràng nhất là giá cả của những mặt hàng thiết yếu như bột mì và bánh mì tăng vọt những tháng gần đây.”

Có thể thấy rằng, nhờ vào nguồn lợi do xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt nên Chính quyền Azerbaijan đã đảm bảo đất nước ổn định trong một thời gian khá dài - từ khi Liên Xô tan rã và quốc gia này tuyên bố độc lập năm 1991 – do người dân được nhà nước chia cho phúc lợi. 

Tuy nhiên, chính việc “sẵn của” như vậy nên khiến cho Chính phủ tại Baku không có những chính sách phát triển kinh tế phù hợp, ngoài việc khai thác những gì thiên nhiên ban tặng cho họ. Từ kinh tế, chính trị, xã hội đến quan hệ đối ngoại của nhà nước Azerbaijan đều phụ thuộc vào “dầu và khí” của nước này.

Và điều này đã phản tác dụng khi giá dầu giảm thê thảm. Chính phủ Azerbaijan đã không thể đối phó kịp thời với tình hình sau những năm dài “sống trong mơ mộng”. Họ bế tắc trong việc tìm lối ra cho nền kinh tế đất nước. 

Người dân Azerbaijan đang sống trong khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế - mà nguyên nhân do chính quyền kém cỏi và bế tắc. Ảnh: The Guardian.
Người dân Azerbaijan đang sống trong khó khăn bởi khủng hoảng kinh tế - mà nguyên nhân do chính quyền kém cỏi và bế tắc. Ảnh: The Guardian.

Để tồn tại và vận hành được, chính phủ nước này đã thực hiện việc tối kỵ khi giải quyết khủng hoảng kinh tế đó là tăng thuế đối với những sản phẩm, những mặt hàng mà trong cuộc sống thường ngày người dân không thể không sử dụng. Thế là lòng dân dậy sóng.

Khi sự chịu đựng vượt quá giới hạn đã làm cho người dân Azerbaijan có hành động phản kháng và đương nhiên Chính phủ có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề.

“Quân đội đã được gọi đến để giải tán cuộc biểu tình ở một số thành phố trong tuần này, với lực lượng an ninh dùng hơi cay chống lại người biểu tình ném đá và bắt giữ hàng chục người bao gồm cả các nhà hoạt động đối lập”, theo The Guardian.

Đè đầu dân để tồn tại

Có thể thấy rằng, cùng với Uzbekistan, Azerbaijan là một trong hai nhà nước thuộc Liên Xô cũ có tình hình chính trị khá ổn định từ khi tuyên bộ độc lập cho đến nay, cho dù mọi thứ chỉ là tương đối. Tuy nhiên với những gì đang xảy ra trong hiện tại, dường như sự ổn định ầy đã chấm dứt. Xã hội Azerbaijan đang mâu thuẫn và xung đột.

Việc mâu thuẫn xã hội có nguyên nhân từ khó khăn trong cuộc sống của người dân và hoạt động của chính phủ do nguồn lợi từ khai thác dầu giảm liên tục. Song từ mâu thuẫn hình thành nên xung đột xã hội thì xuất phát từ mục đích những biện pháp của chính phủ hướng tới người dân, trong đó  có việc làm khổ người dân để chính quyền có thể tồn tại là nguy hiểm nhất.

“Những bất ổn xã hội gia tăng sau khi giá trị của đồng tiền quốc gia – manta - giảm quá mạnh so với đô la Mỹ, người dân bị thiệt hại nặng do lạm phát tăng cao và tình trạng thất nghiệp. Doanh thu từ dầu mỏ - nguồn lợi xuất khẩu lớn nhất của Azerbaijan – giảm mạnh đã làm cho nền kinh tế rơi vào khủng hoảng”, The Guardian bình luận.

Chính quyền Azerbaijan trong một thời gian dài đã không tìm cách xây dựng  một nền chính trị ổn địnhh bền vững, mà giới chính trị tại Baku chỉ chú trọng đến việc xây dựng một mô hình quyền lực mang tính gia đình trị, cha truyền con nối. Khi Tổng thống Haydar Aliyev “băng hà” thì Ilhan Aliev - con trai ông – được chỉ định là người kế vị, là ứng cử viên duy nhất tranh cử.

Dân chúng Arezbaijan cùng các đảng phái đối lập phản đối thì chính quyền đã có những hành động “dẹp loạn”. Tuy nhiên, xã hội lúc đó không tạo nên xung đột một phần vì phe đối lập yếu thế và một phần do chính phủ dùng lợi nhuận từ khai thác tài nguyên là trọng tâm nội dung của chính sách “yên dân”.

Tổng thống Azerbaijan Ilhan Aliyev – người được xem là độc tài và yếu kém trong quản lý và điều hành đất nước. Ảnh: The Guardian.
Tổng thống Azerbaijan Ilhan Aliyev – người được xem là độc tài và yếu kém trong quản lý và điều hành đất nước. Ảnh: The Guardian.

Một đất nước Azerbaijan dù có động nhưng không có biến trong một thời gian khá dài.

Tuy nhiên, lúc này giá dầu mỏ và khí đốt giảm xuống quá thấp, sản lượng khai thác trên thế giới quá dư thừa thì nó không còn là thứ đảm bảo cho chính quyền Azerbaijan ổn định được nữa. Với một chính quyền chỉ sống nhờ vào “của có sẵn” thì khi hết của sẽ trở nên lung túng, thiếu những giải pháp phù hợp điều hành đất nước trong thời buổi khó khăn.

Trong thế bế tắc, chính quyền quen “mộng mơ” Azerbaijan đã “đòi lại” người dân những gì mà chính quyền đã chia cho dân thông qua các biện pháp đánh vào cuộc sống hàng ngày của họ, mà cụ thể là tăng thuế vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Ngoài ra, do trước đây có tiền do dầu và khi mang lại nhiều nên chính phủ điều hành kinh tế theo ý muốn, dùng biện pháp hành chính để kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế, nay do quá khó khăn nên chính phủ Azerbaijan đã nhanh chóng thả nổi nền kinh tế để nó vận hành theo cơ chế thị trường tự do.

Thế là nền kinh tế của Azerbaijan như quả bong bóng xì hơi, mà thể hiện ra là tỷ lệ lạm phát tăng vùn vụt. Chỉ hơn một tháng mà đồng tiền mất giá gần một nửa -  sự khủng khiếp đối với một xã hội mà gần một phần tư thế kỷ được tạo thế ổn định. Cuộc sống của người dân cũng lao dốc nhanh theo sự tuột dốc của nền kinh tế.

“Đồng manat đã giảm hơn 42% so với đồng USD trên thị trường chợ đen kể từ khi Ngân hàng Trung ương xóa bỏ hỗ trợ cho đồng nội tệ hồi tháng trước, sau khi đã bơm hết hơn một nửa dự trữ ngoại tệ của chính phủ trong một nỗ lực để chống đỡ cho đồng manat vì giá dầu sụt giảm. Các loại tiền tệ giảm 33% trên thị trường chính thức”, theo The Guardian ngày 15/1.

Dùng bạo lực với dân sẽ phải trả giá

Do cách thức quản lý và điều hành đất nước kém hiệu quả, Chính phủ Azerbaijan đã đưa người dân đất nước này vào những khốn khó. Tuy nhiên, thay vì tìm những cách thức tốt nhất để kêu gọi người dân chung lưng đấu cật để vượt qua thời điểm khó khăn của đất nước, thì chính quyền Baku đã không làm như vậy. 

Chính quyền Azerbaijan đàn áp người biểu tình. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Azerbaijan đàn áp người biểu tình. Ảnh: Reuters.

Có lẽ chính quyền Azerbaijan quá tự tin vào sức mạnh của chế độ với quân đội và an ninh có thể giải quyết mọi vấn đề. Vì vậy, họ sẵn sàng làm tất cả những gì thể hiện điều ấy. Thế là chính quyền Azerbaijan đã chọn đứng về phía đối lập với người dân đất nước này trong cảnh cùng cực.

“Các nhà chức trách tuyên bố rằng cuộc biểu tình hôm Thứ Ba và Thứ Tư là bất hợp pháp, họ nói rằng lực lượng an ninh đã bị buộc phải bắt giữ người biểu tình để bảo vệ các quyền hiến định của công dân và đảm bảo an toàn công cộng", The Guardian tường thuật.

Đây thể hiện sự non kém trong lãnh đạo của chính quyền tại Azerbaijan. Họ quen sống trong mộng mơ với những gì có được từ việc bán của có sẵn mà cha ông để lại, trong đó có cả phần của con cháu họ. Chính quyền Azerbaijan sống trong hiện tại bằng những gì thuộc về quá khứ và khi quá khứ không còn gì để bán thì họ bán luôn cả tương lai.

Có thể thấy rằng, chính quyền Azerbaijan đang tự đưa mình vào tình thế nguy hiểm khi họ chọn giải quyết khó khăn của đất nước bằng việc làm khổ người dân. Ho giải quyết mâu thuẫn xã hội bằng lựa chọn đối lập với nhân dân. Và họ chọn giải quyết xung đột bằng chính những công cụ sức mạnh của quyền lực nhân dân.

Có thể thấy rằng chính quyền Azerbaijan đang sai lầm trong thế cùng đường khi họ chọn đối dầu với nhân dân Azerbaijan – những người đã trao cho họ quyền năng để đại diện cho chủ quyền quốc gia và đảm bảo lợi ích dân tộc. 

Tuy nhiên, nhân dân Azerbaijan trao quyền lực cho chính quyền Azerbaijan thì họ cũng có thể tước bỏ quyền lực ấy nếu chính quyền không khẳng định được vai trò của mình đúng với ý nguyện của nhân dân.

Cho dù hiện nay tình hình tại nước Cộng hòa Azerbaijan vẫn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ, nhưng việc phải dùng tới lực lượng an ninh để đối phó với người biểu tình vì “cái ăn” thì rõ ràng chính phủ đã trở nên xa dân, đối lập với người dân. 

Việc cắt giảm thuế có thể chỉ là biện pháp tạm thời của Chính phủ Azerbaijan nhằm xoa dịu lòng dân mà thôi. Bởi lẽ cho đến giờ này, chính quyền Baku vẫn chưa có được biện pháp nào khả thi trong việc đưa đất nước ra khỏi bế tắc, ngoài việc sử dụng những biện pháp mạnh để dẹp loạn.

Đặc biệt giá dầu thô càng ngày càng giảm thê thảm và sẽ chưa thể dừng lại khi Iran – một nước có sản lượng dầu thô rất lớn vừa được xóa cấm vận - sẽ cung cấp thêm một lượng dầu thô nữa cho thế giới. Điều đó sẽ làm cho Chính phủ Azerbaijan càng thêm quẫn bách và việc quay lại làm khổ người dân sẽ là biện pháp đầu tiên nhất mà họ sẽ làm. 

The Guardian ngày 22/12/5015 đã dẫn lời nhà kinh tế Natiq Cafarli, thành viên đảng Cộng hòa Alternative đối lập tại Azerbaijan: "Đây là một tình huống đau khổ đối với người dân cả nước chúng tôi. Đây là một thảm họa đối với đất nước chúng tôi".

Vậy là, từ một chế độ được lòng dân, nay Chính quyền Azerbaijan đã đánh mất lòng dân chỉ trong chốc lát mà nguyên chính là sự mộng mơ trong quản lý và điều hành đất nước trong những năm qua. Có thể thấy rằng nếu chính phủ Arezbaijan không nhanh chóng thay đổi các biện pháp khẳng định quyền lực là đảm bảo cuộc sống của người dân thì ngày tàn của họ có thể nhìn thấy trước.

Ngọc Việt